“Giai nhân kỳ ngộ diễn ca” là một truyện thơ lục bát của Phan Châu Trinh, ngoài ba bốn đoạn ngắn bị mất, hiện gồm 6903 câu thơ và 27 bài thơ và ca xen kẽ, trong đó có thất ngôn bát cú, thất ngôn trường thiên, thất ngôn tứ tuyệt, ngũ ngôn, hát nói, văn tế, hịch (1). Nguyên tên tác phẩm là Kajin no Kigu (Kỳ ngộ của giai nhân), một trong ba tiểu thuyết chính trị tiêu biểu cho trào lưu văn học khai sáng vào thời Minh Trị của Nhật Bản, do Tôkai Sanshi, tên thật là Shiba Shiro (1852-1922) sáng tác và công bố trong vòng 12 năm 1885-1897. Kajin no Kigu được Lương Khải Siêu dịch ra văn xuôi Trung Quốc ngay trên con tàu đưa ông sang Nhật tránh hậu quả cuộc Chính biến Mậu tuất, xuất bản lần đầu trên Thanh nghị báo năm 1898-1901, in thành sách năm 1901, sau đó in lại nhiều lần. Năm 1906, Phan Châu Trinh sang Nhật đọc được bản dịch của họ Lương lấy làm tâm đắc, đã viết ngay bài Cảm đề Giai nhân kỳ ngộ (2):
Vật cạnh phong trào hám ngũ châu,
Anh hùng tâm toái Tự do lâu.
Bạch đầu tráng sĩ chân ưu quốc,
Hồng tụ giai nhân giải báo cừu.
Đàm tiếu nhãn cơ không nhất thiết,
Tử sinh nhân tự tức thiên thâu.
Hào tình diệu luận phân phân thị,
Nhất độc linh nhân nhất điểm đầu.
(Ngọn sóng đua tranh khắp địa cầu,
Anh hùng lắm lúc ruột gan đau.
Kìa người đầu bạc còn lo nước,
Nọ khách môi son biết trả thù.
Hay dở người đời xem mỏi mắt,
Thác còn gương sáng giọi nghìn thu.
Lời hơn lẽ phải nghe hay thiệt,
Đọc đến thì ta lại gật đầu).
(Ngô Đức Kế dịch)
Và 'có lẽ chỉ vài tháng sau khi đến Pháp' (3), ông bắt tay chuyển ngữ Giai nhân kỳ ngộ diễn ca. Căn cứ trên di cảo để lại, với một khối lượng đồ sộ dài hơn gấp đôi Truyện Kiều, lại thêm 27 bài ca tổng cộng đến 580 câu, nhiều người phỏng đoán công việc 'diễn ca' của ông phải kéo dài trong khá nhiều năm, có thể đến khoảng 1919 - 1920 mới tạm dứt (4). Nguyên tác có 16 hồi, Phan Châu Trinh dừng lại ở đầu hồi thứ chín. Theo Huỳnh Lý và Vĩnh Sính, đây là một chọn lựa cố ý vì suốt 8 hồi đầu câu chuyện được xây dựng chặt chẽ và nhất quán xoay quanh chủ đề cổ vũ tinh thần ái quốc, ý chí xả thân cho độc lập dân tộc trong phong trào duy tân của Nhật Bản, còn 8 hồi sau tác giả đã chuyển sang một chủ nghĩa quốc gia cực đoan khi nước Nhật trên đà cải cách thành công đang chuẩn bị 'sắm vai' một cường quốc giữa cuộc cạnh tranh khốc liệt có tính chất toàn cầu, cốt truyện cũng tản mạn hơn. Ngay Lương Khải Siêu tuy dịch cả 16 hồi nhưng những hồi cuối ông đã không chấp nhận dịch nguyên xi, mà có thay đổi đáng kể, cả lược bớt và thêm thắt (5). Giai nhân kỳ ngộ diễn ca chỉ được công bố lần đầu khoảng 1958 tại Sài Gòn do công phu sắp xếp, chú thích và bình giải của Lê Văn Siêu (6), 22 năm sau khi Phan Châu Trinh mất. Từ đó đến nay đã có nhiều học giả đề cập đến nội dung, phần nào nghệ thuật, và quá trình chuyển tiếp từ Nhật → Hán sang Việt của tác phẩm, có cả một luận án Tiến sĩ viết về nó. Dưới đây, xin đi sâu thêm vào một số khía cạnh.
***
Như cái tên của nó, Giai nhân kỳ ngộ diễn ca kể câu chuyện gặp gỡ lạ lùng giữa vài ba người đẹp Âu Tây với một chàng trai Nhật Bản trên đất Mỹ. Tán Sĩ, tên chàng trai ấy, gặp lúc nước Nhật có biến cố rối ren, bèn tìm sang Mỹ lánh nạn, tình cờ hội ngộ với hai nàng U Lan người Tây Ban Nha, và Hồng Liên người Ái Lan (Ireland) cũng đến đây lánh nạn vì các biến cố quốc sự tại nước mình. Trong cuộc tái ngộ lần sau tại nhà U Lan họ kể cho nhau nghe những phong ba lịch sử đã diễn ra ở mỗi nước mà từng người trải qua. Cùng chung cảnh ngộ và tấm lòng yêu nước, tha thiết với độc lập tự do của các dân tộc, họ trở thành bạn thân, và tình yêu cũng nhanh chóng nẩy nở giữa U Lan và Tán Sĩ, có thêm tiếng nói 'vun vào' ý nhị và cả một chút hờn mát của Hồng Liên. Khi chia tay, Tán Sĩ đi nhờ thuyền của Phạm Khanh, một chàng trai Trung Quốc nghĩa hiệp, cùng chàng chuyện trò về người bạn chí sĩ vừa quá cố và về tình hình thời sự Trung Quốc. Vì bị cảm, một tuần sau mới trở lại thăm được U Lan, Tán Sĩ kinh ngạc đến nơi thấy cửa đóng then cài. Đọc thư nàng để lại, chàng mới biết, U Lan phải trở về quê hương để tìm cách giải thoát cho cha nàng là Đốn Gia La vừa bị mật thám Tây Ban Nha bắt. Cùng đi với nàng có Hồng Liên và Phạm Khanh. Tán Sĩ buồn tiếc vì không tin ngày gặp lại những người bạn tâm giao tuy mới quen mà đã làm chàng rất đỗi cảm phục, trong đó có giai nhân mình đã nặng lòng yêu. Qua thư U Lan, chàng tìm đến Ba Ninh Lưu nữ sử cũng là một thủ lĩnh phe độc lập của nước Ái Lan, lánh nạn ở Mỹ, đang mang trọng bệnh. Nàng gắng gượng cùng chàng giao du, đi câu, chuyện trò suốt đêm. Được một thời gian, Ba Ninh Lưu nữ sử qua đời. Nhân đi viếng mộ nàng, Tán Sĩ bất ngờ gặp lại Hồng Liên, biết kế hoạch cứu cha U Lan của họ đã thành công. Trên đường chạy trốn đến Ý, bị quân lính rượt đuổi suýt chết nhưng thoát nạn, chẳng may khi vượt biển sang đất Pháp, con tàu chở họ bị bão đụng vào núi đá, mọi người tranh nhau leo xuống thuyền nhỏ đều bị nước nhấn chìm, chỉ mình Hồng Liên gặp may, trốn qua Pháp, nghe những chuyện nội tình rắc rối của nước Pháp, biết thêm hoàn cảnh bí beng của vương triều Nhật Bản, rồi sau lại bị viên chúa ngục Tây Ban Nha sang tận Pháp săn lùng nên tìm cách trốn sang Mỹ. Giữa lúc đang gắn bó với Hồng Liên để khuây khỏa đau buồn, Tán Sĩ đọc báo thấy tin Ai Cập nổi dậy đánh Anh, một vị tướng già Tây Ban Nha đang cùng con gái làm cố vấn cho quân đội Ai Cập, chàng khấp khởi hy vọng. Sau cùng, một cô gái xuất hiện, chính là Mân Lê từng quen biết Hồng Liên dưới tàu nhưng Hồng Liên không giao du vì ngờ là gián điệp. Mân Lê người Hung Nha (Hongry) - con gái nhà ái quốc Tô Cát Sĩ mà Tán Sĩ cũng đã vô tình bắt gặp khi đi thăm mộ danh sĩ Phù Lan (Franklin) sau ngày U Lan và Hồng Liên rời nước Mỹ - cho biết hai cha con U Lan quả không chết, lại là ân nhân cứu mạng của nàng. Sau cả ba được tàu Hy Lạp vớt lên, đưa sang Ai Cập, rồi được người dân xứ sở này mời giúp họ chống quân Anh đô hộ. Nhưng nội bộ Ai Cập chia rẽ, Đốn Gia La lâm vào thế bí, khuyên Mân Lê trở về quê quán, Mân Lê đành chia tay. Nàng nhận lời ủy thác sang Mỹ tìm gặp Tán Sĩ để trao cho chàng chiếc nhẫn kỷ vật của U Lan, nhân đấy kể lại cho Tán Sĩ và Hồng Liên nghe cuộc đấu tranh chống ách chuyên chế phong kiến của nhân dân Hung Nha có sự tham dự của cha mình.
Nhìn chung, Phan Châu Trinh bám khá sát 8 hồi đầu bản dịch Giai nhân kỳ ngộ của Lương Khải Siêu. Ông cố gắng giữ đến tối đa tình tiết cốt truyện của từng hồi. Về mặt loại hình, Giai nhân kỳ ngộ nguyên tác cũng như bản dịch ra tiếng Hán chịu nhiều hạn chế của loại tiểu thuyết chính trị thịnh hành ở Nhật nửa cuối thế kỷ XIX, một dạng tiểu thuyết nhất giọng, không chú trọng xây dựng nội tâm nhân vật mà mượn nhân vật làm cái loa phát ngôn cho quan điểm chính trị của người viết. Giai nhân kỳ ngộ diễn ca mang trong nó tất cả mọi nhược điểm của nguyên tác: nhân vật sống bằng ngôn ngữ của người kể chuyện hơn là bằng sức sống nội tại, cốt truyện quá lan man cồng kềnh, lôgic diễn biến nhiều chỗ không chặt chẽ... Hình như Phan Châu Trinh đã không chủ tâm 'hoán cốt đột thai' để có một sáng tạo nghệ thuật trọn vẹn. Trừ một vài đoạn nào đấy ông có thêm thắt theo ngẫu hứng, cũng rất hãn hữu, như đoạn sau đây mà Nguyễn Văn Dương đã phát hiện:
2322. Lúc còn lánh dấu giang hồ,
sớm chơi suối Bắc, tối mò khe
Từ khi việc nước lam nham,
Một mình ra Bắc vào
Bấy lâu cắp tráp Tây dương,
2327. Chăm bên đèn sách dẹp đường cần dây (7).
Hay như đoạn nói về biên giới giữa Nhật Bản và nước Nga được ông chuyển thành biên giới giữa Việt
1840. Bây giờ coi thế Đông Dương.
Trăm phần lắt lẻo như sương đầu nhành.
Nước này phía Bắc chạy quanh,
Cách Tàu một giải giậu ranh thế nào?
Chàng rằng: 'có thí gì đâu,
1845. Một người một ngựa đã hầu khó ngăn (8).
Phần được ông biến đổi nhiều nhất mà nhiều người đã nhắc là các ca khúc lồng vào tác phẩm. Tự Phan ý thức chúng chỉ là trữ tình ngoại đề nằm ngoài cốt truyện, nên ông chủ động chuyển cả lời và ý, gần như tái tạo lại, dùng các thể thơ ca tiếng Việt quen thuộc để gửi gắm thi hứng của mình. Những bài hát nói mạnh bạo phá cách, buông thả tâm sự nhớ nước và niềm tin không lay chuyển của ông, cũng thấp thoáng cái nhu cầu đổi mới hình thức nhen nhóm trong thơ tiếng Việt vài thập niên đầu thế kỷ trước:
Ta nhớ đâu/ nhớ đầu biển Á,
Muốn theo qua/ sóng khỏa ngàn trùng.
Bốn ngàn năm còn dõi dấu Lạc Hồng,
Kìa biển/ kìa núi/ kìa sông/ kìa đô ấp.
Từ Đinh Hoàng dựng cờ độc lập,
Đến Nguyễn triều thâu thập cõi Nam Trung.
Trải xưa nay lắm sức anh hùng,
Liều trôi máu vẽ nên màu cẩm tú.
Hai ngàn vạn đồng bào sanh tụ,
Xứ văn minh đem đọ kém gì ai.
Quyết thề lòng dựng lại cảnh bồng lai,
Chén rượu/ câu thi/ cười ha hả.
Trăng sáng giữa trời/ soi khắp cả,
Gió xao mặt nước/ vỗ lông tông.
Đầu tàu/ đêm vắng/ ngồi trông.
Dưới bài ca, Phan chú thích sòng phẳng: 'Các bài này, ca ra rặt là lịch sử Nhật Bổn, nên đổi lại nước mình, chẳng phải bản chính như vậy'. Cả nội dung và hình thức, bài ca là một thi phẩm độc lập, đặt ra ngoài Giai nhân kỳ ngộ diễn ca vẫn giữ nguyên giá trị. Một bài ngũ ngôn trường thiên khác, cũng là bài ca do một giai nhân luống tuổi hát, vẫn bàng bạc khói sương, đất trời trong thi từ Đường Tống, song lại đã gói ghém được chút xao xuyến cô đơn của 'cái tôi' thế hệ thanh niên thời đại mới, phảng phất âm hưởng một đôi bài thơ của Quách Tấn, Vân Đài, Hàn Mặc Tử (Mộng Ngân Sơn, Mương luông chiều, Tình quê...) mà về mặt lý trí chắc Phan chưa kịp hiểu:
Non Tây trắng lấp ló,
Thềm liễu bước khoan thai.
Sóng vàng soi lổ đổ,
Móc trắng ướt khăn đai.
Khe Táo choàng tay dạo,
Sông Đề cúi mặt soi.
Đò thả ngơ giầm khỏe,
Mây bay liếc mắt coi.
Dế đồng kêu dắng dỏi,
Chuông vọng núi choi voi.
Cảnh đẹp không chừng đổi,
Lòng vui vẫn vậy hoài.
Gió vàng đêm vụt thổi,
Sao đẩu cán vừa dài.
Biển rộng non cao ngất,
Người thương ở với ai?
Chỉ e trời lạnh lẽo,
Sương đóng cứng như chai.
Vấn đề đáng quan tâm là về mặt thể loại, Phan Châu Trinh đã quyết định sử dụng truyện thơ lục bát để truyền đạt nội dung tác phẩm của Tôkai Sanshi. Tưởng cũng không khó giải thích: với một người tắm mình trong truyền thống văn học Việt Nam quá khứ, xuất thân trực tiếp từ dòng văn học Hán Nôm chứ không phải văn học quốc ngữ, lại bứt khỏi môi trường văn học nước nhà quá sớm, Phan khó có lựa chọn nào thích đáng hơn. Đúng ra Phan cũng đã thử dùng thể song thất lục bát để diễn ca, như một đoạn còn lưu ở trang đầu tập di cảo hiện còn, song khó khăn đã bắt ông từ bỏ ý định. Dù theo sát nguyên tác, việc diễn ca Giai nhân kỳ ngộ văn xuôi sang truyện thơ lục bát thế nào cũng kéo theo nó nhiều đòi hỏi 'lột xác' khó cưỡng như cái quy luật muôn đời của chuyển đổi thể loại. Mặt khác, bắt truyện thơ lục bát phải tiếp nhận một loại hình tiểu thuyết khác với tiểu thuyết Trung Hoa truyền thống cũng không thể nói là không làm cho truyện thơ phải có những thích ứng nghệ thuật vượt quá sức chuyên chở của thể loại này. Chính đây mới là những điều đáng bàn. Tự thân tác động nội tại hai chiều giúp ta suy ra, hai chữ 'diễn ca' trong mẫn cảm của Phan Châu Trinh là một hoạt động nung nấu cảm xúc, nhập thân vào một tác phẩm ngoại lai, làm chủ được nó và hoán cải nó sang một hình thức nghệ thuật gắn bó với thị hiếu của dân tộc, đồng thời trước sau cũng kéo giãn phần nào những quy phạm chặt chẽ của cái hình thức dung nạp nó. Vai trò 'đồng sáng tạo' của Phan trong Giai nhân kỳ ngộ diễn ca lớn hơn trường hợp một người chỉ đơn thuần chuyển ngữ.
Thoạt nhìn vào đầu đề, có vẻ như Giai nhân kỳ ngộ diễn ca nằm đúng trong phạm vi kiểu truyện 'giai nhân tài tử' xưa nay. Gặp gỡ giữa trai tài gái sắc chẳng phải là đề tài muôn thuở của bao nhiêu truyện nôm trong văn học cổ Việt
Chưa hết, trong hai phần nói về tình yêu, mối tình giữa Tán Sĩ và U Lan chỉ khuôn lại trong một số lượng câu rất nhỏ. Có đến ba đoạn độc thoại của ba nhân vật, đẩy thời gian về với quá khứ của ba người, và cũng đẩy không gian câu chuyện đến ba phương trời hết sức xa lạ, không liên quan gì đến hiện tại của họ trên đất Mỹ, không liên quan đến cả tình cảm riêng tư của họ. Độc thoại của U Lan = 379 câu, độc thoại của Hồng Liên = 187 câu, độc thoại của Tán Sĩ = 287 câu, cộng thêm câu chuyện của hai nàng trên lầu Tự Do hôm đầu tiên gặp gỡ nói về cuộc đấu tranh giành độc lập của nước Mỹ những năm 70 thế kỷ XVIII = 53 câu, vậy là trong 1.761 câu thơ dành cho 'chuyện tình yêu' thực ra chỉ còn vẻn vẹn 855 câu, chưa đến 1/8 truyện thơ. Phan Châu Trinh tất phải thừa biết tác phẩm mà mình chuyển thể đã vượt xa khỏi cái khung của một câu chuyện giai nhân tài tử. Phải chăng chính vì thế mà ngay từ đầu Phan muốn mượn thể ngâm song thất lục bát để diễn ca Giai nhân kỳ ngộ?...(Còn tiếp)
Tác giả Nguyễn Huệ Chi
-----------------------
Chú thích:
(1) Lê Văn Siêu đánh số câu theo quan niệm hai câu lục bát là một đơn vị câu, nhưng chúng tôi đếm cụ thể toàn bộ tác phẩm trong Phan Châu Trinh toàn tập, Nxb. Đà Nẵng, 2005, thì chỉ có 6903 câu thơ đơn (Phan Châu Trinh bỏ đi một câu lục nên số câu cuối cùng là số lẻ), trong khi ông ghi được 3938 câu đôi. Còn số bài thơ ca và văn biền ngẫu xen kẽ thì Nguyễn Văn Dương đếm được 28 bài, gồm 550 câu, còn chúng tôi đếm được 27 bài, gồm thất ngôn bát cú 6 bài: 48 câu, thất ngôn tứ tuyệt 2 bài: 8 câu, ngũ ngôn trường thiên 1 bài: 18 câu, thất ngôn cổ phong và trường thiên 4 bài: 133 câu, hát nói 12 bài: 177 câu, văn tế 1 bài: 89 câu, hịch 1 bài: 108 câu, tổng cộng 580 câu. Những chú dẫn về vị trí số câu trong bài này là theo tính đếm của chúng tôi.
(2) Theo Phương Hữu. Phong trào Đại Đông, Nxb. Nam Việt, Sài Gòn, 1950; tr. 16-17. Chuyển dẫn theo Vĩnh Sính. Về tác phẩm 'Giai nhân kỳ ngộ diễn ca' của Phan Châu Trinh: nguồn gốc và ý nghĩa, Kỷ yếu hội thảo quốc tế Việt Nam học lần thứ nhất 1998, Tập II, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2000.
(3, 4, 5) Xem Vĩnh Sính. Về tác phẩm 'Giai nhân kỳ ngộ diễn ca' của Phan Châu Trinh: nguồn gốc và ý nghĩa, Bđd. Xem thêm Huỳnh Lý. Về cuốn 'Giai nhân kỳ ngộ diễn ca' của Phan Châu Trinh, Tạp chí văn học số 1 - 1969.
(6) NXB. Hướng Dương, 1958. Trước đó, cũng Lê Văn Siêu đã cho công bố trong tủ sách tài liệu học tập văn khoa, không đề năm nhưng có lẽ không lâu trước bản in Hướng dương. Cả hai lần in này người bình giải đều sửa lại tên sách là Giai nhân kỳ ngộ - anh hùng ca.
(7) Xem Nguyễn Văn Dương. Tuyển tập Phan Châu Trinh, Nxb. Đà Nẵng, 1995; chú thích 1, tr. 160.
(8) Trong bản dịch chữ Hán của Lương Khải Siêu, đoạn này như sau: 強 鑰 Sĩ phục vấn viết: "Quý quốc Bắc tiếp cường Nga, cẩn cách nhật vi chi thủy. Kỳ bắc môn tỏa thược chi trạng như hà?" Tán Sĩ viết: "nga nhân dĩ nhất kị độ giang, vô nhất binh chi phòng dã." sĩ phẫn thán bất dĩ (Hồi 3). Dịch nghĩa: Vị sĩ phu lại hỏi: "Nước ngài Bắc giáp với cường Nga, chỉ cách một giải nước hẹp bằng ngọn lau. Vậy tình trạng then khóa cửa ngõ phía Bắc như thế nào?" Tán Sĩ đáp: "người Nga dùng kỵ binh qua sông, chẳng gặp phải sự phòng ngự của một tên lính nào cả". Vị sĩ phu phẫn uất than thở không thôi.
(9) Chúng tôi tính đến khoảng giữa hồi 3, lúc Tán Sĩ bắt đầu "gỡ dây ưu phiền" bằng cách đi dạo chơi đây đó.