Cùng học tập, làm việc với nhau, tôi đã từng được nghe Dương Tiển đọc thơ, bình thơ. Nhiều bài thơ dí dỏm, vui đùa, nhẹ nhàng thoải mái. Những dịp lễ hội vẫn thấy thơ anh in trong các tập thơ của trường. Gần đây gặp anh, ngồi hàn huyên đủ chuyện. Chuyện nhà cửa, về hưu, dạy dỗ... và thơ nữa.
Đọc bài thơ Lục bát về Tài và Sắc của anh và lời bình của người bạn đồng môn, anh Nguyễn Văn Chiến, thấy rất tâm đắc, xin gửi đến mục Những bài lục bát tôi yêu của Lucbat.com để bạn đọc cùng thưởng thức.
(Sưu tầm, giới thiệu: Trần Mạnh Tuân)
Lục bát về Tài và Sắc
(Quý tặng vợ, cô giáo Kiều Then)
Ao sâu thì lắm ốc nhồi
Chồng mà tài giỏi - nửa người nửa ta.
Bướm xinh bướm lượn gần xa
Vợ mà nhan sắc - nửa ta nửa người…
Đôi ta đẹp giữa cuộc đời
Nhờ công Cha Mẹ, ơn Trời xe duyên.
Cùng nhau xây đức vững bền
Nghĩa tình thơm ngát hương sen quê nhà.
Yên Tân, 02/ 09/ 2008
Dương Tiển
ĐT: 0913378402
Email: duongvantien@wru.edu.vn
Lời bình:
Tôi đã đọc nhiều bài thơ viết về vợ, có bài đã đưa vào sách giáo khoa như bài "Thương vợ" của Tú Xương, có bài "Nhớ vợ" của Cầm Vi. Anh Đàm Thế Du cũng có bài "Vợ tôi" và bạn bè tôi cũng nhiều người viết về vợ. Trong các bài thơ ấy có bài "Lục bát về Tài và Sắc" của Dương Tiển tặng vợ là cô giáo Kiều Then.
Đọc đi, đọc lại, mỗi lần đọc lại thấy cái hay, cái đẹp về chủ đề vợ mà Dương Tiển đã khám phá và khai thác. Bài thơ gồm bốn câu lục bát nhưng có thể chia thành hai phần: hai câu đầu Dương Tiển muốn khai thác từ quy luật tự nhiên là "ao sâu thì lắm ốc nhồi, bướm xinh thì bướm phải lượn" để nhấn mạnh một hiện tượng có tính quy luật của xã hội, đó là: chồng mà tài giỏi thì chỉ còn một nửa là của vợ mình thôi, cũng như vợ mà xinh đẹp thì một nửa của người ta. Thực ra dùng từ một nửa ở đây cũng chỉ là ước lệ thôi chứ biết bao nhiêu là của mình, bao nhiêu là của người? "Gái tham tài, trai tham sắc", mà đã là lòng tham thì làm gì có giới hạn và đâu chỉ dành cho riêng ai? Mà đó là quyền của mỗi người. Và khi đã là quyền thì người ta có thể dùng mọi cách, kể cả thủ đoạn, mánh khóe để chiếm đoạt, liệu lúc ấy ta có giữ được không? Biết bao chàng trai hãnh diện về người đẹp để rồi "Em đi lửa cháy trong bao mắt, Anh đứng thành tro em biết không?" hay "áo cài khuy bấm em làm khổ tôi".
Đọc và suy ngẫm ta thấy câu đầu Dương Tiển muốn tâm sự với Kiều Then rằng: những đôi vợ chồng, khi chồng mà tài giỏi thì mình chỉ sở hữu có một nửa chồng mình mà thôi. Còn câu tiếp Dương Tiển muốn tâm sự với chính mình: vợ mà xinh thì mình cũng chỉ còn một nửa thôi. Hai câu đầu này vừa phảng phất của ca dao lại vừa là điều tâm sự, tâm sự với vợ và tâm sự với chính mình. Vẫn cụm từ "nửa người nửa ta" của câu trên nhưng xuống câu dưới khi đảo từ lại cho ta một chủ thể khác, ý nghĩa khác.
Hai câu sau là hạnh phúc, là niềm tự hào: "Đôi ta đẹp giữa cuộc đời" và là trách nhiệm: "Cùng nhau xây đức vững bền". Dương Tiển đã nói đúng, thời của Dương Tiển đâu đã được biết yêu đương như bây giờ, làm gì đã có câu; "Con trai yêu mười, lấy một", tuy không đến nỗi: "Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy", nhưng chủ yếu vẫn là: "Nhờ công Cha Mẹ, ơn Trời xe duyên". Câu cuối: "Nghĩa tình thơm ngát hương sen quê nhà" chẳng những là câu kết của bài thơ mà còn là niềm tự hào, sự mãn nguyện, một gia đình hạnh phúc, ngợi ca tình nghĩa vợ chồng đằm thắm như hương sen quê nhà.
Tôi đã đọc đi đọc lại bài thơ này, nhất là hai câu đầu và thấy hai câu đó có điều gì chưa ổn bởi sự suy diễn từ hiện tượng tự nhiên sang những vấn đề mang tính xã hội. Đâu phải nếu chồng tài thì vợ chỉ còn một nửa và vợ xinh thì chồng cũng chỉ còn một nửa? Ở đây tôi không muốn trấn an tinh thần của những đôi trai tài gái sắc và cũng mong rằng những cặp trai tài gái sắc nếu có đọc thơ của Dương Tiển thì cũng đừng có giật mình, bởi lẽ trên thực tế không thiếu gì những cặp vợ chồng như thế đã và đang sống tràn trề hạnh phúc đó sao? Cái hạn chế của bài thơ là tính tư tưởng, song cái hay của bài thơ lại là tính cảnh báo.
Trở lại bài thơ tặng vợ của Dương Tiển, đây là bài thơ hay, mượt mà về giai điệu, phảng phất chất ca dao, giàu hình tượng, mang đậm tính triết lý, nhân văn, ca ngợi tình yêu và hạnh phúc gia đình. Xin chúc cho Dương Tiển - Kiều Then mãi mãi trọn nghĩa, vẹn tình, để lại tiếng thơm cho gia đình, dòng tộc hôm nay và mãi mãi về sau./.
Bắc Ninh, ngày 9 tháng 2 năm 2009
Nguyễn Văn Chiến