Thứ hai, 30/12/2024,


Đàn ông đi chợ thiếu gì người ta (29/03/2010) 

ANH ĐI CHỢ

 

Anh đi chợ mấy hôm rày

đỡ đần đôi chút những ngày em đau

chợ xa nào ngại gì đâu

nắng xiên khoai ngọn cỏ nhàu chiều hôm

 

Vợ chồng ít ỏi đồng lương

ở nhà em chớ có buồn có lo

người giàu mua chả kén giò

mình nghèo mớ tép, nắm ngò cũng xong

 

Qua rồi cái buổi lượn vòng

vài đồng tiền mỏng khiến lòng so se

qua rồi cái buổi rụt rè

ngó sau trông trước sợ e đủ điều

 

Bây giờ đến quán đến lều

vài lần mua bán ít nhiều quen đi

em đừng khổ sở làm chi

đàn ông đi chợ thiếu gì người ta

 

Bàn chân cát bụi đường xa

nắng xiên khoai nắng ngày qua lại ngày

mồ hôi đổ xuống mắt cay

đời sao vẫn cứ đơm đầy yêu thương.

 

Ngân Vịnh

 

 

            Đúng như anh chồng trong thơ Ngân Vịnh nhận xét: “đàn ông đi chợ thiếu gì người ta”. Có điều người đàn ông đàng hoàng xách giỏ đi chợ trong thế giới nghệ thuật thi ca không hiểu sao lại chỉ xuất hiện ở môi trường thơ Đà Nẵng, với bài “Đàn ông đi chợ” rất dễ thương của Trần Khắc Tám và bài lục bát “Anh đi chợ” trên đây của Ngân Vịnh. 

 

            Có một người vợ trong bài thơ “Anh đi chợ” đang buồn lo thậm chí khổ sở không phải vì bệnh tình của chính mình mà vì cám cảnh anh chồng phải thay mình đi chợ. Có mấy duyên cớ khiến chị phải buồn lo khổ sở như vậy: một là thương chồng phải đi chợ đường xa, hai là thương chồng phải tủi thân bởi đồng tiền mỏng, ba là thương chồng phải ngượng ngùng vì lẽ đàn ông (mà lại) đi chợ. Đúng hơn anh chồng đang hình dung những điều vợ anh lo nghĩ về anh và tìm cách “phản biện” để trấn an vợ. Lý sự cơ bản của anh là mọi chuyện đã khác trước: “qua rồi cái buổi lượn vòng - vài đồng tiền mỏng khiến lòng so se - qua rồi cái buổi rụt rè - ngó sau trông trước sợ e đủ điều”, kể cả chuyện đàn ông đi chợ cũng không còn cá biệt.

 

Tuy nhiên điểm sáng thẩm mỹ của bài thơ lại nằm ở chỗ anh chồng tự kể khổ, nào là “bàn chân cát bụi đường xa”, nào là “nắng xiên khoai nắng ngày qua lại ngày”, nào là “mồ hôi đổ xuống mắt cay”. Dễ nhận thấy mấy chữ “ngày qua lại ngày” dường như không phù hợp lắm với người chỉ mới “đi chợ mấy hôm rày”. Có vẻ như mấy chữ này - và hết thảy mấy cái nhọc nhằn này - anh dùng để kể khổ thay cho người đi chợ đường xa quanh năm suốt tháng. Đứng trên quan điểm bình đẳng giới, chắc là những người đấu tranh cho nữ quyền cũng chưa thật sự hài lòng với sự đỡ đần tạm thời của anh chồng trong thơ Ngân Vịnh, bởi với một người vợ luôn ý thức rằng đàn ông đi chợ là chuyện không bình thường - tức là chuyện của riêng mình/giới mình - thì nhất định rồi cũng sẽ đâu vào đó. Thế nhưng đứng trên quan điểm nghệ thuật, cái tình của anh chồng đi chợ trong bài thơ này rất đáng trân trọng, nhất là khi cái tình ấy được bộc lộ giãi bày từ một trải nghiệm bản thân hết sức thấm thía./.  

 

Lời bình của Hà Bằng An

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: