Thứ năm, 21/11/2024,


Vài điều về bài thơ "Bạn tôi" của tác giả Trịnh Toại trong tập thơ Bến Nghiêng (Nguyễn Thanh Thủy) (17/10/2020) 
VÀI ĐIỀU VỀ BÀI THƠ "BẠN TÔI" CỦA TÁC GIẢ TRỊNH TOẠI TRONG TẬP THƠ "BẾN NGHIÊNG" 


 


Nguyễn Thanh Thủy

 

   

 
BẠN TÔI

 

  
Tình cờ gặp lại bạn tôi
Bờ sông thơ thẩn thả mồi, buông câu
Chiến trường xưa đạn găm đầu
Ngu ngơ quên, nhớ nỗi đau cuộc tàn.

   
Gió vùi nắng đốt mưa chan
Liêu xiêu cò vạc đồng hoang kiếm mồi
Vác cần câu nhử nơi nơi
Mong sao qua bữa cho vơi nỗi ngày.

   
Con khờ, vợ dại, mình ngây
Ruộng khô chua chát, thương thay cáy còng
Sớm chiều lấm láp bên sông
Tìm tăm cá giữa mênh mông nước tràn...

   
Có người câu giết thời gian
Bạn tôi giăng mắc cơ hàn nổi trôi.

   
Trịnh Toại 

 
 
Bài thơ rất vừa phải, không quá ngắn, không quá dài, nhưng lại chuyển tải được một vấn đề rất lớn, rất bức thiết, rất trăn trở...của xã hội và của mỗi con người có lương tri. Nhà thơ đã làm được cái điều quan trọng của thơ, cái sứ mạng vinh quang của thơ: "Văn dĩ tải đạo" (Văn thơ phải chở đạo- đạo ở đây là đạo lý làm người) mà người xưa răn dạy.

         Bài thơ với thể thơ lục bát truyền thống, gồm 4 khổ đậm chất tự sự trữ tình, riêng khổ cuối chỉ gồm một cặp lục bát, cũng là lời bình luận, cảm thán vừa hiện thực vừa hoài nghi trăn trở làm người đọc thực sự ngỡ ngàng, xúc động và suy cảm khôn nguôi.
Thơ Lục bát thường hay dàn trải, thiếu sự hàm súc "Ý tại ngôn ngoại" của thể thơ Đường luật "Trói voi bỏ rọ". Nhưng Lục bát của Trịnh Toại không thế. Nó hàm súc ngay từ khổ thơ đầu. Bốn câu lục bát mà gói trọn trong ấy bao điều:

 
Tình cờ gặp lại bạn tôi
Bờ sông thơ thẩn thả mồi buông câu
Chiến trường xưa, đạn găm đầu
Ngu ngơ quên, nhớ nỗi đau cuộc tàn.

   
Trong đó có hoàn cảnh gặp lại của đôi bạn chiến đấu năm xưa, có hiện tại cuộc sống lặn lội "thả mồi buông câu" của người bạn chiến đấu ấy giờ đang mang thương tật nặng "Chiến trường xưa, đạn găm đầu". Và tội nghiệp, đắng cay nhất là hậu quả của cái thương tật ấy "Ngu ngơ quên, nhớ nỗi đau cuộc tàn".

        Thực ra, bài thơ có thể dừng ở đây. Như thế cũng đã đủ đánh thức lương tri và ý thức trách nhiệm của toàn xã hội hiện tại đối với quá khứ của cuộc chiến tranh chống Mĩ đã qua. Nhưng Trịnh Toại không cam lòng. Cái tâm của một người vốn trầm luân trong cuộc sống đời thường, yêu thương mọi kiếp người đau khổ, huống chi đây là với người đồng đội cùng chia sẻ gian nan, sống chết nơi chiến trường...đã khiến anh dâng trào cảm xúc. Trái tim nhân hậu ấy rung lên những cung bậc vừa thông cảm, thiết tha vừa bùi ngùi chia sẻ vừa não nề chua xót:

 
Gió vùi nắng đốt mưa chan
Liêu xiêu cò vạc đồng hoang kiếm mồi
Vác cần câu nhử nơi nơi
Mong sao qua bữa cho vơi mỗi ngày
 

        Đây là những dòng tái hiện cảnh sống lặn lội đi câu đi tát kiếm con tôm con cá "cho vơi mỗi ngày" của người lính trở về. Sao mà tội nghiệp, mong manh và đơn côi làm vậy! Cái dáng vẻ hào hùng đầy khí thế của người chiến sĩ" Anh đi xuôi ngược tung hoành/ Bước dài như gió lay thành chuyển non/ Mái chèo một chiếc xuồng con/ Mà sông nước dậy sóng cồn Đại dương" (Tố Hữu) khi xưa giờ đã thực sự đảo chiều.
Tôi nhớ có một tài khoản trên FB khi đọc bài thơ này của anh Trịnh Toại hồi đầu tháng Bẩy vừa rồi đã bình luân rằng bài thơ rất hay, rất xúc động nhưng khuyên anh không nên đọc vào ngày kỉ niệm Thương binh- Liệt sĩ (27-7). Riêng tôi lại nghĩ khác. Rất nên đọc và đánh thức mọi người cùng đọc. Vì sao ư? Xin đọc tiếp khổ thơ thứ ba:

 
Con khờ, vợ dại, mình ngây
Ruộng khô chua chát, thương thay cáy còng
Sớm chiều lấm láp bên sông
Tìm tăm cá giữa mênh mông nước tràn...
 

       Tôi muốn xin phép anh Trịnh Toại, thay đổi một chút cụm từ "thương thay cáy còng" thành " thương thân cáy còng" . Vâng, cái dáng vẻ lòng khòng "liêu xiêu" nơi đồng bãi, bước thấp bước cao, "lấm láp" " tìm tăm cá giữa mênh mông nước tràn" của người lính già có khác nào thân cò thân vạc, thân cáy thân còng. Đó là thân phận. Đó là cuộc đời. Một cuộc đời cay đắng trớ trêu, trĩu nặng và mong manh vô vọng. "Tìm tăm cá giữa mênh mông nước tràn". Đây là hình ảnh tương phản đến cực đoan. Hiếm lắm, ít lắm, khó lắm để thấy được cái "tăm cá" nhỏ bé yếu ớt kia giữa đồng bãi bao la đang "mênh mông nước tràn". Đây là hình ảnh tả thực mà hàm súc, đầy ý nghĩa của bài thơ. Người ta nghĩ đến tương lai cuộc sống của người lính trở về. Bao giờ mới thấy cái "tăm cá" nhỏ nhoi ấy để mà bừng sáng lên tia hy vọng?!...

       Tại sao lại không đọc bài thơ để mọi người cùng nghe, cùng ngẫm. Đây là cảnh đời của một người lính trở về. Còn bao nhiêu người lính trở về khác nữa. Họ đã cùng Dân tộc làm nên cả một thời đại lịch sử hào hùng vẻ vang, họ đã để lại xương máu và một phần thân thể nơi chiến trường. Bây giờ họ ở đâu. Có bao nhiêu người trong cảnh "Con khờ, vợ dại, mình ngây/ Ruộng khô chua chát thương thay cáy còng". Đáng để đọc lắm chứ, đáng để ngẫm lắm chứ. Tôi bị ám ảnh bởi hình ảnh người lính trở về này ngay khi đọc xong lần đầu bài thơ và bất chợt nghĩ đến một hình ảnh đặc sắc đã đi vào lịch sử thơ ca Việt Nam: Ông đồ

 
Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay,
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài trời mưa bụi bay...

("Ông đồ"- Vũ Đình Liên)

         Đó là sự lãng quên phũ phàng của xã hội Việt Nam xưa với ông đồ khi thời thế đổi thay. Con người thất thế ấy vẫn sống mà như đã chết, hay đã chết trong con mắt người đời khi vẫn còn đang sống. Ta lên án cái xã hội vô cảm ngày xưa và hãy thận trọng đừng đi vào vết xe đổ ấy. Không thể phủ nhận xã hôi ta đã làm được rất nhiều điều đền ơn đáp nghĩa cho những người lính đã hy sinh hoặc đã trở về. Nhưng ở đâu đó, vẫn còn những người lính bị bỏ quên, trong khi thân mình đầy thương tích, gia cảnh đầy khó khăn...Ở khổ thơ cuối, nỗi niềm của người lính trở về càng làm ta day dứt:

Có người câu giết thời gian
Bạn tôi giăng mắc cơ hàn nổi trôi.
 

Vâng. Lạ thay! Cái thú vui đi "câu" chỉ để "giết thời gian" của một số người có cuộc sống vương giả trong xã hội ngày nay lại là tất cả hy vọng sinh tồn của cả gia đình người lính "ngu ngơ" thương tật: "Bạn tôi giăng mắc cơ hàn nổi trôi"

        Một phép so sánh bất giác lóe lên trong tâm trí nhà thơ, có sức mạnh liên tưởng mạnh mẽ khác nào một đòn bẩy xoáy sâu vào tâm trí ta, bật lên những nghịch cảnh ở đời. Câu trả lời ở đâu để giải tỏa nỗi niềm. Nhà thơ đặt bút cho dòng thơ cuối: "Bạn tôi giăng mắc cơ hàn nổi trôi", làm chúng ta phân vân, chua xót, ngậm ngùi ...vì cảm nhận mong manh quá về sự đổi thay của cuộc đời người lính. Cảnh "Cơ hàn" vẫn "nổi trôi", "giăng mắc" đến bao giờ!?...

         Tác giả đã cảm thông, đã thấu hiểu về thân phận những con người nhỏ bé trong xã hội, giúp chúng ta nhìn thấy những góc khuất còn tối tăm, u ám của cuộc sống hôm nay. Mỗi dòng thơ của tác giả Trịnh Toại, dù mộc mạc giản dị thôi nhưng đã làm người đọc thổn thức khôn nguôi. Bài thơ đã rung lên hồi chuông của lòng nhân ái mãnh liệt, đã đặt lên đôi vai ta, đặt lên trái tim ta bao nỗi niềm nghĩ suy trĩu nặng...
Cái chân lí "Văn dĩ tải đạo" là ở đây. Nhà thơ đã làm được cái điều mà không phải người cầm bút nào cũng làm được. Có thể nói : Thơ của Trịnh Toại đã chạm đến được cái giá trị đích thực của chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo cao cả.

  
Hải Phòng,18/8/2016.  

Nhà giáo: Nguyễn Thanh Thủy (Hải Phòng) 

 Điện thoại: 0387.436.552

 

 

 
BT và giới thiệu: BTV Trịnh Toại
Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trịnh Toại - tvtoai@gmail.com - 0983325625 - 19/70/11 Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng  (Ngày 17/10/2020 20:07:13)

Cám ơn nhà giáo Nguyễn Thanh Thủy với lời bình bài thơ "Bạn tôi" trong tập thơ Bến Nghiêng của Trịnh Toại, thật sâu sắc... Mới đó mà đã hơn 4 năm, nay đọc lại vẫn rất cảm động và mới mẻ như NTT đọc ở lần sinh hoạt CLB thơ Nội thành HP ngày ấy...Tuy chậm, mà không muộn, hôm nay TT đăng trên chuyên mục này mời các bạn đọc và cũng thay lời chúc chị nhân dịp Ngày PNVN sức khỏe, vui trẻ, mọi sự may mắn và tiếp tục phát huy năng khiếu bình các bài thơ hay cho các tác giả thơ Lục bát nữa nhé !
Xin trân trọng !

Các bài khác: