Thứ sáu, 03/01/2025,


Dãi dầu bán cái dãi dầu xót xa (06/02/2010) 

Trên đường Giảng Võ

 

Là chợ mà chỉ có người

Phơi phong từng đám giữa trời lơ vơ

 

Con đường hai vệt nắng mưa

Cái cơn trái gió có chừa mặt ai

 

Đời như sợi chỉ dễ phai

Nay còn chưa chắc thì mai mong gì

 

Vạ vật tê cả bước đi

Cát lầm lụi cát còn gì để đau

 

Chợ người chẳng bán người đâu

Dãi dầu bán cái dãi dầu mà thôi

 

Bùi Kim Anh

 

  

Đời luôn tồn tại một nghịch lý trớ trêu “Kẻ ăn không hết người lần chẳng ra”. Càng bức xúc với thói tiêu sài phung phí sa đoạ của những kẻ lắm bạc nhiều tiên bao nhiêu, thì càng thấm thía xa xót bấy nhiêu khi đọc bài thơ Trên đường Giảng Võ của nhà thơ Bùi Kim Anh.

 

Là chợ mà chỉ có người

Phơi phong từng đám giữa trời lơ vơ

 

Là chợ mà chỉ có người với người thôi, thì xem ra có gì đó không ổn rồi. Chỉ có người, không có hàng hóa vật dụng mua bán trao đổi thì sao có thể gọi là chợ được. Vậy mà ở đây người ta vẫn gọi là chợ, mà còn là cái chợ thiết yếu, cứu cánh được không biết bao nhiêu phận người khốn khó. Nhà thơ đã sử dụng cụm từ phơi phong, làm cho độc giả có cảm giác như chợ có  hàng hóa, hàng hóa được bầy ra, phơi ra cho đúng nghĩa chợ. Cụm từ biến đổi thật diệu nghệ mà cũng thật chua xót. Những người lao động không có công ăn việc làm, không còn kế simh nhai, từ mọi miền tụ tập về đây, mong tìm thấy cơ may, bán dần đi cái sức lực trời cho mình, để kiếm đồng tiền công ít ỏi sinh sống qua ngày. Dù may rủi bấp bênh, nhưng Trên đường Giảng Võ năm 365 ngày chắc cũng gần đủ 365 phiên chợ. Chợ đặc biệt - mua bán vô hình, mà phiên nào cũng đông đúc chen chúc. Ta hãy thử lần theo câu thơ dạo quanh chợ:

 

Con đường hai vệt nắng mưa

Cái cơn trái gió có chừa mặt ai

 

Cách miêu tả chợ thật lạ lùng, không có khung vòm lều quán mái che, mà chỉ hai vệt nắng mưa lộ thiên, hết mưa lại nắng. Chỉ một câu sáu, nhà thơ cũng đã phác thảo được cái chợ với hai điều tồi tệ nhất. Chợ, đã vừa tạm bợ không ra hồn chợ, lại còn lột tả được nỗi cơ cực đắng cay vô thường của những người trong chợ. Nắng mưa không chỉ còn là việc của trời như cách nói khinh khi bất cần nữa, mà nó đã là nỗi lo lắng ám ảnh thường trực đối với bất cứ ai đặt chân tới chợ. Nếu không may gặp khi trái gió trở trời, có thể bị cảm tả, thương hàn… bạo bệnh có chừa mặt ai, thì nỗi bất hạnh đối với bản thân, gia đình vợ con họ thật sự khôn lường. Hai câu thơ sắc sảo, gây ấn tượng mạnh mẽ đối với người đọc. Bởi ngòi bút nhân hậu của nhà thơ đã nghiêng về chia sẻ, nâng đỡ, cảm thông, tôn trọng với những thân phận thiệt thòi.

 

Đời như sợi chỉ dễ phai

Nay còn chưa chắc thì mai mong gì

 

Phận người mà được so sánh ví von như sợi chỉ dễ phai dễ đứt, kể cũng đã đến tận cùng mong manh của cõi tạm. Với nhà thơ, ai đã phải tới chợ này kiếm sống, thì họ đều là những người có thân phận thấp kém, đen đủi hẩm hiu, khốn khó cùng đường, không còn cơ may nào khác. Ai đã một lần chứng kiến cũng phải ngạc nhiên, mỗi khi có chiếc xe dừng lại, chưa biết để làm gì, thì lập tức, những tốp người đã ào tới. Họ vòng trong vòng ngoài vây hãm lôi kéo xô đẩy giằng co nhau, thậm chí cãi chửi nhau để giành lấy lượt mình. Chính cái khốn khó, đói khát đã trỗi dậy trong con người họ thói liều lĩnh bất nhẫn “…túng làm liều” mà. Khi người ta nói sống nay không biết mai, đã là sự tạm bợ mờ mịt lắm. Vậy mà, nay còn chưa chắc, thì hẳn mai sẽ còn bế tắc đen tối bi đát hơn nhiều. Nỗi đau đớn của con người như được đẩy đến tận cùng, đến mụ mẫm tê dại:

 

Vạ vật tê tái bước đi

Cát lầm lụi cát còn gì để đau

 

Có lẽ sự đau đớn về thể xác dù nặng nề đến mấy, thì con người rồi cũng có thể chịu đựng, vượt qua được, nhất là những người lao động chân tay đã từng hai sương một nắng. Song, khi bị rẻ rúng thân phận nhân phẩm, thì nỗi đau tinh thần sẽ làm cho họ bị tê dại không còn cảm giác để biết đau đớn thể xác nữa, chỉ còn lầm lụi như cát, như đất mới thật sự khủng khiếp.

 

Chợ người chẳng bán người đâu

Dãi dầu bán cái dãi dầu mà thôi

 

Đọc hai câu kết, cứ tưởng nhẹ nhàng chơi chơi để khép lại bài thơ cho đúng luật lệ. Vâng, chính cái cách chơi chơi, chơi chữ “người” đối với “dãi dầu”,  “Dãi dầu bán cái dãi dầu” ấy mà bài thơ càng trở nên hàm xúc ám ảnh.

 

Lục bát của Bùi Kim Anh có một sức sống riêng biệt, chị thường dùng thủ pháp phá cách ở câu sáu “vạ vật tê tái bước đi”, hay xử dụng điệp ngữ làm cho câu thơ được dồn nén trùng điệp về ý tứ, hối hả về nhịp điệu mà vẫn nhuyễn, lấp lánh hấp dẫn người đọc. Đó là những đóng góp đáng kể để lục bát vẫn mới, vẫn hiện đại mang hơi thở thời đại.

 

Trên đường Giảng Võ, bức thông điệp giàu ý tưởng, chuyện muôn đời nhưng vẫn mang tính thời sự nhức nhối nóng bỏng. Ngày nay, khi công nghiệp hoá, hiện đại hóa đang phát triển với tốc độ chóng mặt, thì mặt trái của nó cũng có những tác hoạ khôn lường. Nếu chỉ riết róng thu hồi đất giải phóng mặt bằng cho công nghiệp, hiện đại, mà không đồng thời, thậm trí phải đi trước, việc đào tạo tay nghề giải quyết việc làm cho người nông dân, tái cấu trúc nền kinh tế một cách bài bản, thì điều gì sẽ xảy ra? Chắc không thể có được lời lẽ hoa mỹ nào thay thế được cụm từ thất nghiệp, bần cùng hoá. Và rồi, không chỉ Trên đường Giảng Võ, mà còn nhiều con đường kiểu đó sẽ mọc lên. “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đã thành câu nói cửa miệng, thì sao xã hội ấy lại có trong lòng mình “Dãi dầu bán cái dãi dầu mà thôi” cho được.

 

Có lẽ, đối với một nhà thơ thì đây là sự biểu đạt trách nhiệm công dân cao nhất. Cũng là sự đồng cảm chia sẻ thiết thực nhất với những người lao động, những thân phận thiệt thòi./.

 

Ninh Bình, ngày 24 – 1 – 2010

 

Lâm Xuân Vi

(Hội viên Hội nhà văn Việt Nam)

ĐC: Hội VHNT Ninh Bình

Email: xuanlamvi@yahoo.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - NgocNX1939 @gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 03/08/2015 3:31:30)

CHỢ NGƯỜI
Chợ mà không quán không lều
Bao người phơi dưới nắng chiều sớm trưa
Trời thì khi nắng khi mưa
Trở giời trái gió có chừa một ai

Bán đi sức khỏe trẻ trai
Già nua kiệt sức tương lai còn gì?
Ở quê không có việc chi
Vật vạ đường phố kể gì khổ đau

Bán sức khỏe để nuôi nhau!
Chợ người bấn những khổ đau cuộc đời?!
Xuân Ngọc

  Lương Bá Hòa - Luongbahoa@gmail.com - 01682553228 - Nha trang  (Ngày 7/02/2010 08:32:51 AM)

Nhà thơ Lâm Xuân Vi đã có một cảm nhận thật thấm thía với nỗi đau của con người bần cùng trong cái "chợ người" đen tối giữa ban ngày. Vì sao vậy? một câu hỏi thật khó trả lời.

Cảm ơn nhà thơ Lâm Xuân Vi và nhà thơ Bùi Kim Anh đã cho chúng ta thấy một thực trạng đau lòng hiện nay. Nhân đây, tôi cũng xin chia sẻ cùng hai nhà thơ, bằng bài thơ sau:

 

TỰ VẤN

 

Bỏ làng ra phố làm thuê
Thanh niên trai tráng ngô nghê đứng đường
Những mong đời sẽ lên hương
Chỉ mong được chút tình thương của người

 

Về quê sợ chúng bạn cười
Nhẳng nhơ trên phố mặt ươi nỗi buồn
Cũng là ra chợ đi buôn
Người buôn hàng hóa, ta buôn bán mình.

Xin kính chúc hai nhà thơ sức khỏe và thành công trong mọi lĩnh vực.

 

Lương Bá Hòa

Các bài khác: