GIÁ NHƯ...
Giá như đời cũng như mơ
Bà Tiên, ông Bụt bất ngờ hiện ra...
Giá như trẻ mãi không già
Bỗng dưng thế giới toàn là bé con...
Giá như Trái Đất chẳng tròn
Trăng, sao, vũ trụ... có còn thế không?
Giá như chưa vợ, chưa chồng
Thì em liệu có bằng lòng yêu anh?
12-2000
Đặng Vương Hưng
“Ba cái “giá như” chẳng đâu vào đâu để dẫn tới cái “giá như” cuối cùng. Nghe cứ như là ngây ngây và gian gian, mà ngẫm kỹ lại không phải thế! Một kiểu tỏ tình có logíc rất độc đáo chăng?”
(Hà Đức Toàn)
“Có một nhà triết học đã nói: “Mọi việc xảy ra ngẫu nhiên song mang tính quy luật”. Cái “đã rồi” thường khiến người ta tìm nguyên nhân, nên mới có chuyện “giá như”...
Thì ra, nhà thơ chỉ mượn câu thơ lục bát để nói về một chút gì còn dằn vặt, còn vấn vương thay cho lời an ủi vậy thôi.
Vì vậy, cái “giá như” ở đây cũng đồng nghĩa với sự “nuối tiếc” và hoài cổ những gì đã qua?”
(Nguyễn Trần Thái)
“Bài thơ bắt đầu bằng một câu hỏi thú vị 'Giá như đời cũng như mơ'? - Đương nhiên là Tiên và Bụt bất ngờ hiện ra rồi... Thêm cái 'giá như' trẻ mãi đến nhát dừng lục bát để mở lòng lần đầu tiên 'có còn thế không?', mới đẩy tới nút, cái chốn mở ngỏ ấy: 'Thì em liệu có bằng lòng yêu anh?' - Hóm, duyên mà lại kín đáo!
Tác giả cứ như chàng lãng tử đang gióng lên 'bản tình ca ngược' rằng thì là... ừ, 'ngô nghê' đấy, nhưng là cái ngô nghê của kẻ đang gỡ gạc thời gian bằng hằng hà chi tiết 'giá như'.
Rốt cục khó dẫn nhất lại là lời yêu ngỏ. Muôn đời tình yêu là sự khao khát, và ca lên nữa đi Nhà thơ ơi, những 'giá như' đáng yêu này!”
(Trần Ngọc Lan)
“Giá như (chỉ giá như thôi)
Vì em rất giống vợ tôi ở nhà
Giá như (ví dụ ấy mà)
Bỗng nhiên em lại chính là… vợ tôi?”
(Nguyễn Đình Trọng)
“Trong cuộc đời này có cả triệu sự vật và hiện tượng bạn có thể 'giá như'để tự hỏi mình và hỏi người khác. Cái tài của tác giả là đã khơi mào cho những giả dụ, những câu hỏi vu vơ, ai cũng biết mà chẳng hề để ý...
Vâng, giá như thế thì sẽ chẳng bao giờ như vậy, hoặc chưa chắc sẽ như bây giờ ta thấy... Nếu ba khổ đầu tác giả đặt vấn đề cho 'cái phi lý và không thể', thì khổ thơ kết đã bất ngờ chuyển sang 'cái có lý và có thể': 'Giá như chưa vợ chưa chồng/ Liệu rằng em có bằng lòng yêu anh?'
Vẫn biết rằng tình yêu có quy luật riêng, nhưng đọc lên ta vẫn cảm thấy tràn đầy nuối tiếc. Riêng tôi, khi đọc xong bài thơ có cảm giác như người đi trong mộng, vu vơ, vô định, nhưng đam mê và hạnh phúc; trong đầu luôn vang lên câu hỏi: Giá như? Giá như? và Giá như?...'
(Nguyễn Đăng An)
----------------------------------
Trích từ tập thơ 'Học Quên Để Nhớ'
Nguyễn xuân Ngọc - NgocNx1939@gmail.com - 0377225720 - Hiệp sơn kinh Môn,Hải Dương
(Ngày 30/10/2020 1:16:46)
GIÁ NHƯ-YÊU
Hoàng Ngọc Thu - ngocthuhoang@rocketmail.com - - TP.Hồ Chí Minh
(Ngày 5/12/2009 09:58:56 AM)
Giá như chưa vợ, chưa chồng Thì em liệu có bằng lòng yêu anh? .. Giá như em chả có chồng Thì em cũng sẽ bằng lòng... yêu anh. |