Thứ sáu, 03/01/2025,


"Khắc khoải" và những cảm nhận (26/01/2010) 

 KHẮC KHOẢI

 

Khắc khoải sống, khắc khoải yêu

Cả đời khắc khoải một điều: Có nhau!

 

Nửa đời tóc đã ngả màu

Trái ngang đã nếm, khổ đau đã nhiều

 

Bấy lâu ngẫm thấy tiếng yêu

Ngỡ tình như gió thoảng chiều nắng oi

 

Đôi chân lê bước lẻ loi

Đường tình gai góc chao ôi: thật dài!

 

Còn bao lâu đến thiên thai?

Bao giờ cho hết đôi vai trĩu buồn?

 

Em đem phận số ra chôn

Mong ngày hóa kiếp cho hồn xênh xang

 

Cho em khắc khoải đêm tàn

Vần thơ thức dậy mơn man nụ cười

 

Một ngày mới sẽ dần trôi

Cho em khắc khoải bồi hồi chữ Yêu

 

Thủy Hướng Dương

 

 

 

MỘT TRÁI TIM YÊU NỒNG CHÁY

 

Trên đời này, có một thứ vô hình nhưng thực ra lại là hữu hình. Đó là TÌNH YÊU. Nó vô hình bởi vì không ai biết hình thù nó thế nào. Nó tròn hay vuông, mỏng hay dày, màu đỏ hay màu tím, nặng nhẹ bao nhiêu… Ngay cả định nghĩa Tình yêu còn khó nữa là.

Nhà thơ tình cây đa cây đề của nền thơ Việt Nam, tác giả của hàng trăm bài thơ tình nổi tiếng, còn phải thốt lên: 'Đố ai định nghĩa được tình yêu'.

Nhưng Tình yêu lại là hữu hình, có thể cảm thấy được, nhìn thấy được. Chính vì thế, người ta mới biết tình yêu đẹp, tình yêu lãng mạn, tình yêu vụ lợi, tình yêu thực dụng, tình già, tình trẻ, tình yêu vĩnh cửu...

Trên đời này, có một thứ rẻ nhất, nhưng cũng đắt nhất và quý nhất. Đó là TÌNH YÊU.

Nói rẻ nhất, bởi vì đến với tình yêu, nhiều khi chẳng phải mất tiền mua. Có khi đôi trai gái yêu nhau với tình yêu sét đánh, chỉ một cái nhìn mà đem cả cuộc đời mình gắn vào nhau.

Nhiều khi các anh lính đảo, chỉ qua những cánh thư với cô sinh viên, thế mà họ đã kết thành tình yêu vĩnh cửu. Nhiều khi giao thông trên đường, va quệt xe vào nhau, đưa nhau vào bệnh viện rồi cảm nhau mà thành tình yêu.

Nhưng tình yêu thì thật là quý và thật là đắt. Điều này thì ai mà chẳng biết, bởi chúng ta ai chẳng đánh đổi cả cuộc đời mình để dành cho tình yêu. Đối với đàn ông, Tình yêu là một phần của cuộc đời, Nhưng với phụ nữ, Tình yêu là cả một Cuộc đời. Mất tình yêu, đàn ông mất đi một phần cuộc đời, nhưng mất đi tình yêu, người đàn bà mất đi tưởng chừng như cả cuộc đời họ.

Chính vì vậy, đọc bài thơ Khắc khoải của Thủy Hướng Dương ta mới thấy hết được Tình yêu đối với người con gái nó sâu nặng và đáng quý biết nhường nào. Vì tình yêu mà cuộc sống của họ chừng như mất thăng bằng, bị đảo lộn, bị chênh chao, nhiều khi sống trong trạng thái bồn chồn, phấp phỏng.

Ta đã nghe câu ca dao:

'Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi

Như đứng đống lửa như ngồi đống than'.

 

Người con gái trong thơ Thủy Hướng Dương cũng vậy:

 

Khắc khoải sống, khắc khoải yêu
Cả đời khắc khoải một điều: có nhau.

   

Khắc khoải yêu, một tình yêu cháy bỏng. Ai cũng biết rằng, nếu tình yêu trôi đi bình lặng, thì ngọn lửa tình yêu nó chỉ cháy âm ỉ trong lòng. Không mãnh liệt, không ào ạt, không dư âm và không nhiều kỷ niệm. Nhưng nếu tình yêu có nhiều trắc trở, có nhiều xa cách, có nhiều nghĩ suy, day dứt đến nỗi lúc nào ta cũng phải “khắc khoải” để “có nhau” như vậy thì chẳng khác nào như ngọn lửa luôn luôn được gió thổi bùng lên và Tình yêu sẽ trở nên cháy bỏng và mãnh liệt hơn bao giờ hết.

Mà Tình yêu của Thủy Hướng Dương lại được tâm nguyện như ngọn lửa thổi cháy lên suốt cả cuộc đời:

 

Nửa đời tóc đã ngả màu
Trái ngang đã nếm, khổ đau đã nhiều

   

Đến nửa chặng đường đời, tóc đã ngả màu sương gió, gặp bao nhiêu trái ngang và đau khổ, tình yêu ấy vẫn còn khao khát, vẫn còn khắc khoải thì phải nói rằng tình yêu ấy mãnh liệt, bền chắc, tươi mới và đáng quý biết nhường nào.

Chính tâm trạng khắc khoải đã nhóm lên nỗi khát khao trong con tim yêu một ngọn lửa tình cháy bỏng:

 

Bấy lâu ngẫm thấy tiếng yêu
Ngỡ tình như gió thoảng chiều nắng oi
Đôi chân lê bước lẻ loi
Đường tình gai góc chao ôi: thật dài!

   

Người con gái trước tình yêu, trái tim non trẻ thơ ngây cứ ngỡ rằng tình yêu thật giản đơn, trong trắng, dễ dàng với tới được và nó sẽ mang cho mình một niềm sung sướng đơn thuần như cây non đang trời khô hạn gặp mưa, như con người đang trời nắng oi được cơn gió thoảng. Thế nhưng, Tình yêu là là một đỉnh núi cao, đường lên chót vót, có nhiều chông gai cạm bẫy của cuộc đời.

Ta nghe bài thơ tứ tuyệt nổi tiếng của nhà thơ Chế Lan Viên:

   

Em gần gũi, em xa xôi
Sao em như thể chân trời trước anh
Đưa tay tưởng với được tình
Bước đi tới mãi mà mình vẫn xa.

   

Ở đây, người con gái chập chững bước vào Tình yêu cũng vậy. Tưởng chừng như chỉ giản đơn thôi, ai ngờ nó đầy gai góc và thật dài. Chính vì vậy, đòi hỏi con người ta, đến với Tình yêu, lúc nào cũng phải gắng sức, lúc nào cũng phải tự làm mới mình, lúc nào cũng cần phải vươn tới.

Có như vậy tình yêu mới tràn trề sức sống, Xuân mới căng đầy nhựa cho búp Tình yêu. Ngay cả khi đã thành vợ, thành chồng, nhiều người cứ nghĩ rằng 'bây giờ ta đã thuộc về nhau', đã là của nhau rồi, không cần phải chăm chút cho tình yêu đôi lứa nữa, mà sống theo đúng bản năng sở thích của mình. Điều đó thật sai lầm.

Tình vợ chồng nó nặng về nghĩa tình chung thủy, ăn ở với nhau một ngày nên tình nên nghĩa. Nhưng ngoài tình nghĩa vợ chồng vẫn cần phải duy trì tình yêu và tình yêu lúc nào cũng cần mới mẻ như cái thuở ban đầu. Có như vậy, tình vợ chồng mới đằm thắm, sâu đậm, luôn tươi mới và không kém phần lãng mạn. Trẻ có tình yêu con trẻ, già có tình yêu của tuổi già. Ai thiếu điều đó thì cuộc đời đâu còn thi vị nữa.

Đọc đoạn thơ thứ ba của bài thơ Khắc khoải:

   

Còn bao lâu đến thiên thai?
Bao giờ cho hết đôi vai trĩu buồn?
Em đem phận số ra chôn
Mong ngày hóa kiếp cho hồn xênh xang

 

Sao mà ta thấy người con gái lại cô đơn và buồn đến thế. Mới có nửa chặng đường, mới có mái tóc pha màu thôi, đang đi tới Tình yêu hoàn hảo mà tưởng tượng rằng tới cõi Thiên thai, người con gái đã cảm thấy sức nặng của cuộc đời trĩu trên hai vai gầy guộc, liễu yếu đào tơ. Hay là Tình yêu trong tâm hồn em lớn lao quá, chiếm hết cả mọi suy tư, sức lực của đời mình.

Nếu có ai, ghé vai đỡ hộ, cùng chung gánh nước non, gánh tình yêu cùng em đi suốt chặng đường còn lại thì chắc là hai người rất hạnh phúc vì đã mang trong tâm hồn mình Tình yêu thực thụ và được nếm trải thử thách trên chặng đường đời.

Em gái ơi, đừng tin vào số phận hẩm hiu, hay duyên kiếp bẽ bàng mà em hãy tin vào chính ngọn lửa trong trái tim mình để giành lấy tình yêu, giữ tình yêu và em sẽ đốt nó thành ngọn lửa cháy bùng sưởi ấm cho hạnh phúc suốt cả đời mình.

Em sẽ không phải lo trốn chạy khỏi số phận, hay phải chôn vùi số phận hay hóa kiếp nó đi để tâm hồn em thanh thản. Em hãy bằng trái tim, khối óc, bàn tay của mình để dệt nên một tình yêu tươi đẹp. Không chịu theo phận số.

Cụ Nguyễn Du đã từng dạy ta: 'Xưa nay nhận định thắng thiên cũng nhiều' đấy thôi.

Ta hãy nghe đoạn kết của bài thơ mà Thủy Hướng Dương đã viết:

   

Cho em khắc khoải đêm tàn
Vần thơ thức dậy mơn man nụ cười
Một ngày mới sẽ dần trôi
Cho em khắc khoải bồi hồi chữ Yêu.

   

Em gái ơi! Phải thế chứ. Đêm sẽ dần tàn đi, vần thơ thức dậy và một ngày mới bắt đầu. Ta sẽ viết lên một vần thơ tươi mới, cho một ngày mơíi, và nhóm lên ngọn lửa mới, ngọn lửa Tình yêu mà cả đời em, cả đêm lẫn ngày, em khắc khoải bồi hồi. Tình yêu sẽ đến chói ngời như ánh nắng bình minh. Em ùa ra, đón nhận nó, em dang tay ôm nó vào lòng.

Em hưởng thụ nó, cảm nhận tất cả những gì tốt đẹp của tình yêu. Em sẽ là người hạnh phúc nhất trên thế gian này. Tình yêu đã nằm trọn trong tay em, nhưng em không tự mãn. Em vẫn phải chăm sóc nó, vun trồng nó. Ngày mỗi ngày trôi qua, tình yêu sẽ lớn hơn, sâu đậm hơn, hấp dẫn hơn, lãng mạn hơn và tươi đẹp hơn.

Dù biết thế, nhưng em vẫn phải khắc khoải, vẫn không quên đi nỗi niềm canh cánh trong lòng mình, trong suốt cuộc đời mình là hai ta phải có nhau.

Ta nhớ lời trong một bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: 'Sỏi đá cũng cần có nhau'. Đúng, sỏi đá cũng cần có nhau, huống chi là con người, biết yêu, biết buồn, biết vui, biết tư duy và thương nhớ. Vậy thì con người phải cần có nhau.

Điều khắc khoải của Thủy Hướng Dương tưởng là xa xôi nhưng thật là gần gũi, tưởng là nhỏ bé nhưng thực là lớn lao, vĩ đại, tưởng là viển vông nhưng thực là thiết thực vô cùng: CHỈ CẦN CÓ NHAU.

Chỉ có trái tim của người con gái khao khát tình yêu, biết yêu, biết cái giá trị của tình yêu mới nói lên một điều tưởng chừng giản đơn mà chí lí đến vậy. Trái tim bao la và nồng cháy của người con gái thật đáng trân trọng và kính phục biết bao.

Cho tôi cúi đầu trước trái tim nồng cháy ấy. Ước gì tôi được gặp một ngươi con gái có trái tim yêu vĩ đại và chân thành như vậy, cho dù chỉ được gặp ở trong mơ thì tôi đã hạnh phúc biết nhường nào.

Bài thơ của Thủy Hướng Dương rất hay. Hay cả về cấu tứ lẫn hình ảnh. Cả bài thơ, không chỗ nào tác giả gồng mình lên, hay cố chơi chữ khó hiểu, đánh đố hoặc làm người đọc phải huy động hết tinh lực ra mà tưởng tượng.

Câu thơ giản dị chân thành, tôi nghe như có hơi hướng mộc mạc chân quê của nhà thơ Nguyễn Bính hay Đồng Đức Bốn. Bài thơ giản dị, mộc mạc giống như người con gái đẹp cái duyên thầm, không cần cố phải trang điểm lòe loẹt, son phấn trát dày, mà cái đẹp cái duyên vẫn hiện ra rõ mồn một. Người con gái đẹp tự nhiên chân thành, giản dị nên dễ gần và dễ yêu hơn nhiều những cô gái đã được make-up hiện nay.

Lời thơ của Thủy Hướng Dương trong sáng, nhẹ nhàng, giản dị. Tôi nghĩ rằng, chắc tác giả ngoài đời cũng như vậy chăng?

Câu thơ lục bát của Thủy Hướng Dương rất hay. Nhưng tôi ước rằng, nếu câu thứ tư, tác giả chỉ thay đi một hai chữ thì câu thơ sẽ giá trị lên nhiều lần.

Thường thì trong câu lục hoặc câu bát, có dấu phẩy ở giữa, câu thơ phân thành hai nửa, thì hai nửa này là một tiểu câu đối thì mới hay.

Thí dụ trong Kiều có rất nhiều câu, nhưng tôi thử nêu một câu ngẫu nhiên là:

“Trướng màn rủ thấp, ngọn đèn khêu cao' hoặc: 'Đất thì thấp, trời thì cao'...

Ở câu thơ này: 'Trái ngang đã nếm, khổ đau đã nhiều': thì từ 'nếm' - động từ, từ 'nhiều” - Tính từ' nếu thay cùng là động từ hoặc cùng là tính từ thì câu thơ sẽ hay lên nhiều.

Xin phép Thủy Hướng Dương, tôi xin thay thử một chữ:

1- Động từ: 'Trái ngang đã nếm, khổ đau cũng từng' (từng ở đây là từng trải).

2- Tính từ: 'Trái ngang đã lắm, khổ đau cũng nhiều'.

Bài thơ Khắc khoải là một bài thơ hay về mọi mặt. Tôi xin chúc bạn viết được nhiều bài thơ hay như bài thơ này, để mang lại cho cuộc sống của bạn đọc nhiều sắc hương tươi đẹp của Tình yêu, nhất là những lời này lại được cất lên từ đôi môi hồng của người con gái.

Xin cảm ơn tác giả đã cho tôi những phút thăng hoa khi viết bài cảm nhận này.

 

Phạm Thanh Cải

Viện KT Hải quân, Hải Phòng

Email: phamthanhcai@gmail.com - ĐT: 01696306682

 

 

 

 

TÌNH YÊU CHUNG THỦY CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ

 

     Tôi ở phương Nam xa xôi, khí hậu hiện đang rất bình thường, thế mà đọc 'Khắc khoải' của Thủy Hướng Dương, mấy câu đầu tự nhiên thấy buồn, thấy buồn vô hạn, cứ cảm thấy cái lạnh lạnh, cái giá băng của mùa đông miền Bắc thấm vào da thịt mình vậy. Nỗi niềm của thân phận nữ nhi trong 'Khắc khoải', nhất là trong những ngày đông này ở miền Bắc chắc sẽ càng buồn, buồn nhiều hơn nữa.

            Cuộc sống của con người vốn theo dòng chảy tự nhiên từ nhỏ đến khi trưởng thành, mỗi người một số phận khác nhau. Nếu là đàn ông thì những nỗi khắc khoải sẽ có nhiều cách cho các anh thể hiện để vùi quên nó đi. Nhưng đối với phụ nữ, những nỗi khắc khoải ấy liệu có thể tỏ ra ngoài cho người đời hiểu và chia sẻ được không? Khó lắm, vì là phụ nữ mà, còn phải giữ chặt trong hồn những nét duyên dáng, ý tứ chứ mặc dù trái tim đa sầu đa cảm, nát tan nhưng vẫn gượng cười. Nhưng chính sự giữ gìn ấy đã làm cho khắc khoải càng thêm khổ sở, đau đớn thêm.

            Ở đầu bài thơ tác giả đã vào đề ngay Khắc khoải sống, khắc khoải yêu'. Sao lại khắc khoải sống? Cuộc sống mà khắc khoải thì buồn tẻ và đơn điệu lắm, cứ sống trong nỗi khắc khoải, vừa lo, vừa hy vọng, vừa biết trước đựơc tương lai không mấy sáng sủa, nhưng vẫn phải cố, phải chịu đựng và sống để còn mình, còn tinh thần và thể xác để khắc khoải yêu. Có điều gì khổ sở hơn khi sống thì khắc khoải mà yêu cũng không được tròn. Cái nỗi khắc khoải yêu ấy chắc là đợi chờ một tình yêu to lớn, ý nghĩa lắm. Nhưng cái khắc khoải lại rất đời thường, rất bình dị 'Cả đời khắc khoải một điều: Có nhau!'.

            Cuộc sống với hàng ngàn hàng vạn ông tơ bà nguyệt, sao lại chẳng thể se duyên cho người phụ nữ. Đến như Thị Nở xưa kia cũng còn Chí Phèo mà. Rồi thì nồi nào vung nấy, đâu có thiếu người trao thân gửi phận để mãi có nhau trong đời phải không nào.

            Nhưng trong 'Khắc khoải' cho thấy người phụ nữ chung tình lắm, đã yêu thì yêu da diết, yêu tha thiết người mà lòng mình đã cảm, đố ai có thể thay hình thay bóng người ấy trong tim được. Tình yêu khó nói lắm, không phải ta yêu người vì người đẹp, người tài, người giàu có... mà  đơn giản là tim đã dành trọn cho người ấy ngay từ buổi đầu gặp nhau qua ánh mắt nhìn, qua lời ăn tiếng nói. Thế nên mới khắc khoải chờ đợi cái ngày có nhau đến vậy, dẫu là chờ đợi cả đời.

            Thế rồi nửa đời mới ngẫm mới nghĩ mới nhận ra cái khắc khoải yêu chỉ là cơn gió thoảng trong chiều nắng oi. Chắc là người ta chỉ đón nhận tình cảm như một chút gió thoảng qua cho bớt đi cái oi nồng của nắng, là cơn gió thoảng qua rồi hết, người cũng chẳng nhớ gì đến nhau nữa. Để rồi bẽ bàng nhận ra rằng:

 

'Đôi chân lê bước lẻ loi

Đường tình gai góc chao ôi: thật dài!'

 

            Có ai từng dạo bước một mình trong cái lạnh của mùa đông và cả trong cái ấm áp của các đôi trẻ đang tay trong tay thì mới thấy câu thơ này phản ánh đúng tâm trạng. Lạnh đấy nhưng không ngăn nổi những giọt nước mắt mằn mặn đơn côi cứ tuôn dài trên má.

            Rồi dằn vặt, rồi tự hỏi lòng bao giờ cho đến thiên thai, bao giờ cho hết nỗi buồn, nhưng nỗi buồn vẫn bĩ cực quá, không có lối thoát, mà 'Em đem số phận ra chôn'. Quyết tâm chôn vùi cả  số phận mình, tức là vẫn chấp nhận khắc khoải sống, khắc khoải yêu. Chung tình quá đi thôi. Cũng chính cái sự chung tình ấy đã chắp cánh cho những vần thơ vút lên, rồi từ những câu thơ ấy ta đã tìm đựơc sự chia sẻ, đựơc nụ cười mơn man tâm hồn. Những câu thơ đã đánh thức được cõi lòng băng giá, đã sưởi ấm được tâm hồn và giúp cho tâm hồn vốn dĩ khắc khoải đã bớt sầu thảm, bớt khắc khoải, mà nỗi khắc khoải có ý nghĩa tích cực hơn, cung bậc tươi hơn: 'Cho em khắc khoải bồi hồi chữ Yêu'. Thế mới hiểu được thơ là tiếng lòng, là nỗi niềm của bao tâm trạng, thả hồn vào thơ để ta như được bồi hồi 'Yêu '. Yêu ở đây không chỉ đơn thuần là tình yêu nam nữ, mà còn là yêu đời và yêu thơ đấy.

            Bài thơ đầy tâm trạng nhưng cũng sáng lên ý nghĩa của cuộc đời. Chúng ta phải sống, thà sống trong khắc khoải để cuộc đời nên thơ, cho chữ yêu được đẹp hơn toàn diện hơn. Cảm ơn bài thơ thật hay của Thủy Hướng Dương. Mong rằng những ai đó còn đang 'Khắc khoải' thì hãy đọc bài thơ và biết đâu sẽ cảm nhận được hình ảnh của chính mình trong đó.

                         

Vũ Thiên Kiều

ĐT: 0986585388

Email:vuthienkieu@gmail.com

 

 

 

 

SỐNG ĐỂ YÊU VÀ YÊU ĐỂ SỐNG

 

Một tiếng thở dài thật nhẹ. Có cảm giác như nó đã được nén chặt ở trong lòng từ rất lâu nay bỗng thoát ra từ từ, nhè nhẹ… Đây là cảm nhận đầu tiên khi đọc bài thơ này.

Trong kiếp người ta, yêu đã là bể khổ, vậy mà với phụ nữ thì cái bể khổ ấy dường như lại còn mênh mông, bao la hơn! Thủy Hướng Dương là phụ nữ, vậy nên lẽ dĩ nhiên cũng không phải là ngoại lệ. Khắc khoải và day dứt đến khôn nguôi, một nỗi dằn vặt tưởng như không cùng chỉ vì cái sự yêu:

 

Khắc khoải sống, khắc khoải yêu

Cả đời khắc khoải một điều: Có nhau!

 

Có thể dễ dàng hình dung ra rằng con người ta luôn sống để yêu và yêu để sống. Cái triết lý tưởng như là đơn giản ấy ai cũng biết, cũng thấy, thế nhưng hóa ra lại không đơn giản chút nào. Thử hỏi rằng ở trong đời này đã có được bao người được yêu được sống một cách đúng nghĩa? Chính vì vậy mà nỗi khắc khoải vì yêu kia nó cứ luôn luôn đeo đẳng theo suốt cả cuộc đời, và trong lòng thì thao thiết với những câu hỏi không có lời giải:

 

Còn bao lâu đến thiên thai?

Bao giờ cho hết đôi vai trĩu buồn?

 

Một sự kìm nén tới cao độ. Đã có một sự chấp nhận rằng thực tại đã được an bài. Giữa cái mông lung và hiện hữu đã có một ranh giới rõ rệt, nó giống như một cái lắc đầu phủ nhận cả quá khứ và hiện thực. Điều đó càng được khẳng định thêm nữa:

 

 Em đem phận số ra chôn

Mong ngày hóa kiếp cho hồn xênh xang

 

Duyên phận ở kiếp này đã được định đoạt, không còn có điều chi lưu luyến. Tưởng là vậy, thế nhưng vẫn còn có một nỗi mong chờ khắc khoải, như một lời hẹn ước cho ngày sau. Vì thế nên cái sự khắc khoải giữa sống và yêu luôn tồn tại mỗi lúc như mãnh liệt hơn. Cho dù rằng:

 

Cho em khắc khoải đêm tàn

Vần thơ thức dậy mơn man nụ cười

 

Chừng như những vần thơ đã có thể là một chỗ dựa để níu kéo cái thực tại, đã có thể đánh thức được nụ cười, nhưng rồi:

 

Một ngày mới sẽ dần trôi

Cho em khắc khoải bồi hồi chữ Yêu

 

Cái sự khắc khoải ngỡ là đã kết thúc thì nó lại bất chợt quay trở lại như một chu kỳ định sẵn khi mỗi đêm về. Và rồi lại diễn ra một sự giằng xé, co kéo giữa đôi bờ hư thực.

Hóa ra cuối cùng vẫn chỉ là một vòng luẩn quẩn giữa sống và yêu. Mà còn có thể khác được sao, bởi con người khi sinh ra trên thế gian này đã được thượng đế khoác lên mình một tấm áo siêu sinh với một sứ mệnh là để yêu và sống. Chẳng phải như thế hay sao? Ôi chao, quả là tội nghiệp cho những kiếp người!

 

Trần Minh Tâm

(Nam Định)

 

 

 

            ĐI QUA LẨN KHUẤT CỦA ĐỜI

Còn nhớ có lần tôi đã lạch cạch phím mấy lời với chị: 'Yêu vừa vừa thôi chị, đàn bà yêu nhiều chỉ khổ nhiều'.

Nói thế nào nhỉ, khi một cô ả vừa lăn tăn qua tuổi 30 nói chuyện yêu người yêu đời với người đàn bà đa đoan xa xăm... Nhưng lẩn khuất đâu đây là ám ảnh vô hình, bởi những người mẹ sinh con ra, nhất là con gái, có lẽ không muốn con mình chạm ngõ thơ ca, bởi cảm giác chông chênh buồn một đời...

Người đàn bà ấy đã đi qua gần 40 mùa xuân, có cả tình yêu, những giọt mưa - nước mắt trong muôn vạn hình hài.

Phụ nữ làm thơ thường khắc khoải... Không có nhiều người như nữ sĩ Hồ Xuân Hương để bộc lộ mình một cách mạnh mẽ mà tinh tế, mà vẫn đau đáu một đời.

Chị - “người đàn bà chạm ngõ thơ ca và bay bổng cùng cảm xúc. Đôi lúc thơ ngây như quả táo ửng. Đôi lúc thấm đẫm những ngọt dịu của thời gian' - trong một phút mong manh phận người, tôi đã nghĩ vậy.

Đã có nhiều người miên man cùng 'Khắc khoải' - bài thơ thứ 19 trong tập thơ đầu tay của chị. Không quá mới trong câu từ, ý tứ, nhưng chạm được đến nỗi buồn của người thiếu nữ chôn hoa năm nào. Hỏi mình, hỏi đời, dù là chỉ rơi vào thinh không, nhưng đã bao nhiêu mùa qua rồi, người ta vẫn hỏi. Hỏi để xua đi những khắc khoải khi đêm về.

Yêu chi mà yêu nhiều, rồi cũng khổ mà thôi, để mãi nhốt mình trong những lời an ủi 'Trăm năm duyên nợ còn chờ' (tên một bài thơ của Thủy Hướng Dương), vì nỗi “... Coi như Ô Thước cầu không đợi người...'

Phải sống, sống thôi, để bao lâu nữa 'Nụ cười như nắng trên môi vẫn còn' vậy.

 

Ngọc Trần

Quận 4 – TP.HCM

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần Văn Lâm - tranlam0966@yahoo.com - 01682838853 - Hà Nội  (Ngày 30/01/2010 08:22:07 AM)

     Đọc bài thơ của Thuỷ Hướng Dương thật hay. Hay nhất là tứ thơ khắc khoải về một cái điều tưởng chừng đơn giản: CÓ NHAU.
     Theo đại Từ điển Việt Nam thì: Khắc khoải là bồn chồn, day dứt trong lòng, tâm trạng khắc khoải, khắc khoải mong chờ. Tiếng chim kêu lặp đi lặp lại gây cảm giác bồn chồn, buồn man mác.
     Ở đây tác giả lúc nào cũng day dứt trong lòng là để có nhau. Tác giả đặt mình vào trong trạng thái phải xa nhau, và cao hơn có thể là mất nhau. ( Cũng có thể tác giả đã chứng kiến hoặc trải qua rồi)
    Ai trong cảnh mất nhau mới thấm thía được cái quý giá của việc có nhau, cái đau khổ của việc mất nhau. Khi mất nhau, nhà cửa, bạc tiền, công danh, lợi lộc đều vô nghĩa hết. Khi "một nửa của mình" phải xa đi, thế gian này không còn gì nữa.
    Ta hãy đọc bài thơ Gretsen, cũng là tên nhân vật, trong Thi phẩm bất hủ Phaoxtơ của đại thi hào Goet ( Đức):
                    Thôi rồi những ngày hớn hở
                    Thôi rồi yên tĩnh đời ta
                    Ta còn tìm đâu thấy nữa
                    Không còn thấy lại bao giờ...

                    Từ khi người yêu đi khuất
                     Khắp nơi tựa cảnh tha ma 
                     Cuộc sống dập dồn trước mặt
                     Biết bao tang tóc đi qua

                    Từ trong nhà ta chạy ra
                    Chỉ đón người yêu đi tới
                    Từ trong nhà ta nhìn ra
                    Chỉ bóng chàng ta dõi đợi...

           Ở đây, tác giả cũng vậy, với tình yêu nồng nàn, em không nghĩ gì hết, ngoài một điều luôn luôn canh cánh trong lòng  là phải có nhau  Dù vất vả, gian khó, thiếu thốn đi thế nào chăng nữa, cũng cần phải có nhau. 
           Đúng như nhận xét của tác giả Phạm Thanh Cải khi nhắc tới bài hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Sự liên tưởng của người bình thật là hợp tình hợp cảnh.
          Bài thơ của Thuỷ Hướng Dương rất hay. Lời bình của các tác giả rất sâu sắc và thấm thía. Các tác giả đã phân tích khái quát và gợi mở những suy nghĩ sâu sắc về hình ảnh thơ, tứ thơ, giúp cho người đọc dễ tiếp cận hơn cái hay cái đẹp của bài thơ.
         Xin chân thành cảm ơn tác giả bài thơ và các tác giả bình thơ.

  Nguyễn Bá Phiếu - nbphieu@gmail.com - 0919090618 - THPT Long Kiến-AG  (Ngày 28/01/2010 12:09:26 AM)
Thơ thì hay . Lời bình thì sâu sắc . Ảnh thì đẹp. Xin cảm ơn tất cả!
  ĐẶNG THY ĐÔNG - ddangthidong@yahoo.com.vn - 01266045896 - XUÂN PHONG-GIAO XUÂN-GIAO THUỶ-NAM ĐỊNH  (Ngày 26/01/2010 02:25:01 PM)
              Thy Đông rất thích bài bình của Vũ Thiên Kiều, Thy Đông cũng có những cảm nhận như vậy. Chắc có lẽ vì cùng là ''phận nữ nhi'' mà bắt gặp được cảm nhận chung chăng ?
Các bài khác: