Chủ nhật, 22/12/2024,


Lang thang gió bụi tìm về (22/02/2010) 

CHỢT LÒNG

 

Lá rơi khuấy bụi thời gian,

Bay trong vô định như bàn tay buông.

Chợt lòng ngoái lại nhớ thương,

Dầm trong gió cát con đường đất quê.

Em chưa trao một lời thề,

Mà sao mộng mị cứ về tìm nhau...

 

Chợt lòng, ngoái tới mai sau

Vườn xưa chủ mới, biết đâu mà về.

Trường xưa, tản mác bạn bè,

Còn ai nhớ lối sè sè mái tranh.

Em xưa, ra với thị thành.

Để tôi nuối tiếc một mình cho tôi...

 

Ngô đồng trước ngõ lá rơi,

Chiều thu đi với khoảng trời lang thang.

 

Duy Thảo

 

 

Đọc thơ của tác giả Duy Thảo tôi thích nhất bài: “Chợt Lòng”. Từng câu từng chữ như dắt tôi trở lại một thời xưa cũ. Miền ký ức của riêng tôi như hiện về trong từng câu thơ của tác giả. Thời gian trôi đi, dĩ vãng nhạt nhòa, người xưa khuất nẻo. Một lời nói yêu thương chưa bao giờ nói được thì làm sao mà có câu thề thốt. Tất cả chỉ còn lại con đường với bao nhớ thương, với bàn tay chưa một lần ấp iu lời hẹn thề, vậy mà sao lòng người cứ mãi khắc khoải đợi chờ tơ vương. Rồi chỉ là mộng mị, tất cả chỉ là mộng mị thật mơ hồ trong thơ của Duy Thảo. Những khát khao kiếm tìm trong hư không.

 

Chỉ một chiếc lá rơi. Vâng, chỉ một chiếc lá rơi nhẹ nhàng quá đỗi, vậy mà tác giả đã hình tượng về chiếc lá ấy, đã làm khuấy động cả bụi thời gian, thật là vô cùng vô tận. Thế mới biết cái tình trong thơ của tác giả đã thấm sâu vào nỗi nhớ. Chỉ cần một chiếc lá rơi thôi cũng đủ để dĩ vãng tìm về…

 

Lá rơi khuấy bụi thời gian,

Bay trong vô định như bàn tay buông.

Chợt lòng ngoái lại nhớ thương,

Dầm trong gió cát con đường đất quê.

Em chưa trao một lời thề,

Mà sao mộng mị cứ về tìm nhau....

 

Bây giờ còn chả có hẹn thề nói gì đến mai sau? Mai sau là những ngẩn ngơ, nuối tiếc, đau buồn. Khi mà tác giả đã hình tượng em đã bước vào một cuộc sống mới. Em không còn là em của hôm nay. Bên em đã có người khác thì làm sao anh có dịp nào cùng em mà nói hết lời yêu chưa nói hết. Mai sau biết tìm em ở chốn nào. Trường xưa ư? Bạn bè cũng tan tác. Còn chăng một lối sè sè mái tranh… Hết rồi, tất cả đã không còn khi mà em đã rời miền quê lên chốn thị thành. Nơi chốn phồn hoa đô thị, quanh em có bao tiếng cười nói ồn ào, em cũng sẽ quên tôi ở chốn này, chỉ còn tôi một mình nơi chốn quê xưa mà đớn đau nhớ về kỷ niệm, mà xa xót một thời mơ.

 

Chợt lòng, ngoái tới mai sau

Vườn xưa chủ mới, biết đâu mà về.

Trường xưa, tản mác bạn bè,

Còn ai nhớ lối sè sè mái tranh.

Em xưa, ra với thị thành.

Để tôi nuối tiếc một mình cho tôi...

 

Chỉ còn lại một khoảng không gian dài vô tận, dài cơn đau, dài nỗi nhớ. Một nỗi khắc khoải trong từng chiếc lá ngô đồng rơi rơi. Một mùa thu vương vấn, u buồn trong cõi lòng tác giả. Có một dáng người âm thầm bước đi lang thang và thật lặng lẽ trong gió thu bay...

 

Ngô đồng trước ngõ lá rơi,

Chiều thu đi với khoảng trời lang thang.

 

Xin cảm ơn tác giả Duy Thảo đã có bài thơ “Chợt Lòng” thật hay và thấm đẫm tình người. Một bài thơ cho lòng tôi bao dạt dào cảm xúc...

 

 

Dung Thị Vân

ĐT: 0903 372219

E-mail: dungthivan2910@gmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Vân Hạc - vanhac.yenbai@gmail.com - 0917331683 -  201 B4/ 189 Thanh Nhàn, Hà Nội  (Ngày 7/03/2010 10:20:59 PM)

Tâm tình ngày 8.3

Buồn làm chi Dung Vân ơi
Bởi ta thêm hiểu lòng người đục trong
Câu thơ nênh nổi trên sông
Người dang tay vớt người ngông nhận chìm

Câu thơ mang lửa con tim
Trải xanh biếc lúa êm đềm phù xa
Gửi em câu thơ tháng ba
Mưa xuân nhẹ rắc la đà dâng hương

Trần Vân Hạc

  Dung Thị Vân - dungthivan2910@gmail.com - 0903 372219 - TP.Hồ Chí Minh  (Ngày 7/03/2010 10:23:36 PM)

TÌM VỀ

Lang thang gió bụi tìm về
Tìm đâu ..chỉ thấy não nề đắng cay
Tôi đi ngược gió chiều nay
Giọt mưa kết sợi tóc đầy thương đau

Tôi về buốt hạt mưa ngâu
Người ơi sao chỉ một cầu tương tư
Tìm ai ngơ ngẩn câu từ
Sao dòng máu đỏ nát nhừ tim tôi

DUNG THỊ VÂN

  Nguyễn Ngọc Phú  - tapchihonglinh@gmail.com - 0915263089 - Hội LH Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh  (Ngày 4/03/2010 06:07:22 PM)
       Với tôi, bài thơ "Chợt lòng" của Nhà thơ Duy Thảo viết rất ảo, ám ảnh. Tất cả đều bất chợt đan xen nhau của ký ức. Từ "Lá rơi khuấy bụi thời gian" đến "Còn ai nhớ lối sè sè mái tranh". Tôi rất thích từ "khuấy bụi thời gian" và "Sè sè". Nó như bám vào trí nhớ với một dư vang trong tiềm thức. Có lẽ bắt đầu từ sự quan sát cộng hưởng với tiếng lòng của mình mà có "sè sè" bắt đầu từ "khuấy bụi thời gian".
      Bài thơ vừa có gì nuối tiếc ngẩn ngơ níu kéo, khao khát giao cảm với thiên nhiên đồng quê Việt. Một thông diệp day dứt trước một đời sống xã hội với tốc độ chóng mặt. "Chợt lòng" chính là sự "Ngợi ca sống chậm".
     Nhịp lục bát giãn ra chậm rãi lặng đọng mà sâu sắc. Nhắm mắt lại tôi vẫn hình dung ra được con đê vòng quanh những mái tranh trường làng để tìm "lối sè sè" với lòng mình trong dư âm của "mọng mị" cứ về tìm nhau...
    Nhà thơ: Nguyễn Ngọc Phú
  La Hầu - lahau@gmail.com.vn - 0438352469 -  210 Võ Thị Sáu, Hà Nội  (Ngày 3/03/2010 05:40:53 PM)

Dung Vân bình từ "sè sè"
Làm bao quân tử mải mê theo bình
Mỗi người khoe dáng trúc xinh
Câu thơ nghiêng ngả rung rinh "sè sè"

Có ngườ bảo phải "tè tè"
Khen hay chê dở lè phè đầy trang
Xin thưa thi hữu các chàng
Câu thơ đã trót đa mang "sè sè"

Bấy nhiêu đã đủ lè nhè
Bình thêm chút nữa thơ nghe thêm buồn

  Cao Cường  - cuongcao_82@yahoo.com - 0904863486 - Hà Tĩnh  (Ngày 3/03/2010 11:39:51 AM)
       Thơ được bạn đọc quan tâm là điều đáng mừng cho cả hai phía: một cho tác giả, một cho nơi xuất bản. Riêng chùm lục bát của Nhà thơ Duy Thảo theo tôi khá hay. Chỉ tiếc tác giả tự chọn chưa đúng với tiềm năng lục bát của mình.
      Tôi là một độc giả đã đọc khá nhiều thơ lục bát của Duy Thảo được đăng tải trên sách báo TW và địa phương. Không hiểu sao tác giả lại tự chọn những bài thơ trong chùm này. Ví như chọn các bài đăng gần đây như "Chạm chén", "Quãng đưởng xuân", "Cơn mưa", "Bến cũ"... thì có sức níu kéo bạn đọc nhiều hơn.
       Riêng về bài bình "Lang thang gió bụi tìm về" của tác giả Dung Thị Vân tôi cho là được. Nó đã lột tả được cái cần thiết của sự đồng cảm tâm hồn tìm đến hồn đồng điệu. 
      Riêng từ "sè sè" trong bài "Chợt lòng" theo tôi cũng có cái lý của nó. Bởi lẽ từ ngữ Việt Nam khá đa dạng, không nên mặc định theo nghĩa "sè sè" của cụ Nguyễn trong Kiều (sè sè nắm đất bên đường) một cách cứng nhắc. Và nếu theo Đại từ điển tiếng việt là (vật có hình khối) hơi gồ lên, có độ cao không đáng kể so với mặt bằng xung quanh) thì cách vận dụng của Nhà thơ cũng khá chính xác nếu vị trí (tức lối đi thường ngày xưa kia đến trường) cao hơn mái trường. Đặt trong bối cảnh tương liên này thì từ "sè sè" lại đắc dụng.
       Đó là chưa bàn đến việc biết đâu Nhà thơ lại dùng từ "sè sè" trong nghĩa "tượng thanh" chứ không phải "tượng hình" như bạn Lương Bá Hoà đặt vấn đề. Cuối cùng là bài "Chợt lòng" của Nhà thơ Duy Thảo theo tôi cũng có sức níu kéo trong sự đồng cảm đối với bạn đọc.
  hanhtrantuyet75 - hanhtrantuyet75@yahoo.com  -  - TP.Hồ Chí Minh  (Ngày 2/03/2010 07:37:38 PM)
         Suy đi tính lại tác giả bài thơ năm nay đã 72 tuổi rồi (năm sanh tác giả như đã giới thiệu ở mục tác giả và tác phẩm 1938).
        Cho nên vì tuổi tác đã cao. Cho nên tôi nghĩ tác giả mới không nói gì.Chứ tác giả mà còn trẻ tuổi như các người cảm nhận sè sè chắc là sôi nổi lắm. Cho nên tôi cũng lỡ trót dại có vài ý kiến. Xin tác giả Duy Thảo thứ lỗi. Vì ở tuổi bác bây giờ mà tranh luận với chúng cháu cũng mệt lắm. Bởi vì chúng cháu ngồi máy vi tính sẽ khỏe hơn bác nhiều.
       Kính chúc bác mạnh khỏe.
       Cháu hy vọng bác sẽ thay từ sè sè ở bài thơ vì một số bạn đọc không được hài lòng cho lắm ở hai từ này.Chứ cháu không dám nói bác viết sai ạ.
       Kính mong nhà thơ Duy Thảo thứ lỗi.
  Nguyễn Khiêm - khiem_hp@yahoo.com.vn - 0916521456 - 201 Bạch Đằng, Hải Phòng  (Ngày 2/03/2010 03:33:18 PM)
           Xin hỏi Đ.K.H, bài bình của D.T.V bài thơ "Chợt lòng" đã đến mức "ào ào và dễ dãi quá với thơ lục bát" như ông nói không. Tôi cũng đồng tình từ 'sè sè" chưa hay, nhưng đâu đã đến mức như vậy. D.T.V có sự đồng cảm ở nhiều phía, đa chiều với bài thơ chứ đâu chỉ "sè sè". Công tâm sẽ thấy bài thơ và bài bình đâu đến nỗi không có 'Tinh thần cầu thị" như ông nói. Cái đúng là chân lý nhưng nhìn ra cái đúng và biết góp ý có tính xây dựng đâu dễ. Nếu chỉ nhìn một khía cạnh không ưng mà phê bình thái quá, e rằng ý kiến lại rơi vào tình trạng "sè sè" đấy thưa ông. Trân trọng!
  Đặng Kim Hùng - kimhunggv@yahoo.com - 03203541271 - Sao Đỏ, Hải Dương  (Ngày 1/03/2010 11:28:45 PM)
      Chúng ta đang giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ quốc hổn quốc tuý của dân tộc Việt nam, chẳng lẽ lại ào ào và dễ dãi quá với thơ lục bát, hỏi còn đâu chất lượng và cái hay cái đẹp của thơ để cho chúng ta đáng phải trân trọng giữ gìn.
     Chẳng lẽ cái từ này nó quý đến nỗi tác giả quyết tâm giữ gìn trong bài thơ hay sao. Tinh thần cầu thị đâu rồi? Chẳng thấy ý kiến tác giả.
      Rõ ràng từ sè sè là chỉ "một mô đất hơi nhô cao hơn xung quanh một chút", không thể gọi nhà thấp sè sè được, vì phải có người ở, phải cao hơn đầu người. Còn từ tượng thanh thì dùng vào trường hợp khá độc đáo(...!).
      Kể ra tác giả bài thơ đã tạo ra hai luồng dư luận tranh cãi, nhưng vì nâng cao chất lượng thơ lục bát, chúng ta hãy tìm ra cái đúng. Xin trân trọng cảm ơn.
  Trần Tuyết Hạnh - hanhtrantuyet75@yahoo.com  -  - TP.Hồ Chí Minh  (Ngày 2/03/2010 07:10:54 AM)
Làm thân hoa cho người ta hái. Làm thân gái cho người ta chọc. Con gái không có người chọc là con gái vô duyên. Một bài thơ hay là một bài thơ có nhiều ý kiến. Cảm ơn tác giả DUY THẢO đã dùng từ sè sè ở bài thơ này nên mới có nhiều tranh luận. Hai từ sè sè đã làm cho một số người đọc thấy khó chịu vì không thể thông cảm cho người làm thơ. Nói chung nhìn ngắm một người đẹp kỹ quá cho nên một cái mụn nhỏ ở khuôn mặt một người đẹp mà ta đành đánh giá cô ấy không đẹp. Cảm nhận và nhìn phải ở một tâm hồn nhân hậu, bao dung và độ lượng. Không nên khe khắt quá với người làm thơ khi mà câu từ phải đi theo luật. Cho dù từ đó ta đọc không được đồng ý. Nhưng vẫn có thể chấp nhận được và bỏ qua cho tác giả. Cái đẹp và cái hay tùy theo góc độ nhìn nhận của mỗi người không ai cấm mình thích và không thích. Đó là quyền tự do mà. Nhưng khi mình làm một điều gì, viết hoặc nói mà mình không thấy áy náy với lương tâm là được.
  d h huu - dhhuu@vnweblogs.com - 012127842099 - binh thuan  (Ngày 1/03/2010 12:00:09 PM)
         Bài bình thơ và các ý kiến trao đổi sôi nổi mới đang mở ra nhiều điều thú vị nên cũng chưa nên khép lại. ý kiến này nọ có khác và cộm chút chút nhưng trong vòng kiểm soát được không có gì quá đáng.
       Riêng cá nhân tôi chưa thấy thích bài thơ ( không thích ...vì chưa thấy hay ).
       Chỉ nhân đây đặt ra nghi vấn nho nhỏ này : có thật thi hào Nguyễn Du viết " sè sè" hay là nên đọc thế nào mới thực sự đúng . Tôi ngờ vì trước đây nhà thơ Anh Ngọc có nghiên cứu về một số từ ngữ Truyện Kiều và nhận thấy cụ ND có dùng phương ngữ khá nhiều ( phát âm theo địa phương). Nhà thơ có đưa ra một số ví dụ tiêu biểu... Có thể từ "sè sè" nằm trong trường hợp này. Ngoài ra tôi tạm cho rằng đấy là "tè tè"hay"lè tè "mới đúng. Nấm mộ ven đường thấp lè tè là rất có lí, phổ biến quá không làm ai khó hiểu hay nhầm lẫn. Lè tè là từ tượng hình, sè sè là từ tượng thanh rất rõ ràng. Có khi cụ ND dùng đúng (BẢN NÔM) mà người chuyển âm sai, tại sao không? Nghiên cưu TK và các vấn đề TK còn lâu dài.
        Vậy thì hậu sinh khai thác dùng lại từ "sè sè" e vội quá, tốt nhất nên dùng như thông thường. Sợ dài làm mất chỗ bạn khác, xin tạm dừng bút.
  Trần Vân Hạc - vanhac.yenbai@gmail.com - 0917331683 - F201, B4/ 189 Thanh Nhàn, Hà Nội  (Ngày 25/02/2010 10:25:24 PM)
       Theo tôi việc trao đổi ý kiến nên dừng lại được rồi, mỗi người đều có cái "lý" riêng, muốn bảo vệ chủ ý của mình. Với bài bình của D.T.V và việc đăng bài này lên đâu đến mức phải "có lời" như ý kiến của Xuân Thư: "Sân chơi lục bát nếu không cầu thị, xem xét những ý kiến đóng góp, bỏ đi những hạt sạn", Bởi từ "sè sè" tuy chưa đắc địa đi chăng nữa thì cũng không làm hỏng bài thơ, chưa đến mức là "hạt sạn". Còn:  "Nhiều người vào lục bát com, đọc thơ thấy sượng quá, họ bỏ đi không bao giờ trở lại" thì họ phải xem lại chính mình.

       Lucbat.com đăng bài thơ của DUY THẢO  ở mục tác giả và tác phẩm    D.T.V viết lời bình  không: "làm giảm uy tín của thơ lục bát, giảm sự mến mộ của người đọc". Mỗi người bớt cái tôi đi một chút dễ khoan dung hơn nhiều. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: "Thơ là mẹ của mọi thể loại văn học, thậm chí là mẹ của mọi hình thức sáng tạo (của chính trị, của toán, của kiến trúc, của nấu ăn, của hội họa, của mốt… Người nào không thơ khác nào một kẻ mồ côi: "Mồ côi mẹ liếm lá đầu đường". Nhân ái, khoan dung + hiểu biết mới là môn đồ của Thơ được. Kính!

 

  Lưu Xuân Thư - luuxuanthu_nd@yahoo.com - 0350.3586798 - Vụ Bản, Nam Định  (Ngày 24/02/2010 10:01:18 PM)

      Theo tôi, tác giả và Ban Biên tập cứ thẳng thắn xử lý như Thuỷ Hướng Dương đã làm với bài "Còn một câu thơ" hôm nay, thì không những không nhiều tranh luận đến thế, và có cả tranh luận không nhằm vào thơ mà nhằm vào người tranh luận, xúc phạm người cảm nhận khác . Theo tôi, các thi hữu cú khen chê thoải mái theo ý mình, nhưng không nên chỉ tên người cảm nhận khác, như thế mới là có văn hoá và lịch sự.

     Sân chơi lục bát nếu không cầu thị, xem xét những ý kiến đóng góp, bỏ đi những hạt sạn, thì thơ đăng lên quá dễ dãi, kém chất lượng. như vậy không làm tốt cho thơ lục bát mà làm giảm uy tín của thơ lục bát, giảm sự mến mộ của người đọc.

      Tôi xin có ý kiến rằng: Câu thơ được tạo thành bởi các từ ngữ sắp xếp hợp lý mà thành. Có những từ ngữ không hiểu phải tra Từ điển là lẽ tất nhiên. Còn bằng cảm tính mà cứ cho từ này từ kia đường được đấy thì còn đâu là cảm nhận thơ. Dễ dãi với thơ quá không phải là cổ động xây dựng thơ mà là phản thơ. Cũng như nuông chiều con quá không phải là cách thương con vậy. Phải chăm sóc, rèn rũa con mới nên người.

      Nhiều người vào lục bát com, đọc thơ thấy sượng quá, họ bỏ đi không bao giờ trở lại. Lỗi ấy do tác giả thơ và cả Ban biên tập nữa.

  Tú Cười  - butkim@gmail.com -  - Hà Nam   (Ngày 24/02/2010 12:59:46 PM)

Thơ hay thơ thật là thơ
Rượu xuân thì cứ ngu ngơ...ngờ ngờ
"Chợt lòng" lắm mộng nhiều mơ
Bình đi bình lại...thấy thơ sè sè...

  Nguyễn Khánh Thuận - nguyen.khanhthuan@yahoo.com.vn -  - Nam Định  (Ngày 24/02/2010 11:46:15 AM)
     Tại sao lại có nhiều ý kiến cho vấn đề được nêu ra tại diễn đàn này, tôi cho rằng: đúng như ý kiến của Lương Bá Hòa , bởi cụ Nguyễn đã quá nổi tiếng nên sự lặp lại cái cách của cụ nếu không khéo sẽ gây phản cảm.
     Không phải chỉ có Lưu Xuân Thư mới biết, nhưng không cần thiết phải gay gắt như LXT, không phải LXT là đúng hoàn toàn, đáng lẽ LXT chỉ nên gợi mở vấn đề thôi, ngược lại LXT hơi tự cao một chút nên mới có nhiều bàn luận.
     Có lẽ vấn đề này không cần bàn tới nữa.
  Lý Chiến Thắng - chienthang_ly@gmail.com -  - 120 Hùng Vương, Phú Thọ  (Ngày 24/02/2010 01:22:50 AM)
Tôi thường xuyên vào đọc Lucbat.com, thơ hay nhưng của đấng mày râu thì ít lời bình, còn bài của phái đẹp, nhất là có cái tên hay thì lời bình thật như hoa cỏ mùa xuân, ai cũng muốn thể hiện mình, có khi cả đời chưa chắc đã viết được một cậu thơ ra hồn, thật là thú vị, mong các người đẹp viết nhiều cho Lucbat thêm vui. Còn với bài này "sè sè" là câu dở, nên bỏ, nhưng cũng không nên vì vây mà bóng gió người khác, thế mới là văn hóa!
  Lưu Xuân Thư - luuxuanthu_nd@yahoo.com - 0350.3586798 - Vụ Bản, Nam Định  (Ngày 23/02/2010 06:25:10 PM)

        Kính thưa các nhà thơ và các bạn yêu thơ lục bát! 

     Khi ăn miếng ngon, gặp hạt sạn. Bỏ đi thì tiếc, nuốt vào thì khó nên ghét cái "hạt sạn".
      Khi đọc thơ hay, đọc kỹ mới thấy "hạt sạn", nên góp ý. Thế mà bao nhiêu người phản đối.
      Nếu thơ không hay, liếc mắt qua rồi bỏ đi luôn thì làm sao phải kêu lên : "ở đây có sạn!".
     Cụ Nguyễn Đình Chiểu có nói: "Bởi chưng hay ghét cũng là hay thương"
      Khi mình ghét ai đó, cái gì đó cũng có nghĩa là mình còn quan tâm đến cái đó, còn hy vọng, mong mỏi nó sẽ tốt hơn, nhưng nó lại không được như ý muốn của mình nên mình mới ghét. Và chính vì lý do đó, nếu một khi nó thay đổi thì cái ghét của mình sẽ thành cái thương.
      Một người biết ghét cái ác, ắt cũng phải là một người biết yêu cái thiện, thương ghét luôn đi chung. Ví dụ như mình thương Thúy Kiểu thì mình ghét Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà… vì họ làm hại người mình thương, mà mình ghét mấy người kia thì mình lại thương Từ Hải vì đã trừng trị mấy kẻ mình ghét đó. Thương ghét vừa đối nghịch nhau mà vừa bổ sung cho nhau. 
       Rất cảm ơn các nhà thơ, đã hưởng ứng việc đưa ra "ý kiến trái chiều" một chút, nên rất nhiều người tham gia. Ai cũng có ý kiến hay cả. Nếu tôi không nêu ý kiến này thì phần Mỗi độc giả là một tác giả của bài thơ này và bài bình cũng sẽ thưa thớt như bài trước, chứ đâu sôi nổi như vậy.
      Xin cảm ơn các bạn đọc và các nhà thơ đã ủng hộ ý tưởng "thu hút độc giả" của tôi!
                       Lưu Xuân Thư

  Hoàng Duy Bình - hoang_duy_bình_bs_tho@yahoo.com - 01667792695 - Bacs sĩ chuyên khoa Nội Phòng khám Tân tiến, An Dương, Hải Phòng   (Ngày 23/02/2010 05:07:13 PM)
    Thơ có những cái "tạng", cái "Gu" khác nhau. Bởi thế, ở một bài viết, người này thích, người khác chưa thật thích, đó là lẽ thường vậy.
   Tất nhiên, là cái HAY nó có "chân lý" của nó. Đấy là tính bao trùm, tính khái quát, tính điển hình... Đã có được tính khái quát, tính bao trùm... thì người đọc nào soi vào đấy cũng "động" vào cái chân trời "một nguời" nhưng ở đó lại có cả "chân trời tất cả". Nói vậy, là sáng lên những gì có được (hoặc chưa có được) ở người viết và người bình phẩm bài viết , phải không. Nhà thơ là nghệ sĩ sáng tạo.
      Trong đó, sáng tạo ngôn ngữ để có được "nhãn tự", "thần tự" làm sáng lên mọi hình hài, ý nghĩa như Lê Đạt từng gọi nhà thơ là "phu chữ" kia mà. Chữ mới, chữ lạ và hay là quý hiếm lắm.
     Nhưng, chữ đã có, chữ cụ Nguyễn đã dùng, chữ ai cũng biết rồi thì "lánh đi", bàn chi nhiều nữa ở sự lặp lại. Ở đây, giữa tác giả bài thơ và người bình, tôi nghĩ nhiều về cái "thật quý", đấy là sự đồng cảm giữa tâm hồn của sự gặp nhau ở phía nào đó của họ.
    Cuối cùng, tôi xin chép lại câu thơ của thi sĩ Chế Lan Viên thay cho mọi lời bàn thế này :
          Thơ hay cũng giống như gái đẹp
          Đi đâu, ở đâu cũng lấy được chồng.
   (Vậy là đủ... Bạn nhỉ. Và, thật đáng yêu sao ở những dòng tâm huyết dù nhìn ngắm là gì... và thế nào của những người ta đã gặp trên đây.)
  Phan Duy Thảo (tức Duy Thảo) - duythao_ht@yahoo.com - 0912 899 766 - 46, Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh  (Ngày 23/02/2010 05:12:15 PM)
       Xin trân trọng cảm ơn tất cả những ý kiến cảm nhận về bài thơ "Chợt lòng" mà "lucbat.com" đã giới thiệu cho tôi, xin được hồi âm bàn luận thêm sau.
       Riêng về thân phận tác giả thì hoàn toàn đúng như "lucbat.com" đã đăng. Nếu có sự nhầm lẫn nào đó mà bạn đọc còn phân vân thì chắc có sự nhầm lẫn nào đó.
      Vậy xin được bày tỏ với bạn Lưu Xuân Thư, ở Vụ Bản, Nam Định biết.
       Nay Kính Duy Thảo, 46 Nguyễn Công Trứ, TP Hà Tĩnh.
        Email: duythao_ht@yahoo.com; điện thoại: 0912 899 766
  Nguyễn Xuân Tình - nguyenxuantinh@gmail.com -  - 58 Yên Ninh, T.P Yên Bái  (Ngày 23/02/2010 05:13:41 PM)
   Tôi cũng không thích từ "sè sè" trong bài thơ này, chưa đắc địa, nhưng tôi đồng ý với tác giả Trần Vân Hạc, không nên mổ sẻ từ này nhiều vì nó không làm hỏng bài thơ.
    Còn nếu tôi bình bài thơ, tôi sẽ không chọn từ này vì không là điểm sáng của tác phẩm. D.T.V bình khá hay nhưng nếu không bình từ này thì bài văn hay hơn nhiều.
  Lương Bá Hòa - Luongbahoa@yahoo.com.vn -  - Nha trang  (Ngày 23/02/2010 05:37:06 PM)
        Tôi thiết nghĩ, việc tranh luận là lẽ thường và tất yếu khi chúng ta có những quan điểm khác nhau.
       Ngay từ :"sè sè" trong câu thơ của cụ Nguyễn Du, hiện tại cũng còn nhiều tranh luận là từ "tượng hình" hay "tượng thanh" và nếu là "tượng thanh' thì tại sao cụ Nguyễn lại dùng để chỉ vật "tượng hình".
         Qua đó thấy được cái tài dùng ngôn ngữ của cụ. Đọc câu thơ ta vẫn hiểu vẫn cảm được. Trong cách viết theo lối cụ Nguyễn của Duy Thảo, tuy đọc lên nghe thấy còn khiên cưỡng, gò ép, nhưng vẫn có thể chấp nhận được. Tôi nghĩ , bạn đọc Lưu Xuân Thư đã nêu vấn đề cũng có lý, nhưng không nên cứng nhắc lấy theo việc giải nghĩa câu thơ của cụ Nguyễn mà bắt bẻ không cần thiết. Dung Thị Vân khi bình thơ có thể bỏ qua sự không cần thiết ấy, bởi vì câu thơ mang hàm ý biểu trưng trìu tượng mà không cụ thể. 
         Xin gửi lời chào thân ái!
        Lương Bá Hòa
  Chương Vũ - lythaydo@gmail.com - 08.38237252 - 173 hai Bà Trưng Q.3, TP.HCM  (Ngày 23/02/2010 08:06:50 AM)
Đọc bài thơ “Chợt lòng” của nhà thơ Duy Thảo và lời bình của nhà thơ Dung Thị Vân cùng các ý kiến phản hồi của người yêu thơ. Tôi cũng đồng một cảm nhận với các bạn Thu Lan, Trần Vân Hạc và Nguyễn Chinh. Trường xưa, tản mác bạn bè, Còn ai nhớ lối sè sè mái tranh. Hai câu này rất hay! Đầy cảm xúc. Từ sè sè dùng ở đây rất hợp! Đâu cần tra từ điển mới hiểu… Hành trình của một bài thơ hay và sự đồng cảm của người thưởng thức cũng giống như đoàn lữ hành đi trong đêm khuya. Đường ta ta cứ đi! Có hề chi vài tiếng động sau lưng…
  Nguyễn Chinh - nguyenchinh2002@gmail.com - 0938205207 - 184/34/14 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM  (Ngày 22/02/2010 10:24:29 PM)
Cảm nghĩ cùng “Lang thang gió bụi tìm về” Cám ơn nhà thơ Dung Thị Vân đã cảm nhận một bài thơ rất hay của nhà thơ Duy Thảo: “Chợt lòng”. Tác giả nhìn một chiếc lá rơi trong chiều thu bỗng chợt lòng ngoái lại tìm những kỷ niệm của một chốn quê xưa với tình yêu thơ dại: Lá rơi khuấy bụi thời gian, Bay trong vô định như bàn tay buông. Chợt lòng ngoái lại nhớ thương, Dầm trong gió cát con đường đất quê. Em chưa trao một lời thề, Mà sao mộng mị cứ về tìm nhau.... Vườn xưa vẫn còn đó nhưng người xưa đã xa rồi. Trường xưa cũng chẳng còn bạn bè cũ. Tìm mãi trên lối cũ chỉ thấy ẩn hiện mái tranh rồi lại nhớ em ngày xưa biết giờ ở đâu? Bây giờ chỉ còn mình ta lang thang trong chiều nhìn lá rơi để âm thầm nuối tiếc: Chợt lòng, ngoái tới mai sau Vườn xưa chủ mới, biết đâu mà về. Trường xưa, tản mác bạn bè, Còn ai nhớ lối sè sè mái tranh. Em xưa, ra với thị thành. Để tôi nuối tiếc một mình cho tôi... Ngô đồng trước ngõ lá rơi, Chiều thu đi với khoảng trời lang thang. Tác giả đã khéo léo tả một mái tranh thấp ẩn hiện trên lối cũ bây giờ đã khác xưa… Bài thơ khiến lòng tôi bâng khuâng nhớ lại tình yêu đầu của mình, ta cũng chưa hẹn thề cùng em nhưng xa nhau gần 40 năm biết em có còn đó không ngày ta trở lại? Lối xưa có còn dấu vết gì của tình ta không? Xin cám ơn nhà thơ Dung Thị Vân đã cảm nhận bài lục bát thật hay này để đưa tôi về miền ký ức đã thật xa của riêng tôi…
  Trần Vân Hạc - vanhac.yenbai@gmail.com - 0917331683 - F201, B4/ 189 Thanh Nhàn, Hà Nội  (Ngày 22/02/2010 09:49:49 PM)
Tôi vô tình đọc mấy ý kiến về bài thơ "Chợt lòng" cùng lời bình của D.T.V. Từ "sè sè" trong văn cảnh này được đấy chứ, nếu trong thơ mà cứ tra từ điển thì e có lúc lại dở, vì trong thơ nhiều khi cái vô lý còn được chấp nhận và trở thnhf cái có lý. Chưa nói rằng tuy Lucbat là sân chơi bình đẳng, nhưng cần hơn những ý kiến có tình xây dựng một cách có văn hóa chứ, phải không các bạn yêu thơ?
  Thu Lan - thulany_b@gmail.com -  - phương Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái  (Ngày 22/02/2010 09:47:58 PM)
Từ sè sè tác giả dùng trong văn cảnh này được đấy chứ, sao lại đem từ điển ra để tra cứu và làm hỏng tứ thơ như thế. Trong thơ có thể chấp nhận cả những cái tưởng như vô lý ấy chứ.
  Lưu Xuân Thư - luuxuanthu_nd@yahoo.com - 0350.3586798 - Vụ Bản, Nam Định  (Ngày 22/02/2010 05:44:32 PM)

Xin kính tặng hai nhà thơ Duy Thảo và Dung Thị Vân bài thơ:

Vợ em dáng thấp sè sè
Bộn bề vòng một, to bè vòng hai
Thế gian ai đẹp kệ ai
Tình yêu em tặng không ngoài vợ em!

Không hiểu sao bài phản hổi của em lại bị cắt đi một nửa thế ạ?

  Lưu Xuân Thư - luuxuanthu_nd@yahoo.com - 0350.3586798 - Vụ Bản, Nam Định  (Ngày 22/02/2010 04:30:26 PM)
    Cho tôi xin hởi Quý Nhà thơ một chút ạ: Trong Tác giả-Tác phẩm đã ghi Nhà thơ thường trú tại địa chỉ: 46, Nguyễn Công Trứ, Thành phố Hà Tĩnh.
   Ở câu trả lời ở đây thì số email và địa chỉ là: duythao_tphcm@ymail.com - TP.HCM. 
   Thế thì hai Nhà thơ Duy Thảo, một ở Hà tĩnh, một ở Tp HCM thì ai là Duy Thảo thật đây ạ.
  Duy Thảo - duythao_tphcm@ymail.com - 0917564783 - TP.HCM  (Ngày 22/02/2010 11:40:49 AM)
           Cảm ơn lời thắc mắc của Thi hữu Lưu Xuân Thư. Tôi - với tư cách là tác giả bài thơ có đôi lời như sau: Sè sè ở trong bài thơ này không dùng với nghĩa thực (nghĩa đen) trong từ điển mà dùng với nghĩa chuyển đổi cảm giác. Sè sè dùng ở đây với nghĩa là thấp, lè tè, le te. Đó là sự sáng tạo của riêng cá nhân người sáng tác. Đôi dòng trả lời để bạn được roc. Trân trọng!
  Lưu Xuân Thư - luuxuanthui_nd@yahoo.com - 0350.3586789 - Nam Định  (Ngày 22/02/2010 01:08:29 PM)
Hình minh họa mờ quá! BBT nên đổi hình khác sẽ đẹp hơn. Trân trọng!!!
  Lưu Xuân Thư - luuxuanthu_nd@yahoo.com - 0350.3586798 - Vụ Bản, Nam Định  (Ngày 22/02/2010 11:15:12 AM)

              Theo Đại Từ điển Việt Nam:
              Sè sè : Vật có hình khối, hơi gồ lên, nhưng có độ cao không đáng kể so với mặt bẳng xung quanh." Sè sè nắm đất bên đường" (Truyện Kiều).
            Tôi rất yêu thơ lục bát. Trong bài thơ này, cho phép hỏi nhà thơ Duy Thảo và Dung Thị Vân câu sau: 

Trường xưa, tản mác bạn bè
Còn ai nhớ lối sè sè mái tranh.

           Mái tranh sè sè là mái tranh gì đây ạ?
          Cảm ơn trước các nhà thơ sẽ trả lời cho tôi!

Các bài khác: