Chủ nhật, 22/12/2024,


Lục bát từ dân gian đến hiện đại (27/11/2009) 

                                                                                                     

     Theo thống kê của nhiều nhà nghiên cứu văn học dân gian thì có đến trên 90% ca dao, dân ca là thể thơ lục bát. Cũng có thể xem ca dao dân ca chính là nơi “nằm nôi” của thể thơ Lục bát và ở cái tuổi “nằm nôi” này Lục bát có những đặc điểm rất riêng của nó. Có lẽ vì ra đời trong môi trường truyền miệng và lại đồng hành cùng với nhiều hình thức diễn xướng dân gian khác nên Lục bát dân gian có khá nhiều dạng thức biến thể. Đó là dấu tích của sự chưa định hình hay là sự tương tác qua lại lẫn nhau giữa thơ và các hình thức diễn xướng khác?

 

     Tuy đại bộ phân ca dao đã là trên 6 dưới 8 nhưng khả năng mở rộng dung lượng câu của Lục bát dân gian còn khá lớn. Có những câu vẫn tồn tại ở cả hai dạng: nguyên dạng chúng là một cặp lục bát trên 6 dưới 8: “Yêu nhau mấy núi cũng trèo/ Mấy sông cũng lội mấy đèo cũng qua”; nhưng ở dạng biến thể, chúng lại thành một cặp lục bát trên 7 dưới 11 hoặc 13...: “Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo/ Ngũ lục sông cũng lội thất bát (cửu thập)... đèo cũng qua”. Trong ca dao ta có thể tìm được khá nhiều  những câu tương tự:

 

- Anh tưởng nước giếng sâu anh nối sợi gầu dài

Nào ngờ nước giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây

- Em thương nhớ ai ngơ ngẩn bên đầu cầu

Lược thưa biếng chải, gương Tàu biếng soi

 

     - Con gái ông Bang, con gái ông Phủ qua cũng không màng Chỉ chuộng con bạn ngọc biết đá vàng, thủy chung...

 

     Về cách gieo vần Lục bát dân gian cũng có 2 dạng biến thể. Dạng biến thể vần bằng thì thay đổi vị trí chữ mang vần của câu tám từ chữ thứ 6 lên chữ thứ 4. Ở vị trí này, chữ mang vần nhất thiết phải mang thanh huyền (trầm bình thanh) và để tương thích với nó các chữ thứ 8 bắt buộc phải mang thanh không dấu (phù bình thanh). Dạng biến thể này  khá phổ biến trong Lục bát dân gian:

 

 - Con cò mà đi ăn đêm

Đỗ phải cành mềm lộn cổ xuống ao

Ông ơi ông vớt tôi nao

Tôi có lòng nào ông sẽ sáo măng.

 

- Cái cò lặn lội bờ sông

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.

 

- Đôi ta gặp gỡ nhau đây

Như đàn bò gầy gặp bãi cỏ hoang

 

     Dạng biến thể vần trắc ít gặp hơn, nhất là ở hình thức nguyên dạng thì lại càng hiếm hoi:

 

Tò vò mà nuôi con nhện

Ngày sau nó lớn nó quện nhau đi

Tò vò ngồi khóc tỉ ti

Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đằng nào.

 

     Ở lối biến thể này, chữ mang vần của câu sáu (chữ thứ 6)và chữ mang vần của Câu tám (chữ thứ 6) không thay đổi vị trí nhưng lại thay đổi thanh điệu từ vần bằng sang vần trắc. Nhưng chỉ biến đổi được ở cặp  đầu, ở những cặp tiếp theo (nếu có) bắt buộc lại phải quay về vần bằng như thường. Trong ca dao, đạng vừa biến thể vần trắc lại vừa mở rộng dung lượng câu  phổ biến hơn:

 

- Sóng sậm sịch lưng chừng ngoài biển bắc

Hạt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên

Anh muốn làm ngơ đi mà ngủ cũng chẳng yên

Sợ mưa già nước ngập biệt tựa con thuyền vào đâu.

 

- Cây cúc vàng nở ra hoa cúc tím

Em đi lấy chồng cởi yếm trả anh !

Cây cúc vàng nở ra hoa cúc xanh

Yếm của tôi mặc yếm gì anh anh đòi ?

 

- Có yêu thì yêu cho chắc

Bằng mà trục trặc thì trục trặc cho luôn

Đừng như con thỏ nọ nó đứng đầu chuông

Khi vui giỡn sóng khi buồn giỡn trăng.

 

- Mặt trời vừa lặn, mặt trăng vừa ló

Nè em Hai ôi, lại đây cho anh tỏ một đôi lời

Nước bèo gặp gỡ vậy thôi

Mai anh ra cửa biển, em sống đời biệt ly...

 

     Tôi ngờ rằng đây chính là dạng trung gian chuyển từ Lục bát sang Song thất lục bát chăng ?

Vì số lượng chữ trong câu, vị trí chữ mang vần, và thậm chí đến cả thanh điệu của vần đều có thể thay đổi,  nên  về cơ bản lục bát dân gian chưa có luật bằng trắc. Chỉ có hai chữ mang vần của câu tám thì luôn phải đối xứng nhau về thanh điệu: nếu chữ thứ 6 là thanh huyền thì chữ thứ 8 phải là thanh không dấu và ngược lại.

 

     Từ cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, thể thơ Lục bát lại được các nho sĩ bình dân sử dụng để viết truyện, tạo ra một thể loại văn học mới thời bấy giờ, đó chính là Truyện thơ nôm. Thực chất đó chính là một dạng Tiểu thuyết cổ được viết bằng thể thơ Lục bát. Đa số loại truyện này thường khuyết danh, chỉ có Truyện Kiều và Lục Vân Tiên là còn thấy có tên tác giả. Truyện Kiều của Nguyễn Du chính là một đỉnh cao rực rỡ của loại Truyện thơ nôm, đồng thời cũng là một đỉnh cao rực rỡ của văn học Việt Nam. Thể thơ Lục bát đến truyện Kiều cũng được quy chuẩn và hoàn thiện hơn. So với Lục bát  dân gian thì lục bát truyện Kiều không còn các dạng biến thể nữa. Có thể xem Lục bát truyện Kiều là một thứ Lục bát thuần khiết. Với 3254 câu Lục bát, Nguyễn Du đã huy động hầu hết các bộ vần trong tiếng Việt vào tác phẩm. Theo thống kê của Phạm Đan Quế thì trong truyện Kiều đã có những bộ vần như sau:

1- Vần a, oa: 155 cặp – 310 câu

2- Vần ai, oi, oai, ôi, ơi, ui, uôi, ươi: 266 cặp – 532 câu

3- Vần am, ôm, ơm, ươm: 6 cặp – 12 câu

4- Vần ăm, âm: 20 cặp – 40 câu

5- Vần an, oan, ơn: 50 cặp – 100 câu

6- Vần ă, ân, uân: 84 cặp – 168 câu

7- Vần ang, oang, uông, ương: 140 cặp – 280 câu

8- Vần ăng, âng, ưng: 25 cặp – 50 câu

9- Vần anh, ênh, inh, oanh, uynh: 116 cặp – 232 câu

10- Vần ao, eo, êu, iêu, iu, yêu: 111 cặp – 222 câu

11- Vần au, âu: 87 cặp – 174 câu

12- Vần ay, ây, oay, uây: 133 cặp – 266 câu

13- Vần e, ê, i, ia, oe, uê, uy, uya, y: 121 cặp – 242 câu

14- Vần em, êm, iêm, im: 9 cặp – 18 câu

15- Vần en, ên, iên, in, uyên, yên: 73 cặp – 146 câu

16- Vần iêng: 1 cặp – 2 câu

17- Vần o, ô, u, ua: 20 cặp- 40 câu

18- Vần on, ôn, uôn: 19 căp – 38 câu

19- Vần ong, ông, ung: 120 cặp – 240 câu

20- Vần ơ, ư, ưa: 71 cặp – 142 câu

     Giống như Lục bát dân gian, mỗi cặp Lục bát truyện Kiều cũng gồm có ba chữ mang vần, nhưng ở Lục bát Truyện Kiều các chữ mang vần này có vị trí cố định: câu sáu có 1 chữ đó là chữ thứ 6, câu tám có 2 chữ đó là chữ thứ 6 và chữ thứ 8. Riêng hai chữ mang vần của câu tám phải:

 

     - Đối xứng nhau về thanh điệu, nếu chữ này mang thanh không dấu thì chữ kia phải mang thanh huyền và ngược lại (điểm này cũng giống như Lục bát dân gian).

 

     Không được cùng vần, nhất là những chữ nguyên vần với nhau. Nói cách khác chúng phải luôn luôn khác vần nhau, vì nếu cùng vần thì sẽ xẩy ra hiện tượng chập vần, câu thơ ngang phè, khó lọt tai, chẳng hạn:

 

Hỏi rằng: 'Nàng phải Nguyệt Nga,

Khá tua gắng gượng về nhà cùng ta.

Khi khuya nằm thấy Phật bà,

Người đà mách bảo nên già tới đây'.

 (Lục Vân Tiên)

 

     Trong ca dao và nhiều bài Lục bát hiện nay vẫn thấy mắc khuyết tật này, nhưng trong suốt Truyện Kiều không thấy có bất cứ một trường hợp nào chập vần như thế cả. Có lẽ Nguyễn Du đã ý thức được điều này và loại trừ nó khỏi Lục bát truyện Kiều. Ta có thể tóm tắt quy luật gieo vần của Lục Bát Truyện Kiều như sau:  chữ thứ 6 của câu tám vần với chữ thứ 6 của câu sáu trên, đổi vần và đổi thanh điệu sang chữ thứ 8 của câu tám rồi nối vần này xuống chữ thứ 6 của câu sáu dưới,... Cái chuỗi vần trong Lục bát Truyện Kiều chạy vòng vèo uốn lượn theo các chữ “Sáu-sáu,đổi vần và đổi thanh điệu, tám-sáu” rồi lại “Sáu-sáu, đổi vần và đổi thanh điệu, tám-sáu”...Nguyễn Du đã khai thác triệt để yếu tố đổi vần này làm Lục bát truyện Kiều khá tự do và linh hoạt. Từ đây ta cũng nhận ra một điều: chu kỳ gieo vần của Lục bát là bốn câu. Một cặp Lục bát mới chỉ là nửa chu kỳ. Nói cách khác muốn khép kín chu kỳ  gieo vần của thơ Lục bát, vẫn cần phải có tối thiểu là bốn câu. Chẳng hạn:

 

Tẽn tò con sáo sang sông

Bờ bên này tưởng cũng không có gì

Tẽn tò con sáo bay đi

Lại bờ bên ấy có gì cũng không

 (Đồng Đức Bốn)

 

     Nhưng rất hiếm khi Lục bát khép kín chu kỳ như thế.Trái lại nó thường tồn tại ở dạng nửa chu kỳ để tạo ra một khả năng kết dính tùy ý hơn, tự do hơn với những nửa chu kỳ khác.

 

     Tính đa năng của Lục bát Truyện Kiều còn được tăng cường thêm ở cách ngắt nhịp. Thông thường khi đọc thơ Lục bát người ta hay đọc theo nhịp 2 chữ một: câu sáu ba nhịp và câu tám bốn nhịp. Nhưng đúng ra, phải ngắt nhịp theo ý nghĩa của các cụm từ trong dòng thơ. Theo cách này ta sẽ thấy Lục bát truyện Kiều khá đa dạng về cách ngắt nhịp. Sau đây chỉ là vài vị dụ tiêu biểu:

 

- Rằng/ năm Gia Tĩnh/ triều Minh

Bốn phương phẳng lặng/ hai kinh vững vàng.

- Êm đềm/ trướng rủ/ màn che

Tường đông/ ong bướm đi về/ mặc ai.

 

- Dập dìu/ tài tử/ giai nhân

Ngựa xe như nước/ áo quần như nêm.

 

- Sè sè nấm đất/ bên đường

dàu dàu ngọn cỏ/ nửa vàng/ nửa xanh.

 

- Hiên tà/ gác bóng nghiêng nghiêng

Nỗi riêng/ riêng chạnh tấc riêng/ một mình.

 

- Hỏi tên/ rằng/ Mã Giám Sinh

Hỏi quê/ rằng/ huyện Lâm thanh/ cũng gần.

 

- Khi tỉnh rượu/ lúc tàn canh

Giật mình/ mình lại thương mình/ xót xa.

 

- Làm cho/ trông thấy nhãn tiền

Cho người thăm ván bán thuyền/ biết tay.

 

- Cửa người/ đầy đọa chút thân

Sớm/ ngơ ngẩn bóng/ đêm/ năn nỉ lòng.

 

- Rằng/ Từ là đấng anh hùng

Dọc ngang trời rộng/ vẫy vùng bể khơi...

 

 

     Ở Lục bát Truyện Kiều cũng bắt đầu thấy xuất hiện luật bằng trắc (hài thanh). Hình như Nguyễn Du đã vận dụng luật “nhị, tứ, lục phân minh” của thơ Đường luật (thể khởi bằng) vào lục bát truyện Kiều thì phải. Cho nên ta thấy, các chữ thứ 2, và thứ 6 (cả ở câu sáu và câu tám) phải luôn luôn là bằng; đối lại các chữ thứ 4 lại luôn luôn phải là trắc. Riêng ở câu sáu  phép hài thanh có thể được thay thế bằng cách ngắt nhịp 3/3 và thường cũng là một phép tiểu đối (Mai cốt cách / tuyết tinh thần; Người nách thước / kẻ tay dao; Tưởng bây giờ / là bao giờ...). Đọc những câu Kiều dưới đây ta sẽ thấy rõ hơn:

 

Chén đưa nhớ bữa hôm nay

Chén mừng xin đợi ngày này năm sau

Người lên ngựa / kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm mầu quan san.

 

     Sự cân đối về thanh điệu cùng với phép tiểu đối được sử dụng khá phổ biến và linh hoạt đã làm cho câu thơ Lục bát truyện Kiều chuông chắn vuông vức, rất mực thước. Có thể nói câu thơ Lục bát đến truyện Kiều mới phát triển thành luật, một thứ luật cũng chặt chẽ nghiêm nhặt không kém gì luật thơ Đường. Nhưng kỳ lạ thay chính những câu thơ Lục bát Truyện Kiều, những câu thơ luôn luôn phục tùng đúng luật, lại là những câu thơ mềm mại, uyển chuyển và hay đến hiếm có. Như vậy là luật thơ không hề trói buộc thơ. Nó chỉ tạo điều kiện cho thơ hay hơn. Bởi vì suy cho cùng thì luật thơ chính là những khuôn hình mẫu mực nhất, tối ưu nhất mà thơ nên có và cần phải có. Trong lịch sử phát triển thơ ca, luật thơ chỉ thấy xuất hiện ở những thời kỳ phát triển đỉnh cao: ở Trung Quốc là trường hợp thơ Đường Luật và ở Việt Nam là Lục bát truyện Kiều. Có thể nói Lục bát truyện Kiều vừa khuôn mẫu mực thước lại vừa linh hoạt biến hóa. Với Lục bát truyện Kiều, Nguyễn Du đã phát huy tối đã khả năng diễn tả vốn có của câu thơ Lục bát. Nó có thể miêu tả, có thể kể chuyện, có thể bình luận triết lý...nó có thể đối thoại, cũng có thể độc thoại...Có thể diễn tả và mang trong nó cái hùng, cái bi, cái cao thượng, cái hài hước...Khả năng diễn tả của Lục bát ....

 

     Lục bát sau Truyện Kiều phát triển đa dạng hơn, nhiều phong cách hơn và có xu hướng kết hợp sử dụng cả hai lối Lục bát truyện Kiều và Lục bát dân gian. Ngay trong cùng một tác giả cũng vậy. Tố Hữu là một ví dụ rõ nhất. Bên cạnh rất nhiều bài làm theo lối Lục bát truyện Kiều, ông cũng có không ít những bài làm theo lối Lục bát dân gian:

 

- Bà bủ nằm ổ chuối khô

Bà bủ không ngủ bà lo bời bời...

 (Bà bủ)

 

- Em là con gái Bắc Giang

Rét thì mặc rét nước làng em lo

Nhà em phơi lúa chưa khô

Thóc chửa vào bồ, sắn thái chưa xong

Nhà em con bế con bồng

Em cũng theo chồng đi phá đường quan...

(Phá đường)

 

     Rồi lối biến thể vần trắc, được thay thế bằng lối Lục bát dán thất:

 

Con ra tiền tuyến xa xôi

Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền

Nhớ thương con bầm yên tâm nhé

Bầm của con mẹ vệ quốc quân.

 (Bầm ơi)

 

     Gần đây xu hướng đổi mới thơ Lục bát càng được xúc tiến tích cực. Hầu hết người làm thơ Lục bát, chuyên nghiệp và  không chuyên nghiệp, nổi tiếng và chưa nổi tiếng, hình như đều cố gắng tìm kiếm sự đổi mới cho thơ Lục bát. Có thể kể ra mấy xu hướng chính sau:

 

     - Xu hướng thay đổi cách trình bày dòng thơ. Theo cách này, bài Lục bát không trình bày theo lối truyền thống  trên 6 dưới 8 nữa, mà trình bày theo nhịp thơ, kể cả những cách ngắt nhịp theo ngẫu hứng chủ quan của tác giả. Cách trình bày này đã làm hình thức hiển thị của bài Lục bát đa dạng và lạ mắt hơn nhiều. Khi thì nom chúng giống như một bài thơ leo thang, khi thì chúng được xếp thành như một hình tam giác, rồi một bông hoa...

 

     - Xu hướng biến hình thành một thể thơ khác. Tôi mới thấy có một trường hợp của nhà thơ Nguyễn Đức Mậu. Đó là bài Câu Hát Tản Mạn. Xin chép ra đây để cùng tham khảo:

 

Lệ thường núi mọc trông gần đi xa

Tuổi hai mươi đấy chống gậy như già

Trẻ trai leo dốc hóa ra lưng còng

Đi rừng bạn hỡi chớ ngại đường vòng

Chớ e lối tắt lắm dòng suối sâu

Qua cầu nước dựng chớ đứng trông cầu

Run tay rơi mũ biết đâu mà tìm

Mầu cây mầu lá chợt hóa trái mìn

Rêu xanh một khoảng lặng im đánh lừa

Nhìn trời đoán nắng nghe hoẵng báo mưa

Đói lòng ăn trái me chua khế rừng

Nắng nung cổ khát bỏng rát da lưng

Muốn tìm mạch nước tới vùng xanh cây

Trăng lên trăng lặn sao vắng đêm dầy

Thương con đom đomd vẫn bay chỉ đường

Muốn thổi cơm chín bịt kín ống bương

Ngủ đêm rừng rậm võng thường treo cao

Lên đèo gió ướt, gió lướt ào ào

Mồ hôi rơi ngược tan vào trong mây

Xuống khe gậy chống rát bỏng bàn tay

Vải quần đầu gối vá dầy lại khâu

Đi rừng kham khổ nỗi nhớ bền lâu

Mấy ai hiểu hết lòng sâu của rừng.

 

     Nếu xu hướng thể nghiệm này thành công, được nhiều người thích và làm theo, thì ta sẽ có thêm một thể thơ mới thoát thai từ thơ Lục bát đó là thơ Bát bát, hoàn toàn khác với Thơ tám chữ vốn đã có trong thơ ca truyền thống.

 

     - Xu hướng lạ hóa ngôn từ trong thơ. Theo cách này, người làm thơ thường tìm đến những kết hợp từ mới chưa hề có để làm lạ, làm mới thơ.  Khá nhiều người tìm tòi theo hướng này . Sau đây chỉ là một ví dụ nhỏ:

 

Một trời hoang tưởng lơ mơ

Thoáng hồn ngọc bích ngẩn ngơ lối tình

Ngước trông mây trắng siêu hình

Lá xưa cũng tự lay mình mà thu.

 (Thu - Hoàng Thế)

 

     Xu hướng này quả là có tạo ra được sự mới, sự lạ, có làm cho người đọc dừng lại lâu hơn ở dòng thơ, câu thơ... tìm tòi, nghĩ ngợi...Nhưng đa phần vẫn thấy nó còn gập ghềnh sáng tối, khó đoán định, nên nhiều khi cũng không đủ kiên nhẫn để đào bới tiếp. Nhưng từ những câu thơ hay, những bài thơ hay, những ngẫu hứng, những tìm tòi thành công, ta lại thấy nó vẫn nhẹ nhàng trong suốt, trong đó cái mới với cái cũ, cái quen với cái lạ, cái thường và cái diệu...dường như vẫn nằm chung với nhau, gắn bó trong tổ ấm  “thi ảnh, thi nhạc” vậy:

 

Bao nhiêu là thứ bùa mê

Cũng không bằng được nhà quê của mình

Câu thơ nấp ở sân đình

Nhuộm trăng trăng sáng nhuộm tình tình đau

Nhuộm buồn những hạt mưa mau

Thành sao nở trằng vườn cau trước nhà

Nhuộm hương của các loài hoa

Thành mơn mởn tóc đuôi gà cho em.

 (Đồng Đức Bốn)

 

      Cho nên có người từng cho rằng không nên phân biệt thơ cũ với thơ mới, thơ hiện đại với thơ không hiện đại,... mà chỉ nên phân biệt thơ hay và thơ dở, không phải là không có lý. Thơ hay sẽ sống mãi trong lòng công chúng và xây đài vinh quang cho nhà thơ. Thơ chưa hay thì sau khi hoàn thành “nhiệm vụ được giao” sẽ rơi vào quên lãng. Còn thơ dở thì tất nhiên sẽ chết yểu, không có thuốc nào cứu chữa được. Cái định mệnh khắt khe này của thơ mãi mãi là bất biến.

 Tác giả Đỗ Đình Tuân

Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương

Email: tuanthu4253@yahoo.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: