Chủ nhật, 22/12/2024,


Ngọn lửa hồi xuân đầy khát khao (20/08/2009) 

Những người làm thơ khi đã bước vào độ tuổi trên dưới 60 thường ít làm thơ tình. Thơ tình của lớp trẻ đắm say là chuyện đương nhiên. Thơ tình của lớp già mà vẫn còn đầy nỗi khát khao thì mới là chuyện lạ. Bài thơ Lửa chiều là một ví dụ:

 

Lửa chiều

 

Ai nhen ngọn lửa hồi xuân

Mà thiêu cháy trụi ngại ngần, mong manh…

Nén lòng ủ ngọn lửa xanh

Cái đêm quành lại hóa thành chiêm bao...

 

Sắp tàn ngọn lửa khát khao

Còn hun hút gió thổi vào thân rơm...

 

Duy Bến

(Tạp chí Người Kinh Bắc số 1-2009)

 

 

 

 

Kỳ lạ thay là kiếp người! đã có tuổi thanh xuân rồi lại còn có độ tuổi hồi xuân. Có lẽ tạo hóa nhân từ, thương chúng sinh không mấy người được hưởng hạnh phúc trọn vẹn khi còn trẻ nên đã cho thêm một giai đoạn Hồi Xuân! Cái ngọn lửa hồi xuân này thật đáng nâng niu, trân trọng trong bài thơ của tác giả Duy Bến.

 

Ai nhen ngọn lửa hồi xuân... Vậy là ngọn lửa này không tự bốc cháy được nếu như không có “Ai nhen”; Nhưng một khi đã cháy lên rồi thì cũng mãnh liệt vô cùng, nó có sức công phá chẳng kém gì thời trai trẻ: Mà thiêu cháy trụi ngại ngần mong manh!

 

Tuy nhiên vẫn là ngọn lửa buổi chiều, ngọn lửa được kiểm soát gắt gao bởi sự từng trải, bởi ý thức trách nhiệm cao đối với cuộc đời, cho nên dù bỏng cháy đến đâu thì cũng chỉ dám đốt đi những ngại ngần mong manh trong lòng mình. Mặc dù ngọn lửa hồi xuân đã cháy lên rồi đó nhưng vì rất nhiều lý do mà ta phải nén lòng ủ nó lại:

 

Nén lòng ủ ngọn lửa xanh

Cái đêm quành lại hóa thành chiêm bao

 

Nữ thi sĩ Lê Khánh Mai của vùng biển Nha Trang (Khánh Hòa) có hai câu thơ thật hay: “Nửa đời vướng phải bùa yêu/ Nhận thì mất, trả cho chiều thì đau!”. Huống hồ, hồi xuân là đã quá nửa đời người! Cho nên ngọn lửa ấy, nỗi khát khao ấy đành gửi vào những giấc chiêm bao, tận hưởng khoái lạc của những “đêm quành lại”. Hai chữ “quành lại” thật là hay! Quành lại những khát khao cháy bỏng trong những giấc mơ của mình, vừa thỏa mãn được ngọn lửa hồi xuân đang thiêu đốt, vừa giữ được mình không bị cháy trụi. Nếu như bốn câu thơ đầu tác giả nói về sự hồi sinh của ngọn lửa hồi xuân và cách ứng xử đối với ngọn lửa này thì hai câu kết lại đúng là một... tổng kết. Bản chất của ngọn lửa này ra sao? Sự bền vững của nó so với thời gian khắc nghiệt?

 

Sắp tàn ngọn lửa khát khao

Còn hun hút gió thổi vào thân rơm...

 

Quy luật của thời gian và sự đào thải của nó là vô cùng khắc nghiệt. Muốn cố cũng không được. Các cụ xưa có câu: Khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già! Một nhà thơ khác mới vào độ tuổi năm mươi đã phải than “Khi gặp em mới biết mình nhạt nắng!”. Vậy thì, ngọn lửa hồi xuân dẫu có bùng cháy đến đâu cũng sẽ nhanh chóng tàn phai. Nó thực chất chỉ là ngọn lửa rơm mà thôi. Nhưng không phải vì thế mà nỗi khát khao bùng cháy giảm đi. Nỗi khát khao được tỏa sáng, được yêu thương, giống như ngọn gió thổi hun hút vào thân rơm, mong được cháy lên, dù chỉ một lần. Bởi vậy, ngọn lửa hồi xuân vẫn đáng được trân trọng, đáng được nâng niu chờ đón trong hành trình vừa ngắn ngủi vừa đằng đẵng của kiếp người.

 

Nguyễn Anh Thuấn

(Nguồn: Báo Bắc Ninh)

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Thị Hòa - hoapolang@ymail.com -  -   (Ngày 20/08/2009 08:32:35 PM)
Bài thơ thật là hay. Tình yêu "hồi xuân" mạnh liệt mà sâu lắng. Lời bình của Nguyễn Anh Thuấn đã bám vào câu chữ nên cơ bản chuyển tải được cảm xúc của Duy Bến. Tuy nhiên, cách bình nay còn mang tính chất "sách vở" chưa tạo nên sự bùng nổ như ngọn lửa tình của tuổi hồi xuân.
Các bài khác: