Chủ nhật, 22/12/2024,


VIẾT CHO EM TỪ BIÊN GIỚI (13/07/2008) 

Đặng Vương Hưng

Ở nơi đầu núi, đầu sông

Lá thư đến bọn anh mong đứng ngồi

Ở nơi cuối đất cuối trời

Cái thương cái nhớ hóa lời tình ca

 

Ở nơi mây gió giao hòa

Giọt mưa rơi xuống sẽ là của chung

Ngổn ngang núi, bạt ngàn rừng

Cái nhìn tưởng đến vô cùng bao la...

 

Những chàng lính trẻ, lính già

Giống nhau ở nỗi nhớ nhà đấy thôi

Điếu thuốc chia đều từng hơi

Bàn tay ấm chẳng muốn rời nhau đâu

 

Chỉ thương cái áo bạc màu

Và cây súng phải dãi dầu nắng sương

Vô tình thôi cũng vấn vương

Để người cứ nhớ cứ thương nhau hoài

 

Phiên gác thức với đêm dài

Thời gian trôi chậm gấp hai ở nhà

Nơi đây thèm cả tiếng gà

Nằm mơ trẻ khóc, mẹ à ơi ru...

 

Dáng núi hiền như mùa thu

Lắng nghe thấy được tâm tư lòng người

Là khi nghiêng ngả tiếng cười

Nỗi buồn đi trốn, niềm vui ùa về!

Lạng Sơn, 1982

 

“Nhớ nhung người yêu từ nơi biên ải xa vời, chỉ biết giãi bày tâm tư với đồng đội, với núi non. Cái ý sâu lắng, cái tình mới tha thiết và đẹp nhường nào. Cuối cùng, hy vọng cánh thư bay về và đến tay người thương... Điều ngỡ như giản dị đó lại chỉ có trong tâm hồn của những nhà thơ mặc áo lính.”

                            (Đỗ Hoàng)

 

“Trẻ hay viết dài, già thường viết ngắn. Nhưng thư thường chỉ viết riêng cho một người. Những ai ngoài cuộc thường khó mà thấy cái hay, tìm được sự đồng cảm.

Chàng lính trẻ Đặng Vương Hưng đã hồn nhiên kể rất nhiều thứ riêng tư. Đó chính là điều cảm mến nhất của lá thư bằng thơ. Nó giống như những trang nhật ký một thời trai trẻ của anh vậy.”

                                        (Vũ Nho)

 

“Tiền đồn heo hút xa xôi

Núi non trùng điệp hát lời quân ca

Ra đi bảo vệ sơn hà

Lính già, lính trẻ đều là bọn anh

Cùng chung ước nguyện, tâm thành…”

                                   (Huỳnh Văn Hồng)

 

“Có lẽ chỉ những ai đã từng là người lính biên cương mới thấu hiểu và đồng cảm với những gì nhà thơ trẻ suy nghĩ. Anh kể về những nỗi khó khăn, vất vả, thiếu thốn mà cứ như không, cũng chẳng cần phải thi vị hóa làm gì.

Có thể coi “Viết cho em từ biên giới” là một bức thư tình của lính. Dù không có lời yêu thương hoa mỹ nào trong đó, nhưng ẩn chứa đằng sau những câu chữ giản dị mộc mạc ấy là tình yêu thương nồng nàn, gắn với ước mơ về một cuộc sống bình dị. Đó là tình yêu của đồng chí, đồng đội; tình yêu quê hương, đất nước và lớn hơn cả là tình yêu Tổ quốc.”

                                 (Hoài Hương)

 

-------

Trích HỌC QUÊN ĐỂ NHỚ

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: