Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng: Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
(Đây là văn bản khá phổ biến ở các sách Văn học dân gian, có thể còn nhiều dị bản khác).
Trong kho tàng ca dao Việt
Bài ca dao ra đời trong xã hội phong kiến, phản ánh những mâu thuẫn giữa bọn địa chủ bóc lột và người nông dân nghèo khổ. Và Thằng Bờm không thể hiểu đơn giản là một đứa bé nhà quê mà là hình ảnh tượng trưng cho cách ứng xử của người nông dân xưa với bọn phú ông gian xảo. Thằng Bờm mang dáng dấp một truyên ngụ ngôn, chứa đựng triết lí sống của người nông dân trong xã hội phong kiến.
Ngày ấy,giai cấp thống trị, bóc lột luôn xem người nông dân khờ dại và ngu dốt, rất dễ bị bắt nạt, lừa gạt. Nhưng qua bài Thằng Bờm, cha ông ta đã minh chứng cho điều ngược lại. Họ có thể là thiếu tiền, thiếu học nhưng không hề thiếu vốn sống, thiếu sự khôn ngoan, thông minh trong ứng xử với bọn Phú ông.
Đọc Thằng Bờm ta như nghe một câu chuyện vui đầy kịch tính.
Nói đến Thằng Bờm, ta dễ liên tưởng đến một đứa bé con nhà nông dân , một đứa bé hồn nhiên chất phác. Thằng bé chỉ có một món tài sản thô sơ, quê mùa, chỉ là cái quạt mo, nhưng là thứ cần thiết và đắc dụng trong mùa hè. Trẻ em khi đọc bài này, nhiều em cứ ngỡ cái quạt ấy là cái quạt thần, quí báu lắm. Nhưng thật ra, đó chỉ là cái quạt mo cau bình thường - mà mo cau thì rụng đầy đường làng ngõ xóm. Rất dễ dàng làm cái quạt mo nếu chịu bỏ ra chút công sức. Nhưng Phú ông thì muốn có mà không muốn bỏ ra công sức. Bọn chúng có muốn chừa cho người nghèo cái thứ gì! Hành động xin đổi của phú ông chính là thực hiên âm mưu chiếm đoạt ấy.
Hãy thử tưởng tượng, trong một buổi trưa oi nồng, thằng Bờm ngồi phe phẩy quạt mo dưới bóng tre xanh, thật mát mẻ và khoan khoái! Tình cờ lão Phú ông đi ngang, và thấy, và thèm muốn cái quạt , thế là lão nảy ra ý định chiếm lấy cái quạt của thằng bé. Chắc lão nghĩ rằng , lừa một thằng bé mà có khó gì. Lão đã chẳng lừa được bao nhiêu người khôn ngoan khác trong đời lão rồi đấy thôi. Vậy là lão lên tiếng :
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu.
Phú ông đã dùng vật chất để dụ dỗ lòng tham của Bờm. Hắn quá biết rằng “Dưới cái mồi thơm tất có con cá chết”. Nhưng rồi hắn ngỡ ngàng. Thằng Bờm đâu dễ bị lừa gạt. Cái mồi thơm “Ba bò chín trâu” ấy không làm Bờm mê đắm. Nó cũng học được lời răn dạy cuả cha ông, đừng nên “thả mồi bắt bóng”. Vì thế Bờm đã lắc đầu và trả lời bằng một câu nói nhỏ nhẹ mà dứt khoát:
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy trâu.
Lão Phú ông chắc đã tưng hửng vì bất ngờ. Nhưng lão đâu có chịu thua, lão khôn róc đời, không dụ được cái này, thì ta dụ cái khác, thế nào mà chẳng có cái làm thằng bé mê tít:
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Nhưng rồi sau bốn lần thả câu, món mồi cứ thay đổi ngày càng ít hơn nhưng cụ thể hơn, thiết thực hơn mà thằng Bờm vẫn thản nhiên lắc đầu:
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mồi .
Hãy tưởng tượng cái vẻ ung dung, có dáng bề trên của Bờm và cái vẻ xun xoe, ngon ngọt của kẻ dưới là phú ông mà thấy hả hê vì sự chín chắn, khôn ngoan của nó. Phú ông lúc này vẫn kiên nhẫn ,vẫn nhún nhường, nài nỉ, xin đổi cho bằng được cái quạt mo.
Ở đây đã có sự đổi vai, Thằng Bờm nghèo khổ đang đứng trên mà chọn lựa mà quyết định cái mình muốn, nó có quyền lắc đầu từ chối, có quyền cho lão nhà giàu một bài học cay đắng : Không phải có tiền là mua được tất cả. Tưởng tượng đến cái mặt tiu nghỉu vì thất bại của hắn mà xem, thật đáng thương hại!
Rõ ràng Bờm đâu có ngu ngốc. Nó không đổi cái quạt mo nhỏ bé mà nó đang có, đang hiện hữu trên tay, lấy cái lớn hơn, quí giá hơn mà xa ngoài tầm tay bởi vì nó học được bài học của cha ông “ Tham thì thâm”.
Thế là sau bốn lần xin đổi, Phú ông cũng không thể gạt được thằng Bờm. Lần này lão khôn ngoan hơn, lão chuyển sang xin đổi một thứ thiết thực, cụ thể hơn đối với nó:
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
Nụ cười của Bờm mới đẹp làm sao. Xin đừng nghĩ rằng mọi việc đã ngã ngũ, Bờm đã đồng ý chịu đổi. Bờm chỉ cười thôi mà.
Bờm cười .Nụ cười ấy chứa đựng điều gì? Phải chăng Bờm thú vị vì đã dồn ép được lão Phú ông . Không cho hắn nói những điều dối trá thường ngày, phải trở về với cách nói chân thật của người nông dân. Phải trả sự vật trở về với giá trị thật của nó. Cái quạt mo chỉ đáng giá với cái nắm xôi. Đó là sự trả giá nghiêm túc và sòng phẳng, có thể chấp nhận được.
Xin hãy đọc lại bài ca dao:
Thằng Bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy trâu
Phú ông xin đổi ao sâu cá mè.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mè
Phú ông xin đổi một bè gỗ lim.
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy lim
Phú ông xin đổi con chim đồi mồi
Bờm rằng : Bờm chẳng lấy mồi
Phú ông xin đổi nắm xôi, Bờm cười.
Xin hãy giữ lại nụ cười của thằng Bờm trong tâm hồn chúng ta để mà hả hê, mà thán phục, mà quí trọng một bài học ngụ ngôn của cha ông ta gửi cho con cháu đời sau qua bài Thằng Bờm: Hãy sống đơn giản và chân thật, đừng tham lam thả mồi bắt bóng mà bị bọn gian ác, xấu xa lừa gạt. Bài học ấy hẳn vẫn còn giá trị trong thời buổi kinh tế thị trường hôm nay!
Nguyễn Bá Phiếu
(Email: ngbphieu@gmail.com)
Đinh Lăng - dinhlangt@gmail.com - 016.77.987878 - 18 Trần Phú, Tuy Hòa
(Ngày 19/03/2010 10:38:10 AM)
Anh Nguyễn Bá Phiếu đã viết đúng. Lâu nay, về Bờm nhiều người hay gán cho cậu ta "dại dột', "ngây thơ"...và khi một người nào làm một việc hơi khác thì bị cho là "Bờm quá!". Nhưng Bờm không ngây thơ một chút nào cả. Bờm biết giá trị thật của cái quạt mo (dưới góc độ kinh tế). Bờm không hề bị phỉnh nịnh, không bị mắc lừa. Bờm đã hành xử một cách đúng đắn, khôn ngoan. Do vậy hình ảnh của Bờm với chiếc quạt mo và nụ cười thật đáng yêu. Trí tuệ dân gian Việt thật là tinh tế và sâu sắc.
|