Chủ nhật, 22/12/2024,


"Qua nhà" - Một tình yêu đơn phương. (25/09/2009) 

Qua nhà

 

Cái ngày cô chưa có chồng

Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa

Lối này lắm bướm nhiều hoa...

(Đi vòng để được qua nhà đấy thôi)

 

Một hôm thấy cô cười cười

Tôi yêu yêu quá nhưng hơi mất lòng

Biết đâu lại chả nói chòng:

“ Làng này khối đứa phải lòng mình đây!”

 

Một năm, đến lắm là ngày

Mùa Thu mùa cốm vào ngay mùa hồng

Từ ngày cô đi lấy chồng

Gớm sao một quãng đường đồng mà xa!

 

Bờ rào cây bưởi không hoa

Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo

Lợn không nuôi đặc ao bèo

Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn

 

Giếng thơi mưa ngập nước tràn

Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều! 

 

Nguyễn  Bính

 

 

 

 

Trong phong trào thơ mới giai đoạn 1930- 1945 khi nhiều nhà thơ có ý “hiện đại hóa” thơ mình về mọi mặt thì có một nhà thơ lặng lẽ, âm thầm sáng tác và đi theo một con đường riêng. Đó là Nguyễn Bính.

 

Đương thời, đánh giá nhà thơ Nuyễn Bính có nhiếu ý kiến rất khác nhau. Thậm chí có người còn cho rằng, thơ Nguyễn Bính chỉ có những người mộc mạc “chân quê” đọc mà thưởng thức đó thôi. Nhưng thật là lạ trải qua thời gian hơi thơ mộc mạc, quê mùa, hương đồng gió nội ấy càng ăn sâu bám rễ trong lòng người đọc, đã thuộc và say mê tho nguyễn Bính trong nền văn học Việt Nam.

 

            Những bài thơ tình yêu chiếm tỉ lệ khá cao trong thơ Nguyễn Bính. Nhiều bài thơ tình của ông rất nổi tiếng như: Tương tư, Mưa xuân, Người hàng xóm, Ghen... Mỗi bài đều có nét đặc sắc riêng. Trong những bài thơ tình của thi sĩ Nguyễn Bính, “Qua nhà” là bài thơ khá độc đáo. Xét về ý tứ, bố cục, “Qua nhà” chia làm hai phần khá rõ: Tư tưởng, tình cảm của nhân vật trữ tình, trộm nhớ trước và sau khi cô gái đi lấy chồng.

 

            Tình yêu là lĩnh vực tình cảm cực kỳ tế nhị, phức tạp, và đặc biệt bậc nhất của con người. Thi sĩ đã phát hiện và bộc lộ sự tinh vi, tế nhị, đặc biệt ấy trong “Qua nhà”.

 

Có thể nói, khi đã thầm yêu, trộm nhớ hoặc ngầm để ý đến ai thì người đang yêu có đến hơn một nghìn cái để đến với nhau. Có lúc chỉ cần nhìn thấy người thương một chút thôi, thế là đã thỏa mãn rồi lắm rồi. Chẳng thế mà xưa kia để tạo điều kiện đi lại gặp gỡ Kiều, Kim Trọng đã chẳng thuê nhà trọc học gần nhà Kiều đó sao.

 

Cái ngày cô chưa có chồng

Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa

Lối này lắm bướm nhiều hoa…

(đi vòng để được qua nhà đấy thôi).

 

Một người nào đó đã nói: khi yêu, con người ta ai cũng trở thành thi sĩ. Tình yêu làm cảm xúc con người dâng trào dào dạt. Trong mắt người đang yêu cảnh vật và ai cũng đẹp đẽ thơ mộng biết bao.

 

Dấu chấm lửng sau câu thứ ba và câu thứ tư đặt trong ngoặc đơn thật là chân thành, ý vị. Nhà thơ đã phát hiện hết sức tinh tế tâm lý của người đang yêu. Tình yêu bao giờ cũng có cái lý riêng của nó. Nhiều khi điều vô lý hết sức lại nằm trong cái có lý vô cùng. “Đường gần tôi cứ đi vòng cho xa”, vô lý quá! Nhưng lại rất có lý (đi vòng để được qua nhà đấy thôi).

 

Điều đáng nói là chỗ tình yêu của “tôi” với cô gái trong nhà thơ “qua nhà” lại là tình yêu đơn phương, một phía: thầm yêu, trộm nhớ da diết nhưng chưa một lần dám thổ lộ, giãi bày với người mình yêu. Con người ta mấy ai nói được lời yêu một cách mạnh bạo, trơn tru đầu?

 

Thời gian cứ vô tình trôi đi. Tuổi xuân của con gái thì “hoa đến thì hoa phải nở”, “đò đầy, đò phải xang sông”. Rồi đến một ngày kia đến duyên, cô gái cũng phải đi lấy chồng để lại trong lòng “tôi” một nỗi trống vắng mênh mồng:

 

Từ ngày cô ấy đi lấy chồng

Gớm sao có một quãng đồng mà xa

Bờ rào cây bưởi không hoa

Qua bên nhà thấy bên nhà vắng teo

Lợn không nuôi đặc ao bèo

Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn…

 

Tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của “tôi” bây giờ quá đỗi khác xưa. “Cái ngày cô ấy chưa lấy chồng”, “tôi” phấn chấn, hăm hở bao nhiêu thì “từ ngày cô ấy đi lấy chồng” lại xót xa buồn tủi bấy nhiêu.

 

Vẫn cảnh cũ nhà xưa nhưng bây giờ đây trong tâm tư của người yêu một phía, đơn phương thật khác xưa: dường như xa hơn, bưởi chẳng có bông hoa nào, nhà vắng teo, không nuôi lợn, bèo đặc ao,... đến dây trầu không cũng thẫn thờ, não nuột “chẳng buồn leo vào giàn”. Cách mấy trăm năm, Nguyễn Du đã viết những câu thơ đầy tâm trạng trong truyện Kiều:

 

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.

 

Khi chờ đợi, buồn tủi, ngóng trông người ta có cảm giác thời gian trôi đi chậm chạp như ốc như sên. Khi vui vẻ, người ta có cảm giác thời gian vùn vụt, như tên bay, đạn xé. Đó là thời gian tâm lý. Với “Qua nhà”, Nguyễn Bính đã thể hiện thời gian tâm lý, cảnh vật tâm lý của nhân vật trữ tình thật tinh tế, sâu sắc:

 

Giếng thơi mùa ngập nước tràn

Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều

           

Bài thơ kết lại trong khung cảnh đầy hoang vu, xào xạc trống vắng đến tận đáy lòng. Tình yêu đơn phương, một phía được thể hiện trong thơ Nguyễn Bính khá nhiều: Tương tư, Qua nhà, Người hàng xóm... Mối tình đơn phương trong thơ Nguyễn Bính vẫn đầy ắp những hình ảnh thôn quê mộc mạc, chất phác. Đó chính là chất vàng mười của tâm hồn con người. Đó cũng chính là mảnh đất, nguồn nước nuôi dưỡng vun đắp cho cây đại thụ Nguyễn Bính mãi xanh tươi.

 

 

Lời bình của Nguyễn Đức Tâm

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trần văn teo - vit_biendong - 01693369615 - Xuân du - như thanh - thanh hóa  (Ngày 9/05/2010 05:59:57 AM)
Các bài rất hay nhưng cần có ý nghĩa của cuộc sống
Các bài khác: