Ở TRỌ
Một mình ở trọ một đêm
Tôi nằm mường tượng phòng bên... hai người.
Đã lang thang nửa cuộc đời
Giờ tôi làm khách không mời nhà em.
Khách lạ cũng cố cho quen
(Như là ở trọ... thường xuyên ấy mà)
Em đi ở trọ người ta
Còn tôi thì trọ... ngay nhà mình thôi.
21-9-1999
Đặng Vương Hưng
'Lời lý giải vòng vo ở ba khổ thơ đầu, cũng chỉ nhằm dẫn dắt tới khổ thơ cuối cùng: 'Em đi ở trọ người ta/ Còn tôi thì trọ ngay... nhà mình thôi'. Câu thơ viết tưởng dễ dàng như không, nhưng đọc rồi mới thấy buồn và day dứt mãi.
Trên đời, có nỗi buồn chóng tan, nhưng có nỗi buồn không bao giờ tan. Theo tôi, cái buồn 'ở trọ' nằm ở giữa - hiệu ứng với thành ngữ 'Sống dở chết dở'. Người ta ở trọ để mà sống, hay 'ở trọ' để mà chờ chết... xét cho cùng cũng đều có cái hay, phải chấp nhận. Nhưng có một người 'ở trọ' làm ta dở sống, dở chết thì mới thực là khổ vĩnh viễn - cái khổ bơ vơ của những kẻ phải 'ở trọ' ngay trong nhà mình vậy.'
(Hồ Thủy Giang)
'Ở trọ là một sự tạm bợ, là không chắc chắn, bền vững; nó kéo theo sự vô trách nhiệm với chính mình và với mọi người.
Đọc thoáng qua, bài thơ chỉ như một nụ cười buồn. Nhưng đọc nhiều lần, ngẫm nghĩ lại mới thấy hiện rõ một nghịch cảnh tái tê và đáng sợ 'Em đi ở trọ người ta/ Còn tôi thì trọ... ngay nhà mình thôi'.
Phải chăng, nhà thơ muốn nói tới nỗi đau thầm kín trong sâu thẳm tâm hồn của những mối tình ngang trái?'
(Hoài Hương)
'Cảnh tượng thật trớ trêu, mà cũng có khi chỉ là 'mường tượng' ra thôi, 'ở trọ' mang đậm sắc thơ triết lí. Nhờ thế, âm hưởng của bài thơ không chỉ dừng lại chuyện “trọ một đêm' cụ thể nào...'
(Nguyễn Trọng Hoàn)
'Như là chẳng có gì: Một câu chuyện về một đêm ngủ. Nhưng cứ nao nao với người khách trọ lạnh lùng Còn tôi thì trọ ngay... nhà mình thôi'.
(Vũ Nho)
'Theo quan niệm của Phật giáo thì 'sống gửi, thác về'. Sống nghĩa là 'ở trọ' dương gian. Vậy ai sinh ra cũng là ở trọ.
Lẽ thường, lấy chồng thì về nhà chồng ở. Nhưng không phải người phụ nữ nào cũng tìm thấy hạnh phúc. Và theo cách gọi của Đặng Vương Hưng thì đó cũng là sự 'đi ở trọ người ta'.
Nhưng trọ ở nhà người ta đã khổ. Trọ ở ngay nhà mình còn đáng sợ hơn nhiều.
Viết được những câu lục bát hóm hỉnh, ngỡ dửng dưng mà đau đớn đến tận cùng như thế kể cũng tài!'
(Nguyễn Trần Thái)
Trích từ tập thơ Học Quên Để Nhớ
tran van - anduyet@.yahoo.com - 0363810457 - nam cao kien xuong thai binh
(Ngày 12/04/2010 05:28:31 PM)
Đọc bài thơ "Ở trọ" của Đặng Vương Hưng, tôi chỉ thương cho người ở trọ cùng mỗi người mà thôi.Không cần phải tìm hiểu nhiều về thi tứ, bởi cái này đã đạt chuẩn, tôi chỉ thấy cái bồn chồn không yên của hai người, thương thay!
|