Chủ nhật, 22/12/2024,


“MAI SAU” – Một nỗi lo nhân thế (14/01/2010) 

MAI SAU

 

Mai sau cổ tích ca dao

Có còn để nhớ hay vào hư không

Trầu cau còn đượm duyên nồng

Gặp em biết có thẹn thùng như xưa.

 

Mai sau ai nhớ cày bừa

Ai thương gốc rạ những trưa khô giòn

Vọng phu hóa đá đầu non

Nhớ thương chờ đợi biết còn có ai.

 

Tài hoa lẻ bóng lạc loài

Trương Chi còn vượt dặm dài thời gian

Lên chùa còn nhớ nỗi oan

Quê thương còn quả thị vàng nữa không?

 

Phạm Ánh

 

 

Đọc bài thơ “Mai sau” của Phạm Ánh, ta không khỏi không day dứt, băn khoăn, trăn trở. Dư âm của bài thơ cứ ngậm ngùi văng vẳng, lời bài thơ êm ái, lay động ngọt ngào, nhẹ nhàng như lời ru của mẹ, như có sức lan tỏa trong tâm hồn, gợi nhớ về một điều gì đó rất gần gũi mà lại xa:

 

“Mai sau cổ tích ca dao

Có còn để nhớ hay vào hư không”

 

Mới ngày nào ta lớn lên qua lời ru, điệu hát của bà của mẹ, bằng những câu chuyện cổ tích ca dao nghe sao mà thấm đẫm vô cùng. Ta tự hào nhờ có những câu chuyện cổ tích, ca dao mà ta hiểu thêm được lẽ sống nhân sinh nơi cõi người, cõi đời, để chúng ta sống có đạo đức, có nhân cách hơn, đối xử với nhau công bằng hơn. Ấy vậy mà tác giả lại lo lắng: “Mai sau… có còn để nhớ hay vào hư không”. Một nỗi lo nhân thế.

    

Từ một câu hỏi tưởng chừng như đơn giản mà cứ xoáy vào lòng ta “còn nhớ hay không”? Vậy ta có thể không nhớ được không? Được chứ, bởi vì đâu có ai bắt buộc ta đâu. Nhưng ta không nhớ là ta đã mất, ta đã mất cái vô cùng quý giá để nuôi dưỡng tâm hồn ta! Biết là như vậy, song liệu ta có giữ được không hay là để mất? Thế cho nên tác giả mới giằng xé tâm can.

 

“Trầu cau còn đượm duyên nồng

Gặp em biết có thẹn thùng như xưa.”

 

Câu thơ gợi trường liên tưởng rất hay về nét đẹp văn hóa của lễ tục cưới hỏi, của chuyện tình yêu trai gái, nét duyên dáng, mềm mại, thi vị, cách ứng xử văn hóa của người con trai, con gái, một nét đẹp truyền thống đã có từ bao đời nay trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thế mà nó vẫn có thể mất đi. Xa xót quá.

 

Ngày nay, có khi chỉ mới quen nhau, đi với nhau vài bữa là người ta đã có thể nói ra cái điều người ta mong muốn và phơi bày ra tất cả những gì mà trước nay người ta phải giấu kín, phải e thẹn. Cuộc sống bây giờ xô bồ, gấp gáp quá, cái gì người ta cũng muốn vơ ngay lấy được chứ làm gì còn cái từ tốn, thanh cao, nhã nhặn, bởi vậy cho nên tác giả mới nghẹn ngào trong từng câu chữ như vậy.

 

"Mai sau ai nhớ cày bừa

Ai thương gốc rạ những trưa khô giòn

Vọng phu hóa đá đầu non

Nhớ thương chờ đợi biết còn có ai’’

 

Chúng ta, ai cũng được lớn lên bằng hạt cơm, hạt lúa, bởi vậy ta phải quý trọng từng mảnh ruộng, bờ đê, từng công việc nhà nông để làm ra bát cơm, hạt lúa chứ. Ấy vậy mà có nơi có chỗ người ta đã bắt đầu tước đi cái nghề, tước đi mảnh đất khởi nguồn cho sự sống ấy, thay vào đó là những khu công nghiệp, những sân gôn… Có thể, những công trình thay thế tạo ra những giá trị lớn hơn rất nhiều, đủ để mua những hạt cơm, hạt lúa khác. Nhưng nếu cứ như vậy thì làm gì có để mà mua. Rất may những hiện tượng ấy gần đây cũng đã được kịp thời ngăn chặn phần nào, nhưng tương lai nào ai dám chắc nó sẽ không tái diễn. Có thế tác giả mới đớn đau "Ai thương gốc rạ những trưa khô giòn’’.

 

Chỉ với bốn câu thơ này, tác giả đã khéo léo khái quát được đức tính cần cù, chịu thương, chịu khó, yêu lao động, yêu thiên nhiên, quê hương đất nước, biết quý trọng lao động, đồng thời cũng rất yêu thương con người lẫn nhau, thủy chung trong tình cảm vợ chồng, đối xử với nhau có tình có nghĩa, sâu nặng, thiết tha, biết đợi, biết chờ của những con người trong cộng đồng dân tộc ta. "Nhớ thương chờ đợi biết còn có ai". Câu thơ nghe sao mà tê tái thế, chỉ có một nỗi nhớ, một niềm thương thôi, thật đơn giản và quá dễ dàng, vậy mà cũng có thể không có ai làm được, tơ tưởng được hay sao? Khó lắm vậy sao?

 

Rồi tình người với nhau cũng là điều rất đáng để bàn:

 

"Tài hoa lẻ bóng lạc loài

Trương Chi còn vượt dặm dài thời gian

Lên chùa còn nhớ nỗi oan

Quê thương còn quả thị vàng nữa không?"

 

Ba câu chuyện, ba tích xưa, tuy có khác nhau nhưng tiêu biểu cho sự ăn ở nhân nghĩa, biết nghĩ đến nhau, vì nhau, trọng nghĩa, khinh tài, tấm lòng vị tha là bản chất vốn có của mỗi người chúng ta, đồng thời lên án cái tham vọng vô lối không có tình người. Nhưng tất cả những phẩm chất tốt đẹp ấy liệu có phải chỉ còn là dĩ vãng hay chăng? Có thể nào, bây giờ những nghĩa cử cao đẹp, hành động cao thượng bỗng trở thành lạc lõng giữa chốn nhân gian.

 

Phải chăng tác giả đã nhận thức được rằng: trong thời đại ngày nay, xã hội loài người đã tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật, con người đã chinh phục được thiên nhiên với những thành tựu đáng kể, tất cả đều được mã hóa, lập trình hóa… ngay cả tư tưởng con người cũng có thể được mã hóa, lập trình, tình cảm con người có khi được đo bằng những giá trị vật chất thông thường. Con người sẽ có tất cả nhưng cũng sẽ mất đi rất nhiều, vậy thì những giá trị văn hóa phi vật thể, truyền thống tốt đẹp mà dân tộc ta, của xã hội ta trước đây đã được hun đúc bằng cả quá trình phát triển của xã hội liệu có còn được nhớ đến không, chứ chưa nói là được tiếp thu, phát triển hay chỉ còn là hư vô, người ta đã lãng quên mất rồi. Nếu vậy thì quả là xót xa, nuối tiếc…

 

Cả bài thơ là tâm trạng nghẹn ngào, não lòng làm sao, chỉ những ai đã từng được tận hưởng những lời ru câu ca ngọt ngào của bà của mẹ mới thấy được điều này. Ngày nay nếu người ta không còn nhớ, không còn ru bằng cổ tích ca dao nữa thì thật là đáng tiếc lắm thay. Thực tại xã hội là điều đáng trăn trở như vậy. Lớp trẻ ngày nay rất giỏi trong nhiều lĩnh vực, chưa có ai tổng kết được điều gì, nhưng cứ nhìn vào thực tế thì ta không khỏi không lo lắng, băn khoăn. Thử hỏi có được bao nhiêu người còn nhớ đến những giá trị văn hóa tinh thần mà cha ông ta đã để lại.

 

Tác giả và tôi (người viết bài này) cũng không dám khẳng định điều gì mà chỉ là bày tỏ nỗi niềm băn khoăn, lo lắng, nghi ngại mà thôi. Nhưng sự nghi ngại này cũng không phải là không có cơ sở.

 

Bằng những câu thơ hết sức tài tình nhưng hồn nhiên và thi vị với những điệp từ “có còn”, “còn có”, “biết có”, “nhớ còn”, “còn nhớ”… tạo nên bài thơ một tâm trạng trăn trở toàn là những câu hỏi, các câu hỏi cứ nối tiếp câu hỏi dồn dập nghe ngọt ngào mà cay đắng, xót xa, chưa thể trả lời.

 

Kết thúc bài thơ vẫn còn là một dấu hỏi. Có thể thấy Phạm Ánh đang dày vò tâm tư với những giá trị văn hóa, tinh thần, tư tưởng, những nét đẹp truyền thống của thế hệ đi trước trong cuộc sống con người liệu có còn tồn tại đến mai sau hay không?

 

Chỉ vài nét chấm phá bằng những hình ảnh mang tính đặc trưng nêu lên những tích xưa cũ như: ca dao, trầu cau, vọng phu, Trương chi, quả thị vàng... gắn với những giá trị văn hóa, hoạt động cao đẹp của con người, để rồi đặt ra những câu hỏi rất đáng phải suy nghĩ cho thế hệ tương lai và trách nhiệm của cộng đồng trong cuộc sống hiện tại.

 

      Tác giả Phạm Ánh mới chỉ là nghi ngờ, băn khoăn về khả năng một thực trạng xã hội của thời kinh tế hội nhập và phát triển về khoa học kỹ thuật, nhưng chưa chắc những giá trị văn hóa được phát triển. Nhưng có bạn đọc lại cho cho chúng ta thấy một hiện thực hiển nhiên có lẽ còn đau lòng hơn, khiến người đọc giật mình để nhìn nhận lại: phải chăng thực tế đã hiện sinh rồi, còn băn khoăn, nghi ngại điều chi nữa và phải làm thế nào đây?

 

"Mai sau mà có nghĩa gì

Bây giờ còn chả chút chi nữa là

Mai sau nghe rất thật thà

Tình người rồi cũng như là số không"

(Hoàng Ngọc Thu)

 

Những câu thơ ngắn gọn, súc tích mà hàm chứa đến sắc lạnh. Rồi đây, rất có thể những giá trị mà tác giả nêu lên, người ta sẽ không bao giờ nhớ đến nữa hay vứt bỏ đi, nhưng như thế mới là một nỗi đau của "Mai sau".

 

 

Nha Trang, tháng 12.2009

 

Lương Bá Hòa

Điện thoại: 01682553228

Email: luongbahoa@gmail.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Lương Bá Hòa - Luongbahoa@gmail.com - 01682553228 - Nha trang  (Ngày 17/01/2010 12:01:55 AM)

      Thân gửi : anh Trần Mạnh Tuân!

      Tôi đã đọc một số bài thơ của anh trên Lucbat.com, có thể thấy anh là một kỳ tài thơ. Anh họa thơ, ứng khẩu thơ nhanh, nhiều và sắc sảo. Cái thần của cả bài thơ "Mai sau" của Phạm Ánh và bài bình của tôi (Lương Bá Hòa) mà anh Trần Mạnh Tuân nén vào chỉ trong một câu thơ:"Giữ gìn bản sắc mai sau vẫn còn". Câu thơ như là một câu trả lời nhưng đồng thời lại gợi ra một sự liên tưởng mới : "vẫn còn" nhưng thực sự có "còn không" hay"không còn", vẫn là một câu hỏi đáng phải suy nghĩ.
      Cảm ơn anh Trần Mạnh Tuân đã có bài thơ ứng tác thật hay.

  Trần Mạnh Tuân - tuan_hwru@fulbrightmail.org - 091 353 0266 - Hà Nội  (Ngày 15/01/2010 08:56:20 PM)

Bài thơ...nghệ thuật rất hay,
Tình thơ...day dứt chất đầy băn khoăn.
Thơ Phạm Ánh tuyệt mấy lần!
Bá Hoà bình giải muôn phần sắc sâu.

Thi - Bình chung một nhịp cầu,
Giữ gìn bản sắc mai sau vẫn còn.

Các bài khác: