Thứ sáu, 03/01/2025,


Nhà nghèo quen ngủ úp thìa (25/10/2009) 

Ngủ úp thìa là một thành ngữ, tôi được biết từ nhỏ. Những cái thìa xưa không đa dạng như bây giờ, chúng thường một loại, đều cong cong, nếu úp vào nhau thì ôm khít, đỡ chiếm diện tích trên chạn bát. Xưa, hầu như nhà nào cũng nghèo, hiếm chăn đắp, mà các tấm chăn đều chăn đơn, mỏng và hẹp.

 

Ngủ úp thìa

 

Nhà nghèo quen ngủ úp thìa

Nằm giữa là vợ nằm rìa là con

Phản gỗ mộc chiếu cói sờn

Đêm mưa giấc ngủ chập chờn ngoài chăn

Kín đầu thì lại hở chân

Bíu bo co kéo có ngần ấy thôi

Khéo làm con thức mình ơi!

Nằm như cá giở đầu đuôi sao đành

Lằng nhằng cái bất thành văn

Tránh sao rơm lửa để gần với nhau

Hẳn là trời còn rét lâu

Úp thìa mà ngủ ai đâu bằng mình.

 

Tân Quảng

 

 

 

Lời bình:

Ngủ úp thìa là một thành ngữ, tôi được biết từ nhỏ. Những cái thìa xưa không đa dạng như bây giờ, chúng thường một loại, đều cong cong, nếu úp vào nhau thì ôm khít, đỡ chiếm diện tích trên chạn bát. Xưa, hầu như nhà nào cũng nghèo, hiếm chăn đắp, mà các tấm chăn đều chăn đơn, mỏng và hẹp. Chẳng cứ ba mà ngay cả hai người cũng phải nằm kiểu úp thìa mới ổn, đâu có ấm ớ như nhà nọ chồng còng vợ còng nằm ngềnh ngàng để thiên hạ giễu: “Chồng còng lấy vợ cũng còng/ Nằm phản thì chật nằm nong thì vừa”. Thời tôi còn là một cậu bé, hay ngủ với người anh họ. Chúng tôi chỉ có một cái chăn đơn hẹp cũ, nhiều chỗ đã xơ mướp. Chắc là bị ông bố mắng nhiều về tội đạp rách chăn, anh bảo tôi: Chỉ đắp bụng, đừng đắp chân. Tuổi mới lớn, mê ngủ, chúng tôi hay đạp lung tung. Bây giờ, nghĩ lại cũng cay mắt. Nhiều đêm đông, chúng tôi cũng từng ngủ úp thìa nhưng đâu được như tác giả bài thơ này, bởi “đàn ông nằm với đàn ông/ như gốc như gác như chông như chà”… Nhà thơ của chúng ta ngủ úp thìa với con và vợ. Mà cũng khéo sắp xếp làm sao: Nằm giữa là vợ, nằm rìa là con. Chính cách sắp xếp ấy đã khơi mạch cho thơ. Đêm đông xưa, thường nhà nào cũng trải ổ rơm, no cơm tấm ấm ổ rơm mà! Hẳn nhà này cái rơm cái rạ cũng đã hết, nên mới phải nằm phản. Đêm mưa giấc ngủ chập chờn ngoài chăn là một câu thơ có nghề, tĩnh mà động, thực mà ảo. Từ khéo, từ mình trong câu Khéo làm con thức mình ơi, dùng chính xác, “đắc địa”, ngọt ngào ý vị. Vì thương con bên rìa sợ hở lạnh hay vì cái sự úp thìa, rơm lửa mà nàng xoay trở khó ngủ. Chẳng thể khác, chàng thầm thì với nàng: Nằm như cá giở đầu đuôi sao đành. Rồi cứ vậy. úp thìa mà ngủ. So với những anh chàng nào đó “Chuột kêu chít chít trong rương/ Anh đi cho khéo, kẻo đụng giường mẹ hay”… thì anh chàng ngủ úp thìa Lằng nhằng cái bất thành văn này là quá đàng hoàng, hạnh phúc. Chàng còn mong cho trời dài dài cái rét…

 

Lục bát là thể thơ dân tộc, có 12 câu mà vận dụng được nhiều thành ngữ, tiếng nói dân dã: ngủ úp thìa, lửa gần rơm, nằm như cá giở đầu đuôi, nằm rìa, bíu bo co kéo… Ngày nay, đời sống nhân dân ta đã khác xưa nhiều, nhưng ngay dẫu trong chăn dày nệm ấm, thú ngủ úp thìa phải đâu đã hết.

 

Bài thơ “Ngủ úp thìa” của nhà thơ Tân Quảng ý tứ hàm súc, đã được sử dụng trên một số phương tiện thông tin đại chúng, được nhiều độc giả, thính giả trân trọng, ghi nhận. Nét đẹp của nhà thơ là chút hóm hỉnh, tự trào, tự hào với chất quê bình dị, như một “bảo tàng mini” về ngôn ngữ, tập tục, bản sắc.

 

Duy Phi

(Nguồn: Báo Bắc Ninh)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: