Thứ sáu, 03/01/2025,


"Lật tìm" triết lý cuộc sống (29/01/2010) 

LẬT TÌM…

 

Lật nụ cười thấy than ôi!
Lật niềm hạnh phúc gặp người bơ vơ
Lật thời gian chạm hững hờ
Lật ân nghĩa chợt thẫn thờ bạc đen...

 

Càng lật càng nặng ưu phiền
Đứng giữa hai mặt triền miên gánh gồng
Mặt trời trải thảm trên đồng
Xin cho chút nắng gửi lòng, chút thôi!

 

Phan Văn Nhớ

 

 

      ''Lật tìm'' của tác giả-người lính Phan Văn Nhớ là một bài thơ đa chiều gợi lên trong lòng người đọc nhiều suy nghĩ và những liên tưởng mới mẻ. Bài thơ đọc qua tưởng chừng như đơn giản nhưng lại không đơn giản chút nào. Có lẽ cái hay, cái độc đáo và sức ám ảnh của ''Lật tìm'' nằm ở chỗ đó. ''Lật tìm'' càng đọc càng nghiền ngẫm lại càng phát hiện ra nhiều cái thú vị độc đáo đến bất ngờ, giống như người biết uống rượu càng uống lại càng say. Say thơ rồi say cả hồn người, cái chất lính dường như luôn phảng phất đâu đó lúc ẩn lúc hiện, bàng bạc, lấp lánh trong thơ Phan Văn Nhớ.

       Xưa nay để đưa ra các triết lý, quan điểm sống, người ta thường có nhiều cách khác nhau để áp đặt cái ''tôi'' vào cái ''ta'' chung của cuộc đời. Có không ít con đường để tìm được đồng điệu trong tâm hồn. ''Lật tìm'' của Phan Văn Nhớ đã đánh thức phần nào lý trí, tư tưởng nhận thức của mỗi người khiến chúng ta có phút giật mình nhìn lại giữa dòng chảy xã hội hối hả, tấp nập hiện nay để chúng ta soi vào đó nhìn rõ mình hơn.

      Bài thơ có sự băn khoăn day dứt của một tâm hồn ''lo trước nỗi lo của mọi người, vui sau niềm vui của mọi người''. Nó là sự hy sinh thầm lặng. Mặc dù tác giả ý thức được cuộc sống này không phải là màu hồng. Nhưng thi nhân vẫn vui vẻ chấp nhận nó một cách rất vững vàng nơi tâm hồn người từng trải:

 

''Lật nụ cười thấy than ôi

Lật niềm hạnh phúc gặp người bơ vơ

Lật thời gian chạm hững hờ

Lật ân nghĩa chợt thẫn thờ bạc đen…''

 

       Khổ thơ đầu, có cách vào đề rất tự nhiên. Tác giả sử dụng điệp từ ''lật'' nhắc đi nhắc lại bốn lần nằm ngay đầu bốn câu thơ như dòng xoáy khắc sâu vào tâm can người đọc. Người đọc hình dung ra nhân vật tôi đang vất vả, loay hoay, cố gắng kiếm tìm một cái gì đó nằm pha trộn trong đống hỗn loạn, rối ren đến toát cả mồ hôi mà vẫn chưa tìm ra cái mình mong đợi. Ngoài ra, với phép đảo trật tự cú pháp cùng cách ngắt nhịp 1/2/1/2; 1/3/1/3; 1/2/1/2; 1/2/1/3; lối vận dụng tài tình các động từ chỉ giác quan: ''thấy'', ''gặp'',''chạm''... và sử dụng tài tình những từ láy giàu sắc thái biểu cảm: ''bơ vơ'', ''hững hờ'', ''thẫn thờ''...  như những lớp sóng lòng cứ trào lên rồi lại dịu xuống theo nhịp đập con tim của chủ thể ''Lật tìm''. Đồng thời cách gieo luật bằng trắc hài hòa, đều đặn, hợp lý góp phần khắc hoạ rõ những cảm nhận đó.

        Thế mới biết Phan Văn Nhớ rất có tài trong sử dụng nhạc điệu của ngôn từ để gửi gắm nội dung truyền tải. Chính những sáng tạo đó đã làm cho bài thơ có được sự tươi mới trong câu chữ. Vậy thì thi nhân lật tìm gì đây? Và tại sao phải lật tìm?

          Đọc thoáng qua, những câu thơ tưởng chừng như có sự mâu thuẫn, không hợp lý không logic khó hiểu và khó chấp nhận. Tại sao ''lật nụ cười'' lại thấy tiếng thở dài ngao ngán ''than ôi'', “lật niềm hạnh phúc'' thì lại gặp phải những ''người bơ vơ'', rồi cố gắng thử lật sang ''thời gian'' vẫn chạm phải ''hững hờ''? Buồn và thất vọng, nhân vật tôi kiên trì lật tiếp sang ''ân nghĩa'' cũng vẫn trong trạng thái ''thẫn thờ'' vì ''bạc đen''...

       Cuối cùng thì tác giả đã phải thốt lên ''càng lật càng nặng ưu phiền''. Đây phải chăng là lời trách nhẹ nhàng? Mà trách ai? Trách ''ông xanh'' trên cao, trách thói đời, trách lòng người đổi trắng thay đen, trách hai mặt mâu thuẫn hay trách chính mình đã bất lực?  

        Câu thơ mở đầu khổ hai giống như một nốt trầm trên bản đàn, như một lời buông xuôi. Đến đây người đọc dễ lầm tưởng nhân vật tôi đã ''chào thua'' cuộc đời. Thế nhưng ba câu kết hoàn toàn thay đổi cả về nội dung và nghệ thuật khiến người đọc vô cùng ngỡ ngàng và thích thú bởi những dòng thơ tươi vui chứa chan niềm tin hi vọng:

 

''Đứng giữa hai mặt triền miên gánh gồng

Mặt trời trải thảm trên đồng

Xin cho chút nắng gửi lòng chút thôi''

 

      Phải khẳng định cái sức sống tiềm tàng trong thơ Phan Văn Nhớ vô cùng mãnh liệt, luôn gây sự bất ngờ đối với bạn đọc và hầu như trong sáng tác nào của tác giả cũng có cái tố chất đó. Giống như cuộc đời người lính dù biết cuộc sống còn nhiều những ngang trái nhưng một khi đã xác định được lý tưởng sống, họ luôn tự tin ngẩng cao đầu bước đi giữa phong ba bão táp cuộc đời mà ý chí không hề bị bào mòn lung lay.

     Và ở đây, tác giả đã chỉ rõ cho bạn đọc thấy, mặc dù ''càng lật càng nặng ưu phiền''. Mỗi lần ta cứ cố làm một việc tốt nào đó, cố vươn lên trong cuộc sống để sống thì dường như cuộc đời càng vùi dập ta chừng ấy. Nhưng chúng ta vẫn tin vào sự chiến thắng của cái thiện chỉ sợ chúng ta không có đủ sức kiên trì theo đuổi đến cùng dễ dẫn đến bỏ cuộc. Như ai đó đã nói rằng: 'Trên bước đường chúng ta đi mỗi lần gặp gian khó mà quay đầu lại thì sẽ không bao giờ đến đích''. Còn gì đẹp hơn cái đích mà Phan Văn Nhớ chỉ ra đó là cái đích tìm đến với sự Chân-Thiện-Mỹ. Chúng ta vô cùng cảm phục và xúc động trước ứơc nguyện của tác giả 'đứng giữa hai mặt' để 'gánh gồng' một cách ''triền miên'', liên tục, không mệt mỏi, không ngừng nghỉ.

 

''Mặt trời trải thảm trên đồng

Xin cho chút nắng gửi lòng chút thôi''

 

      Nếu như mặt trời của tự nhiên ngày lại ngày mang nguồn sống đến cho vạn vật đất trời với sức chiếu rạng vô tận ngấm vào tất cả ngóc ngách cõi nhân gian, xóa tan màn đêm u tối thì Phan Văn Nhớ ước mơ mình được làm một ''chút nắng'' hòa chung vào ánh sáng đẹp đẽ đó để ''gửi lòng'' hòa chung vào tiếng lòng của cuộc đời. Qua ''Lật tìm'' ta bắt gặp sự đồng điệu, quyện hòa giữa con người với con người, cảnh vật với thiên nhiên, thiên nhiên với con người... nhắc nhở mỗi người chúng ta cùng chung tay vun đắp cho vườn hoa cuộc đời ngày càng đẹp hơn.

        Bài thơ lục bát chỉ vẻn vẹn có hai khổ khá ngắn gọn nhưng  đem đến cho người đọc những triết lý sâu sắc về cuộc đời về con người. ''Lật tìm'' của tác giả Phan Văn Nhớ không chỉ thành công trong phá cách nghệ thuật độc đáo bởi cách đặt câu, cách dụng tứ thơ mà còn chuyển tải được nội dung vô cùng sâu sắc. Nó nói lên được thực trạng của xã hội muôn đời nhưng đằng sau đó vẫn là lời nhắn nhủ niềm tin vào một tương lai tươi sáng.

 

Đặng Thy Đông

Xuân Phong - Giao Xuân - Giao Thủy - Nam Định

ĐT: 01266045896 - Email: ddangthidong@yahoo.com.vn

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - NgocNX.1939@ Gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 24/07/2015 16:58:20)

LẬT TÌM
(Phan Văn Nhớ)

Lật trang sử thấy tự hào
Lật thời gian thấy bao thăng trầm
Lật tình chẳng mấy tri âm
Lật trang hạnh phúc lặng thầm bơ vơ

Càng lật càng thấy dại khờ
Bao nhiêu nuối tiếc ngẩn ngơ ưu phiền
Lật lên hai mặt đồng tiền
Trắng đen tròn chịa lực quyền đổi thay

Lật đời xưa thấy đời nay
Đầu lươn đít khỉ mong đầy túi tham
Xuân Ngọc

  Phan Văn Nhớ - nguoilinh_1968@ymail.com - 0165.454.4532 - Quân đoàn 4 - Bình Dương  (Ngày 1/02/2010 10:40:55 AM)
Xin chân thành cảm ơn cháu Đặng Thy Đông cùng các thi hữu: Trần Nguyễn Dạ Lan, Phạm Thanh Cải và Tường Vi đã đọc, bình luận và chia sẻ với Người lính!
  Tường Vi - tng_vi@yahoo.com.vn - 0128.7593.603 - Hóc môn - TP Hồ Chí Minh  (Ngày 31/01/2010 05:24:10 AM)

 

“Phải khẳng định cái sức sống tiềm tàng trong thơ Phan Văn Nhớ (PVN) vô cùng mãnh liệt, luôn gây sự bất ngờ đối với bạn đọc và hầu như trong sáng tác nào của thi nhân cũng có cái tố chất đó”. Tường Vi thích nhất câu này của Thy Đông. Sức sống trong thơ, trong con người của PVN, đúng như Thy Đông đã nhận định, phải dùng từ “mãnh liệt” để diễn đạt. Thơ anh toát lên điều gì đó rất mạnh mẽ của người đàn ông. Đọc thơ PVN, Tường Vi bỗng cảm thấy mình như có một điểm tựa. “Đứng giữa hai mặt triền miên gánh gồng”, nỗi lòng người trải ra cùng những câu thơ, hình ảnh của người quân tử. Mong anh sẽ nhẹ nhàng vượt qua những “bạc đen”, những “than ôi” để mãi gánh gồng cuộc đời này, như phẩm chất cao quý nơi người lính, nơi chính con người anh. “Mặt trời trải thảm trên đồng Xin cho chút nắng gửi lòng, chút thôi” Hai câu kết như một ước mơ đơn sơ mà tuyệt đẹp. Ánh sáng mặt trời hay sự ấm áp của lòng người gửi đến cho nhau, ánh sáng đó, sự ấm áp đó sẽ xua đi màn đêm giá lạnh, xua đi “bạc đen” đời thường… Chính là ước mơ vươn đến chân - thiện - mỹ, thông điệp mà bài thơ gửi đến mọi người.

Một chút rất riêng: Ánh mặt trời rực rỡ của PVN đã xua tan màn đêm của những tháng ngày dài đã qua, giúp Tường Vi nhìn lại chính mình và tìm lại chính mình.

Ước mong được làm một chút nắng ấm áp của buổi ban mai… gửi đến bên người, nhất là trong những ngày này!

 

Tường Vi

  Phạm Thanh Cải - phamthanhcai@gmail.com - 01696306682 - 2/178 Nguyễn Văn Linh, Hải Phòng   (Ngày 1/02/2010 05:52:43 PM)

     Bài thơ của Phan văn Nhớ mang tính triết lý rất cao nhưng vẫn mang đầy chất thơ. Đọc câu:
                            Lật thời gian chạm hững hờ
                      Lật ân nghĩa chợt thẫn thờ bạc đen...
     Ta thấy đây là quy luật của đời. Trong cái mất đi, sẽ có cái tồn tại, trong cái chết vẫn nảy mầm sự sống. Càng ngẫm nhiều về ân nghĩa ta càng thấm thía tình đời đen bạc.
      Bài cảm nhận của cô giáo Thy Đông thật hay, đã khái quát được điều cần nói của bài thơ và gợi mở những hình ảnh sâu đằm nhất.
                       Phạm Thanh Cải

  Trần Nguyễn Dạ Lan - cogiao_banglang@yahoo.com.vn - 0167.319.9582 - Thuận An - Bình Dương  (Ngày 30/01/2010 06:53:23 AM)

               Trước đây, khi đọc bài thơ Lật tìm của Phan Văn Nhớ, tôi đã rất thích vì cảm thấy nó rất hay. Hay từ trong giai điệu, ngôn từ đến hình ảnh mà tác giả sử dụng. Hay vì nó chất chứa bao nỗi niềm trăn trở của kiếp nhân sinh. Hay vì nó là bài thơ đa tầng, đa nghĩa, ẩn chứa chiều cao của trí tuệ. Bây giờ đọc bài cảm nhận của nữ thi sĩ trẻ ĐặngThy Đông, tôi càng hiểu thêm về cái hay của bài thơ. Nếu bài thơ của Phan Văn Nhớ đã hay thì bài bình của Đặng Thy Đông, theo cảm nhận của tôi, thật là xuất sắc. Đúng là cô giáo dạy văn có khác. Thy Đông đã lột tả hết được những tình cảm, những nỗi niềm, những suy tư trăn trở, kể cả những góc khuất mà tác giả đã gửi gắm vào trong bài thơ.

 Rất có thể, nếu không đọc bài viết của Thy Đông, tôi sẽ không hiểu hết được nội dung bài thơ một cách sâu sắc đến thế. Có lẽ cuộc đời Phan Văn Nhớ đã trải qua không ít những đắng cay, phũ phàng của cuộc sống (kể cả trên con đường sự nghiệp lẫn trong cuộc sống riêng tư) nên tác giả mới có được bài thơ thâm trầm như vậy. Nhưng đúng như Thy Đông đã viết “Phải khẳng định cái sức sống tiềm tàng trong thơ Phan Văn Nhớ vô cùng mãnh liệt…”, Nhớ thực sự là một người lính, luôn vững vàng , mạnh mẽ vươn lên dù cho ngang trái cuộc đời như giông tố vùi dập tơi bời. Tôi thực sự mừng cho Phan Văn Nhớ vì thơ của em đã có tri âm.

           Cám ơn Phan Văn Nhớ đã đem đến cho bạn đọc một bài thơ hay! Cám ơn cô giáo trẻ Đặng Thy Đông đã giúp người đọc cảm nhận một cách trọn vẹn, sâu sắc bài thơ Lật tìm!

 

Trần Nguyễn Dạ Lan

Các bài khác: