Đợi chờ
Chắc gì anh đến hôm nay
Mà em cứ đợi, tàn ngày, trắng đêm
Hết đi ra cửa ngóng nhìn
Vào nhà ngồi xuống đứng lên thẫn thờ
Chắc gì anh đến bây giờ
Trà pha để nguội, nhạt mờ vị hương
Chắc gì?
Mà dạ cứ thương
Cứ day dứt nỗi vấn vương trong lòng
Đã yêu, yêu đến vô cùng
Đã thương, thương đến nát lòng vì nhau
Chắc gì?
Đã chắc gì đâu!
Hôm nay và cả ngày sau
Em chờ...
Vũ Thị Khương
Từ xưa đến nay, văn học Cổ, Kim, Đông, Tây nói đến sự khoắc khoải đợi chờ khá nhiều. tình yêu cháy bỏng thường đi liền với mong ngóng, đợi chờ là lẽ tất nhiên. Bài thơ Đợi chờ... của Vũ Thị Khương in trong tập “100 bài thơ tình chọn lọc” do Nhà xuất bản Giáo Dục ấn hành năm 1997 là một trong những bài thơ như vậy. Bài thơ thể hiện sự đợi chờ đến mỏi mòn theo thời gian, năm tháng của trái tim người phụ nữ đang yêu “nát lòng vì nhau”. Đây là một trong những bài thơ tình đặc sắc của thơ ca Việt
Chắc gì anh đến hôm nay
Mà em cứ đợi tàn ngày trắng đêm
Hết đi ra cửa ngóng nhìn
Vào nhà ngồi xuống đứng lên thẫn thờ.
Bài thơ mở ra với tâm trạng băn khoan dằn vặt đến cháy lòng, cháy dạ- “chắc gì anh đến”. mặc dù có hẹn trước hay không hẹn trước, dù anh đến hay không đến, tình cảm của em luôn hướng tới anh, đợi anh đến “tàn nngày trắng đêm”.
Ngay từ đầu bài thơ, thời điểm em đợi chờ đã xác định “hôm nay”. Nói là hôm nay nhưng có thể hiểu hôm nào cũng vậy. hôm nay là thời điểm mới nhất và cũng là sự mở đầu. tâm trạng, cử chỉ đợi chờ được tác giả diễn tả rất chính xác: ngóng nhìn, ngồi xuống đứng lên, thẫn thờ... cách diễn tả này phảng phất màu sắc cách diễn tả văn học dân gian: “ra ngõ mà trông, bạn thời không thấy bạn” vừa giản dị, chân thực lại vừa vô cùng sâu sắc.
Chắc gì anh đến bây giờ
Trà pha để nguội, nhạt mờ vị hương
Chắc gì?
Mà dạ cứ thương
Cứ day dứt nỗi vấn vương trong lòng.
Thời gian đã thu hẹptừ “hôm nay” ở đầu bài thơ này là bây giờ. Sự đợi chờ của em đối với anh trải dài theo thời gian năm tháng. Thời gian được thu hẹp và cũng là thu hẹp khoảng cách giữa anh với em.
Em vốn là người cẩn thận, chu đáo, nhiệt tình, yêu thương anh nhiều, em lại càng cẩn thận, chu đáo nhiệt tình hơn. Cái gạt tàn trên bàn không một thuốc cháy đỏ. Em chuẩn bị pha trà sẵn để đợi anh, hương đã lạnh, nước đã nguội từ bao giờ, chỉ có tình em với sự đợi chờ anh là không bao giờ nguội lạnh.
“Đợi chờ...” của Vũ Thị Khương được sáng tác bằng thể thơ lục bát. Điều đáng chú ý là nhà thơ có sử dụng nghệ thuật khi tách câu 6 tiếng thành 2 dòng thơ.
Chắc gì?
Mà dạ cứ thương
Cứ day dứt nỗi vấn vương trong lòng.
Câu hỏi “chắc gì?” xoáy sâu vào lòng người đọc. Câu hỏi này như có điều gì vừa hy vọng lại vừa thất vọng, vừa yêu thương lại pha chút giận hờn dịu dàng.
Nhiều người cho rằng phụ nữ là phái yếu, phái đẹp. Điều đó hiển nhiên rồi! Nhưng phụ nữ quyết không phải là phái yếu. Nói cách khác phụ nữ là phái mạnh trong cái vẻ bề ngoài hồn nhiên dịu dàng mà mọi người tưởng là yếu đuối. Để diễn đạt sâu sắc, mạnh mẽ tình cảm của người phụ nữ có lẽ khó có cách diễn đạt nào hơn:
Đã yêu, yêu đến vô cùng
Đã thương, thương đến nát lòng vì nhau
Tình yêu thương của con người thuộc phạm trù trừu tượng. Tác giả đã thành công trong việc diễn tả trừu tượng trở lên cụ thể nhất để người đọc dễ hình dung, dễ cảm nhận.
Cặp lục bát kết thúc bài thơ:
Chắc gì?
Đã chắc gì đâu!
Hôm nay và cả ngày sau
Em chờ...
Một lần nữa câu hỏi “chắc gì” được lặp lại. Viết và đọc như nhau, nhưng lần này câu hỏi đã mang nội dung ý nghĩa khác. Theo tôi câu hỏi lần này thiên về hướng khẳng định, giải thích, phân bua. Và chính vì thế trái tim người mà trái tim người phụ nữ trở lên nhân văn và vị tha hơn. Phải chăng em muốn phân bua điều này: Anh kgông đến được với em “hôm nay” hay “bây giờ” chắc anh bận công việc chung nhiều lắm. Em không thể tin và không bao giờ có thể tin anh đã thay lòng đổi dạ, phai nhạt với em. Anh không đến với em “hôm nay” hoặc ngay “bây giờ” nhưng thời gian còn dài, anh sẽ đến với em bằng cả cuộc đời.
Một lần nữa câu 6 tiếng và lần này thêm câu 8 tiếng tách thành hai dòng thơ, sự sáng tạo này đã đạt được hiệu quả nghệ thuật cao. Lời như nghẹn ngào, quặn thắt, hờn dỗi lại vừa khẳng định mạnh mẽ như dao chém đá: “em chờ...”.
Nhan đề bài thơ là “Đợi Chờ...” câu kết là “Em chờ”. Bài thơ kết cấu theo lối vòng tròn khép kín để tập trung thể hiện tình yêu son sắt thủy chung trước sau như một của người phụ nữ. Vũ Thị Khương đã vận dụng linh hoạt thể thơ lục bát, chứng tỏ tác giả đã có nhiều suy nghĩ, dụng công đế đạt hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Tình cảm của người phụ nữ đang yêu trong thơ Vũ Thị Khương vừa kín đáo tế nhị, dịu dàng lại vừa sôi nổi mạnh mẽ và vô cùng sâu sắc.
Theo tác giả Nguyễn Đức Tâm
Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenxuanngoc661939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương
(Ngày 08/11/2014 7:19:11)
Xuân ngọc
Nguyễn Công Thanh - thanhvanhoa@ymail.com - 0984073045 - 36 Phan Đăng Lưu, Tân An, Buôn Ma Thuột
(Ngày 4/09/2009 06:00:11 PM)
Bài thơ hay, lời bình của Nguyễn Đức Tâm cũng rất đặc sắc. Dường như bao nhiêu hồn vía Vũ Thị Khương gửi gắm trong "Đợi chờ" đã được Nguyễn Đức Tâm thấu hiểu, nắm bắt và diễn tả bằng lời văn cô đọng, trong sáng, tràn đầy cảm xúc. Nhưng theo tôi, cách luận luận của bạn Tâm: "Thời gian được thu hẹp và cũng là thu hẹp khoảng cách giữa anh và em" trong bài thơ là thiếu căn cứ. Thời gian thay đôi ("hôm nay"- "bây giờ") nhưng không gian vẫn vậy, bóng người thương vẫn biệt vô âm tín: "chắc gì anh đến...". Thêm nữa, câu thơ "Trà pha để nguội nhạt mờ vị hương" đều nói đến hương vi, màu sắc, độ nóng của trà. Bài thơ không có chi tiết, hình ảnh, hương vị nào nói đến thuốc lá. Không hiểu sao bạn Tâm lại bình đến cái gạt tàn thuốc lá: "Cái gạt tàn trên bàn không một thuốc cháy đỏ"?
|