Thần thoại Hy Lạp kể cho chúng ta về vị thần tình yêu Eros với đôi cánh thiên thần và hai túi đựng mũi tên. Chàng ban phát tình yêu cho nhân loại bằng cách bắn các mũi tên vào trái tim của mỗi người. Nếu người nào bị 'trúng thương' bởi mũi tên chàng rút từ túi bên phải thì sẽ có được tình yêu hoàn hảo, ngọt ngào. Còn nếu người nào không may bị 'trúng thương' bỡi mũi tên chàng rút ra từ túi bên trái thì sẽ gặp sự đau khổ trong tình yêu. Có lẽ, vì thế tình yêu không chỉ có lãng mạn, ngọt ngào mà còn có cả những “trái đắng” xót xa. Từ thực tế đó, người nghệ sỹ dân gian xưa đã thốt lên câu hát:
- Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay
- Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Rất nhẹ nhàng, tinh tế nhưng cũng thật nặng trĩu tâm sự nuối tiếc xót xa. Bài ca dao với năm cặp lục bát ngắn gọn, nhưng lại là một câu chuyện dài về một tình yêu dang dở, với những nỗi khổ đau, nuối tiếc trong tình cảnh éo le của những con người trong cuộc.
Nhân vật trữ tình xuất hiện trong bài ca dao là chàng trai và cô gái. Bài ca dao là tình cảnh và tâm trạng thực tại, có lẽ là kết quả của một 'tiền giả định' mà tác giả dân gian không muốn nói đến trong bài ca dao. Ở đây, có thể có ba giả thiết về “tiền giả định” đó. Có thể là chàng trai và cô gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau; cũng có thể là chàng trai thầm yêu cô gái nhưng chưa có dịp thổ lộ thì cô gái đã đi lấy chồng; và cũng có thể chàng trai và cô gái gặp nhau, mến nhau nhưng đã muộn màng. Dù hiểu theo cách nào thì bài ca dao cũng có cái lý riêng của nó nhưng phù hợp nhất có lẽ là giả thiết thứ nhất. Chàng trai và cô gái yêu nhau nhưng vì một lý do nào đó mà họ không lấy được nhau, cô gái phải đi lấy chồng.
Bài ca dao như là một sự tương ngộ của những 'người xưa' và 'tình xưa' trong sự buồn đau, nối tiếc muộn màng.
Bốn câu đầu là lời của chàng trai:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em đã có chồng anh tiếc lắm thay
Đọc bốn câu ca dao trên ta nghe vang vọng đâu đây cái âm hưởng của những câu ca dao:
...Anh đến tìm hoa thì hoa đã nở
Anh đến bến đò đò đã sang sông
Anh đến tìm em thì em đã có chồng...
Cũng là 'hoa' đã nở, cũng là 'em' đã lấy chồng, cũng là chỉ còn lại mình 'anh' bơ vơ trong nỗi cô đơn tuyệt vọng. Nhưng tâm trạng của chàng trai trong ba câu ca dao này là một tâm trạng cụ thể, xác định về một sự gặp gỡ muộn màng. Còn tâm trạng chàng trai trong bài ca dao của chúng ta thì lại là tâm trạng của một người đã yêu và được yêu nhưng phải xót xa nhìn cảnh 'người yêu đi lấy chồng'. Vì thế tâm trạng ấy càng đau khổ và xót xa hơn.
Những câu thơ đọc lên ta cảm giác có cái gì đó rất vô lý. Tại sao lại trèo lên cây bưởi mà hái hoa? rồi lại bước một cách dễ dàng xuống vườn cà? giữa vườn cà lại có nụ tầm xuân? Và nghịch lý hơn nữa là nụ tầm xuân lại có màu xanh biếc!
Nhưng cái hay, cái độc đáo của bài ca dao là ở chỗ đó. Từ cái tưởng chừng như vô lý nhưng lại trở nên rất hợp lý. Nó vô lý bởi lẽ tự nhiên nhưng lại hợp lý với lòng người. Dường như cái hành động 'trèo lên', 'bước xuống' ấy là hành động của vô thức, thể hiện tâm trạng rối bời của chàng trai. Và cái sắc màu 'xanh biếc' ấy không còn là sắc màu thật nữa mà đó là sắc màu của ảo giác, sắc màu của tâm trạng. Nó không còn là sắc hồng thắm thiết của những tâm trạng đang yêu, mà giờ đây tất cả như đã biến sắc đổi hình.
Cách gieo vần trắc ('iếc' - biếc/tiếc) như xoáy sâu vào sự nối tiếc muộn màng của chàng trai, và sự đau khổ đến tột cùng.
Nếu như bốn câu đầu là lời của chàng trai, là tâm trạng rối bời, nối tiếc thì bốn câu cuối là lời của cô gái với sự trách móc về sự chậm trễ và thiếu chủ động của chàng trai.
'Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không'
Cách sử biện pháp đối lập các cụm từ 'ba đồng', 'một mớ'rất độc đáo. “Ba đồng” thì đã rõ, nhưng còn “một mớ” là bao nhiêu thì không xác định, chỉ biết rằng đó là một số lượng rất nhiều. Thông qua sự đối lập ấy, tác giả cho ta thấy giá trầu không càng rẻ thì lỗi của chàng trai càng lớn. Tuy nhiên, sự tinh tế của câu ca dao không phải là nói chuyện trầu mà là chuyện chàng trai nghèo, không đủ bản lĩnh để hỏi cưới nàng về làm vợ, khi mà người con gái không tự quyết được hôn nhân của mình.
Thông thường ca dao khi nói đến sự đau khổ trong tình yêu, thì nói đến sự phụ tình bạc ngĩa.
'Trách người quân tử bạc tình
Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao'
Hay:
'Anh tưởng giếng nước sâu
Anh nối sợi gầu dài
Ai ngờ giếng cạn
Anh tiếc hoài sợi dây'
Và có khi là:
'Tiếc công anh xe chỉ uốn cần
Bởi chưng biển động con cá lồng ra khơi'
Nhưng không hề có chuyện phụ tình trong bài ca dao này. Bởi vậy ta càng quý trọng biết bao nhiêu những tình yêu thủy chung, son sắt. Như vậy mặc dù không lấy được nhau, nhưng trái tim họ thấu hiểu và cảm thông cho nhau.
Hai hình ảnh so sánh: Như chim vào lồng; như cá cắn câu được sử dụng vừa lặp lại, vừa đảo ngược như nhấn mạnh sự tù túng, bế tắc không thể thay đổi được nữa. Sự thực hiện tại là cô gái đã có chồng và cô phải làm trọn cái bổn phận làm vợ, làm mẹ của mình.
Câu hỏi: “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng biết thuở nào ra?' thốt lên như một sự phản kháng, bất lực vì đã bị ràng buộc trong nghĩa vụ với gia đình. Phải chăng đó cũng là sự hy sinh thầm lặng của cô gái ? Về phương diện này, bài ca dao thể hiện được một khát vọng mãnh liệt về tình yêu chân chính. Đó cũng là lời tố cáo mãnh liệt những ràng buộc khắt khe của chế độ phong kiến.
Từ tâm trạng rối bời, nối tiếc của chàng trai và sự khổ đau trước thực tại trái ngang của cô gái. Bài ca dao kết thúc bằng một câu hỏi bỏ ngỏ, dở dang như chính cuộc tình của chàng trai và cô gái vậy.
Bài ca dao kết thúc với biết bao dư vị xốn xang. Tôi thiết nghĩ: Giá như tất cả những mũi tên của thần Eros chỉ nằm ở túi bên phải và giá như tất cả mọi người trên thế gian này đều được “trúng thương” bởi mũi tên của thần Eros và có được một tình yêu ngọt ngào và hạnh phúc. Nhưng dường như cuộc sống là vậy: Có đau khổ mới có hạnh phúc, có xót xa nuối tiếc ta mới quý trọng hơn những điều ta có hôm nay.
-----------------------
Nguồn: www.htu.edu.vn
Châu Tuấn - changmuonxaem@yahoo.com - - Hà Nội
(Ngày 28/03/2010 09:46:53 PM)
Tôi thích bài ca dao này từ ngày tôi học phổ thông và đến bây giờ tôi vẫn rất thích. Tuy nhiên, sau khi đọc bài bình của tác giả (Mặc dù không trích dẫn trong bài này) tôi thấy tác giả có phần bình hơi "ép" quá.
Tôi thấy bài ca dao này hay, nhưng chưa bao giờ vì ý nghĩa bài ca dao nằm trong 3 "tiền giả định" của tác giả, nhất là về khía cạnh nói lên tâm trạng của chàng trai và cô gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau. Chưa bao giờ tôi nghĩ bài ca dao này lại là "một câu chuyện dài về một tình yêu dang dở...". Mặc dù chủ đề chính của bài ca dao là đề cập đến tình yêu, nhưng nó không truyền tải một thông điệp của mối tình cụ thể. Mặc dù nó chỉ là hai câu đối đáp, nhưng 4 câu đầu chỉ có vai trò như câu đề cho 4 câu cuối. Cái "tiếc" trong 4 câu đầu này không hàm ý một cái tiếc đứt ruột, tiếc đau lòng, tiếc tột cùng vì "cách trở ngăn sông" mà 2 người không đến được với nhau. Không có một thế lực nào ngăn cản họ cả, trừ một "thế lực" đó là cái tính "Bụt chùa nhà không thiêng" của người con trai cho nên cứ "trèo lên", "bước xuống" để rồi đến khi nhận ra rằng người bên cạnh mình mới là người mình cần thì đã muộn. Cho nên, cái tiếc ở đây là cái tiếc thật đáng trách. Một cái tiếc "chót lưỡi đầu môi", cái tiếc khi sự đã rồi, cái tiếc của "chàng trai ích kỷ". Bốn câu cuối bài ca dao, mặc dù có nhắc đến "tiền" nhưng cũng không ám chỉ gì đến một chàng trai nghèo không đủ bản lĩnh để cưới cô gái. Nó chỉ là cách cô gái nói để nhấn mạnh thêm sự trách móc vì tính thờ ơ trước đó của chàng trai (không chỉ là chàng trai nghèo). |