NỬA ĐÊM CHỢT THỨC
Nửa đêm chợt tỉnh giấc mê
Thương nhà bên gái cập kê chưa gì!
Có cô quá lứa nhỡ thì
Mỏi mòn trông đợi người đi không về...
Trai làng rời bỏ thôn quê
Lên thành phố bởi cơn mê sang giàu.
Ngược xuôi buôn bán Tây, Tàu...
Nhọc lòng tìm cái không đâu suốt đời!
Ra sân ngửa mặt nhìn trời
Tiếng gà giục sáng tơi bời đêm đông.
Nhà ai còn gái muộn chồng
Đêm nay liệu có động lòng nhớ ai?
Cuối năm Canh Thìn - 2000
Đặng Vương Hưng
'Theo quy luật tâm lý, người ta nghĩ cái gì nhiều thường mơ về cái đó.
Hóa ra trong giấc mơ của chàng thi sĩ giàu lòng trắc ẩn lại là những phận-đàn-bà. Thương từ gái cập kê chưa gì đến những cô quá lứa nhỡ thì, cái kim thương của chàng trai quét một vòng di sóng để chỉ ra từng trường hợp cụ thể.
Nhưng quan trọng hơn, từ đó đẩy lên một bước: Tìm ra được căn nguyên vấn đề - Những cô gái đáng thương đó là những cô gái không xấu, không khiếm khuyết; ngược lại họ còn thật tốt, thật đẹp; chỉ có những chàng trai nông cạn, mê sang giàu, mê thành phố đi tìm cái không đâu suốt đời mà ra.
Cái tốt, cái đẹp ngay bên mình mà chẳng biết, lại để mất đi, thật là uổng biết bao!'
(Trần Quang Đạo)
'Đọc bài thơ, tôi đã bị hút vào nỗi đau của thi sĩ và sự ám ảnh bởi thân phận nghiệt ngã của những cô hàng xóm. Song, cái 'chợt tỉnh giấc mơ' và cái 'chợt thức nhìn trời' của Đặng Vương Hưng đã thấy vang lên hối hả những tiếng gà. Nửa đêm, nghĩa là mới canh ba, mà tiếng gà đã giục sáng tơi bời thì hẳn là sự không bình thường.
Xin được cùng nhà thơ, cùng tiếng gà cảm thấu ước mong ấm sáng nhanh lên những mảnh đời lạnh giá, thiệt thòi.'
(Nguyễn Xuân Hồng)
“Trên đời này có biết bao nhiêu nỗi éo le với những thân phận đàn bà mà một nhà thơ không thể giải quyết nổi!
Tác giả nhìn lên trời là phải. (Chả nhẽ lại nhìn sang cái nhà đang có “người đi không về” ấy!)
Rất may là anh đã nhìn lên trời, nên bài thơ vẫn giữ được sự trong sáng của lòng trắc ẩn”.
(Hoàng Nhuận Cầm)
“Chỉ mấy câu lục bát mà đã nói được biết bao hoàn cảnh, tâm trạng trong cuộc sống bươn chải, hối hả hiện nay.
“Nửa đêm chợt tỉnh giấc mê” - Xin được lưu ý “Giấc mê” chứ không phải “Giấc mộng hoàng lương” (kê vàng) – Thế là đồng cảm, và sự đa nghĩa của câu thơ đã làm người đọc xao động, trầm lắng... Để rồi chắc sẽ có rất nhiều người đang động lòng nhớ ai đó, chàng thi sĩ ơi!”
(Đắc Lê)
--------------------------------
Trích từ tập thơ Học Quên Để Nhớ
Phạm Văn Tự - thcsts@gmail.com - 02193846162 - 021938 - Trường THCS Tam Sơn - Quản Bạ - Hà Giang
(Ngày 16/10/2009 03:39:49 PM)
Dòng đời bao nỗi đa mê Nửa đêm chợt thức tái tê lòng người Cầm ca ngửa mặt hỏi trời Bao giờ mới thoát cảnh đời long đong Chao ôi ! Phận gái muộn chồng Hoang vu như thể cánh đồng thiếu mưa...!
phạm thị hương - phamhuonghuongk11@gmail.com - - k11 viết văn
(Ngày 9/10/2009 09:59:49 PM)
Ngược xuôi buôn bán Tây, Tàu... Nhọc lòng tìm cái không đâu suốt đời! Câu thơ thật bất ngờ thú vị. Có nhiều lý do để người con rời bỏ quê hương yêu dấu ra đi, cũng có nhiều lý do để họ không trở về. Không hẳn vì họ không còn yêu quê hương. Chẳng thế mà một nhà thơ nào đó đã từng nói: "quê hương yêu lắm nhưng chẳng muốn về". Trong bài thơ trên, tg đã nói rõ lý do của người ra đi. nv cứ mải miết, mải miết đi tìm những gì thuộc về mình đến khi đã mệt mỏi mới bẽ bàng nhận ra cái mà mình nhọc lòng tìm kiếm chỉ là cái "không đâu suốt đời". Xót xa, hụt hẫng, nhói lòng là cảm giác của tôi khi đọc hai câu thơ trên. Người ra đi đã chối bỏ hạnh phúc mình có để mải miết đi tìm nó ở chốn không đâu. Đây là bi kịch của con người nặng tình cảm với số phận lang bạt.
Vũ Thiên Kiều - vuthienkieu@gmail.com - 0986585388 - Hòn Đất - Kiên Giang
(Ngày 5/10/2009 11:57:57 AM)
Ôi! Cách vào đề của tác giả thật hay! "Nửa đêm chợt tỉnh giấc mê" . Phải tỉnh giấc mơ mới đựơc, chứ giấc ngủ mà tỉnh giữa đêm thì thường, thường quá. Mơ ở đây có phải là đang mơ thấy cái đẹp, cái tốt lành. Nhưng tấm lòng người thi sĩ không muốn, không tự hưởng cái chiêm bao tuyệt trần mà phải " chợt tỉnh ". Từ chợt dùng cũng đắt , chợt để thấy cái thắt lòng cái thương , cái nỗi niềm canh cánh với hòan cảnh các cô gái nhà bên đến tuổi cập kê nhưng tin nhạn vẫn chưa thấy gì. Chính vì thương nên mớt chợt tỉnh giấc mơ. Không dừng ở đó thi sĩ còn thương cảm cả những cô gái " quá lứa nhỡ thì" , ở quê mà nhỡ thì, quá lứa... suốt đời sẽ làm bà cô. Tuy họ vẫn mòn mỏi đợi, nhưng tác giả đã khóa chắc nịch" người đi không về" thế mới đau khổ, bấm khóa mà thương họ sâu sắc ở trong lòng. Rồi tác giả cũng đã lý giải cái khổ cái cô đơn của người phụ nữ là trai làng đã vì đồng tiền trứơc mắt , ham vinh hoa phú quý mà đi , đi hết. Trai làng , tức là cùng cảnh ,cùng quê , cùng tuổi thơ... với bao kỷ niệm mà còn dứt áo ra đi thì mong đâu có đựơc người ở nơi nao tìm về. Câu lý giải cũng lại là một cái khóa thứ 2 đối với tình duyên của các cô gái. Đặc biệt cái khóa thứ 2 cũng là mở đầu cho cái nhỡ thì của các chàng trai. Thế mới lạ chứ, chẳng lẽ trai lại nhỡ thì. Nhỡ chứ sao không nhỡ, vì lên thành phố vì " cơn mê" mà đã mê thì làm gì có sự chắc chắc mà tự tin để thành công. Đọc 2 câu tiếp theo mới thấy cái rõ ràng của cái trống không " ngược xuôi.... không đâu suốt đời" , đời người con gái dù có chồng Tàu ,chồng Tây , và người con trai có buôn bán ngược xuôi thì kết quả cũng chỉ nhọc lòng tìm cái không đâu. Lại thêm một cái khóa nữa rồi " cái không đâu" không chỉ một vài năm mà là suốt đời, thế thì còn gì mà hy vọng hở đời. Trời vẫn cao, gà vẫn gáy , đêm vẫn đông, cuộc sống vẫn tiếp diễn, vẫn xoay vần nhưng người thi sĩ buồn da diết. Hỏi " người con gái động lòng nhớ ai" nhưng cũng là câu hỏi chính mình. Từ "nhớ" dùng thật tuyệt vời, người con gái muộn chồng tức là chưa có ai dòm ngó, chưa có ai để mà tương tư, thì phải mong, phải chờ chứ sao lại nhớ. Nhưng vậy là nỗi niềm của các cô gái đã được thi sĩ đưa lên đỉnh cao rồi , nhớ tức là đã gặp, đã cảm đã yêu và đã xa thì mới nhớ. Câu kết đã hòan mỹ cho cái mở đầu vì - họ đã gặp nhau và yêu và....trong mơ rồi( đến nỗi thi sĩ phải chợt tỉnh nữa mà) một bên là thương cảm, một bên là thèm muốn , khao khát , tương tư da diết. Cái thức nửa đêm cũng là cái thức của đời trần mắt thịt, nửa đêm ai thức ở đâu cùng ai thì hạnh phúc, còn ở đây thì là cái thức cào cấu của da thịt, của sự cô đơn buốt giá. " Nửa đêm chợt thức " của anh Vương Hưng cũng đã làm Thiên Kiều thức đến nửa đêm để đọc và bình, những lời bình còn theo cảm tính của riêng em( có thể nói là múa rìu qua mắt thợ) vì thế có gì không phải mong tác giả và độc giả bỏ quá cho em. Xin chào thân ái. VTK |