Chủ nhật, 22/12/2024,


CHA TÔI (II) (29/08/2008) 

        Đặng Vương Hưng

        Kính tặng Cha và Mẹ 

Sau cơn tai biến hiểm nghèo

Cha từng nằm đó với bao ưu phiền

 

Kiếp người chưa hết truân chuyên

Như từ cõi khác bỗng nhiên Cha về

 

Giữa con cháu với làng quê

Mà Cha ngơ ngác, ngô nghê nói cười...

 

Linh thiêng lạy Phật, lạy Trời

Cho Cha sống trọn kiếp người trần gian!

                                              Năm 1999   

                                               

     “Suốt một đời cầm bút mà tôi chưa viết lấy một dòng nào về người cha thân yêu của mình. Ngày đưa linh cữu của người ra nghĩa trang, khi nắm đất trong tay thả xuống quan tài, tôi bỗng trào nước mắt mà kêu lên: "Cha ơi, cha ơi..." Nhưng đã quá muộn rồi!

     Tôi chưa làm gì để cho cha tôi có được một ngày sung sướng lúc người về già. Nỗi ân hận cứ vò xé tôi mãi mãi.

     Xin cảm ơn nhà thơ Đặng Vương Hưng đã thay tôi khẩn cầu: "Linh thiêng lạy Phật, lạy Trời / Cho Cha sống trọn kiếp người trần gian".

                              (Trần Nhật Thu)

 

     “Không sướt mướt, uỷ mị, nhưng chân thành, sâu nặng và cảm động đến rưng rưng.

Bài thơ hẳn phải được tác giả viết trong thời khắc xúc động dâng trào, trong tình thương yêu vô bờ bến dành cho người cha thân yêu của chính mình.”

                                   (Ngô Thanh Tú)

 

      “Nếu tôi không nhầm thì các nhà thơ thường viết về mẹ nhiều hơn. Các nhạc sĩ cũng vậy. Bởi thế, có thể coi đây là một trong những bài thơ hiếm hoi, cảm động viết về tình cảm cha - con.

     Người cha trong bài thơ chỉ xuất hiện như “đoạn cuối” của đời người: Ông đã già, hơn thế, còn bị căn bệnh tai biến hiểm nghèo tới mức tâm tính đã thay đổi “Như từ cõi khác bỗng nhiên Cha về”...

     Và người con hiếu thảo chỉ còn biết cầu trời khấn phật cho cha mình được sống hạnh phúc những năm cuối đời “Giữa con cháu với làng quê”. Nhưng như thế cũng đủ cảm động lắm rồi. Bởi một lẽ đơn giản: Chúng ta sinh ra, ai chẳng có mẹ, có cha!”

                                  (Lê Đình Thắng)

 

     “Thơ hơn nhau ở cái tứ, bền lâu ở cái tình. “Cha tôi” là một thán từ đời sống của tác giả. Không có cảnh ngộ thật, không có thơ này. Đây là thơ của một người con có hiếu.”

                                    (Phan Quế)

 

     “Dù biết rằng “Kiếp người chưa hết truân chuyên” thì Đặng Vương Hưng vẫn cứ lặng lẽ quỳ xuống mà cầu nguyện cho cha mình được “Sống trọn kiếp người trần gian”!

     Trần gian muôn kiếp và con người ta sẽ tồn tại bằng bao nhiêu cách khác nhau. Nhưng riêng với người Cha ở trong bài thơ này thì tôi tin là ông sẽ sống mãi giữa những câu thơ của chính con trai mình.

     Tôi đã nhìn thấy Ba cõi ở phía sau Tám câu thơ Lục bát ấy: Một cõi tai biến ưu phiền, Một cõi khác; và cuối cùng là Một cõi linh thiêng của câu và chữ trong thơ”.

                                (Hoàng Nhuận Cầm)

 

-------

Trích HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: