SƠ PHÁT GIA CHÂU (1)
(Thơ Tô Đông Pha – Trung Quốc)
Triêu phát cổ điền điền
Tây phong lạp hoạ chiên
Cố hương phiêu dĩ viễn
Vãng ý hạo vô biên.
Cẩm thuỷ(2) tế bất kiến,
Man giang(3) thanh khả liên.
Bôn đằng quá Phật cước(4),
Khoáng đãng tạo bình xuyên.
Dã thị hữu thiền khách(5),
Điếu đài tầm mộ yên.
Tương kỳ định tiên đáo,
Cửu lập thuỷ sàn sàn.(*)
Dịch nghĩa:
Lên đường ở Gia Châu
Buổi sáng mới lên đường tiếng trống giục thùng thùng;
Gió tây thổi lay động dải cờ (trên thuyền);
Quê cũ phiêu bạt đã xa rồi;
Nỗi lòng thuở xưa ấy còn bồi hồi vô hạn.
Dòng Cẩm nhỏ lờ mờ không thấy nữa;
Sông Man trong xanh thật đáng yêu.
(Thuyền) chạy như bay, đã qua Phật cước (chân Phật);
Trời đất mênh mông thẳng tới bình xuyên.
Nơi chợ quê có một người thiền khách;
(Ngẩn ngơ như) đang tìm sợi khói chiều dưới Điếu đài.
Đã hẹn cùng nhau nhưng lại đến sớm từ khi nào;
Đứng lâu mặc cho nước dưới chân lững lờ trôi chảy.
Dịch thơ:
Sáng đi trống giục thùng thùng,
Gió tây man mác phập phồng cờ bay.
Quê hương xa cách đã rầy,
Bồi hồi lòng khách buổi ngày ra đi.
Mịt mờ dòng Cẩm thấy chi,
Sông Man trong vắt yêu vì vẻ xanh.
Lướt bay Chân Phật qua nhanh,
Bình xuyên thẳng tới mông mênh đất trời.
Chợ quê thiền khách có người,
Chiều hôm tìm khói Điếu đài ngẩn ngơ
Hẹn cùng, đến trước bao giờ,
Đứng lâu để mặc lững lờ nước trôi.
Chú thích:
(1) Gia Châu: tức trấn Gia Định ngày nay. Năm Gia Hựu thứ tư (1059) Tô Thức cùng em là Tô Triệt, theo cha Tô Tuân rời quê hương Mi Sơn đến Gia Định. Đến mùa đông lại từ Gia Định xuất phát xuống Kinh châu.
(2) (3) Cẩm thuỷ: tức Mân giang; Man giang: tức sông Thanh Y (áo Xanh) trong địa phận Gia Định.
(4) Phật cước: chân Phật. Theo chú thích cũ dẫn Dư Địa Ký Thắng: “Khoảng niên hiệu Khai Nguyên (Đường), nhà sư Hải Thông cho tạc bức tượng phật Di Lặc lớn ở khu vực bến hợp lưu ba con sông Đậu, Thù, Mông. Tượng cao 360 thước, phải dựng gác bảy tầng để che …”
(5) Thiền khách: chỉ nhà sư Tông Nhất. (Xem tự chú của tác giả)
(*) Tác giả có tự chú thích: “Thị nhật kỳ hương tăng Tông Nhất hội biệt Điếu ngư đài hạ” (Hôm ấy, hẹn với nhà sư trong làng là Tông Nhất cùng chia tay ở Điếu Ngư đài.
Dịch giả: Châu Hải Đường
Email: tiendatbtv@yahooo.com