Em về làm dâu…
Em về làm dâu nhà anh
Giường đơn ghép lại để thành giường đôi
Đơn sơ gian tập thể thôi
Cái chạn em sắm, cái nồi em mua
Mẹ còng đi chợ trời mưa
Em như cô Tấm đón đưa mẹ về
Kiếm được con bống, con trê
Tần tảo mang về cho cái ngủ ăn
Đồng lương hẹp tựa vuông khăn
Trầu kính mẹ, sách phần con
Em ngồi ăn nhạt, anh còn khát chi…
Tuổi già mưa nắng bất kỳ
Em ngồi thủ thỉ đỡ khi mẹ buồn
Con thì dại, chồng thì ương
Lạt mềm là những sợi thương ngọt ngào
Trối trăn mẹ dặn hôm nào
Đưa con, đưa cháu đặt vào tay em…
Khánh Nguyên
Khánh Nguyên là nhà thơ hay chăm lo đến những bài thơ về phụ nữ: “Chân trời”, “Chợ gần sáng”, “Con số không”, “Chị...”. Gần đây nhất là bài “Em về làm dâu...”, có thể xem là bài thơ được nhiều người ưa thích.
“Em về làm dâu nhà anh”. Câu thơ mở đầu đúng cho muôn thuở. Bỗng: “Giường đơn ghép lại đế thành giường đôi” làm cho chúng ta giật mình. Một thuở cán bộ công nhân viên nhà nước gặp muôn vàn khó khăn về đời sống được nhà thơ miêu tả chi tiết, sinh động và cảm động:
Đơn sơ gian tập thể thôi
Cái chạn em sắm, cái nồi em mua
Cái gì cũng em cả! Công to việc lớn đều đến tay em - Người vợ trẻ, người con dâu mới về nhà chồng! Đoạn thơ từ “Mẹ còng...” đến “Cho cái ngủ ăn” được diễn tả theo thể thức dân gian nhằm làm toát lên tính tần tảo, hai sương một nắng nhưng lại rất hiền dịu như cô Tấm ở người phụ nữ này.
Đến hai câu thơ này càng phải công nhận là Khánh Nguyên giỏi “nhập hồn” vào câu thơ:
Đồng lương hẹp tựa vuông khăn
Đồng lương vốn đã eo hẹp mà ngoài lương ra chẳng có thêm khoản thu nhập nào khác, ấy thế mà bàn tay người phụ nữ trẻ đã khéo thu vén, chắt chiu để đủ chi tiêu cho cả gia đình: “Trầu kính mẹ, sách phần con...”. Ta có thể hình dung bữa ăn đạm bạc của gia đình chị có một tí chất tươi cá thịt hay quả trứng, đĩa nhộng thường chỉ được ưu tiên cho hai đối tượng: mẹ chồng và đứa con thơ. Phần rau dưa là của vợ của chồng. Anh chồng sớm đã tỏ ra biết thương vợ, biết đồng cam cộng khổ với vợ. Nhưng anh không biết làm ra hào. Không làm ra được hào nhưng anh giải thích là tại anh “ương”. Khổ chị vợ lúc mới về nhà chồng đã phải lo sắm từng chạn bát, nồi niêu. Càng về sau gánh gia đình càng đè nặng: hết chăm sóc mẹ chồng già, con thơ dại lại phải lựa lời với một anh chồng ương ngạnh. Chưa biết cái khổ nào hơn cái khổ nào hai cái khổ đó như hai đầu gánh vít oằn vai chị.
Bà mẹ chồng một người phụ nữ từng trải, là người hiểu rõ bản chất vợ chồng anh chị hơn ai hết. Bà không thể tin được con trai mình. Nói đúng hơn là con dâu bà sớm lộ rõ phẩm chất vượt trội so với con trai bà nên khi hấp hối bà đã gọi đủ con cháu đến bên giường ủy thác việc đại sự cho con dâu. Người con trai cúi đầu lắng nghe như nuốt lấy từng lời của mẹ:
Trối trăn mẹ dặn hôm nào
Đưa con đưa cháu đặt vào tay em
Bài thơ kết thúc ở lời trối trăn của mẹ. Từ nay gia đình này không còn mẹ nữa. Nhưng có chị mọi việc vẫn đâu vào đấy. Người thiên cổ đã tin như thế. Chồng con chị càng tin như thế. Có người nói bài thơ “ Em về làm dâu...” Khánh Ngyên viết về vợ mình. Nếu đúng thế thì đây là tư liệu hay về một nhà thơ hay về phụ nữ- Nhà thơ Khánh Nguyên.
Lời bình của Vương Thừa Việt