Chủ nhật, 22/12/2024,


ĐƯỜNG RỪNG (31/07/2008) 

Đặng Vương Hưng

Lạ lùng chưa những đường rừng

Đi một bước cũng chập chùng núi non

Dấu chân mài đá núi mòn

Đá thì vẫn thế, núi còn nguyên đâu!

Một cây cũng bắc nên cầu

Đèo cao, dốc đứng, suối sâu... coi thường

Chẳng cần cột số chỉ đường

Vẫn ngang dọc khắp bốn phương theo người...

Giữa rừng, dù một mình thôi

Cũng không lo sẽ là người cô đơn

Tiếng chim san sẻ vui buồn

Khát thì uống nước suối nguồn mát trong

Quả rừng - đỡ lúc đói long

Hương rừng - vơi nỗi nhớ mong quê nhà

Nhìn thì gần, đi thì xa

Quanh co lắm khúc như là ú tim...

Lạc rừng - tiếng hú đi tìm

Xem cây đoán suối, nghe chim đoán người

Nhìn sao biết được phương trời

Ngắm trăng thì biết mai rồi nắng, mưa...

Bạt ngàn rừng rậm, rừng thưa

Người đi đánh giặc như vừa bước ra

Bao nhiêu rừng trẻ, rừng già

Dấu chân người lính đã qua một thời...

Đường rừng - Thương lắm bạn ơi!

  thành phố chẳng xa vời núi non

Những khi nườm nượp xe bon

Bâng khuâng lại nhớ những con đường rừng.

                                                     

                                                1980

 

 

“Những người lính Cụ Hồ thời nào cũng gắn bó với rừng, như gắn bó với quê hương đất nước. Trong kháng chiến chống Pháp, chiến khu Việt Bắc luôn khiến ta nhớ tới câu thơ Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”.

Những năm kháng chiến chống Mỹ, biết bao người đã Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Từ những cánh rừng bạt ngàn ấy, đoàn quân cách mạng đã tràn về đồng bằng, tràn về thành phố để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước...

Chính nhữngdấu chân người lính in trên “đường rừng năm xưa đã trở thành nhữngbài ca không quên trong cuộc sống hôm nay.”                 

                                       (Hoài Hương)

 

“Đọc xong bài thơ, tôi chợt nghĩ: Thì ra những điều bình dị quanh ta, đều không phải ngẫu nhiên mà có!

Ngay như con đường thênh thang ta đang bước, xa xưa lắm rồi có thể nó cũng là một con đường mòn và đường rừng thôi. Và chắc chắn con đường rừng và đường mòn ấy không thể tự dưng mà biến thành đại lộ như ngày hôm nay. Nó phải do công sức, mồ hôi, nước mắt, thậm chí là cả máu của bao con người.

Bỗng dưng cảm thấy mình có lỗi với ai đó?...”

                                                (Lê Đình Thắng)

 

 “Đời lính đánh giặc gian khổ hy sinh. Là máu, là mồ hôi nước mắt thấm đẫm cây rừng, đường rừng.

Vượt lên nhọc nhằn lo toan, người lính biết yêu hơn từng tấc đất quê hương có những cánh rừng già, rừng trẻ. Tình yêu đó còn mãi với năm tháng, với con đường đi đến bình yên.”

                                         (Đỗ Hoàng)

 

-------

Trích HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: