Chủ nhật, 22/12/2024,


Lục bát quê nhà (07/08/2008) 

Thời gian gần đây, thơ lục bát có đà phát triển mạnh. Nhất là từ sau cuộc thi thơ lục bát của Hội nhà văn Việt Nam tổ chức trên tuần báo Văn Nghệ Trẻ. Ở Vĩnh Long, những người làm thơ cũng rất thích đi vào thể loại lục bát.

 


Hình như thơ lục bát với yêu vận và cước vận nối nhau như mắt xích cũng dễ đi vào lòng người, hơn nữa, trong văn học dân gian, ca dao lục bát là loại thơ người ta thuộc nhiều, nhớ nhiều. Đúng vậy, ngoài ý nghĩa sâu sắc mà gần gũi với cuộc sống, ca dao lục bát còn mang nặng hơi thở của một vùng quê hương giàu chất văn học. Có một dạo, thơ mới phát triển rầm rộ với phong cách thể hiện phóng khoáng đã giúp cho người làm thơ diễn đạt ý tưởng thoải mái qua những nhịp điệu tự do, ngôn ngữ cũng không bị ràng buộc vào thanh vận và luật bằng trắc như các loại thơ cổ thể. Lúc ấy, tưởng chừng như thơ lục bát không còn sống được với dòng thơ tự do tràn ngập trên các phương tiện thông tin đại chúng. Vậy mà hiện nay khuynh hướng thơ lục bát lại trỗi dậy khá mạnh mẽ. Phong cách sử dụng ngôn ngữ trong thơ lục bát hiện nay cũng rất phong phú. Và loại thơ này không còn gò bó ngôn ngữ như trước đây. Người làm thơ muốn chứng tỏ bản lĩnh sử dụng ngôn ngữ cho thơ lục bát trong giai đoạn phát triển càng nhiều hơn.
Nhân khuynh hướng sáng tác thơ lục bát trên đà phát triển, chúng ta thử nhìn lại một số bài thơ lục bát của các tác giả trong tỉnh Vĩnh Long thời gian qua. Chúng tôi xin trang trọng giới thiệu cùng các bạn những bài lục bát của vài tác giả trong tỉnh. Những bài lục bát chất chở âm thầm một nét ca dao.
Trong những người làm thơ lục bát có ngôn ngữ khá mượt mà ở Vĩnh Long phải kể đến nhà thơ Lê Trung Hiệp. Anh còn có một bút danh khác rất quen thuộc là Nguyễn Bạch Dương. Anh làm thơ lục bát khá nhiều. Thường anh viết thơ lục bát quanh đề tài cho tuổi mới lớn, bài nào cũng dễ thương. Nhưng không phải không có những bài mang nội dung trầm ngâm về số phận con người trong tình trường hơi éo le. Trong rất nhiều bài của anh, chúng tôi xin trích giới thiệu với các bạn một bài anh viết cách nay khoảng mười năm:

 

Giếng tôi khô kiệt nước rồi
Em đừng ném sỏi gây lời lá vang
Chút mưa cũng chỉ ngỡ ngàng
Làm sao thấm đủ mạch khan cuộc đời
Giếng lòng cạn sợt em ơi
Dây gầu dẫu cụt vẫn lời gièm pha

 

Đó, một bài thơ lục bát rất chỉnh trong luật bằng trắc lại rất phóng khoáng trong ngôn ngữ. Anh gieo yêu vận rơi đúng vào từ mạch khan hết sức bất ngờ và đầy hình tượng. Cái mạch khan ấy được nhân cách hoá để cho người ta thấy cái giếng lòng cạn sợt hết sức bình dị gần gũi với người dân Nam bộ. Bài thơ như vừa phân trần vừa hối tiếc một cuộc tình đã mất cũng bởi vì cái giếng lòng cạn sợt.
Đọc bài thơ này của tác giả, tôi thấy mình khó ly khai với một thể loại thơ đã ăn sâu vào huyết quản của kẻ yêu thơ.
Một cây bút nữ không phân trần như nhà thơ Nguyễn Bạch Dương mà bày tỏ nỗi lòng khi đứng trong tình trường éo le như Nguyễn Bạch Dương. Trong bài thơ Gặp, tác giả Thái Hồng tâm sự nỗi lòng của một người con gái đầy những vui buồn trong lẽ thường của cuộc sống trăm năm:

 

“Ai đưa con sáo sang sông”…
ai xui câu hát bềnh bồng đến đây
cho trăm chiều cất cánh bay
mùa xuân con gái gió lay tóc thề

trách chi cơn gió đi về
trách là người khéo vỗ về lòng ai
dân ca có tự tháng ngày
“người dưng khác họ…” dễ đày đoạ nhau

 

Mặc dù hai chữ về đã đụng nhau trong cách gieo vần từ đầu khổ thơ thứ hai, nhưng để diễn tả hết ý, ta cũng dễ dàng bỏ qua để hoà nhập vào tứ thơ trọn vẹn. “Người dưng khác họ”… dễ đày đoạ nhau , nhưng sự đày đoạ ấy rất cần thiết trong đời sống tình cảm con người. Từ đó Thái Hồng đã trở thành con sáo sang sông và dòng sông ấy dịu dàng không dậy sóng. Vậy mà Cúc Anh đã gởi nỗi nhớ vào con sóng dữ khi chia xa người tình trên một bến sông. Trong bài thơ Nhớ tác giả Cúc Anh viết dưới dạng lục bát biến thể, ngắt đoạn làm cho nhịp thơ chừng như nhịp sóng:

 

Con đò lặng lẽ đưa người
Sông xa sóng dữ ! bên trời chao nghiêng
Đò quay về, nỗi vắng riêng
Xuôi theo dòng nước khua vang mái chèo
Sông mênh mông
Nhớ người hoài
Con đò
Chia biệt
Đôi trời sóng xanh

 

Với phong cách rải chữ và dùng từ hơi lạ, mọi người cũng dễ dàng chấp nhận loại thơ lục bát biến thể như thế. Có lẽ Cúc Anh đang đi tìm một phong cách cho riêng mình chăng? Chỉ cần hình dung ra cảnh trí với câu thơ Đò quay về, nỗi vắng riêng cũng đủ nói lên sự cô đơn trống trải. Tôi nhớ nhà Thơ Du Tử Lê cũng có hai câu lục bát nói lên cái riêng mình trong bài thơ Chân Dung như thế này : Tôi ngồi trong nỗi tôi riêng – bên trong ghế lạnh ngoài hiên bóng rời… Khi làm thơ, ai cũng có thể dùng nhiều cách vận dụng ngôn ngữ sao cho thành tứ cú của thơ. Thể loại thơ lục bát vốn có sự ràng buộc về luật bằng trắc và gieo vận đúng vị trí của từ ngữ. Nếu vận dụng ngôn ngữ không khéo thì khó dàn hết ý trong thơ lục bát. Từ đó, tác giả Cúc Anh vừa vận dụng ngôn ngữ vừa tránh né cách trình bày thể thơ lục bát và làm cho bài thơ của mình thành bài thơ biến thể. Dù cho thể loại lục bát có biến đổi đi thì bài lục bát biến thể của Cúc Anh cũng hiện nguyên hình là lục bát. tác giả không thể nào giấu được phong cách thơ lục bát đang đầy ắp trong nhịp điệu của bài thơ.
Sống ở vùng đồng bằng sông nước, bài ca vọng cổ rất gần gũi với đời sống con người. Thậm chí, người vùng đồng bằng sông Cửu Long không chỉ nghe vọng cổ để thưởng thức mà còn nghêu ngao hát vài câu trong lúc lang bạt kỳ hồ trên sông nước. Huỳnh Thanh Hồng bắt nhận được cảm xúc khi Nghe vọng cổ trên sông. Cảm xúc ấy được bộc lộ qua một bài thơ lục bát:

 

Nam ai em đã hát rồi
Giờ câu vọng cổ đến hồi nhặt khoan
Xuống hò rồi lại dứt xang
Sáu câu như chuyến đò ngang đi về

 

Thanh Hồng thật sự nhìn nhịp điệu của sáu câu vọng cổ như những chuyến đò đưa “Sáu câu như chuyến đò ngang đi về”. Tự thân thơ lục bát đã như chuyến đò đưa mà người nghe cũng không thể nào bỏ qua. Với Huỳnh Thanh Hồng, nếu ai đó chẳng đam mê sáu câu vọng cổ ngọt ngào của cô gái trên vùng sông nước vắng vẻ thật là dại dột. Thật lãng mạn làm sao khi câu hát ấy dẫu có vụng về vẫn không làm sao hạ thấp niềm gợi cảm của người nghe:

 

Dại gì anh chẳng đam mê
Làn hơi ấy- có vụng về, sao đâu
Sáu câu bắc một nhịp cầu
Để anh đến được lần đầu quê em
Mênh mông. Sông nước mênh mông
Nghe câu vọng cổ cháy lòng người ơi!

 

Với người khác thì câu vọng cổ có thể làm cho dòng sông thêm ngọt ngào giọng hát của một cô gái chèo xuồng trên sông. Nhưng cách thể hiện bình thường ấy có lẽ ai cũng thấy, trong thơ Huỳnh Thanh Hồng, giọng hát của cô gái nào đó đả làm cháy lòng người giữa sông nước mênh mông kể cũng lạ.
Ngôn ngữ thơ sao phong phú quá. Cách diễn đạt nào cũng làm cho người ta đồng cảm được với tác giả đến độ không ngờ. Đọc bài thơ này xong, có thể có người đi tìm giọng hát ngọt ngào trên dòng sông quê nhà qua sáu câu vọng cổ.
Ngoài khả năng sáng tác thơ văn, Huỳnh Thanh Hồng còn viết bài ca cổ. Có thể từ đó, cái cảm nhận về cổ nhạc đối với anh hết sức nhạy bén và cũng từ đó, anh thể hiện cảm xúc của mình vào bài thơ lục bát này rất chân thật. Chính sự chân thật ấy đã lôi kéo người đọc nhập cuộc cùng anh một cách rất tự nhiên.
Mái tóc của một người phụ nữ nằm võng xoả dài dờn dợn như suối như mây cũng hoá thân vào thơ lục bát qua ngòi bút của tác giả Trăng Cửu Long. Bài thơ Tóc bay, tác giả Trăng Cửu Long đã viết:

 

 

Em nằm lắc võng ru êm
Tóc mây đổ thác chấm nền đất đen
Mắt nhung khem khép mi duyên
Rủ mơ xuống võng
viếng miền tịch liêu…

Chiều đi chiều ngẩn ngơ chiều
Vu vơ gió thổi thả diều tóc bay
Tóc ơi ghé lại vai này
Mong manh nhẹ quấn
tim gầy mong manh

Đưa tay muốn gỡ… không đành
Nhẹ thôi tóc nhé!...
viền quanh chữ tình

 

Ngày xưa, mẹ thường ru con ngủ bằng ca dao no tròn vần lục bát. Khi ra đời, trên con đường dài đăng đẳng của cuộc sống ngổn ngang, người ta cũng cần dìu nhau đến phút cuối đời. Cái hạnh phúc đó được tác giả Phan Phúc Bình dùng thơ lục bát để Ru nhau. Chỉ mười hai câu lục bát đã tải được nỗi lòng người cầm bút Ru nhau để cùng nhau đón nhận hạnh phúc đời người trong bộn bề cuộc sống:

 

Ai buông câu ru về trần
Để người hát chuyện phù vân đời người
Từ sinh ra giữa đất trời
Nghe lời ru thoắt khóc cười thế nhân
Đường đi đến với trăm năm
Dài trong máu chảy nợ nần đầy vơi.

Ai thả câu ru về trời
Để người hoảng hốt tìm người thiết tha
Mới gần mà đã vụt xa
Câu thơ mất hút dấu qua bến đời

Ta ru ta tiếng a ời
Nối đời người với đời người xót xa.

 

Ngày câu đầu tiên của bài thơ có thể làm cho người yêu thơ lục bát tiếc rẻ cho tác giả vì bị phá luật bằng trắc. Ai buông câu ru về trần, một câu thơ không có vần trắc. Tại sao tác giả không cho ai thả mà bắt người ta phải buông? Giá như câu ru ai thả về trần – Để người hát chuyện phù vân đời người thì lục bát sẽ thành hình vô cùng nghiêm chỉnh. Xét cho cùng, câu thơ không có vần trắc ấy đã giữ được cái ý. Biết đâu nhờ thanh của nó mà người đọc mang mang trong lòng một câu ru êm ái. Theo Phan Phúc Bình, chính đời người phù vân nên cần ru nhau. Đọc bài thơ này khiến tôi nhớ lời bài ca Diễm xưa của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có câu Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau. Sỏi đá như vậy vẫn cần có nhau huống gì kiếp phù vân đời người như anh Phan Phúc Bình đã nói. Bài thơ như động viên chúng ta phải dìu nhau đi đến cuối đời. Cuộc đời bày càng phong ba bão tố chừng nào con người ta cần có nhau chừng nấy.
Thơ lục bát giờ đây trở thành phương tiện để các nhà thơ truyền tải những lượng thông tin khác nhau. Tác giả Vương Sỹ Ca đã dùng thơ lục bát để viết Thư gởi bạn:

 

Hạt mưa còn nhớ tới đồng
Tưới xanh cây lúa biếc dòng sông quê
Cớ sao bạn chẳng quay về?
Cùng ta chạm cốc mà nghe ấm tình

Hay là từ lúc phiêu linh.
Bạn quay quắt với gập ghềnh áo cơm
Nên quên chiều sạm khói bom
Quên đi năm tháng máu loang quê nhà

Sau mưa trời biếc ngọc ngà
Chiều nay bạn hẳn vỡ oà nhớ nhung!?

 

Không phải đây là lá thư riêng của một người gởi cho một người như tựa bài thơ đã viết. Trong mười câu lục bát chứa đựng một kỷ niệm của hai người từng kề vai sát cánh nhau đi qua chiến tranh. Khi hoà bình lập lại vì chuyện áo cơm không còn thời gian rảnh rỗi thăm nhau như những ngày chiến tranh khói lửa. Chỉ còn chăng trong lòng mỗi người nặng nỗi nhớ nhau. Đó là sự đẩy đưa rất cần thiết trong những vần lục bát.
Giữa sự đẩy đưa chuyện say rượu đến chuyện say tình, tôi nhớ lại tác giả Sơn Huyền có một bài thơ say Hương Bồ Kết :

 

 

Gội đầu bồ kết thơm lâu,
Mẹ em dành để gội đầu cho em.
Hương thơm dìu dịu thành quen,
Sạch gầu, sáng mắt, tóc đen mịn màng.
Tơ vò, rối khúc, ngổn ngang,
Nhớ hương bồ kết, tôi sang tìm người…

 

Hương bồ kết chỉ là cái cớ để tác giả bày tỏ tình cảm với một người và người ấy đã đi lấy chồng để lại cho người kia hụt hẫng đợi chờ mượn hương bồ kết tiếc rẻ cho một cuộc tình:

 

Sang sông, người đã đâu rồi!
Còn hương bồ kết và tôi…một mình.

 

Tính lãng mạn nhẹ nhàng ấy cũng được thể hiện trong mấy câu thơ lục bát của tác giả Trương Hoàng Minh trong bài thơ Hình như:

 

Có em trước biển chiều hôm
Hình như mặt nước xanh hơn mọi ngày
Chân trời mây chẳng chịu bay
Hồn thơ như dại như ngây, thật kỳ
Hình như gió thốt lời gì
Cứ quanh quẩn mãi nên đi không đành
Nhấp nhô gợn sóng đầu gành
Thuyền tôi sao cũng tròng trành, lạ chưa

 

Nỗi tròng trành trong thơ Trương Hoàng Minh cũng là một sự đẩy đưa diễn tả cõi lòng mình. Riêng tác giả trẻ Lê văn Trường dùng thơ lục bát diễn tả cái Thèm

 

Ta thèm cái nắng tháng năm
Thèm hoe mắt phượng xa xăm tìm người
Thèm nghe khàn giọng ve rơi
Xác xao trong lá khóc thời hoa niên
Thèm nhau đôi phút lặng yên
Trong xôn xao sóng vỗ bên mạn lòng
Thèm ai bẽn lẽn rằng không
Trong đau đáu nỗi nhớ mong đợi chờ
Thèm nhau đôi mắt ngây thơ
Cứ gieo cái ngẩn, cái ngơ một thời
Ta thèm, thèm lắm hạ ơi!
Thèm kêu một tiếng. Người ơi đừng về.

 

Từ trên xuống dưới, tác giả cứ nhắc đi nhắc lại chữ thèm. Nói cách khác là nhắc lại tựa bài thơ với ý đồ bày tỏ lòng yêu, cảm giác của kẻ phải lòng người con gái nào đó. Nhưng liệu trong thơ lục bát mà dùng điệp ngữ để nhấn mạnh nhiều quá có làm cho người đọc bị “bội thực” không?
Dù sao, với tôi vùng sân thơ lục bát ví như một bàn ăn nhiều món và người đọc cứ chọn lấy cái khẩu vị cho riêng mình. Người làm thơ ví như ông đầu bếp. Món thơ lục bát lại là món dễ ăn nhưng khó nấu cho ngon.
Trên sân chơi văn học Vĩnh Long còn và sẽ còn rất nhiều thơ lục bát của các tác giả Vĩnh Long. Trong giai đoạn thơ lục bát sống dậy mạnh mẽ, chúng ta có quyền hy vọng đất thơ Vĩnh Long bật lên những vần thơ lục bát mượt mà hơn, độc đáo và sâu sắc hơn.

 Ngọc Hiệp

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: