Thứ ba, 31/12/2024,


Lương tâm và trách nhiệm (18/03/2010) 

BIA VẪN TRẮNG
            

Ai biết mộ anh ở đâu

Đường mòn heo hút từ lâu vắng người

Núi không nói được thành lời

Rừng không giữ được dấu nơi anh nằm.

Tuần nhang mẹ thắp đêm rằm
Nỗi đau lằn vết tháng năm đợi chờ
Trong lòng đất, nắm xương khô
Trong lòng mẹ, một nấm mồ còn xanh.
Khẳng khiu cây bởi gãy cành
Ở đâu? Ai biết mộ anh bây giờ…

Trống không một khoảng bàn thờ
Nghĩa trang phần mộ chơ vơ không người.
Bia vẫn trắng, cỏ vẫn tươi
Mẹ còng lưng suốt một đời nỗi đau.

 

Ai biết mộ anh ở đâu?


Bùi Kim Anh

 

 

      Có những bài thơ, mà nay ta gặp nhiều trên báo, trên các tập thơ in bìa rất sang trọng, trên mạng, đọc qua rồi quên ngay. Bởi sao vậy? Đó là những bài thơ không vần, không nhịp, nội dung thì chẳng có gì, nên dù có cố nhớ, cố thuộc cũng bó tay chấm com.
       Thế nhưng, đọc bài thơ lục bát “Bia vẫn trắng” của Nhà thơ Bùi Kim Anh, tôi không tài nào quên được. Đọc xong rồi, tôi đọc lại, rồi đọc lại lần nữa. Đọc trên trang lucbat.com, tắt máy tính rồi mà hình ảnh bài thơ vẫn vương vấn mãi, không tài nào quên nổi.
       Có phải chăng đây là bài thơ của một nhà thơ nữ, thơ trữ tình, mang đậm nữ tính và trái tim rất nhạy cảm với nỗi đau của cuộc đời. Tôi đã từng đọc thơ chị trên báo, nhiều báo nên không nhớ là đã đọc ở báo nào. Tôi vẫn ám ảnh câu thơ: “Chợ người chẳng bán người đâu
/ Dãi dầu bán cái dãi dầu mà thôi”.  Câu thơ đã được nhiều nhà thơ bình luận và đã có đôi điều phát hiện về câu thơ hay này. Ngoài ra, chị còn nhiều câu thơ hay về nhân tình thế thái nữa.

       Có phải chăng người làm thơ đã từng là người nhiều năm đã làm mẹ, nên chị có một tâm lòng người mẹ thật bao dung và tràn ngập tình thương. Nên chính thế chị đã đồng cảm với hình ảnh Bà Mẹ bạc tóc chờ con bao nhiêu ngày tháng. Nhiều bà mẹ nhận giấy báo tử  của con mà vẫn không chịu tin con mình đã chết. Từ ấy, mẹ thường ngồi tựa cửa suốt ngày dài, suốt đêm thâu mong con của mẹ trở về. Đứa con của mẹ lúc nào cũng là những thằng Tí, thằng Cu… bé xíu thuở nào, đi chơi đùa với chúng bạn rồi lại chạy về làm nũng mẹ. Dù mười năm, hai mươi năm, hay cả thế kỷ đi chăng nữa, thì con của mẹ vẫn là những đứa trẻ trong lòng mẹ. Vì vậy, ngạn ngữ có câu: “Đứa con yêu trong lòng mẹ không bao giờ già”. Trong cuộc sống, ta thường gặp những bà cụ vẫn coi đứa con, kể cả trai lẫn gái, của mình nay đã cao tuổi, bạc đầu rồi mà vẫn như còn bé bỏng.

        Đại thi hào Gớt ( Đức), tác giả Phao-xtơ, có câu thơ gửi Mẹ: “ Đứng trước mẹ dịu hiền chân chất/ Con thấy mình bé bỏng làm sao”.

        Người lính ra trận, người mẹ rất thương con, muốn con ở nhà bên mình, nhưng Tổ quốc gọi, vì cuộc sống của muôn người, mẹ vẫn nuốt giọt lệ nhớ thương vào trong lòng.  Mẹ vẫn sẵn sàng gửi núm ruột của mình ra tiền tuyến. Thế rồi, người con ra đi không bao giờ trở lại. Hình ảnh của người con trong lòng mẹ vẫn trẻ trung nhưng cái ngày đánh bi, đánh đáo, vẫn như cái ngày anh nhoẻn miệnh cười chào mẹ trước lúc lên đường..

         Ngay khi bước vào đầu bài thơ, ta đã gặp câu: “ Ai biết mộ anh ở đâu”. Đây là câu mở đầu cho tứ thơ “bia vẫn trắng” của Bùi Kim Anh.

        Câu mở đầu thực sự là câu đặt vấn đề, đó là một vấn đề rất thời sự hiện nay: Quy tập mộ các liệt sĩ đã hy sinh cho sự nghiệp kháng chiến giành và giữ độc lập tự do cho dân tộc. Qua bao nhiêu năm tháng, vật đổi sao dời, nhiều mộ liệt sĩ  còn nằm lại trong rừng, có những mộ đã bị thất lạc. Phải đưa các anh về nghĩa trang để thế hệ sau, để thân nhân và nhân dân tiện bề hương khói.

        Công việc tìm hài cốt các liệt sĩ  là công việc cấp thiết để tỏ lòng biết ơn các liệt sĩ, nhưng không thể ngày một ngày hai mà xong. Nhiều anh ngã xuống , nay vẫn còn nằm đâu đó trong rừng sâu heo hút, vắng người lui tới:

Ai biết mộ anh ở đâu

Đường mòn heo hút từ lâu vắng người

Núi không nói được thành lời

Rừng không giữ được dấu nơi anh nằm.

          Chắc chỉ có núi và rừng là có thể biết được nơi các anh nằm xuống, trở về với đất đai cây cỏ, vì độc lập tự do. Các anh đã: “ Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng/ Ngả đầu trên bãi cỏ ngủ ngon lành” (Tố Hữu) cho đến tận hôm nay.
         Nhưng núi không biết nói, rừng cũng không ngăn được cây cỏ sinh sôi, biến động của gió mưa lũ lụt để giữ lại “cái dấu nơi anh nằm”.
         Ở đây, tác giả đã nhân cách hoá núi, rừng thật sinh động. Qua đó, cho ta thấy rằng, đất đai sông núi đón các anh hùng liệt sĩ vào lòng đất Mẹ, vẫn vỗ về ôm ấp đấy, như một người mẹ thực thụ, chỉ khác là không nói được thành lời.

           Người mẹ đẻ của các anh, người đã tiễn anh lên đường đánh giặc vẫn đêm đêm thắp nhang khấn Trời khấn Phật phù hộ cho đứa con yêu của mẹ trở về:

Tuần nhang mẹ thắp đêm rằm
Nỗi đau lằn vết tháng năm đợi chờ

        Nỗi đau của lòng mẹ là vô bờ bến, nó hằn sâu thêm lên vết thời gian của mẹ. Ở đây, vết nhăn trên trên gương mặt già nua của mẹ được tác giả ẩn dụ thành “vết thời gian” thật là sinh động. Thời gian cứ trôi qua, ai đo được thời gian ấy? Đồng hồ ư? Ba chiếc kim đồng hồ quay đi quay lại quanh một vòng tròn, ngày hôm sau lại như ngày hôm trước, chẳng để lại dấu ấn. Chỉ có “vết thời gian” trên đuôi mắt mẹ, trên gò má mẹ là đo được khoảng thời gian mà mẹ mong ngóng, đợi chờ. Đây có lẽ là chiếc đồng hồ tổng hợp để đo thời gian và nỗi buồn chăng?

         Ở nơi đâu đó, trong lòng đất của người Mẹ Tổ quốc, có nắm xương của con mẹ. Nhưng trong lòng mẹ, nấm mồ của con mẹ lúc nào cũng xanh. Chữ xanh ở đây nói lên một điều là con mẹ mãi mãi vẫn giữ một tuổi xanh, tuổi mà khi anh ngã xuống, và mộ anh luôn luôn được tình mẹ ấp ủ nên quanh năm xanh cỏ.

Trong lòng đất, nắm xương khô
Trong lòng mẹ, một nấm mồ còn xanh.

        Mẹ đã già lắm rồi. Tháng năm, tuổi tác đã kéo gò lưng mẹ xuống, làm cho thân hình mẹ ngày càng gầy guộc. Thế nhưng, nỗi đau mất con, như thân “cây đã bị gãy cành” càng khẳng khiu hơn, gầy guộc hơn. Người mẹ gầy gò ấy vẫn đau đáu một nỗi lòng là con mẹ bây giờ đang nằm ở đâu, mộ con mẹ đang ở đâu.

Khẳng khiu cây bởi gãy cành
Ở đâu? Ai biết mộ anh bây giờ…

     Tổ tiên là cội rế, cha mẹ là thân cây, con cái là cành… Khi giông tố, bom đạn  quân thù làm cho cành bị chặt ngang, bị gãy rời thì thân cây héo mòn là lẽ của tự nhiên. Ở câu thơ này, tác giả hình tượng hoá bà mẹ “khẳng khiu”, héo mòn như cái cây bị gãy cành thật là gợi tả, và rất thực tế.

       Đọc đến đây, nhiều bạn đọc sẽ thắc mắc là, ngoài những mộ chưa tìm thấy còn nằm rải rác trong rừng, thì những mộ trong nghĩa trang liệt sĩ  thì coi như đã được về với mẹ chứ. Nhưng xin thưa rằng, trên đất nước đã trải qua cuộc đấu tranh sinh tử để giành độc lạp tự do này, biết bao nhiêu người đã ngã xuống. Trên đất nước này có biết bao nhiêu nghĩa trang, trong nghĩa trang lại có nhiều mộ liệt sĩ vô danh. Chính vì vậy, vẫn còn nhiều mộ liệt sĩ mà người thân chưa tìm thấy. mẹ đã già yếu rồi thì càng rất ít có dịp tìm được con và đến thăm con. Và chính thế, ở một nghĩa trang nào đó, ở đâu đó,  nấm mộ của con mẹ vẫn:

Trống không một khoảng bàn thờ
Nghĩa trang phần mộ chơ vơ không người.
Bia vẫn trắng, cỏ vẫn tươi

         Và để rồi “ Mẹ còng lưng suốt một đời nỗi đau.”
         Khổ thơ cuối cùng  của bài thơ thật đọc đáo: chỉ có duy nhất một câu “ Ai biết mộ anh ở đâu?”.
         Câu này chính là câu mở đầu của bài thơ. Nhưng chúng ta thấy nó khác câu mở đầu là thêm một dấu chấm hỏi phía cuối. Chính vì vậy, nó không còn là đặt vấn đề như câu trên nữa, mà nó đã trở thành nỗi day dứt trong lòng mẹ, câu hỏi xoáy vào tâm thức trong  mỗi người chúng ta.
        Cuộc sống bây giờ tươi đẹp lắm, chúng ta được cơm no, áo ấm, con cháu chúng ta được học hành. Chúng ta được tiếp cận với các tiện nghi văn minh và hiện đại, cuộc sống văn hoá tinh thần đã vươn tới trình độ cao. Đó cũng nhờ sự hy sinh của những người con ưu tú của Tổ quốc, khi ngã xuống, trong số họ có người chưa một lần cầm tay bạn gái, có nhiều người chưa biết dến cái radio chứ càng không thể biết đến ti vi màu màn hình tinh thể lỏng cỡ lớn, điều hoà nhiệt độ, máy tính xách tay, internet, điện thoại di động 3G, 4G như thời đại hiện nay. Họ vẫn trẻ mãi, sống mãi trong lòng người dân, trong lòng Mẹ Tổ quốc. Chúng ta sống trong xã hội tốt đẹp, cuộc sống vui tươi hôm nay, không ai có thể không day dứt là: Ai biết mộ anh ở đâu?.

      Ai cũng biết rẳng, khi nghẹn ngào thì nói chẳng thành lời, khi làm thơ, người viết cũng nghẹn ngào như vậy. Có khi câu thơ nghẹn ngào, ngắt nhịp như bị xen trong tiếng nấc.
        Câu lục trong bài thơ lục bát “Bia vẫn trắng” được mở đầu và kết thúc bằng câu: “Ai biết mộ anh ở đâu?.”.
        Câu này, tác giả đã sử dụng thủ thuật phá cách, chữ thứ tư lẽ ra phải dùng thanh trắc, nhưng trong câu thơ này tác giả sử dụng thanh bằng. Tác giả đã có ý tạo cho câu thơ có một tiếng nấc nghẹn, một nhịp điệu khác với câu lục thông thường.

       Việc phá cách trong câu thơ ở đây có hiệu quả rõ rệt. Người đọc mới bắt đầu vào đọc đã gặp ngay câu nấc nghẹn, và khi đọc xong, vẫn một câu nghẹn nấc, bùi ngùi.

         Chính vì vậy, bài thơ khắc sâu vào tâm khảm người đọc một niềm kính yêu, biết ơn các anh hùng liệt sĩ, đồng cảm với những người mẹ tóc bạc trắng, má nhăn nheo, gương mặt già nua cằn cỗi quanh năm suốt tháng tưởng nhớ người con bé bỏng của mình.
         Đọc xong bài thơ này, không mấy ai quên được dấu hỏi (?) cuối cùng của bài thơ, ta phải làm gì đây để xứng với ân nghĩa của những người đã khuất, những người đang còn sống nhưng chịu cảnh mất mát lớn lao, đã hy sinh núm ruột của mình vì Tổ quốc. Đó là Lương tâm của chúng ta và cũng là Trách nhiệm của chúng ta.

         Xin cảm ơn Nhà thơ Bùi Kim Anh đã mang đến cho người đọc một tình cảm của người Mẹ, một hơi thở của thời đại trước vấn đề đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ, những người đã hy sinh đời mình cho cuộc sống tốt đẹp hôm nay. 

 

Phạm Thanh Cải

                                                      Email: phamthanhcai@gmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phạm Thanh Cải - phamthanhcai@gmail.com - 01696306682 - Hải Phòng  (Ngày 21/03/2010 03:35:46 PM)

       Xin chân thành cảm ơn các Bạn thơ xa gần đã đọc và cảm nhận về cả bài thơ lẫn bài bình của chúng tôi với những ý kiến nhận xét rất ưu ái.
      Người làm thơ chắt lọc nhưng cái hay cái đẹp của cuộc sống để viết thành thơ. "Thơ kỵ thẳng, ý kỵ lộ" (danh ngôn). Chính vì vậy, người đọc phải dụng tâm suy nghĩ và đồng cảm với tác giả để hiểu được bài thơ.
     Rất may mắn, tôi là người lính đã và đang công tác trong quân ngũ nên đồng cảm được niềm kính yêu và biết ơn sâu sắc và đền ơn đáp nghĩa đối với các anh hùng liệt sĩ, những người mẹ liệt sĩ của tác giả. Sứ mệnh của mọi người, trong đó có các Nhà thơ là phải đánh thức Luơng tâm và trách nhiệm trong vấn đề này.
      Bài bình chỉ nói được phần nào ý tác giả định nói nhưng đã may mắn được các bạn thơ: Chử Thu Hằng, Trần Mạnh Tuân, Đặng Kim Hùng nhiệt tình ủng hộ.
      Một lần nữa, tôi xin chân thành cảm ơn các bạn.

Phạm Thanh Cải

  Đặng Kim Hùng - kimhunggv@yahoo.com - 03203541271 - Sao Đỏ, Hải Dương  (Ngày 19/03/2010 01:32:34 PM)

Thơ hay, bình cũng tuyệt vời
Từng câu đẹp ý, từng lời phân minh.
Thế nhân đậm một chữ Tình 
Ghi ơn liệt sĩ hy sinh anh hùng.

Rạng ngời đất nước non sông
Cảm ơn người mẹ tấm lòng bao la
Đọc mà day dứt tâm ta
Các anh yên nghỉ biết là nơi nao?

  Trần Mạnh Tuân - tuan_hwru@fulbrightmail.org - 091 353 0266 - Hà Nội  (Ngày 18/03/2010 11:32:59 PM)

Với tác giả và Người bình thơ:

Chẳng cần thi thố với ai,
Số một bình sĩ ! không hai trang này.
Thơ người vốn dĩ đã hay,
Bình lên như rắc hương say lòng người.

Lương tâm trách nhiệm với đời,
Có vào Quảng Trị xin mời ghé thăm.
Trường Sơn xanh tuổi... lặng thầm,
Bao nhiêu bia trắng vô danh thẳng hàng.

Cuộc đời nay đã sang trang,
Bao hi sinh để đàng hoàng hôm nay
Kim Anh đã có thơ hay,
Lời bình Thanh Cải ngất ngây lòng mình.

Hơi dài, nhìn thấy đã kinh!
Đọc rồi mới hiểu hết tình bài thơ.

Trần Mạnh Tuân

  Chử Thu Hằng - nguoibinhthuong1957@yahoo.com - 01663332171 - Sơn Tây, Ba Đình, Hà Nội  (Ngày 18/03/2010 11:11:45 PM)

       Mấy hôm trước đọc bài thơ của Bùi Kim Anh tôi rất xúc động. Hôm nay, đọc bài bình thơ của anh Phạm Thanh Cải, tôi hiểu thêm được cái hay, cái đẹp của bài thơ. Từ bài thơ hay, tác giả đã khơi gợi lương tâm và trách nhiệm của chúng ta, những người đang sống để đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ.

      Đọc và bình để nâng tầm bài thơ như tác giả Phạm Thanh Cải, đó mới là người biết cảm thơ vậy. Xin cảm ơn tác giả bài thơ và người bình thơ.

Các bài khác: