Chủ nhật, 22/12/2024,


Một ám ảnh kép (28/08/2008) 

 

 

Ngày em Tâm về

TRÚC THÔNG 

em Tâm đi vút

gió bên đường ngơ ngẩn

 

đi tìm em Tâm  cho quê hương mình

năm xưa ngậm cười bao người hi sinh

ngày em Tâm về con gà nhảy ổ

vẫn tiếng Việt mẹ con chim tha mồi

 

ngày ấy quê mình vui lắm em Tâm

ai cũng ra đường đêm - giáng - sinh

mà như trên phố

        em Tâm

                một mình…

 

 

      T.T

 

 

Đám cưới Huyền Trân

NGUYỄN THANH MỪNG 

Nghe đồn vua xứ Chà Bàn

dâng miền Ô Lý rước nàng vu quy

tôi mang rượu đến biên thùy

hắt lên mây trắng biệt ly cả cười

 

Thân không tấc đất cắm dùi

bể sông thi phú trăng trời phong sương

cắn răng nhường bậc đế vương

gươm cùn quẳng xuống vệ đường

nhân duyên

 

Thôi nàng hãy tạm nguôi quên

tôi chàng trai Việt còn trên đời này

quyết thâu trăm họ về tay

binh nhung ruổi chốn lưu đày tìm nhau.

 

                                           N.T.M

 

                                                          

           

     Không hiểu vì sao mà hai bài thơ trên đây của Trúc Thông và Nguyễn Thanh Mừng lại ám ảnh tôi nhiều đến thế.

     Có lúc trong đầu tôi líu chíu như thể nghe thấy rất rõ, mà sự thật có nhìn thấy gì đâu:

 

ngày em Tâm về con gà nhảy ổ

vẫn tiếng Việt mẹ con chim tha mồi

 

     Lại có khi thốt bật ra hẳn thành tiếng nói, mà chả biết là tôi đang nói với ai nữa:

 

Thôi nàng hãy tạm nguôi quên

 tôi chàng trai Việt còn trên đời này

 

     Một giọng thơ trầm trầm như giọng tu sĩ, như tiếng chuông nguyện cầu trong những đêm giáng sinh:

 

đi tìm em Tâm  cho quê hương mình

năm xưa ngậm cười bao người hi sinh

 

     Còn một giọng thơ sôi sục như tiếng thét của tráng sĩ, mà lại thét lên trong thể thơ lục bát mới làm ta khiếp đảm:

 

tôi mang rượu đến biên thùy

hắt lên mây trắng biệt ly cả cười

 

     Có cảm giác bài thơ của Nguyễn Thanh Mừng dễ cảm nhận hơn bài thơ của Trúc Thông. Nhưng nói đúng ra, đó chỉ là ảo giác - Vì điểm khác nhau trong hai bài thơ này - Cái tưởng như cụ thể lại không hề cụ thể và ngược lại. Tôi trộm nghĩ, nếu như Nguyễn Thanh Mừng chuyển sang làm thơ tự do và Trúc Thông chỉ chuyên tâm với loại thơ lục bát thì sự thể sẽ ra sao nhỉ?

     Điều duy nhất mà hai anh giống nhau là ở trong cùng một 'Tâm Thức Đi Tìm' - không phải đi tìm công chúa Huyền Trân, cũng không phải đi tìm một em Tâm nào cả - Các anh vừa quyết chí lại vừa phẫn chí đi tìm cho bằng được cái 'Hồn Việt Ngàn Năm' của chính mình.

Hoàng Nhuận Cầm

 

 

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: