Thứ bảy, 27/04/2024,


"Chăn trâu đốt lửa" - Sâu sắc một triết lý nhân sinh (28/10/2009) 

Chăn trâu đốt lửa

 

Chăn trâu đốt lửa trên đồng

Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều

Mải mê đuổi một con diều

Củ khoai nướng để cả chiều thành tro./.

 

Đồng Đức Bốn

 

 

 

 

Rút ra từ Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam (Nhà xuất bản Văn hoá - 1994), bài thơ “Chăn trâu đốt lửa” của nhà thơ quá cố Đồng Đức Bốn sáng tác năm 1993 đã gieo vào tôi nhiều suy tư, và cảm phục. Một bài thơ có bốn câu, rất  trọn vẹn về nội dung và nghệ thuật mà lại bao hàm đầy ý nghĩa nhân sinh. Nhà thơ tả thực cảnh chăn trâu của các em bé nhà quê, vừa nghịch ngợm vừa mải mê theo đuổi những trò chơi ở lứa tuổi “nhất quỷ nhì ma…”.  Nhưng với tôi sau khi đọc đi đọc lại bài thơ, không hiểu rằng nhà thơ có sự suy tư như tôi không? Mặc dù biết ông là một nhà thơ thể hiện rất rõ thiên hướng lục bát của một thi sỹ đồng quê. Theo ông thơ phải như tiếng hót của một con chim, nhưng phải là chim mỏ vàng, phải mang sắc hương của thứ hoa cỏ, nhưng phải là hoa cỏ độc đáo, đặc biệt. Nếu xét từ góc độ ấy thì “chăn trâu đốt lửa” quả là như vậy.

 

“Chăn trâu đốt lửa trên đồng” là chuyện thường tình của trẻ chăn trâu, nhất là sau vụ gặt mùa. Và cũng là chuyện thường tình như ở xóm thôn, ở xã, ở huyện, ở trong cuộc sống thường nhật. Câu thơ thứ hai nhà thơ khẳng định “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều”. Đúng vậy trong mùa hanh heo mà đã gió đông thì khi thổi cháy bao nhiêu rơm rạ cho vừa. Sự so sánh này diễn suy sang một chiều hướng thực tại thì đẻ ra bao nghĩ suy, cân nhắc khác, và bao hàm ý khác.

 

Trẻ chăn trâu mải mê theo đuổi một con diều (cái đó là tất yếu sẽ diễn ra với trẻ chăn trâu). Nhưng trong cuộc sống ngày nay có biết bao nhiêu cá thể cũng mải mê theo đuổi một “con diều”. Một con diều không hơn không kém và đúng nghĩa là một thú vui của trẻ chăn trâu, nhưng còn “con diều” của những cá thể chúng ta thì nó nhiều vô kể. Mải mê vậy để một củ khoai nướng đốt cả chiều thành tro thì quả là một kết cục rất thực đời. Mải mê nghe điện thoại khi đang điều khiển xe dẫn đến mất mạng sống. Mải mê theo đuổi ánh kim của tiền bạc dẫn đến tan cửa nát nhà hoặc lâm vào trong vòng lao lý và mải mê… v.v. và v.v.…

 

Bốn câu thơ khép lại gieo một tiếng thở dài, tiếc nuối cho cái đam mê rất trẻ chăn trâu trong bài thơ ngắn  của nhà thơ quá cố Đồng Đức Bốn. Đó vừa là sự ý thức về cái bản ngã của một nhà thơ có tài, và là ước nguyện nặng nợ của người yêu thơ với thơ ca truyền thống, và nó cũng gieo một dấu hỏi lơ lửng trong lòng mỗi chúng ta./.

 

 

Đức Thọ

Thạch Thất – Hà Nội

ĐT: 04.33842811. 0912503076

Email: ducthotgm03@yahoo.com

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Phạm Đức Nhì - nhidpham@gmail.com - 281-339-0072 - Texas, USA  (Ngày 09/08/2015 21:16:39)

Bài thơ ngắn nhưng tứ thơ rất hay: mê thả diều để củ khoai nướng, có thể là bữa ăn đạm bạc của trẻ chăn trâu, cháy thành tro. Ngụ ý của tác giả là: nhiều khi chạy theo những cái viển vông, bay cao tít trên trời mà quên đi những thứ thiết thực, gắn bó với cuộc sống, ngay trên mặt đất. Nhưng cũng chẳng có gì nuối tiếc vì những thứ viển vông, cao tít đó chính là thức ăn cho tinh thần, cho phần hồn của con người; đó chính là niềm vui, hạnh phúc mà vật chất không thể tạo ra được. Tứ thơ đã hay mà phếp ẩn dụ cũng rất dễ cảm, dễ thương, chứng tỏ tác giả có cái nhìn về cuộc sống rất phóng khoáng nhưng không kém phần sâu sắc.
Khuyết điểm của bài thơ là cái bệ phóng, cái phần dẫn nhập.
Chăn trâu đốt lửa trên đồng
Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều
Trong bài “Chăn Trâu Đốt Lửa”: Một Triết Lý Nhân Sinh nhà phê bình Đức Thọ đã viết:
Câu thơ thứ hai nhà thơ khẳng định “Rạ rơm thì ít, gió đông thì nhiều”. Đúng vậy trong mùa hanh heo mà đã gió đông thì khi thổi cháy bao nhiêu rơm rạ cho vừa. (3) Gom được bó rơm để đốt lửa nướng khoai mà lại “Mải mê đuổi một con diều” thì chỉ cần chưa tới 10 giây rơm đã bay tung tóe, lửa đã tắt, củ khoai còn sống nguyên chứ làm gì có cái cảnh “Củ khoai nướng để cả chiều thành tro”. Tác giả, với tứ thơ hay chiếm lĩnh toàn bộ tâm hồn, đã theo con diều bay cao mà quên đi cái thực tế tầm thường dưới mặt đất. Những chi tiết nhỏ nhặt không đúng thực tế của bệ phóng đã làm giảm giá trị của bài thơ rất nhiều.

  Vũ Trung Kiên - trungkien7482@yahoo.com.vn - 0918119052 - Thủ đức, Thành phố Hồ Chí Minh  (Ngày 6/04/2010 12:11:13 PM)
Ai đã trải qua cuộc sống nơi thôn quê hẳn sẽ bồi hồi cảm xúc khi đọc bài thơ này. Đó là những buổi chiều đông - thường sau vụ gặt tháng 10 và đã có gió heo may- trên cánh đồng mới gặt, trẻ em chăn trâu và thả diều. Đó là một khung cảnh rất nên thơ và lãng mạn mà những ai đã đi qua tuổi thơ có lẽ chẳng thể nào quên.
Thế nhưng, tôi thích bài thơ abì thơ không phải ở 2 câu thơ đầu. Hai câu đầu chỉ là câu tả thực gợi cho người ta nhớ về cái thời chăn trâu đốt lửa trên đồng.
Hai câu thơ sau mới thực sự gieo vào lòng tôi nỗi suy tư, chiêm nghiệm. Thì ra những trẻ chăn trâu mải theo đuổi một con diều để cho củ khoai nướng cháy thành than. Trong cuộc đời này có biết bao nhiêu những con người là những "trẻ chăn trâu" đó. Mải mê theo đuổi những ham mê dục vọng để rồi cuối cùng nhìn lại cánh diều thì vẫn bay lên mà "củ khoai" không còn ăn được.
Mới hay cái được ở đời không phải là bám theo, đuổi theo những gì cao xa. Hạnh phúc ở ngay cạnh ta, ở rất gần ta- chỉ cần ta chú ý và chăm sóc đến nó, chỉ cần ta không viển vông "đuổi một cánh diều".
Có mấy ai đã hiểu mà chắc gì hiểu đã làm theo!
  Lê Thanh Hà  -  lethanhha8@gmail.com -  -  Từ Liêm ,Hà Nội   (Ngày 17/11/2009 06:11:06 PM)

Không biết bạn Đức Thọ có nhầm không ,nhưng tôi có trong tay số báo Xuân Kỷ Sửu -2009 , ở trang 60 có bài thơ trên của Đồng Đức Bốn ,dòng thứ 3 in là :"Mải mê theo một cánh diều " ( THEO chứ không phải ĐUỔI ).

Không biết bản nào đúng, nhưng chữ "theo " có vẻ hay hơn , ý rộng và mộng mơ hơn . Xin gửi đôi dòng để cùng nhau tham khảo .Chúc bạn vui .

Các bài khác: