Lời thưa
Trong cha có một câu hò
Trong câu hò có con đò sông Hương
Trong sông Hương có nỗi buồn
Trong thăm thẳm có vô thường thi ca
Con từ xa Huế sinh ra
Nắng mưa thấm tiếng oa oa đầu đời
Cha - dòng sông nhớ - con bơi
Đắng cay vào giọt mồ hôi bến bờ
Nổi nênh quá tuổi dại khờ
Con thương với Huế câu thơ lụy tình
Chênh vênh quá nửa Ngự Bình
Huế thương cho cả cung đình rêu phong
Thăng trầm dạ có, thưa không
Thời gian mái đẩy long đong điệu hò
Hồn cha giờ hoá con đò
Mênh mang đầy cả giấc mơ - suối nguồn
Con cùng tên với dòng Hương
Thơ con trắc ẩn cánh buồm chư ơi!
Trương
Lời bình:
Lời thưa là nỗi niềm day trở khôn nguôi cùng Cha kính yêu và Huế thân thương của nhà thơ Trương Nam Hương.
Trương Nam Hương sinh ra và lớn lên ở Thủ Đô Hà Nội, quê cha ở Cố Đô Huế, quê mẹ ở vùng Quan Họ Kinh Bắc. Phải chăng được thừa hưởng tinh hoa của những cái nôi văn hoá đặc sắc và điển hình ấy mà tài năng thơ của anh sớm phát tiết, khẳng định được vị thế trên thi đàn bền vững và khá ổn định? Anh giành được nhiều giải thưởng văn học danh giá, có được lòng mến mộ của nhiều đối tượng bạn đọc, nhất là các tầng lớp học sinh, sinh viên.
Trương Nam Hương được mang trong mình dòng máu cha kính yêu - người con của cố đô Huế mộng mơ và thẫm đẫm chất sử thi. Đó là thành tố quan trọng góp phần làm nên thi sỹ Trương Nam Hương.
Ngay từ khổ đầu bài thơ đã mở được ra hết biên độ và trường độ của sự quan thiết ấy:
Trong cha có một câu hò
Trong câu hò có con đò sông Hương
Trong sông Hương có nỗi buồn
Trong thăm thẳm có vô thường thi ca
Bút pháp tài hoa của Trương Nam Hương, bằng điệp điệp của từ trong đã cài đặt được tình cha trong tình quê, mật thiết khăng khít như hình với bóng, cha không thể tách rời quê. Hình tượng người cha cứ vời vợi cao, thăm thẳm xa, ẩn hiện trong các sắc thái văn hoá vật thể, phi vật thể của miền đất cố đô này. Âm hưởng câu hò, hình bóng con đò với tâm trạng như dòng Hương se thắt buồn là bản sắc văn hoá, là thăm thẳm thi ca tưởng cũng đã nằm trong huyết quản nhà thơ.
Qua khái luận giàu chất suy tưởng của khổ thơ đầu, nhà thơ đưa ta tiếp cận ngay với những chi tiết gần gũi, những khao khát giản dị ở buổi sinh thành mà sao cứ rưng rưng:
Con từ xa Huế sinh ra
Nắng mưa thấm tiếng oa oa đầu đời
Cha - dòng sông nhớ - con bơi
Đắng cay vào giọt mồ hôi bến bờ
Sinh ra nơi xa xứ, tuổi thơ thiếu hơi ấm quê cha đất tổ - Huế, chốn địa linh đã là một thiệt thòi lớn. Song có lẽ cái mặc cảm lưu lạc và hoàn cảnh éo le vô thường, từ tiếng oa oa đầu đời cũng đã phải dầu dãi sương gió, thấm đẫm nắng mưa, đầy rủi ro bất trắc mới thật sự xa xót thắt lòng. Trương Nam Hương khao khát được nâng niu che chắn vùng vẫy ngụp lặn trong dòng sông tình thương, như bao đứa trẻ mà đâu có dễ. Dòng sông - cha đã phải vượt qua bao ghềnh thác, bao tủi nhục đắng cay, bao mặn chát mồ hôi -“bồi lở”, mới mong con cập được bến bờ. Nếu người đọc biết cha anh là một cán bộ hoạt động cách mạng phải chịu nỗi đau chia cắt đất nước, xa cách cha con, thì thấy câu thơ càng có sức lay động.
Mạch thơ đang chùng xuống vì thương cảm xót xa, thì bỗng trào dâng hào sảng:
Nổi nênh quá tuổi dại khờ
Con thương với Huế câu thơ lụy tình
Chênh vênh quá nửa Ngự Bình
Huế thương cho cả cung đình rêu phong
Có lẽ, chính những thiệt thòi thiếu hụt tình cha, tình quê buổi đầu đời mà Trương Nam Hương sớm hình thành bản lĩnh, khả năng tự thích nghi, tự bù đắp. Dù những bước đầu đời nổi nênh chênh chao, nhưng nghị lực sống có từ nguồn cội đã hun đúc, tiếp sức cho anh vượt qua tuổi non nớt, dại khờ. Càng thương yêu kính trọng cha bao nhiêu, nhà thơ càng cháy khát tin yêu, rất đỗi tự hào và nặng lòng với Huế bấy nhiêu. Cha và Huế đối với nhà thơ là hai sợi dây bảo hiểm tinh thần cho anh níu vượt, nuôi dưỡng tài năng, tâm hồn mình. Nhờ đó mà anh viết được những câu thơ lụy tình say đắm lòng người, đi cùng năm tháng. Anh thực sự hạnh phúc, và tự reo lên: “Chênh vênh quá nửa Ngự Bình/ Huế thương cho cả cung đình rêu phong”. Đó là ân sủng, là những biệt đãi về giá trị tinh thần trường tồn của quê hương địa linh nhân kiệt làm nên tinh chất và giọng điệu mê đắm riêng có của thơ anh.
Lịch sử biến thiên, đã minh chứng cho tính bền vững của văn hóa:
Thăng trầm dạ có, thưa không
Thời gian mái đẩy long đong điệu hò
Hồn cha giờ hóa con đò
Mênh mang đầy cả giấc mơ - suối nguồn
Huế đã trải qua bao dâu bể thăng trầm, bao mất mát hy sinh, thời gian cũng trôi chảy văng xa. Đến như câu hò mái nhì, mái đẩy cũng chịu long đong, cũng đứng trước những nguy cơ biến dạng, thất truyền. Song Huế vẫn anh dũng kiên trung, vẫn dịu ngọt “dạ có, thưa không” thâm hậu kiêu sa - ngời ngời sắc Huế. Cái còn lại vẫn là văn hóa. Cả cha kính yêu giờ cũng đã nhập vào hồn quê, cũng đã hóa con đò trên dòng Hương mênh mang chở đầy những giấc mơ mạch nguồn nhân thế.
Ta chưa hết ngùi ngùi bâng khuâng vì những câu thơ ám ảnh tâm linh, thì nhà thơ đã dẫn dắt ta về với câu kết như mê dụ Liêu Trai:
Con cùng tên với dòng Hương
Thơ con trắc ẩn cánh buồm cha ơi!
Không chỉ được thừa hưởng những tinh hoa cốt cách Huế, mà Trương Nam Hương như có thiên mệnh thi sỹ, cùng tên với dòngHương. Và cũng vì thế thơ anh không căng buồm lướt sóng, mà như dòng Hương sâu lắng, nặng lòng cuộn chảy trong trắc ẩn: nỗi người, nỗi đời.
Trương Nam Hương thật khéo léo, bằng Lời thưa, lời tâm tình thủ thỉ cùng cha mà bày tỏ được ơn sâu nghĩa trọng với Huế, đan cài được hình bóng cha trong hình bóng quê hương. Lời thưa, một bài thơ hay, thật sự cảm động, day dứt, ám ảnh, mà người yêu thơ không thể đọc nhanh, đọc một lần, càng đọc càng thấm thía. Cách lập tứ, lập ngôn cũng hết sức độc đáo giàu trí tuệ. Ý thơ trập trùng biến ảo, mà vẫn gần gũi, giản dị, chân thành, hấp dẫn, níu giữ.
Gấp trang thơ lại, mà người đọc vẫn như còn đắm chìm trong man mác buồn và bảng lảng say.
Hà Nội, Ngày 08 - 10 - 2009
Lâm Xuân Vi
(Hội viên Hội nhà văn Việt
ĐC: Hội VHNT Ninh Bình
Email: xuanlamvi@yahoo.com