Chủ nhật, 22/12/2024,


Hoài niệm từ một bài thơ (09/02/2010) 

Làng tôi đất bán sạch rồi

 

Làng tôi đất bán sạch rồi
Còn chăng là lớp bùn bồi ven sông…
Ông tôi mỗi sáng lưng còng
Đi gieo hạt lệ xuống đồng “thổ cư”
Còn cha ngơ ngác ậm ừ
Nhìn nhà máy cứ từ từ mọc lên
Mẹ buồn thao thức đêm đêm
Hỏi đàn cò trắng sao quên không về?
*
Làng tôi giờ đã hết quê
Quán bia với quán cà phê chen đầy
Ngả nghiêng kẻ tỉnh người say
Ôm nhau gục nhớ đường cày ngày xưa
Con trâu thuở ấy đi bừa
Bao câu hò vọng hẹn mùa lúa thơm…
Bàng hoàng nắng quái chiều hôm
Làng giờ hóa phố cọng rơm chẳng còn…

 

Thanh Trắc Nguyễn Văn

 

 

Bài “Làng tôi đất bán sạch rồi” của Thanh Trắc Nguyễn Văn gợi tôi nhớ đến bài thơ nổi tiếng “Sông Lấp” của Trần Tế Xương:

 

Sông kia rày đã nên đồng

Chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai

Vẳng nghe tiếng ếch bên tai

Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò

 

Mở đầu bằng hai câu: “Làng tôi đất bán sạch rồi/ Còn chăng là lớp bùn bồi ven sông…”  Giọng thơ trầm pha chút xót xa ngậm ngùi, nuối tiếc để rồi mở ra những hình ảnh cha ông chân lấm tay bùn một thời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”; “Ông tôi mỗi sáng lưng còng/ Đi gieo hạt lệ xuống đồng “thổ cư”/ Còn cha ngơ ngác ậm ừ/ Nhìn nhà máy cứ từ từ mọc lên/ Mẹ buồn thao thức đêm đêm/ Hỏi đàn cò trắng sao quên không về…”  Cái thời “cày đồng đang buổi ban trưa/ mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày” đã không còn nữa. Thế mà hình ảnh ấy cứ ám ảnh thi sĩ bao đời. Cánh đồng ngàn xưa giờ đã thay thế bằng những nhà máy, những công trình thế kỷ mọc lên đến độ ngơ ngác, thẫn thờ. Sự thay đổi tốc độ của thời đại khiến bao người nông dân nuối tiếc, ngẩn ngơ. Đặc biệt là tâm trạng người mẹ được tác giả thể hiện rất thành công, nhất là hình ảnh đàn cò trắng không còn nhìn thấy trên làng “tôi” nữa!

 

Làng tôi giờ đã hết quê

Quán bia với quán cà phê chen đầy

Ngả nghiêng kẻ tỉnh người say

Ôm nhau gục nhớ đường cày ngày xưa

Con trâu thuở ấy đi bừa

Bao câu hò vọng hẹn mùa lúa thơm…

 

Đoạn 2 là phố mọc lên trên mảnh đất gọi làng ngày xưa với những quán xá choáng ngợp nhiều kẻ say  nghiêng ngả. Thế nhưng, hình ảnh đường cày, con trâu vẫn hằn sâu ký ức, đi vào cơn say ngút ngắc là “bao câu hò vọng hẹn mùa lúa thơm...” Hình ảnh làng quê với bao kỷ niệm đẹp đã đi vào văn chương từ bao đời, nay lại tìm thấy trong bài thơ của Thanh Trắc Nguyễn Văn với những lời mộc mạc, giản dị mà nồng cháy lửa tình, mãnh liệt với quê hương.

 

Hoài niệm trải dài và chảy dọc mạch cảm xúc của thi sĩ, nó dừng lại bằng hình ảnh rất hương vị (lúa thơm) - thơm những lời hò hẹn của bao đôi nam nữ nông thôn vọng lên vào những đêm trăng bàng bạc ánh vàng; lúa thơm chất chứa những tình cảm đôi lứa đẫm đầy hương vị yêu thương.

 

Cái kết của bài thơ chỉ hai câu: “Bàng hoàng nắng quái chiều hôm/ Làng giờ hóa phố cọng rơm chẳng còn…”. Còn phảng phất, mà đúng hơn là nỗi bàng hoàng đến độ không ngờ trước sự thay đổi; tiếc nuối về hình ảnh làng quê yên bình thơ mộng cùng hình ảnh con trâu, cái cày, những câu hò vang vọng, nhường cho tiếng nhạc xập xình, những tiếng xe chạy nhức óc, xả khói và bụi trên cái không gian vốn yên tĩnh ngày xưa.

 

Sự hoài niệm và tiếc nuối của bao người nông dân được Thanh Trắc Nguyễn Văn nói bằng những hình ảnh rất thơ, qua lối diễn đạt giàu cảm xúc bằng thể lục bát đã để lại trong tôi những suy nghĩ, những trăn trở như tác giả đã từng trăn trở. Biết rằng sự vận động của quy luật, của xã hội; biết rằng đổi mới nông thôn lên thành phố có thể là điều đáng vui, đáng mừng, nhưng dẫu sao con người ta vẫn thấy xót xa tiếc nuối, thấy như hụt hẫng thiếu vắng một cái gì đó đã ngấm vào máu thịt của người nông dân tự bao đời nay!

 

Cảm ơn nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn đã nói rất hay về tâm trạng của bao người nông dân có làng quê của mình giờ đã đổi thay thành phố thị! Thông điệp của bài thơ còn nhắc nhở con người thủy chung với quá khứ, gợi truyền thống về đạo lý uống nước nhớ nguồn với hàm ý sâu xa…

 

5/1/2010

 

Lê Bá Duy

Điện thoại: 0169.6506939
Email:
lebaduyph@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: