Chủ nhật, 22/12/2024,


Phạm Thiên Thư - Người thi hoá kinh Phật (29/08/2008) 

     Nhà thơ Phạm Thiên Thư xuất hiện như một 'đạo sĩ xuống núi', ông trở thành người rao giảng về những Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ..., ông đã thi hóa Kinh Kim Cương Bát - Nhã của Phật giáo.

 

     Trong lịch sử văn học, những nhà thơ Phật giáo, những thiền sư Việt Nam như Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Khuông Việt, Không Lộ, Mãn Giác... đã góp phần không nhỏ làm phong phú, nâng cao giá trị cho văn học VN với những nét chấm phá ở mỗi thời điểm lịch sử tôn giáo và lịch sử dân tộc.

 

     Bất ngờ xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng 1969 'Đoạn Trường Vô Thanh' của nhà thơ Phạm Thiên Thư với 3254 câu thơ được tác giả viết như là “hậu Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều)” của thi hào Nguyễn Du. Những năm tiếp theo, Nguyễn Du có Văn Chiêu Hồn thì Phạm Thiên Thư có Chiêu Hồn Ca. Phật giáo có Kinh Kim Cương, Kinh Hiền Ngu thì Phạm Thiên Thư cũng có Kinh Ngọc, Kinh Hiền, Kinh Thơ...

 

     Nhà thơ họ Phạm này tuy xuất hiện khá muộn nhưng cũng đã đóng góp vào văn học khá nhiều tác phẩm, đặc biệt là những thi phẩm ở dạng khá độc đáo: Thơ đạo! Một trong những tác phẩm ấy của Phạm Thiên Thư đã được Giải thưởng Văn Học vào năm 1971. Một số thơ của ông được phổ thành ca khúc đã mang lại một số đông công chúng yêu thích thơ ông: “Em lễ chùa này”, 'Ngày Xưa Hoàng Thị', 'Động Hoa Vàng', “Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu”....

 

 

... Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng, ngủ say...
Ừ, thì mình ngại mưa mau
Cũng đưa anh đến bên cầu, nước xuôi
Sông này chảy một dòng thôi
Mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông...

... Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan...

... Thì thôi! Tóc ấy phù vân
Thì thôi! lệ ấy còn ngần giang sương

... Mai anh chết dưới cội đào
Khóc anh xin nhỏ lệ vào thiên thu...
                     (Động Hoa Vàng)
 

     Thơ Phạm Thiên Thư cứ vấn vít nửa đời nửa đạo thật khác thường, làm cho độc giả ngẩn ngơ, bất ngờ. Nhân vật chính trong thơ là một ông sư lãng mạn như những chàng trai mới biết yêu:

 

...Em làm trang tôn kinh
Anh làm nhà sư buồn
Đêm đêm buồn tụng đọc
Lòng chợt nhớ vương vương
Đợi nhau từ mấy thuở
Tìm nhau cõi vô thường
Anh hóa thân làm mực
Cho vừa giấy yêu đương...
                (Pháp Thân)

 

     Tình yêu trong thơ Phạm Thiên Thư là những cảm xúc thánh thiện, kín đáo với một chút bẽn lẽn: yêu nhau mà không dám tay trong tay, vì sợ tình sẽ tan biến thành khói sương:
 

... Anh trao vội vàng
Chùm hoa mới nở
Ép vào cuối vở
Muôn thuở còn vương...

 

     Thiền tâm biểu lộ bằng ngôn ngữ im lặng:

 

... Đôi mày là Phượng cất cao
đôi môi chín ửng khóe đào rừng mơ
tiếng nàng vỡ bạc thành thơ
tụng dòng Kinh tuệ trên tờ khói mây

... Dù mai lều cỏ chân trời
khói hương lò cũ khóc người trong thơ
em còn ửng má đào tơ
tóc xưa dù có bây giờ sương bay...

 

     Đôi khi tình yêu nồng nàn đến nỗi “con vạc đậu bờ kinh” cũng ghẹo nhà sư ỡm ờ trần tục:

 

...Hỏi con vạc đậu bờ kinh
Cớ sao lận đận cái hình không hư
Vạc rằng: Thưa bác Thiên Thư
Mặc chi cái áo Thiền Sư ỡm ờ...
                     (Động Hoa Vàng)

 

     Thế giới thi ca Phạm Thiên Thư giúp chúng ta khám phá thêm những cửa ngõ mới lạ, phong phú về tôn giáo, tình yêu và thiên nhiên. Sau 1975, ông còn thực hiện cuốn Kinh Hồng để ca ngợi chế độ mới. Sau đó là một giai đoạn nhà thơ lui về ở ẩn. Từ năm 1976 đến 1981, Phạm thi sĩ không “lên non tìm động hoa vàng” như Nguyễn Đức Sơn mà nhà thơ mở quán hớt tóc ở Lăng Cha Cả. Từ 1981 – 1983 ông bán tạp hoá, rượu thuốc, trà đá… ở đường Lý Chính Thắng. Sau 1983 Phạm Thiên Thư nghiên cứu về PHATHATA (Pháp, Thân, Tâm). Tiếp theo đó, ông được bác sĩ – nghệ sĩ Trương Thìn, Viện trưởng Viện Y học dân tộc mời về cộng tác với Viện. Trong suốt thời gian này, Phạm Thiên Thư vẫn lai rai cho đăng báo những bài thơ ngắn. Thỉnh thoảng đôi lần văn thi hữu cũng gặp ông đến dự họp ở Hội Nhà văn TPHCM. Phạm Thiên Thư thực sự hoà nhập trở lại với văn đàn khi trường ca 'Đoạn Trường Vô Thanh' của ông được tái bản một cách trang trọng!

Theo HÀ THI

     Lucbat.com xin giới thiệu cùng bạn đọc một số đoạn trích trong 'ĐOẠN TRƯỜNG VÔ THANH' của nhà thơ PHẠM THIÊN THƯ

 

 

Xưa là giọt lệ

Bức thứ nhất:

(Giải bày tâm thức,
Thuý Kiều sau cuộc đoạn trường)

Lòng như bát ngát mây xanh,
Thân như sương tụ trên cành Đông mai.


Cuộc đời-chớp loé mưa bay,
Càng đi, càng thấy dặm dài nỗi không.
Thân Tâm bệnh-nghiệp trần hồng
Lên đênh trầm nguyệt, bềnh bồng phù vân.


Giam trong Tài, Mệnh, Giả, Chân.
Trăm năm hồ dễ một lần bay cao.
Đau lòng chuốt tiếng đàn nao.
Năm cung nước chãy lại chao phận mình.(10)


Đời Kiều qua mấy nhục vinh,
Ngà, Nhân đã vượt, thế tình đã qua.
Đoạn trường sổ gói tên Hoa,
Xưa là giọt lệ - nay là Hạt Châu.

 

 

So dây gợn sóng

Bức thứ năm:

(Kiều lại dùng đàn giải buồn, thì Kim Trọng
tới thăm kể về cái chết kiên cuờng của một
dư đảng Từ Hải với cây đàn đeo bên người)

Tơ chùng tưởng cuốn mưa sa,
Hiên văn khép mở phên hoa khói trầm (200)
Bao năm vùi giữa cát lầm,
Như cành sen trổ trong đầm hạ xanh.


Giờ Kiều lại nối âm thanh,
Thử đem sương gió tạo thành cung dây.
Tiếng đàn rã liễu rời mây,
Ngón tay dã hạc vờn bay dặt dìu.


Hai hàng lau lách đìu hiu,
Đồi phong lá gọi bóng chiều xác xao.
Hạt đàn tấm tức nao nao,
Suối tuôn mạch đá đau bào lòng non (210)


Lơ thơ hoa trải đường mòn,
Bâng khuâng ráng đỏ theo con nhạn về.
Năm cung da diết đê mê,
Nắng hoen thềm phấn, hoa kề song hương.


Ngón cong-đàn trổ nụ hường,
Ngón xuôi-tơ rụng, hoa vương mấy dòng.
Bước đàn cao thấp long đong,
Dư ba tóc biếc mơ mòng liễu xanh.


Lòng nào thoảng khói mong manh,
Lệ rơi ánh mắt tan tành sầu oan.(220)
Lúc thì như điếng, như tan,
Lúc thì phiêu lãng như làn trầm bay.


Hoá thân vào mấy cung dây,
Lửng lơ mây nhạc, vơi đầy dòng thơ.

Chàng Kim dãi mũ phất phơ,
Khi chau ngàn liễu, khi chờ non trăng.
Tiếng đàn im bặt dòng băng,
Sân ngoài chàng mới xin rằng: 'Tự nhiên'


Tóc vương tay nhuỵ băng nguyên,
Khoé môi khép nép nửa viền mận tươi (230)
Kiều thưa: 'Mấy tiếng tơ lơi,
Tưởng đâu dừng phím như lời nguyền xưa.


Lòng riêng chưa tắt âm thừa,
Chiều nay lại rũ tiếng mưa giang hà.
Mải mê nào biết đâu là,
Nhóm hương cung thỉnh lên nhà thưởng âm'

Kim rằng: 'Thăm gác Mai Trầm,
Dười hoa tơ vằng sương thầm hạt say.
Mái Đông tìm ghé nơi này,
Bên thềm nghe vẳng tơ bay dặt dìu (240)


Mà sao hiu hắt muôn chiều,
So tơ xưa lại tiêu điều sầu hong.
Hay ta đòi đoạn việc công,
Chiều nay nghe thoáng nên lòng cảm ra.


Xin nàng thêm khúc tài hoa,
Thử xem thanh ứng có là khác hơn'

Hương trà đôi chén khay sơn,
So dây sóng gợn lòng đờn lại tươi.
Hồn xanh xanh ngắt da trời,
Hoa Thu não nuột rung mười ngón son (250)


Nửa cung ngơ ngác trăng non,
Nửa cung nắng quái sông còn vàng phai.
Chợt nghe Tiểu Nguyện reo ngoài:
'Đàn chi khiến nở thêm vài ngọn bông!'


Âm thừa gờn gợn mênh mông,
Ngoài song thấp thoáng bóng hồng Thuý Vân.
Cuối vườn cỏ úa, lui chân,
Dắt con, chẳng dám cho gần dư ba

Dâng chàng thêm một tuần trà,
Đèn khêu chênh mảnh gương ngà mái thơ.(260)
Kiều thưa: 'Vụng rối cung tơ,
Có buốn quân tử - xin nhờ lượng cao.


Từ đây dù có thế nào,
Tiếng đàn lại để rơi vào nguôi quên'.

Kim ngăn: 'Điều ấy chẳng nên,
Vì ta bao mối ưu phiền đảm đương.
Sáng nay ngồi trực công đường,
Trọng hình xử phạt những phường bất nhân.


Từ khi đất nổi sóng thần,
Hiển dương thánh đức yên quân bạo tàn (270)
Bốn phương thành vững dân an,
Giặc xưa lòng núi đáy hang ẩn mình.


Như sương tan dưới bình minh,
Trừ gian cứ việc gia hình thẳng tay.
Huyện đường buổi sáng hôm nay,
Loạn quân có một tên này- vì đâu.


Trơ trơ lưng thẳng – nghênh đầu,
Rằng: 'Tà, chính- để mai sau sẽ bàn'.
Sau lưng đeo một cây đàn,
Dường như kỷ vật còn mang bên người (280)


Nói rồi, miệng ứa máu tươi,
Mắt trừng uất khí, gã cười như điên.
Khiến người nghe rỡn ốc lên,
Cười xong thì xác đổ liền- Kiên trung


Rõ là cái chết anh hùng,
Khiến lòng ta mãi vô cùng xót xa.

Kiều nghe rời rã tay hoa,
Rưng rưng đặt chiếc tì bà cảm thương.
Nàng thưa: 'Quả chuyện lạ thường,
Khác chi da ngưa sa trường bọc thây.(290)


Những trang nghĩa sĩ xưa nay,
Ngại gì sanh tử chuyển xoay bụi hồng.
Rượu thề bát máu pha chung,
Thì trăm năm nguyện tấm lòng trăng soi.


Đàn kia xin thử lần coi,
Dám nhờ quân tử cho đòi đưa sang.
Hẳn nơi động biếc lau vàng,
Tơ đàn ai đó còn vang vọng lời.


Gật đầu, chuyện dễ như chơi,
Nữa đây ta sẽ sai người đem dâng.(300)

Chuông sương ngân vẵng mấy tầng,
Gió lay dầu dãi một vầng hoa hương.
Tiển chàng cỏ lục vườn sương,
Sao bay dòng tóc, lá vương dấu hài.

 

Phạm Thiên Thư

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: