Thứ sáu, 03/01/2025,


Bàn tay ấm giọt sương đông (14/10/2009) 

Bàn tay em

 

Lọt trời rơi xuống tay em

Mệnh hỏa thì tưới, mệnh kim thì mài

 

Đã từng ngang dọc thời trai

Khơi sông, đắp bể, lật vai nghiêng đồng

Giờ về như giọt sương đông

Đậu vào tay ấm ngón hồng búp hoa

 

Đường đời dài rộng, gần xa

Vẫn lòng tay ấy mở ra, nắm vào

Nẻo vòng tìm… nỗi khát khao

Cũng không đi hết tường rào ngón xinh

 

Lọt ai mà xuống tay mình

Đường danh, đường phúc, đường tình có nhau?

Thuyền về gối mộng bến dâu

Sóng xanh giờ đã bạc đầu trùng dương

 

Có gan bứt khỏi cũ thường?

Tay em cũng đủ nẻo đường anh đi…

 

Nguyễn Thị Mai

 

 

 

 

Ngay từ tựa đề bài thơ: “Bàn tay em”, đã tạo được sự chú ý cho người đọc. Với Hoàng Trung Thông: “Bàn tay ta làm nên tất cả”. Nhưng bàn tay em của nữ sĩ Nguyễn Thị Mai chỉ là hình tượng để nói về một điều thiêng liêng trong thiên chức vạn năng của tâm hồn em, nuôi dưỡng và gìn giữ một mối tình đặc biệt, riêng có.

 

Lọt trời rơi xuống tay em

Mệnh hoả thì tưới, mệnh kim thì mài

 

Câu mở, tưởng như một lời “răn đe”, “hù doạ” “phủ đầu” anh - kẻ ghê gớm: lọt trời rơi xuống. Để rồi xem cái con người một thời ngang dọc, khơi sông, đắp bể… có hình bóng Tử Hải “Gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” kia, rơi vào tay em sẽ ra sao? Mệnh hoả thì tưới mệnh kim thì mài, tay em ghê gớm quá, làm thay đổi được cả tính cách con người, và mệnh trời. Không, đó chỉ là thủ pháp, dùng ngoa dụ khác lạ cho phép của thơ, để tạo nên đột biến, bất ngờ về một bàn tay đẹp, nồng ấm, dịu dàng hoàn mỹ, như có quyền phép huyền bí. Giọt sương đông rơi xuống tay, rồi đậu vào tay đã là hai trạng thái chuyển hoá, có sức biểu cảm diệu kỳ về một bàn tay. Lại nữa, sao không phải giọt sương hạ, sương xuân… mà là sương đông? Có lẽ, chỉ có giọt sương đông buốt giá, mới cảm nhận được hết cái giá trị của hơi ấm và thi vị bàn tay em. Đậu vào tay em, anh như giọt sương trong lành, mong manh, dễ tan, dễ vỡ, cần được nương nhẹ. Đời là thế, càng là những đại trượng phu ngang dọc ngoài đời, thì trước tình yêu càng run rẩy, bé bỏng, cô đơn, cần được ấp iu, chở che. Đó mới là hình mẫu, nguyên lý, thuộc tính của tình yêu.

 

Đường đời dài rộng, gần xa

Vẫn lòng tay ấy mở ra nắm vào.

Nẻo vòng tìm…nỗi khát khao

Cũng không đi hết tường rào ngón xinh

 

Bàn tay em kỳ diệu quá, hấp dẫn gắn bó cả cuộc đời anh: rộng dài, dâu bể, mà vẫn nồng ấm, khát khao, tròn đầy, tươi mới . Vẫn không đi hết tường rào ngón xinh. Những ngón tay mềm mại được nhân hoá thành tường rào che chắn, nâng đỡ, thì thật là sự liên tưởng sáng tạo, độc đáo làm người đọc phải sững sờ. Tường rào gì mà có phép màu huyền bí như “bàn tay Phật Tổ” vậy? Cám ơn nhà thơ cũng đã bật mí cho: tay ấm ngón hồng búp hoa, đó là cả cái nết lẫn cái đẹp - chất liệu nuôi dưỡng và gìn giữ tình yêu linh diệu nhất. Đó cũng là điều đã làm tốn không biết bao nhiêu giấy mực, để luận bàn, hiến kế, hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của mọi thời.

 

Sự quấn quyện bền chặt của mối tình ấy cứ được hiển lộ dần ra, lấp lánh thêm lên từ hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Lọt ai mà xuống tay mình, sao cái điều hết sức hệ trọng mà nhà thơ cứ tưng tửng như không, như may rủi tự nhiên, như tình cờ nhặt được vậy. Lọt ai… phải chăng em không phải là mối tình đầu của anh? Vâng chính cái cách lập ngôn này đã làm cho ta xúc động, thấm thía về thân phận, về sự sàng lọc muôn vàn lần khó, trên con đường tìm kiếm nửa kia của mỗi người. Rồi cũng phải đợi đến câu tám đáp, thì ta mới hoàn toàn bị thuyết phục bởi khi nó đã ngả vào những tín hiệu có màu sắc tâm linh: Đường danh, đường phúc, đường tình có nhau. Anh, như may mắn “nhặt được”, như “lọt sàng xuống nia”. Khi anh đến với đời em không phải phận hẩm, duyên ôi mà là nhân duyên, là “có phúc có phần”, để được nương tựa, được sẻ chia mọi buồn vui giữa cuộc đời dâu bể này… Ba đường chỉ trên bàn tay em, không chỉ là sự đồng điệu hoà hợp hoàn mỹ trong đời thực, mà nó còn là đường chỉ định mệnh - số trời.

 

Một tình yêu biết lấy sự hy sinh dâng hiến, chắp cánh cho những ước mơ hạnh phúc của nhau, hoàn thiện lẫn nhau, tuy hai mà một thì: “Thuyền về gối mộng bến dâu/ Sóng xanh giờ đã bạc đầu trùng dương” – Cái thiên đường, cõi mộng của tình yêu là sự ban tặng xứng đáng của thượng đế cho lứa đôi rồi. Bàn tay em nâng niu nuôi dưỡng tình yêu qua thời gian, qua thử thách. Hạnh phúc cứ lớn dần, sóng xanh nơi gối mộng bến dâu đã hoà vào biển cả, đã thành sóng bạc đầu trùng dương, từ hữu hạn mở ra vô hạn.

 

Thiết tưởng, bàn tay em thế cũng đã là quá tuyệt vời. Nhưng chưa hết, chúng ta hãy điềm tĩnh lắng nghe câu kết

 

Có gan bứt khỏi cũ thường?

Tay em cũng đủ nẻo đường anh đi…

 

Thế đấy, dù anh có gan bứt phá, vượt thoát khỏi lẽ thường, không chấp nhận sự an bài, em vẫn tay ấm ngón hồng búp hoa, vẫn nhân hậu thuỷ chung, vẫn tự hoàn thiện để thích nghi, để sánh vai. Để anh được hạnh phúc trọn đời trong lòng tay ấy. Bàn tay em thế, thì chắc là anh cũng chỉ mong muốn mình mãi mãi là giọt sương đông.

 

“Bàn tay em”, một bài thơ hay, có tứ độc đáo hóm hỉnh, vùng liên tưởng rộng, hấp dẫn người đọc đến câu chữ cuối cùng. Chính cái tứ độc đáo đã tạo thuận lợi cho việc lập ngôn, dụng ý, sử dụng những chi tiết đặc trưng, kết cấu chặt chẽ riêng có của thơ Nguyễn Thị Mai, là thế mạnh để nhà thơ xoay trở, tung tẩy. Bài thơ tình như tự truyện, cảm xúc dồn nén dâng trào liền mạch. Như một dòng chảy tự nhiên, nên giản dị, chân thành, cảm động và ám ảnh. Có lẽ chính vì thế mà một bạn đọc cũng là bạn viết nói với tôi: bài thơ “Bàn tay em” của Nguyễn Thị Mai dự thi thơ lục bát : “Ngàn năm thương nhớ” in trên Văn Nghệ Trẻ ngày 30-8-2009 rất hay, có những câu buộc người ta phải nhớ.

 

Ninh Bình, ngày 2-9-2009

 

Lâm Xuân Vi

(Hội viên Hội nhà văn Việt Nam)

Đ/C: Hội VHNT Ninh Bình

Email:xuanlamvi@yahoo.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Kiều Minh - kieuminh.nafi@mard.gov.vn -  - Hà Nội  (Ngày 16/10/2009 11:44:12 AM)
Bài thơ quả thật sâu sắc, nhiều ý và tình. Người bình bài thơ dường như đã nắm được suy nghĩ ấy của nhà thơ; giúp người đọc hiểu rõ hơn cái thần của bài thơ. Cảm ơn cả 2 tác giả tài hoa đã làm đẹp thêm cho kho tàng lục bát của dân tộc.
  Phạm Tâm An - chicantaman@yahoo.com -  - Ninh Bình  (Ngày 15/10/2009 10:06:57 AM)
Bài thơ của tác giả NTM vốn đã hay, lời bình của nhà thơ LXV cũng rất mượt mà và sâu sắc khiến người đọc càng cảm nhận rõ ý tứ của con chữ trong bài thơ! Xin cảm ơn hai tác giả và kính chúc cô, chú ngày càng có nhiều tác phẩm hay!
Các bài khác: