Chủ nhật, 22/12/2024,


Ước chỉ là giấc chiêm bao!.. (17/08/2009) 

 

VẾT SON

Một ngày 
anh trở về nhà
Vết son trên áo... 
không là của em!

Đắng lòng,
đau nhói con tim
Hỏi? 
Không?
Thôi cứ im lìm... thì hơn!

Anh vô tư 
Em lặng buồn
Cất lên chiếc áo... 
sợ son phai màu

Ước chỉ là...
giấc chiêm bao
Để bên anh 
mãi một màu son... em!

 

Ngọc Yến

 

 

 

 

 

Tình yêu, tình cảm vợ chồng đã là đề tài muôn thuở của thi ca. Tác giả bắt mạch, tìm tứ và thêu dệt nên những trạng thái xúc cảm rất gần với tâm lý của con người và của đời thường. Thế nhưng cái lắng đọng của tứ và ý thơ lại phụ thuộc rất nhiều vào tâm tưởng của người đọc.

'Một ngày/ anh trở về nhà/ vết son trên áo/ không là của em!'. Vào thơ đã có vấn đề: thời gian, đã có chủ điểm và nhân chứng của vấn đề. Bắt đầu bằng hai câu lục bát được ngắt đoạn một cách cân đối: 2/4 - 4/4, lời thơ mang hơi hướng nhẹ nhàng như tâm trạng dịu dàng của nhân vật nữ - người vợ: chẳng trách chi đâu như lời tự ngõ. Vết son đã lộ diện.

'Thắt lòng/ đau nhói con tim/ Hỏi?/ Không!/  thôi cứ im lìm thì hơn'. Tự vấn và tự trả lời. Dòng thơ khúc trắc, nhịp như ngăn ngắt, phảng phất xúc cảm bị dồn nén, mâu thuẫn khôn lường giữa cái muốn tìm ra sự thật: 'Hỏi?' để tìm đúng lời đáp và cái không muốn: 'Không!' để chôn vùi tác nhân của Vết son. Nhưng liền sau đó là một tiếng thở dài: 'thôi cứ im lìm... thì hơn!'. Vết son còn ẩn khúc.

'Anh vô tư/ em lặng buồn/ cất lên chiếc áo.../ sợ son phai màu'… Ô! Dòng thơ đã dẫn người đọc đến sự bình lặng đáng ngờ của nhịp biền ngẫu 3/3, 4/4. Giả chăng trong thế gian này đã có nhiều hình ảnh cao thượng và thuần hậu biết bao của người phụ nữ với cái sự ghen; và nhiều người tự đặt giả định: giá như... giá như... thì có thể sự ghen ấy đã chìm vào biển lặng và khôn lường chờ chực bão tố nổi lên. Gần với thái độ bình thản và cách xử trí thông minh, người nữ lại 'sợ son phai màu' nên lẳng lặng 'cất lên chiếc áo...' Thế sao không buồn được mà lại lặng buồn nữa chứ. Giá trị logic trong dòng thơ đạt đến mức tuyệt cùng, minh chứng cho vẻ đẹp tâm hồn cao thượng. Và vì thế Vết son đang tồn tại.

'Ước chỉ là/ giấc chiêm bao/ để bên anh/ mãi một màu son... em!'. Sao phải  'Ước chỉ là giấc chiêm bao'? Sự thật đấy chứ! Thế nhưng dòng thơ lại mang sắc thái khác: sự thật hơn cả sự thật. Đó là việc chấp nhận sự thật có vết son để đồng nhất và hoán vị chủ nhân của vết son. Khi đó, người phụ nữ trong thơ gần như làm chủ sự việc bởi chuyện bắt đầu và kết thúc là vết son. Khổ cuối là sự lắng đọng cho mọi vấn đề và các tình tiết của ba khổ trên. Tự sự nhưng không hờn trách, sự thật ấy đang được luồng gió suy tưởng vuốt dịu nhẹ nhàng nỗi đau trần tục. Hết thảy như là tình cảm được mở rộng, nhân đôi hơn là vay mượn. Hóa ra, tự lời cảm ơn của lòng nhân hậu, Vết son được cất giữ gần như nguyên vẹn vốn có.

Xuyên suốt bài thơ, người đọc bắt gặp thái độ bình thản. Mỗi lúc thái độ ấy bình tĩnh, chững chạc, cứng rắn hơn trên tiêu điểm là lòng tha thứ và sự bao dung. Thể thơ lục bát, mỗi khổ có cách ngắt nhịp tạo dòng khác nhau, tương thích và mô phỏng thái động nghẹn ngào, buồn tủi và pha chút xót xa của nhân vật nữ. tác giả rải đều dấu chấm lửng trong mỗi khổ thơ nhằm tăng thêm giá trị biểu cảm tâm trạng nhân vật nữ. Ngôn từ bình dị và gần gũi với đời thường với tứ bài thơ. Có thể nói Vết son khá đắt khi chọn tình tiết và vào thơ một cách tự nhiên, ngọt lịm. Kết thúc lại khép lời nhưng mở ý cho người đọc suy tư.

Được biết Vết son đã được phổ nhạc  -tác giả là Thanh Hoàng- và đi vào đời sống. Đến lúc nào đó, trong thế giới thơ sẽ có nhiều người yêu thích, đồng cảm và say với Vết son từ nhạc và thơ.



DUY BÌNH

(Nguồn: ngocyen.vnweblogs)

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: