Thứ sáu, 03/01/2025,


Con về thăm mẹ chiều mưa (19/10/2009) 

Mẹ

 

Con về thăm mẹ chiều mưa

Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên

Hạt mưa sợi thắng sợi xiên

Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời

Con đi đánh giặc một đời

Mà không che nổi một nơi mẹ nằm!..

 

Tô Hoàn

(Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam tái bản – 2000)

 

 

 

 

Bài thơ này được tuyển chọn vào “Tuyển tập thơ lục bát Việt Nam” tái bản tháng 7 năm 2000, Nhà xuất bản Văn hóa thông tin ấn hành.

 

Chúng tôi có bài thơ này nhờ một lần nhà thơ quân đội Trần Đăng Khoa chép và gửi cho báo Giáo dục và Thời đại. Khoa bảo: “Bài thơ in ở báo Quân khu 3, Khoa nhớ và chép lại cho anh”. Tôi sững người vì tiếc. Giá bài thơ được in vào trang thơ dự thi của báo chí thì giải là cầm chắc. Hôm Trần Đăng Khoa đưa bài “Mẹ” thì cuộc thi đã khép lại rồi! (cuộc thi thơ lục bát, báo Giáo dục và Thời đại năm 2000).

 

Đây là một bài thơ hay với mọi người đọc dù người đó thích thơ truyền thống hay thơ hiện đại, dù người đó thích thơ Việt vần điệu mượt mà ngân lên như hát, hay theo thứ thơ “lai tây” lủng ca lủng củng, lục cục lào cào! Bài thơ hay vì nó giản dị, ít lời nhưng truyền cảm.

 

Con về thăm mẹ chiều mưa

Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên

 

Cái “chiều mưa” đúng là kíp nổ của bài thơ. Nếu hôm anh về thăm mẹ mà trời nắng thì tinh ý một chút anh cũng có thể biết là nhà dột nhưng không cảm nhận được tận đáylòng cái nỗi... dột này! Câu thơ có một chút thảng thốt của hai từ “mới hay”. Thì ra trước đây, anh không biết, anh cứ tưởng...

 

Cái sự “gió lùa bốn bên” là anh viết thật. Mái dột nhưng cả phên cũng rách thì “gió lùa bốn bên” được, có nghĩa là cái nhà của mẹ thật tồi tàn.

 

Hai câu tiếp theo thật rát:

 

Hạt mưa sợi thẳng sợi xiên

Cứ nhằm vào mẹ những đêm trắng trời

 

Hình như có bản đâu đó in “ Hạt mưa sợi đứng sợi xiên”, cũng không sao vì sắc thái biểu cảm của câu thơ không đổi. Người đọc như cảm thấy những hạt mưa ấy đang làm buốt lòng mình. Đời người ta có khi ăn mặc đói rách nhưng trời còn cho ngủ ngon lấy sức, đằng này mưa dột, giọt mưa hắt, bắn vào làm cho người mẹ không ngủ được mà ác nghiệt thay, đấy là những “đêm trắng trời” mẹ nằm nhớ đứa con đánh giặc nơi chiến trường xa!

 

Câu kết như một niềm ân hận và cao hơn nữa là một sự phản tỉnh của lương tri:

 

Con đi đánh giặc một đời

Mà không che nổi một nơi mẹ nằm

 

Người con thương mẹ, giật mình mà nòi vậy chứ đâu chỉ có lỗi của anh? Câu thơ ghim vào làng người đọc, vào mỗi chúng ta, nhắc chúng ta rằng hạnh phúc của con người thiết thực, cụ thể, có khi tưởng là nhỏ bé nhưng thật ra lớn lao vô cùng. Có khi ai đó mơ ước những cái cao xa trên chín tầng mây mà quên đi mái nhà còn dột của người mẹ chiến sĩ.

 

Tác giả bài thơ này- nhà thơ Tô Hoàn là một sĩ quan cấp tá về hưu ở Bắc Giang. Tôi chưa gặp anh lần nào nhưng đã hơn một lần đồng cảm với những nỗi niềm nhân bản trong thơ anh.

 

Bài thơ đi cheo leo trên một sợi dây mỏng mảnh, một bên là một bài thơ lục bát và một bên là một bài ca dao mới. Nó là bài thơ lục bát vì cái tứ thơ rất rõ. Chỉ có ba cặp lục bát không hơn không kém mà nó nói được với chúng ta bao nhêu điều về tình mẹ con, về hậu phương và tiền tuyến.

 

Ám ảnh và day trở, bài thơ hay vì được viết ra bằng một chút xuất thần của tác giả. Đọc xong người đọc có thể nghĩ: hay quá nhưng cũng... dễ quá, có gì cao siêu đâu nhỉ  mà sao mình lại không nghĩ ra?

 

 

Nguyễn Bùi Vợi

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Chính - nguyenvanchinh51@gmail.com - 0905112511 - Nha Trang - Khánh Hòa  (Ngày 06/02/2016 11:55:01)

Bài thơ rất ám ảnh người đọc. Xin cảm ơn nhà thơ Tô Hoàn. Còn về lời bình, có lẽ vì ngắn quá, gọn quá, nên hình như Nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi, mà tôi rất kính trọng, bình chưa "đến độ" thì phải. Nếu có gì thất lễ xin nhà thơ Nguyễn Bùi Vợi thứ lỗi cho kẻ hậu sinh này.

  Bùi Hà Đỗ Đạt - dodat10a4@gmail.com - 09091811039 - 195/16a LVS p.12 q3 tp.HCM  (Ngày 29/10/2015 22:06:53)

vậy bài thơ này đặt ra vấn đề gì trong cuộc sống hiện nay??

  Đoàn Thị Thanh Quỳnh - doanthanhquynh@gmail.com -  - Bắc Giang  (Ngày 12/11/2009 05:07:49 PM)

Đây là một trong những bài thơ xuất sắc của thơ ca Việt Nam. Nếu Nguyễn Bùi Vợi không đưa lên thì có lẽ nhiều người không biết đến thơ Tô Hoàn.

Trong khi tác giả của nó xứng đáng nhận được nhiều sự ca ngợi hơn thế. Âu cũng là cái nghiệp văn chương. Các nhà thơ của Bắc Giang cũng rất ca ngợi thơ Tô Hoàn, đặc biệt là bài "Mẹ".

Vậy mà có người ghi ngờ cho bài thơ, cũng lại có việc ngày xưa người ta đem 2 câu cuối để "xem xét về mặt tư tưởng".

Và không ai khác, chính tác giả phải đau vì 1 "đứa con tinh thần" của mình. Âu cũng là cái nghiệp văn chương

  Nguyêh Tất Dủng - nguyentatdungdcnq@yahoo,com.vn - 0988 338 456 - Hội Địa chất Như Quỳnh-Hưng Yên  (Ngày 24/10/2009 02:51:48 PM)

Tôi được bạn đọc cho nghe bài thơ này lâu lắm rồi, là bài thơ trong trí nhớ của tôi, là bài thơ nằm lòng của tôi - Nó cứ ám ảnh tôi khôn nguôi. Tôi nhớ như thế này, chép ra để các thi hữu cùng thưởng thức:

"Con về thăm mẹ chiều mưa

Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên

Hạt mưa hạt thẳng hạt xiên

Cứ nghiêng vào mẹ những đêm trắng trời

Con đi đánh giặc trọn đời

Cũng không lo nổi một nơi mẹ nằm...!"

Cứ như bạn tôi kể: - Anh về thăm mẹ chiều mưa thật, nhưng mẹ anh đã về cõi vĩnh hằng! Anh ngỡ ngàng nhìn thấy nhà cửa của mẹ mình tồi tàn: " Mới hay nhà dột gió lùa bốn bên", anh thấy nơi ngủ của mẹ mình:

"Hạt mưa hạt thẳng hạt xiên

Cứ nghiêng vào mẹ những đêm trắng trời ".

Đau xót tận cùng của một người con hiếu thảo, chắc trong tâm khảm sâu thẳm lòng anh đã gửi vào bên trong những câu chữ hiện hữu ấy lời ta thán - Ông trời không thương người ra trận ! Rồi ành tự nhìn minh: "Con đi đánh giặc trọn đời", lập nên bao công trạng và đã thành danh, nhưng "Cũng không lo nổi một nơi mẹ nằm".

Câu thơ đó cứ xoáy sâu vào tâm khảm người đọc, người nghe, lặng đi mà liên tưởng...Thuần phong mỹ tục của Việt Nam, những người già, trước khi về cõi vĩnh hằng thường hay "dọn mình ",Không hiểu cụ nghĩ gì ? Chắc cụ cũng như bao phụ nữ Việt Nam, thanh thản chịu đựng gian khổ, giấu đi mọi khó khăn đời người để con bền chí lập thân, lập danh....

Anh viết bài thơ này như một nén tâm nhang tạ lỗi với mẹ - người đã sinh ra mình, tạ lỗi với quê hương - nơi chôn nhún rau của mình. Chắc những năm tháng còn lại, anh không phải là người vô tích sự với gia đình, với quê hương.

Cảm ơn anh đã cho chúng tôi bài học, dễ thuộc đễ nhớ mà hữu ích.

Tôi tin bài thơ này sẽ sống mãi với thời gian.

  Phạm Văn Tự  - thcsts@gmail.com - 02193846208 - Trường THCS Tam Sơn - Quản Bạ - Hà Giang   (Ngày 21/10/2009 10:50:30 PM)

Một đời mẹ nặng gió sương...

Đắng cay nếm trải con thương mẹ nhiều

Mỏi mòn mưa nắng cô liêu

Chỉ mong ngày tháng sớm chiều mẹ vui

Nước nguồn còn có lúc vơi

Nhưng riêng lòng mẹ... biển trời mênh mông...!

  LÊ ĐỨC ĐỒNG - LEDUCDONGST@GMAIL.COM - 0913848734 - THPT CHUYÊN NT MINH KHAI- SÓC TRĂNG  (Ngày 20/10/2009 10:04:52 PM)
BÀI THƠ NGẮN NHƯNG NÓI ĐƯỢC BAO ĐIỀU SÂU XA CỦA TẤM LÒNG. THƠ CẦN SỰ CHÂN THẬT, CHÂN THẬT CỦA ĐỜI MÌNH, CỦA TRẢI NGHIỆM BẢN THÂN !
  Đặng Thức - Đánh nhờ -  - thi trấn Quỳnh Côi, Thái Bình  (Ngày 21/10/2009 11:01:30 PM)

         Bài thơ làm tôi xúc động, nó như một đoạn phim, một bức tranh, một khúc nhạc... cứ xoáy vào lòng ta khơi gợi nỗi niềm xa xót.

        Đây là cái lăng kính cho ta nhìn vào thẳm sâu cuộc chiến tranh vệ quốc và người chiến sỹ. Vấn đề không còn là của riêng ai mà là của cả một đất nước, một dân tộc, khiến người ta thức tỉnh và ghi nhớ về những điều phải làm trước mắt cũng như lâu dài.

        Bài thơ vừa thể hiện cái Tâm của tác giả, cái Tầm thời đại, cái Tấm gương trong để mọi người soi chung và là giá trị tinh thần đã được ướp Tẩm hương hoa cuộc sống và cuối cùng là cái Tài của tác giả. Cuốn sách "tuyển tập thơ lục bát Việt Nam" tôi đã từng đọc, song cứ thắc mắc Tai sao lại là thơ lục bát VN? Chẳng lẽ có cả thơ lục bát Trung Quốc, Liên Xô hoặc lục bát Pháp hay sao?

        Bạn Vũ Đại Nghĩa thắc mắc có cơ sở. Tôi nhớ năm 2003 tôi đọc báo thấy có bài thơ của một nhà thơ tên tuổi hiện đang sống (không tiện nêu tên) cũng có câu thơ trùng với ý thơ ở câu cuối bài này, nhưng không phải câu thơ lục bát. Đại ý tác giả nhắc một trong bốn vị "tứ bất tử" là Thánh Gióng hãy đừng vội bay về trời, hãy lợp lại mái nhà cho mẹ anh trước đã.

        Không có chuyện chôm thơ đâu!

  Vũ Đại Nghĩa - kisunonghoc@gmail.com - 0123589453 - ĐH Nông nghiệp Hà Nội  (Ngày 19/10/2009 09:17:51 PM)
       Câu thơ cuối tôi đã đọc trong bài thơ lục bát nào đó. Chắc chắn là như thế. Quan trọng ai là "tác giả" thực sự. Có ai nhớ giùm tôi là trong bài nào không??? Tôi sẽ về tìm lại và đưa ý kiến tiếp về vấn đề này!!!
Các bài khác: