Trong thơ ca người Việt thường lấy số đếm để đo đếm, để trình bầy một ý tưởng nào đó. Thường thì có những con số đó là số thực khi người ta định xếp thứ tự một phẩm hạnh nào đó. Ví như lời thơ dân gian:
“Một yêu tóc bỏ đuôi gà
Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên
Ba yêu má lúm đồng tiền”...
Người con trai muốn “thống kê” các ưu điểm về cả vẻ đẹp hình thức bên ngoài lẫn vẻ đẹp nội dung bên trong của cô gái mà anh ta “chấm điểm” thì các con ssố 1, 2, 3... ở đây tạm gọi là số thực. Ca dao dân ca có nhiều bài cấu trúc theo lối kể tuần tự một, hai, ba... như thế. Dẫn thêm câu ca dao về trồng cấy:
“Tháng giêng là tháng trồng khoai
Tháng hai trồng đậu, tháng ba trồng cà
Tháng tư cầy vỡ ruộng ra...”
Những con số nông lịch- thời vụ cổ sơ ấy là số thực, tuần tự năm âm lịch đúc kết kinh nghiệm dân gian. Nhưng phần lớn những con số trong phần thơ là số ảo, số có tính tượng trưng cho số ít hoặc số nhiều song được nói theo kiểu ước lệ. Ví như trong thơ Kiều có câu:
“Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”.
Ở đây “ba thu”- ba mùa thu, chỉ ba năm một ngày; hai con số 3 và 1 có thể xen như con số không thực. không thực bởi lẽ cái nỗi sầu chàng Kim không gặp được nàng Kiều, “càng lắc càng đầy” đây là một tình cảm trìu tượng, không thể đo đếm được cụ thể được. Cụ Nguyễn Du mượn tứ thơ cổ “nhất nhật bất kiến như tam thu hề” (một ngày không gặp dài như ba năm)- để “việt hóa” thành hai câu lục bát tuyệt vời kể tả nỗi sầu ấy nên “một ngày” và “ba thu” chỉ là cách nói tượng trưng cho số ít- một ngày, số nhiều- ba thu. Xin dẫn thêm câu ca dao không mấy ai là không biết:
“Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Ngũ lục sông cũng lội, thất bát đèo cũng qua”
Rõ ràng tam tứ hay ba bốn, ngũ lục thất bát hay năm sáu bảy tám, cũng thế. Đấy đâu là con số cụ thể, con số thực chỉ đường trường tình yêu cụ thể nào giữa cô gái và chàng trai. Đấy là cách nói tượng trưng hàm ý đã yêu nhau thì xa xôi cách trở đến mấy người ta cũng có thể vượt qua được. Trong câu ca dao:
“Đêm qua ba bốn lần mơ
Khi mơ thì thấy dậy sờ thì không”
Tả tâm trạng “tương tư nặng” của một chàng trai hoặc cô gái nào đó, hai con số ba, bốn cũng chỉ là cách nói tượng trưng bởi lẽ chắc chắn cô gái hay chàng trai nói ra điều đó không nhằm kể cụ thể mình mơ ba hay bốn lần mà chỉ nhằm chứng minh rằng mình đang tương tư dến độ đêm đêm nằm mơ thấy bạn tình. Liên tưởng đến câu thơ Chinh Phụ Ngâm:
“Khi mơ những tiếc khi tàn
Tình trong giấc mộng muôn vàn cũng không”
Đặc biệt trong ca dao dân ca có một số bài thơ tình yêu viết theo bút pháp trào lộng, con số trong đó lại càng là số ảo, không ai có thể tin là thực. ví như bài:
“Em là con gái nhà giàu
Mẹ cha thách cưới ra màu xênh xao
Cưới em trăm tấm lụa đào
Một trăm hòn ngọc, hai ông sao trên trời...”.
Còn đám nghèo thì:
“Cưới em có một tiền hai
Có dăm sợi bún có vài hạt xôi
Cưới em còn nữa anh ơi
Có một đũa đậu hai môi rau cần”.
Tất cả các con số ở đây đều là số ảo thể hiện tinh thần lạc qua vui sống của người Việt.
Hoài Việt
(Nguồn: Ebooks.vdcmedia.com)