Trước đây, một văn hào Pháp đã ví con người không có tình yêu cũng như quả đất không có mặt trời. Câu nói ấy đến nay chưa thấy ai phản đối. Như vậy loài người mặc nhiên công nhận tình yêu như một năng lực sinh hóa, nếu thiếu nó, không còn có vũ trụ nữa. Tình yêu đã trở thành qui luật tất yếu của thiên nhiên.
Nhưng thực ra không phải đợi đến ngày nay, con người của thế hệ văn minh mới khám phá ra điều quan yếu ấy, mà tự ngàn xưa, những chàng nông phu, những cô gái quê mùa, căm cụi bên lũy tre xanh vẫn hiểu được tầm quan trọng của tình yêu trai gái.
Tình yêu đến với họ, họ không cần tìm hiểu nguyên nhân, họ chỉ biết chấp nhận những gì họ có. Đây, tiếng hát từ ngàn xưa vọng lại, nói lên những khát vọng yêu đương:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ.
Đêm quên giấc ngủ, ngày mơ tiếng cười.
***
Ai về Đông Tỉnh, Huê Cầu
Để thương để nhớ, để sầu cho ai
Mảnh lực nào đã chi phối tâm tư họ nếu không phải là mảnh lực của ái tình? Sức mạnh yêu đương bắt nguồn từ con tim họ, chảy bàng bạc vào thửa ruộng nương dâu. Vào luống cày rãnh nước, tràn ngập những đêm trăng, vắt vẻo trên cành cây, tuôn theo dòng suối… và đâu đâu cũng có bóng dáng của ái tình, khiến họ cảm thấy cô đơn nếu giờ phút nào đó không tìm thấy nó. Cho nên:
Qua cầu giở nón nhìn cầu
Cầu bao nhiêu nhịp dạ em sầu bấy nhiều.
***
Ước gì quan đắp đường liền
Kẻo ta đi lại tốn tiền đò ngang
Em về dọn quán bán hàng
Để anh là khách qua đàng trú chân
Chẳng phải ngày nay, chúng ta mới tìm thấy yếu tố giao cảm giữa tâm tư và cảnh vật. Thi nhân ngày nay, trong lĩnh vực văn chương bác học, đã nhờ gió trăng diễn tả tâm tình, mượn hoa lá gởi lời ân ái. Chính người bình dân tự ngàn xưa, trong thi ca họ vẫn chất chứa những giao cảm ấy. cho nên họ có những ước ao:
Ước gì anh hóa ra hoa
Để em nâng lấy rồi mà cài khăn.
Ước gì anh hóa ra chăn
Để cho em đắp, em lăn, em nằm.
Ước gì anh hóa ra gương
Để cho em cứ ngày thường em soi.
Ước gì anh hóa ra cơi
Để cho em đựng cau tươi, trầu vàng.
Người bình dân sống trong lũy tre xanh, giữa hoa ngàn cỏ nội tự ngàn xưa nhưng ai dám bảo rằng họ không thưởng thức nổi những giá trị thẩm mỹ mà ngày nay chúng ta đang ca ngợi.
Chén tình là chén say sưa
Nón tình em đội nắng mưa trên đầu
Lược tình em chảy trên đầu
Gương tình soi mặt làu làu sáng trong
Khi đã mang sẵn trong tâm hồn một sức mạnh yêu đương dùng làm nguồn sống thì tình cảm con người dễ bị vấn vương:
Còn đêm nay nữa mai đi
Lạng vàng không tiếc, tiếc khi ngồi kề
Còn đêm nay nữa mai về
Lạng vàng không tiếc, tiếc kề má son.
Một áng mây bay, một dòng suối chảy, một làn khói tỏa đối với người bình dân đều là những nhân vật trữ tình:
Đêm qua đốt đỉnh hương trầm
Khói lên nghi ngút âm thầm lòng ai?
Thật vây, chúng ta phải nhìn nhận tình cảm của con người bình dân không phải chỉ ở khía cạnh trực trần mà bao hàm mọi khía cạnh khác, hoặc bóng bẩy, hoặc sâu xa, thầm lặng… mà ngày nay chúng ta không thể diễn đạt hay hơn họ được.
Gối chăn gối chiếu chẳng êm
Gối lụa chẳng mềm bằng gối tay em.
Nếu bảo văn chương bình dân là nôm na, lời nói bình dân là thô bỉ thì thật chúng ta chưa hiểu họ. Đành rằng lời nói của họ thiếu trau chuốt nhưng về ý nghĩa tình cảm , chúng ta không thể không thừa nhận một chiều sâu cô đọng trong cảm giới của họ.
Chim khôn mắc phải lưới hồng
Ai mà gỡ được đền công lạng vàng
Đền vàng anh chẳng lấy vàng
Lòng anh chí quyết lấy nàng mà thôi.
Khi đau khổ vì nhớ nhung, họ cũng biết đem oán hờn mà phủ lên sông núi:
Núi cao chi lắm núi ơi!
Núi che mặt trời không thấy người thương.
Trong văn chương bác học, dù ngôn ngữ có tinh vi đến đâu cũng khó mà diễn đạt những ý tứ ấy.
Hãy đọc lại những bài ca dao sau đây mà thưởng thức mà ngẫm nghĩ:
Đói lòng ăn nữa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.
***
Chuồn chuồn mắc phải nhện vương
Đã trót quấn quýt thì thương nhau cùng.
***
Chim chuyền bụi ớt líu lo
Lòng thương em bậu ốm o gầy mòn
***
Một mai ai chớ bỏ ai
Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim
***
Buồn tình cha chả buồn tình
Không ai lẻ bạn cho mình kiếm đôi.
***
Ngày ngày ra đứng bờ sông
Sông xa xa tít cho lòng em đau
…
( Theo Nguyễn Tấn Long – Phan Canh)