Thứ sáu, 03/01/2025,


Giận hờn xin đánh tôi thừa một roi! (11/10/2009) 

THI KHÚC LẠY VỢ 

 

Công em hay lảm hay làm

Tội tôi thơ phú ngang tàng rong chơi

Nghêu ngao ca đất ngợi trời

Quên em ca cẩm nửa đời đóng băng

 

Chân đi lục bát loằng ngoằng

Quả tim nhịp trắc nhịp bằng đập suông

Lang thang đau cả mép đường

Yêu chay loang lổ mảng tường phong rêu

 

Thoắt thôi tóc sớm xế chiều

Đuôi con mắt chạm khắc nhiều chân chim

May còn nửa nổi nửa chìm

Đem phần sống sót này tìm về đây

Nửa đời bám gió leo mây

Hôm nay ngồi phệt mặt đầy rong rêu

Mải mê thơ phú cánh diều

Bỏ trâu gặm cụt nắng chiều mồ côi

Quay về tầm mắt em thôi

Tắm trong giọt lệ thương người phù sinh

Xin em hết sức lượng tình

Cho tôi tìm lại chính mình hôm qua

Bao nhiêu chữ nghĩa hương hoa

Cũng bay về phía thật thà ngày xưa

 

Lạy em ướt nắng khô mưa

Giận hờn xin đánh tôi thừa một roi!

 

Văn Thùy

 

 

 

 

Chuyện yêu thơ và làm thơ chả có gì nên tội, nhưng cứ lang thang làm những việc không thiết thực bỏ mặc vợ con lam lũ là có tội với gia đình. Ngợi đất ca trời của anh chẳng phải là yêu thiên nhiên mà là cái sự viển vông vô bổ.

 

Từ khổ thơ thứ hai, người ta cảm nhận một Văn Thuỳ vừa say lại vừa tỉnh để rồi nhận ra những bước đi lệch lạc đã qua của mình, muốn sửa lỗi. Nhưng suy cho cùng, cái tính nết trời phú cho con người khó thay đổi nếu không muốn nói là không thể, đúng như câu ngạn nhữ Pháp “Đuổi tính tự nhiên đi, nó lại phóng tới”.

 

Nửa đời đi bám gió leo mây, chả được tích sự gì, trở về nhà tóc đã điểm sương, đuôi mắt hằn nếp nhăn, đeo bộ mặt đầy “rong rêu” ngồi phệt xuống lạy vợ để rồi nhận được cái nhìn thương cảm từ người vợ hiền vị tha đã phải khổ sở, chịu đựng vì chồng trong suốt nửa cuộc đời ngắn ngủi phù sinh. Lòng nhân ái, nghĩa vợ chồng cảm động người đọc bởi câu “Quay về tầm mắt em thôi/ Tắm trong giọt lệ thương người phù sinh”. Người đọc cảm thông cùng tác giả khi anh ta muốn chữ nghĩa được bay về chốn thật thà ngày xưa. Hoá ra, muốn trở lại là chính mình, thật thà như xưa thì tác giả vẫn đang thật thà đó thôi. Và nhà thơ xin nhận 'thừa một roi' là phải lắm để rồi 'ngựa quen đường cũ' chả có gì phải ân hận. Xin lỗi đấy, nhưng muốn thay đổi tính nết thì chưa hẳn.

 

Nét trào lộng của bài thơ đã nâng tầm cảm xúc thẩm mỹ của người đọc. Ngôn từ sắc sảo, nhuần nhuyễn, biến ảo đến mức xoá nhoà ranh giới giữa thực và mơ. Có phải nhà thơ tạ lỗi vì chữ nghĩa của mình chưa phục vụ điều thiết thực? Đây đích thực là quan niệm về cái chân giá trị của văn chương nói chung và thơ nói riêng.

 

 

VŨ QUỐC TÚY

Khu 1A, Thị trấn Quỳnh Côi

Quỳnh Phụ, Thái Bình

ĐT: 0974958864 - Email: vuquoctuytb@gmail.com

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  vũ đức nhung - nhiepanh ducnhung@yaho.com.vn - 0433837985-098482034 - 69c lêlợi sơn tây hà nội  (Ngày 8/11/2009 08:46:48 AM)

tôi đồng ý với lời bình của vũ quốc tuý.song ở văn thuỳ còn là một con người có chất lãng tử của một tâm hồn nghệ sỹ.hai thứ đó hoà quyện vào nhau thành một văn thuỳ mà mãi mãi không thể khác .cảm ơn văn thuỳ đã cho chúng ta những vần thơ để đời

  Nguyễn Văn Mạnh - energyasteriod - 01693329647 - Trung Sơn, Đô Lương, Nghệ An  (Ngày 19/10/2009 12:50:52 PM)
Lãng du tìm của thời gian!
Giận chi cái kiếp ngang tàng phú thi,
Dù đời bám gió leo mây!
Cũng mang hương sắc phủ đầy núi xanh.
Yêu thơ ai nói tội tình.
Vợ anh chắc cũng mong thành như thơ!

Cảm ơn tg tất cả nỗi niềm, những vần thơ tôi chơt ứng tác có gì thất lễ, mong tg lượng thứ.Nhung tôi tin tôi cũng giống ông phần nào đó.
  Vũ Thiên Kiều - vuthienkieu@gmail.com - 0986585388 - Hòn Đất - Kiên Giang  (Ngày 11/10/2009 07:48:28 PM)

       Bài bình của Vũ Quốc Túy hay quá, thật khúc chiết, tình cảm, hiện thực, rõ ràng và tràn đầy nhiệt huyết văn chương. TK đọc bài bình mà học tập đựơc rất nhiều đấy. Cảm ơn tác giả VT và VQT thật nhiều.

Các bài khác: