Thứ bảy, 20/04/2024,


Đến với bài thơ hay : SỢ (Vũ Thương Giang) (27/04/2020) 

Đến với bài thơ hay : SỢ
Vũ Thương Giang)

Về sao chốn cũ mà mơ?
Dẫu vầng trăng vẫn đợi chờ dòng sông.
Sợ mưa, sợ bão ,sợ giông.
Sợ chiều cả gió thinh không lời buồn...

Sợ lời im lặng dỗi hờn.
Sợ tình tha thiết vùi chôn tim mình...
Sợ bàn tay chạm vô tình.
Sợ lòng mềm yếu, môi xinh trao người...

Sợ nghe ấm áp tiếng cười...
Sợ ánh mắt ấy cả đời khó quên...
Sợ gần người ,rượu ủ men...
Sợ mình quá chén say quên đường về...

Sợ người nhắc lại lời thề...
Sợ than bén lửa,đam mê cháy bùng...
Sợ mình tay nắm, đường chung...
Lòng ai tan nát não nùng tiếng Ngâu.

 

  Tác giả: Vũ Thương Giang

 
SỢ...
(Cao Vân bình và giới thiệu)

Cái tựa đề của bài thơ thật ngắn gọn chỉ có duy nhất một từ. Nhưng khiến cho người ta không khỏi thắc mắc về nó . Chính tôi khi đọc lướt qua qua tựa đề bài thơ cũng bị kích thích trí tò mò . Để rồi phải dừng lại đọc hết bài thơ vì muốn tìm hiểu đến tận cùng nỗi sợ ấy nhằm giải đáp cho những thắc mắc của chính mình : Ai sợ? Sợ cái gì? Và vì sao sợ?

 

"Về sao chốn cũ mà mơ?
Dẫu vầng trăng vẫn đợi chờ dòng sông "

 

Hai câu thơ mở đầu vừa như một câu hỏi, lại vừa như một lời khẳng định, chất chứa những trăn trở. Tôi thấy mình như đang lạc vào một miền bâng khuâng đầy hoài niệm tiếc nuối trong sự mơ hồ của nó.

 

"Sợ mưa, sợ bão ,sợ giông."

Lẽ nào đơn giản chỉ là nỗi sợ cơn mưa, gió hay cơn bão bùng của trời đất đổ xuống trần gian ư ?

Không đâu !Đó chỉ là cái cớ thôi. Điều mà tác giả sợ nằm ở những câu thơ tiếp theo kia. "Sợ chiều cả gió thinh không lời buồn…."

Nếu như mưa, bão, giông là hiện tượng thiên nhiên có thực, là thứ hữu hình .Thì “chiều cả gió thinh không” lại gợi lên một sự hư ảo , mơ hồ trong trong cái thế giới bao la. Nó giống như một sự trắc trở vô hình của cuộc đời ở hai từ “cả gió” có thể chạm tới nơi sâu thẳm của tâm hồn qua tính từ “thinh không”.

Đặc biệt là “lời buồn” đã có sự tác động rõ rệt của con người ở đây chứ không đơn thuần là những hiện tượng của tự nhiên .

Chẳng hiểu sao trong đầu tôi hai từ “lời buồn” và nhân vật trong bài thơ Sợ này cứ ám ảnh mãi .Nó khiến tôi liên tưởng tới câu “lý lơi” của Đoàn Thị Tảo:

 

"Ngày chị sinh trời cho làm thơ
Cho nét buồn vui bốn mùa trăn trở
Cho làm câu hát để người lý lơi..".

“Lý lơi” hay “ "Lời buồn” phải chăng chính là "miệng lưỡi thế gian”, là định kiến của xã hội, là sự phán xét của người khác có thể gây tổn thương lòng cho bất cứ ai?

Đọc thơ Vũ Thương Giang chúng ta thấy hiện tượng "mưa, bão, giông " không vu vơ miêu tả những hiện tượng tự nhiên .Với cách sử dụng hình ảnh ẩn dụ đó, dường như người viết muốn nói đến "mưa gió, bão giông "của cuộc đời.Hay là những cơn bão lòng của chính tác giả ?

“Sợ chiều cả gió thinh không lời buồn” . Có lẽ là những những ánh mắt soi mói , những định kiến khắt khe của xã hội, còn mang nặng tư tưởng phong kiến ? Hay miệng lưỡi thế gian cay độc, đầy đố kỵ ganh ghét của người đời với một người đàn bà tài hoa ,xinh đẹp nhưng đa đoan ấy ?

Dấu chấm lửng (…) ở cuối câu như môt sự bỏ ngỏ càng khiến cho ta cảm nhận được những nỗi niềm chất chứa trĩu nặng ẩn chứa đằng sau mỗi câu chữ . Có lẽ , đây mới chính là nỗi sợ lớn nhất mà bất cứ ai cũng rất khó khăn để vượt qua được. Đó chính là sự cám dỗ trong tình yêu .

"Sợ lòng mềm yếu môi xinh trao người..."

Những câu thơ liền mạch giầu chất tự sự cứ trải dần ra trước mắt cho người đọc . Giờ thì tôi đã hiểu ra được nhiều điều ...

Cả bài thơ lục bát có 4 khổ, 16 dòng thì có tới 15 từ Sợ ... Người đọc cảm nhận rất rõ đây là một người rất chín chắn , thận trọng ,sâu sắc nên mới có nhiều sự do dự, cân nhắc, đắn đo, âu lo, trăn trở như thế ...

Sau tất cả những nỗi sợ bủa vây, đeo bám thì nỗi sợ lớn nhất của nàng thơ đó là phút yếu lòng khi gặp lại người yêu thương mình ...

 

Nàng sợ phải đối diện với tình yêu :
“Sợ lòng mềm yếu”, sợ "đam mê cháy bùng"….

 

Vâng!Vẫn biết nàng là một người đầy bản lĩnh , nghị lực , mạnh mẽ được ví " cứng như kim cương " .Nhưng trong nàng vẫn là một phụ nữ với tâm hồn mong manh, yếu đuối. Nhất là khi đối diện với tình yêu thì rất khó nói trước điều gì ...

Sợ mình tay nắm, đường chung...
Lòng ai tan nát não nùng tiếng Ngâu.

Thì ra nàng né tránh, chạy trốn tình yêu chấp nhận hy sinh tình yêu ấy vì không muốn người khác phải đau khổ ...

Thật nhân hậu và bao dung đến nhường nào! Nhiều người cho rằng trong tình yêu luôn ích kỷ. Không có sự nhường nhịn, chia sẻ tình cảm như thế.

Thực tế, khi yêu chân thành, con người ta trở lên cao thượng. Giống như nhà thơ Puskin khi người yêu chia tay. Dù đau khổ nhưng ông vẫn :" Cầu mong cho em tìm được người tình như tôi đã yêu em !"

Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao hai câu thơ đầu tiên lại vừa như hỏi, vừa như lời khẳng định mà tôi chưa kịp hiểu khi mới đọc. “Chốn cũ” ấy chính là nơi tình yêu bắt đầu của nàng .

Cho dù tình yêu ấy chưa bao giờ mất đi, người yêu thương nàng vẫn chờ đợi : “Dẫu vầng trăng vẫn đợi chờ dòng sông” thì nàng vẫn quyết định không trở “về” nơi ấy.

Bởi nàng là một phụ nữ thông minh, nhạy cảm, nhân hậu, bao dung. Nàng đã trải qua những thăng trầm, cay đắng của cuộc đời nên nàng hiểu và không muốn người khác phải đau khổ như mình.

Nàng đã nhận những hy sinh thiệt thòi cho bản thân và nhường hạnh phúc cho người khác.Để rồi âm thầm gặm nhấm nỗi buồn không than vãn trách móc. Đúng là một người độ lượng, nhân hậu hiếm có!

Chẳng hiểu sao, tôi thấy nhân vật trong thơ nàng vừa đẹp, vừa buồn lại giầu đức hy sinh và đa đoan hệt như người phụ nữ trong thơ Đoàn Thị Tảo:

”Tình riêng bỏ chợ, tình người đa đoan”.

 

Cao Vân (Phương Vân Quỳnh)
Bình và giới thiệu

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: