Chủ nhật, 22/12/2024,


Hai câu lục bát ở hoài bên nhau (21/03/2010) 

LỤC BÁT GỬI MÌNH

 

 Con cò bay lả bay la
Chở câu lục bát của ta gửi mình
Câu thơ vẹn nghĩa đậm tình
Câu tám là mình, câu sáu là ta.


Câu trên câu dưới chung hoà
Hai câu ghép lại thành ta với mình
Hai câu như bóng với hình
Ngắn dài cũng vẫn là mình với ta.

Câu thơ ngày tháng đi qua
Đơn sơ mộc mạc xót xa quê nghèo
Bờ tre thao thức trăng treo
Lời ru man mác buồn theo đêm dài...


Biết rằng còn có ngày mai
Hai câu lục bát ở hoài bên nhau
Xin người đừng bẻ ngang câu
Bỏ vần lỡ nhịp cho đau lòng mình.


Câu thơ câu nghĩa câu tình
Hồn quê lắng đọng trong mình trong ta
Con cò bay lả bay la...

Vũ Ngọc Phàn


 

       Bài thơ quả thực là hay, vừa mang hơi hướng thơ tình, vừa mang đậm tính triết lý sâu sắc.
      Đúng như tác giả đã viết, câu thơ Lục Bát thường đi đôi với nhau như 'mình' thường sánh vai, chung đôi với 'ta' vậy.
      Câu Lục là ta, câu Bát là mình. Lục-Bát đồng nghĩa với Ta-Mình chăng?
      Thôi thì Ta nhường cho Mình là câu Bát, vì Mình là một nửa của Ta, nhưng chiếm nhiều tình cảm và nơi gửi gắm niềm thương yêu tha thiết của Ta nên Mình phải nhiều hơn Ta , như câu Bát phải nhiều chữ hơn câu Lục vậy.

Câu thơ vẹn nghĩa đậm tình
Câu tám là mình, câu sáu là ta

      Dù dài hay ngắn thì cũng là mình với ta cả thôi, là hai nửa ghép lại để thành một thể hoàn chỉnh. Nếu chỉ câu Lục hay câu Bát đứng riêng lẻ thì sao mà thành câu lục-bát được, cũng như ta đứng lẻ một nơi, còn mình đứng riêng một nơi thì sao chúng mình có thể thành đôi! 

Câu trên câu dưới chung hoà
Hai câu ghép lại thành ta với mình
Hai câu như bóng với hình
Ngắn dài cũng vẫn là mình với ta

      Câu trên và câu dưới 'chung hoà', theo tôi hiểu nghĩa là hai câu chung tình với nhau, hoà đồng với nhau. Như vậy, theo nghĩa này thì 'chung hoà' cũng hay.
     Nhưng nếu ta đổi hai chữ 'chung hoà' thành 'dung hoà', tôi nghĩ còn hay hơn. Bởi vì hai câu thơ phải vần với nhau, phải dung hoà với nhau. Nếu câu này cứ thích vần này, câu kia thích vần khác thì hai câu chẳng còn vần với nhau được nữa. Như thế thì làm sao thành thơ Lục bát.
     Câu Lục gieo vần ở chữ thứ sáu trước, để rồi chữ thứ sáu của câu Bát phải gieo vần theo, hoặc khi biến thể thì chữ thứ tư câu Bát phải vần theo.
     Cũng như trong cuộc sồng gia đình, anh nói thì em nên theo, chúng mình phải dung hoà, nhường nhịn nhau thì mới hoà hợp duyên nghĩa vợ chồng.
     Các cụ nói: 'Phu xướng phụ tuỳ', hay ' thuyền theo lái, gái theo chồng', có đúng quy luật ấy thì gia đình mới hạnh phúc, duyên phận mới hanh thông, ' thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn'.
     Hiểu như vậy mới thấy tác giả ví câu Lục là 'anh', câu Bát là 'em',  mới chính xác và tuyệt vời làm sao!
     Ta hiểu rằng, câu Lục câu Bát luôn ở hoài bên nhau “vì còn có ngày mai”, và còn có những câu khác nữa để thành bài thơ.
     Cũng như Ta với Mình, xây dựng hạnh phúc tương lai, chúng mình cũng ở bên nhau, gắn với nhau như keo sơn, chung thuỷ vậy. Lúc vui buồn, sướng khổ ta có nhau, rồi tình yêu, tình nghĩa vợ chồng sẽ đơm hoa kết trái. Chúng ta sẽ có những đứa con hiếu thảo, ngoan hiền, chúng sẽ  là chất keo gắn liền tình chồng-vợ:

Biết rằng còn có ngày mai
 Hai câu lục bát ở hoài bên nhau

     Không ai có thể chia rẽ mình với ta, bởi chúng mình là duyên trời định, một tình yêu hoàn chỉnh, một tình cảm tương đồng, một mối tình khăng khít không thể tách rời như câu thơ Lục bát.
     Đã không ai, không thi nhân nào nỡ tách rời hai câu Lục Bát với nhau, để làm đau lòng mình, cũng như không ai muốn tác rời Mình-Ta để đau lòng ta và nỗi đau cho người thân bè bạn. Thế mà có người đang tâm bẻ đôi câu Lục, bẻ đôi-ba câu Bát, để rồi đôi câu Lục-Bát chẳng còn vẹn nguyên nữa rồi:

Xin người đừng bẻ ngang câu
Bỏ vần lỡ nhịp cho đau lòng mình!

     Gần đây, có người thích phá cách thơ Lục bát, muốn 'bẻ đôi câu thơ', như nhiều bạn đọc gần đây từng nêu ý kiến để bảo vệ Thơ Lục bát truyền thống. Phá cách là cái mới, bẻ đôi câu thơ là cái mới, chúng ta ủng hộ cái mới. Nhưng hãy cảnh giác, có cái mới là hay, nhưng cũng có cái mới là dở.
      Điều đó có thể chiêm nghiệm rằng, Câu thơ Lục bát truyền thống gồm hai câu Lục và Bát đã thành Quốc hồn, Quốc tuý, sống cùng với dân tộc, tồn tại cùng dân tộc, đã lan truyền sâu rộng trong dân gian hàng ngàn năm nay rồi. Có thể nói Thơ Lục bát đã được thử thách qua chặng đường dài lịch sử dựng nước và giữ nước, qua suốt thời gian của bao đời, bao thế hệ tổ tiên của người Việt chúng ta.
      Bài thơ tình lãng mạn nhưng mang đầy tính triết lý về thể thơ Lục bát.
      Tôi nghĩ rằng, khi đọc bài thơ này bạn đọc sẽ yêu thể Thơ Lục bát truyền thống hơn bao giờ hết. Có như vậy, chúng ta mới giữ gìn bản sắc dân tộc của Thơ Lục Bát, và có như vậy chúng ta mới có cơ sở đề nghị UNESCO công nhận Thơ lục bát của ta là Di sản văn hoá thế giới. 
  

Nguyễn Đức Trường

suthuthach@gmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: