Dưới góc nhìn hẹp, quy chiếu câu chuyện chiêm mộng như một môtíp trong sáng tác văn chương, như thao tác “kỹ thuật” của người cầm bút và phần nào cắt nghĩa từ phía văn hoá, chúng tôi thấy đó là bộ phận gắn với đời sống tâm linh của con người xưa nay.
Giới thuyết về mộng và chiêm mộng
Theo giới nghiên cứu, mộng và chiêm mộng là một trong những hiện tượng văn hoá thần bí xuất hiện sớm nhất của nhân loại.
Vậy mộng là gì? Chiêm mộng là gì? Tại sao lại sinh ra mộng và chiêm mộng?
Qua các tài liệu liên quan đến vấn đề trên, trong sự hiểu biết rất hạn hẹp, chúng tôi xin có đôi điều giới thuyết về câu chuyện mộng và chiêm mộng.
Trước hết là căn nguyên sinh mộng và quan niệm về mộng. Vương Phù cuối thời Đông Hán là một nhà tư tưởng tiến bộ. Ông bàn về đoán mộng (1), bốc thẻ, phù chú... khá nhiều. Vương Phù cho rằng, sinh ra mộng của con người có căn nguyên của sinh lý, bệnh lý và nguyên nhân về tâm lý tinh thần. Về mặt sinh lý, mộng liên quan đến các cơ quan, bộ phận của cơ thể người và sự hoạt động của những cơ quan đó. Về mặt bệnh lý, mộng liên quan đến tình trạng bệnh trong cơ thể con người. Ví dụ Viên Văn đời Tống một đêm bỗng mơ thấy nửa thân thể của ông bị chặt ngâm chìm trong nước, nửa thân bị chôn cắm vào đất. Sau khi tỉnh mộng, nghĩ lại, thấy rất lạnh, ông kéo chăn phía trên xuống nửa thân phía dưới của, mình nửa thân trên bị lạnh, vì thế mà mơ thấy bị dìm xuống nước. Cả chân của ông đè lên nửa thân dưới của ông nên ông mơ thấy bị chôn vùi vào đất. Nếu do từ bệnh lý mà sinh mộng thì người ta cho rằng, liên quan đến tri thức về y học của người Trung Hoa.
Người ta có bệnh gì thường mơ điều ngược lại. Nếu bệnh về dương (nóng) thì mơ thấy lạnh. Bệnh về âm (lạnh) lại mơ thấy nóng. Vì thế bệnh khác nhau tất mộng sẽ khác nhau. Về mặt tâm lý tinh thần liên quan đến mộng là do sự tác động của ngoại giới đối với ý thức con người biểu hiện trong hoạt động của con người hoặc nguyện vọng, sở thích... của mỗi người trong một hoàn cảnh nào đó... Những yếu tố trên “không có vấn đề” gì, khiến con người phải “ẩn ức” thì không sinh mộng. Mộng chỉ xuất hiện khi những ý thích, hoạt động,... đó không được thoả mãn khiến người ta luôn nghĩ về nó. Khổng Tử sinh ra giữa thời loạn, ngày ông nghĩ đến đức của Chu Công nên đêm ông mơ thấy Chu Công (Khổng Tử mộng Chu Công).
Nhiều ý kiến cho rằng hiện tượng mộng bắt nguồn từ quan niệm “vạn vật hữu linh”. Người nêu ra lý luận đó là E.P. Taylor - cha sinh của ngành nhân loại học. Thuyết này được giới khoa học ngày nay dùng nó soi chiếu, cắt nghĩa chuyện mộng của thời viễn cổ. Người ta coi mộng là linh hồn. Con người khi sinh ra đã có linh hồn cư trú sẵn trong thân thể, khống chế sự hoạt động của thân thể. Khi ta ngủ mơ là lúc linh hồn ra khỏi “khiếu” đi du chơi. Khi linh hồn trở về là ta tỉnh dậy. Nếu người ta chết là hồn thoát xác mà bay lên. Sách Lễ ký của người Trung Hoa cũng nói vậy. “Người ta chết xương thịt tan vào đất còn khí dương bay lên trong sáng rực rỡ” (Tử tất qui thổ, cốt nhục, tệ ư hạ, âm vi giã thổ, kỳ nhi phát dương, ư thượng vi chiêu minh). Khí dương ở đây là chỉ phần linh hồn. Đấy cũng là một trong nguồn gốc tín ngưỡng thờ Thần của người Trung Hoa.
Quan niệm trên cũng cho rằng, linh hồn không mất đi mà tồn tại độc lập khi xương thịt đã mất. Giấc mộng là chứng minh cho sự hoạt động tự do của linh hồn con người. Vì thế nó vô cùng thần bí.
Khi bàn về mộng, dưới cái nhìn khoa học thì mộng là hiện tượng tâm sinh lý bình thường. Khi ta ngủ, có một số điểm của não hưng phấn không bị ức chế toàn diện và triệt để nên nó tiếp tục hoạt động mà sinh ra mộng. Chính vì những nhân tố của các điểm hưng phấn có liên quan đến tác dụng của những vết hằn do những kích thích quá mạnh của tri giác, cảm giác trước hiện thực khách quan trước đây của con người, cho nên những cảnh mộng nói chung có mối liên hệ nhất định với cảnh lao động, sinh hoạt,... thường ngày. Do đại bộ phận vỏ đại não ở vào trạng thái bị ức chế mà những điểm hưng phấn trở nên bị cô lập. Điểm nọ với điểm kia mất đi sự liên hệ hữu cơ, thường nối lại với nhau bằng một phương thức kỳ lạ, ít ngờ nhất nên giấc mộng thường có tính hoang đường. Cũng bởi thế, nằm mộng được quan niệm là linh hồn hoạt động mà thân thể con người không hoạt động.
Sigmud Freud - người sáng lập phân tâm học thì cho rằng mộng là sự biểu hiện, thậm chí là sự thực hiện những dục vọng bị kìm nén của con người. K.Jung - đồ đệ của S. Freud coi “mộng là sự thể hiện một cách tự nhiên và tượng trưng cái thực trạng của vô thức”. Mộng thuộc vùng vô thức, chệch ra ngoài vùng kiểm soát của ý thức con người.
Như vậy có linh hồn mà sinh mộng, linh hồn là gì? Linh hồn được giải thích là “Sự tinh sảng trong tâm, tức “hồn phách”. Hồn là khí dương, phách là khí âm. Hồn phách rời nhau là ốm. Hồn phách đi hết là chết.
Còn chiêm mộng là gì? Sách Trung Hoa giải thích: “Chiêm là nhìn bói (bốc), là hỏi vào mộng để từ đó đoán hoạ, phúc. Chiêm liên quan đến triệu của mộng (điềm mộng). Triệu (hay điềm) là cái lộ ra hình thức bên ngoài. Thời xưa người ta dùng mai rùa để bốc, bằng cách đốt mai rùa để bốc, bằng cách đốt mai rùa cho nó nứt thành các đường có hình dạng khác nhau. Nhìn (chiêm) vào những đường nứt đó mà đoán tốt xấu gọi là điềm (triệu). Ví dụ Kiều mơ gặp Đạm Tiên và chiêm mộng (đoán mộng). Nàng đoán rằng đó là điềm hung:
Cứ trong mộng triệu mà suy,
Thân con thôi có ra gì mai sau.
Người viễn cổ dùng thuật chiêm mộng (phép chiêm mộng) như một phương tiện để thực hiện chức năng tôn giáo, chính trị. Từ thời nhà Tần bước vào ngưỡng cửa văn minh, giới cầm quyền đã biết dùng chiêm mộng để quyết định việc chính trị.
Xin lấy một dẫn chứng minh hoạ: Chu Văn Vương đi thị sát ở đất Tạng, phát hiện ra một người câu cá có tài trị quốc, muốn thu dụng về với mình nhưng sợ các đại thần không chấp thuận.
Người xưa cũng cho rằng, qua chiêm bói nhận được lời mách bảo của thần thánh để gặp phúc, tránh hoạ... Chức quan chuyên đoán mộng đã ra đời. Thuật đoán mộng phát đạt nhất trong văn hoá thần bí Trung Hoa. Người ta nói có từ thời Hoàng Đế nhưng ghi chép đầu tiên có lẽ là từ thời Ân. Sau đó, theo dòng chảy lịch sử nó không ngừng tuôn chảy tới thời Tần, Hán và mãi sau này dưới các thời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, với những biểu hiện khác nhau xung quanh “văn hoá mộng và chiêm mộng”.
Chiêm mộng cũng được chia ra làm nhiều loại khác nhau tuỳ theo tiêu chí của mỗi học giả. Vương Phù, chia ra mười loại như bệnh mộng , cảm mộng, tính mộng... Giới khoa học hiện đại phân chia ra mộng tiên tri, mộng thần giao cách cảm, mộng linh tính, mộng thần thoại (3).
Đôi lời giới thuyết về chiêm mộng cho thấy, từ thời viễn cổ cho đến nay, nhân loại vẫn chưa thể tìm được cách cắt nghĩa tường minh, ngắn gọn và thống nhất về hiện tượng mộng và chiêm mộng. Huyền ảo, bao la, xa vời hư thực... là những gì con người nhận được từ thế giới ảo mộng.
Chiêm mộng ảnh hưởng tới sáng tác văn học, trước thuật khá sâu rộng qua mấy ngàn năm văn hoá Trung Hoa. Đề tài về chiêm mộng có từ Kinh thi, rồi thơ ca Đường, Tống, hý khúc, tiểu thuyết thời Minh, Thanh. Ví như Mộng Lý Bạch của Đỗ Phủ. Thơ Lục Du có khoảng 160 bài liên quan đến mộng. Thang Hiến Tổ sáng tác Hàm Đan mộng, Nam Kha mộng, Thẩm Ký Tế có Chẩm mộng ký. Đặc biệt là kiệt tác Hồng lâu mộng của Tào Tuyết Cần...
Mượn mộng ảo để nói chuyện thực, mượn mộng ảo để giải toả bế tắc trong cuộc đời, lấy mộng để phúng dụ... đem lại cho văn học mộng ảo sự hấp dẫn và nhân sinh sâu sắc.
Yếu tố chiêm mộng trong sáng tác truyện thơ Nôm
Khảo sát khoảng 50 truyện thơ Nôm thời trung đại, chúng tôi nhận thấy chiêm mộng xuất hiện trong 26/50 sáng tác (52%). Đó là con số không nhỏ.
Chúng tôi phân loại chiêm mộng thành ba loại sau đây:
Thứ nhất: Chiêm mộng thần thoại (8/25 truyện).
Thứ hai: Chiêm mộng mang tính tiên báo (9/25 truyện).
Thứ ba: Chiêm mộng tôn giáo (9/25 truyện).
Chiêm mộng tham gia vào cấu trúc cốt truyện, vào số phận đường đời nhân vật. Ngoài ra, nó còn gợi lên những về đề về tư duy nghệ thuật, về tâm li ước vọng của con người thời trung đại và “kỹ thuật” cấu trúc của người cầm bút…
Có thể thấy, motip chiêm mộng thần thoại thường xuất hiện trong phần giới thiệu lai lịch nhân vật. Ở đó các bà mẹ chiêm bao thấy những sự kỳ lạ rồi sau đó mang thai hoặc sinh con. Kiểu sinh mộng này mang dấu ấn văn hoá cổ xưa. Người xưa quan niệm, con người là tích tụ được năng lượng vũ trụ; trời đất sinh ra “Nhân giả, kỳ thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí” (người ta là cái đức của trời đất, sự gặp gỡ của âm dương, sự hội tụ của quỷ thần, cái khí tốt của ngũ hành - Lễ ký). Khi chấp bút để ghi lại sử nước nhà, ngòi bút người xưa đã thể hiện tư tưởng này khá rõ qua điềm sinh thánh nhân từ lúc các bà mẹ mang thai. Chẳng hạn, Thái hậu Ngô Thị khi còn là tiệp dư “đi cầu tự, mơ thấy mình đến chỗ Thượng đế, Thượng đế sai một tiên đồng xuống làm con. Tiên đồng chần chừ mãi không đi, Thượng đế giận lấy cái hốt ngọc đánh vào trán chảy máu, sau bà tỉnh dậy, sinh ra vua (Lê Tư Thành - Lê Thánh Tông). Trên trán vua còn giấu vết lờ mờ, như thấy trong giấc mơ mãi đến khi chết, vết ấy vẫn không mất” (4)...
Huyền thoại về sự ra đời của các bậc thánh nhân, hoàng đế thường gắn với mục đích chính trị, đem lại thiên hạ một niềm tin vững chắc vào chân mệnh đế vương. Ở đó, đế vương trở thành người được thượng đế lựa chọn, chỉ định để cai trị thiên hạ. Tác giả truyện thơ Nôm lấy những môtíp sẵn có ấy “lắp” vào câu chuyện của mình nhằm thần thánh hoá nhân vật. Motíp chiêm mộng cũng tham gia vào trường đoạn giới thiệu lai lịch của những nhân vật xuất thân nghèo khó. Ví dụ Lãnh Tân, một người cày cuốc ở thôn quên, mơ thấy sân nhà mình rơi đầy tuyết màu đỏ, sau đó tỉnh mộng, thấy vợ sinh con gái, liền đặt tên con là Giáng Tuyết (Bình - Sơn - Lãnh Yến).
Điềm mộng sinh con còn được giải mã từ góc độ khác. Đó là bóng dáng của tôtem giáo thời viễn cổ. Con người cho rằng, tổ tiên mình là con vật, cỏ cây gì gì đó... Theo nhiều nhà nghiên cứu, con rồng và con rắn thời xưa được ghép đôi cùng nhau. Rồng được sinh ra từ rắn. Dù rắn là con vật có thực, rồng là con vật huyền thoại. Long xà có đặc tính giống nhau: mình dài, có vẩy, ngủ mùa đông. Sau đó, các biểu tượng này phai dần ý nghĩa tôtem giáo, gắn với tính chính trị và thế tục. Rồng là thần vật có thể nói ra điều hung cát, đại diện cho ý trời. Rồng là con vật linh thiêng để cầu mưa. Rồng được coi như thánh nhân. Rồng gắn với vua. Vua phải có uy quyền lớn. Bao quanh giấc mơ về đế vương họ thêu dệt phần lớn là chuyện con rồng. Mẹ Hán Cao Tổ Lưu Bang thường sống bên bờ hồ lớn. Bà mơ gặp thần lúc gió mưa, ngẩng lên thấy rồng phủ lên trên bà, bà mang thai sinh ra Lưu Bang. Ông có râu rồng, mắt rồng (Sử ký - Tư Mã Thiên). Đế vương và rồng, rồng và đế vương như cặp song sinh vậy.
Trong truyện thơ Nôm Thạch Sanh, Thạch Sanh là thái tử Ngọc Hoàng đầu
Những nhân vật trên sau này đều trở thành những nhân vật tài tử, giai nhân, hoặc hoàng phi, đế vương. Chiêm mộng làm sáng rõ kiểu tư duy của người cầm bút, sự chi phối của tư duy thần thoại.
Chiêm mộng trong truyện thơ Nôm còn là những chiêm mộng tiên báo số phận, đường đời nhân vật. Ở đó, chiêm mộng như yếu tố “kỹ thuật” của người viết văn, đồng thời tham gia vào cấu trúc cốt truyện. Giấc mộng với ý nghĩa tiên báo khá rõ. Chàng Tú Uyên đến cầu duyên ở đền Bạch Mã, linh ứng qua thần báo mộng. Sau đó chàng mua được tranh tiên nữ về nhà. Chiêm mộng tham gia vào khởi đầu gặp gỡ giữa nam phàm và tiên nữ (Bích Câu kỳ ngộ).
Ở đây, nghệ sĩ mượn giấc mộng để bày tỏ khát vọng yêu đương của con người, thực hiện giả tưởng tình yêu nam nữ. Một số chiêm mộng tiên báo thường xuất hiện ở chặng chia ly trắc trở hay tai biến của nhân vật. Sau những lời tiên đoán đó, thường báo hiệu tương lai ở chặng đường tiếp theo. Đó là kiểu chiêm mộng có chức năng thoả mãn ước mơ công lý hoặc kết thúc có hậu kiểu “happy end” của người Tây Âu... Như thế, yếu tố chiêm mộng góp phần hoàn kết cuộc đời nhân vật, hoàn thiện cấu trúc cốt truyện để có màn đoàn tụ. Ở cốt truyện Song Tinh, Dã Hạc và Thanh Vân (gia đồng của Song Tinh) được thần sông báo mộng cứu Nhụy Châu bị nạn để sau đó đưa nàng về quê của Song Tinh ở Thục Xuyên. Châu Tuấn xa nước mười bảy năm, chàng xót thương người vợ tao khang nơi quê nhà, tuyệt vọng vì sinh ly, chàng liền mộng thấy Phật mách bảo viễn cảnh sum họp (Thoại Khanh - Châu Tuấn):
“Trời đã thêm phước cho rày,
Vợ chồng thăng thọ hưởng đầy trăm năm”.
(Thoại Khanh - Châu Tuấn, D. 481 - 482)
Hạnh Nguyên trên đường đi Hung Nô nằm mộng thấy Chiêu Quân ở miếu thờ. Chiêu Quân báo cho Hạnh Nguyên biết tiền đồ tốt đẹp (Nhị độ mai):
“Rồi ra về đến quê mình,
Sau đây phu quý phụ vinh vẹn tròn”.
(Nhị độ mai, D.1169 - 1170)
Nàng Nguyệt Nga tự vẫn, Quan Âm báo mộng, dặn dò nàng “nương náu qua tháng ngày”, chờ ngày tái hợp cùng Lục Vân Tiên (Lục Vân Tiên):
“Đôi ba năm nữa gần đây,
Vợ chồng sau cũng sum vầy một nơi”.
(Lục Vân Tiên, D.1527 - 1528)
Lục Vân Tiên mơ tiên ông ban linh dược và mắt của chàng sáng lại.
Một số sáng tác truyện thơ Nôm mượn yếu tố chiêm mộng tôn giáo thần bí nhưng thực ra lại in đậm màu sắc thế sự. Chẳng hạn, oan hồn nàng Xuân Nương báo mộng cho cha mẹ về cái chết bi thương của mình, khiến thủ phạm là mẹ chồng bị đưa ra phán xét (Lâm Sanh - Xuân Nương):
"Mẹ chồng giết trẻ ra ma,
Chôn bên đường cái hơn ba ngày rày".
(Lâm Sanh - Xuân Nương, D.531 - 532)
Nàng Vũ Thị Thiết trung trinh phải lấy cái chết tỏ lòng trong sạch, oan hồn hiện về trong giấc mộng chàng Trương (Nam Xương liệt nữ Vũ Thị) Đoàn dân tình đói rách xuất hiện đông đúc trong chiêm mộng của ông tiều, ông ngư giúp Nguyễn Đình Chiểu bộc lộ thái độ phê phán xã hội đương thời (Ngư tiều y thuật vấn đáp).
Với những truyện trên, chiêm mộng giúp con người thực hiện ước mơ công lý khi họ bất lực trước các thế lực cái ác và cái xấu.
Chiêm mộng tôn giáo còn mang tính tiền định đối với con người. Chiêm mộng "lái" cốt truyện rẽ những lối bất ngờ. Sĩ Vương trong mơ gặp thần ngăn cản không cho chặt cây dung thụ làm đền. Cây đó phải để tạc tượng Phật (Sự tích Đức phật chùa Dâu). Qua giấc mộng, truyện còn cho thấy sức mạnh của Phật giáo trong đời sống tinh thần thời ấy. Nho giáo chịu nhường bước. Phạm Công bỗng thấy dải lụa bay về trong mơ rồi sau đó Cúc Hoa chết (Phạm Công - Cúc Hoa). Đức vua được thiên sứ đem sắc mệnh Ngọc Hoàng ấn định lấy phải Cảnh Yên đỗ trong kỳ ứng thí. (Phương Hoa). Nhàn Vân đến thăm Tôn Các giữa chốn lâm tuyền; giấc mộng của Nhàn Vân đánh thức mộng công danh của Tôn Các vốn đã ngủ yên trong bốn năm. Sau chiêm mộng, cốt truyện rẽ sang lối khác. Cảm hứng lãng mạn, bay bổng phai nhạt, tư tưởng Nho giáo thắng thế. Nhân vật từ thế giới tự do khép mình vào khuôn mẫu theo tiếng gọi công danh. (Bạch Viên Tôn Các).
Đặc biệt đối với Truyện Kiều của Nguyễn Du, chiêm mộng của Thuý Kiều về Đạm Tiên được liên kết thành mạch kể xuyên suốt cốt truyện. Có mở đầu, phát triển và có kết thúc. Đạm Tiên "bám riết", chi phối cuộc đời Kiều. Tiên đoán, tiền định, hư hư, thực thực... là những tính chất, màu sắc đa dạng của chiêm mộng. Nguyễn Du lái câu chuyện về phía thân phận cầm ca kỹ nữ.
Đối với một số sáng tác, chiêm mộng còn là điểm tựa tôn giáo, là nguyên cớ để tạo ra cốt truyện giả tưởng hoàn toàn. Tư duy nghệ thuật của người cầm bút không tách rời câu chuyện chiêm mộng. Mai đình mộng ký là những dòng ghi chép giấc mộng ở Mai đình. Cốt truyện diễn tả một hoài niệm tốt đẹp của cựu thần nhà Lê vọng về quá vãng lịch sử. Câu chuyện bao phủ một màn khói sương hư ảo chập chờn trong mộng mị của bản thân tác giả. Nhân ngày xuân, Nguyễn Huy Hổ đậu thuyền ở bến Phù Thạch, rồi ông nằm mộng thấy cuộc tao ngộ giữa mình cùng với phu nhân và tiểu thư họ Lê ở đình thưởng mai. Qua đôi điều tâm sự, chủ và khách đều nhận ra họ là bề tôi của nước cũ (Lê triều). Rõ ràng, mượn chiêm mộng, Nguyễn Huy Hổ bày tỏ nỗi ai hoài thế cuộc. Giống như bao kẻ sĩ Bắc Hà thời đó, họ nuối tiếc nước cũ không bao giờ có thể phục hưng được. Bà Thanh Quan, Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái,... là những con người cùng tâm sự như Nguyễn Huy Hổ.
Đào hoa mộng ký lại ghi về giấc mộng của hồn hoa đào. Tác phẩm này là "hậu thân" của Đoạn trường tân thanh. Toàn bộ cốt truyện được cấu tứ từ chiêm mộng của một cô gái có tên Lan Nương. Nàng ham mê đọc sách, đặc biệt là cuốn Kim - Vân- Kiều. Sau nhà nàng có một vườn đào gần trăm cây hoa. Rồi một đêm, Lan Nương thấy thần hoa đào báo mộng. Họ là hàng chục cô gái xưa kia phải làm kỹ nữ bị giáng trích xuống trần gian làm thần hoa đào. Lời thần mộng báo cho Lan Nương biết rõ tiền kiếp của nàng (là Thuý Kiều) và câu chuyện hôn nhân sau này ra sao... Tất cả hệ thống nhân vật của Đào hoa mộng ký đều là hậu thân các nhân vật trong Đoạn trường tân thanh. Thể hiện câu chuyện chiêm mộng trong Đào hoa mộng ký, tác giả bày tỏ niềm tin tuyệt đối vào triết lý Phật giáo qua các kiếp luân hồi của nhân vật. Sáng tác này cũng mượn chiêm mộng tôn giáo để thoả mãn khát vọng của con người, ước mơ công lý của con người. Chiêm mộng vừa là yếu tố "kỹ thuật" vừa ảnh hưởng quan niệm hồn mộng của người xưa. Tôn giáo - Phật giáo ở đây được nhìn nhận từ một góc khác, mang ý nghĩa nhập thế tích cực. Tôn giáo thay toà án công lý định đoạt số phận con người, theo quy luật ác giả, ác báo giúp con người lấy lại công bằng.
*
Trở lên chúng tôi đã khảo sát yếu tố chiêm mộng trong sáng tác thể loại truyện thơ Nôm dưới ngòi bút nghệ sĩ trung đại. Có thể thấy, bắt nguồn từ quan niệm của con người thời viễn cổ, yếu tố chiêm mộng tạo thành dòng chảy không đứt đoạn qua các thời kỳ lịch sử cổ đại, trung đại và cả thời hiện đại (thật nhiều tác phẩm liên quan đến mộng mị như Trại Bồ Tùng Linh - Thế Lữ, Lan rừng - Nhất Linh, Am culixe - Làng - Thanh Tịnh, Sương sớm ngoại ô - Lê Nguyên Ngữ...
Vô thức và hữu thức, trần thế và cõi thiêng có ranh giới mờ mỏng. Yếu tố chiêm mộng trong truyện thơ Nôm là một môtíp xuất hiện gắn với những ý đồ nghệ thuật khác nhau của người cầm bút. Nó tiếp nối dòng quan niệm về hồn mộng của người viễn cổ kết hợp với ước vọng của con người. Yếu tố chiêm mộng tham gia tiến triển của cốt truyện, số phận đường đời nhân vật. Chiêm mộng lý giải thái độ của con người trong ứng xử với tôn giáo... Những hiện tượng nháy mắt, ù tai, nhện sa, cá nhảy, bóng đè, chiêm mộng... là những hiện tượng đã và đang xảy ra đối với con người. Đó là sự thực trong cái thần bí khó lý giải. Dưới góc nhìn hẹp, quy chiếu câu chuyện chiêm mộng như một môtíp trong sáng tác văn chương, như thao tác “kỹ thuật” của người cầm bút và phần nào cắt nghĩa từ phía văn hoá, chúng tôi thấy đó là bộ phận gắn với đời sống tâm linh của con người xưa nay.
TS. Nguyễn Thị Nhàn
-------------------
Tài liệu tham khảo:
(1), (2), (3) Xem Diêu Vĩ Quân, Diêu Chu Huy, Bí ẩn chiêm mộng và vu thuật (bản dịch), Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, 2002.
(4) Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2 (bản dịch), Nxb. Khoa học xã hội. 1998, tr. 397.