1.Khái niệm về thơ lục bát :
Lục bát là thể thơ dân tộc mang đậm bản sắc và phong vị quê hương. Thơ lục bát rất dễ thuộc và dễ nhớ vì lời thơ giản dị, mộc mạc, có sự kết hợp giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ đời thường. Câu thơ đọc lên mà cứ ngỡ là câu hát hay một bản nhạc, vừa có vần vừa có điệu nghe rất thanh thoát và êm tai. Có nhiều câu lục bát đã đi vào lòng người như một lời ru:
Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương.
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.
(Ca dao)
Đó còn là hình ảnh của đôi thanh niên nam nữ trong buổi đầu làm quen:
Gặp đây mận mới hỏi đào,
Vườn hồng đã có ai vào hay chưa ?
Mận hỏi thì đào xin thưa,
Vườn hồng có lối nhưng chưa ai vào.
(Ca dao)
Ở đây, từng cặp câu 6/8 đã tạo nên sự hài hoà cân đối, uyển chuyển và mềm mại cùng với cách gieo vần 'đào – vào', 'thưa – chưa' mang lại cho người nghe cảm giác êm dịu, nhẹ nhàng. Chính điều này đã tạo ra sự khác biệt giữa thơ lục bát với thể thơ tự do, thơ ngũ ngôn, thơ thất ngôn …
Đề cập đến khái niệm thơ lục bát, có nhiều tác giả, xin trích dẫn một số khái niệm tiêu biểu sau đây:
Trong quyển 'Tìm hiểu thơ', Mã Giang Lân cho rằng: 'thơ lục bát là thể tổ hợp giữa câu sáu và câu tám. Số câu trong thơ lục bát không cố định, ít thì hai câu thành một cặp (thường gặp trong ca dao, tục ngữ) chủ yếu mỗi bài bốn câu và nhiều câu. Ở những bài thơ nhiều câu, cách phân chia khổ thơ cũng rất linh hoạt'
Theo ông, thơ lục bát có thể là hai câu, bốn câu hoặc nhiều câu.
Khi đề cập đến cấu trúc của thể loại lục bát, Mã Giang Lân nhấn mạnh đến yếu tố vần trong thơ lục bát: bao giờ cũng là vần bằng, tạo cho câu thơ có thế nhịp nhàng, uyển chuyển. Theo ông, cách gieo vần phổ biến nhất là: chữ thứ 6 câu lục vần với chữ thứ 6 câu bát và chữ thứ 8 câu bát vần với chữ thứ 6 câu lục kế tiếp:
1 2 3 4 5 6
1 2 3 4 5 6 7 8
1 2 3 4 5 6
1 2 3 4 5 6 7 8
Lối gieo vần này được thể hiện rõ nét trong những vần thơ lục bát trữ tình:
Chồng sang vợ được đi giày,
Vợ ngoan chồng được tối ngày cậy trông.
Trai khôn kén vợ chợ đông,
Gái khôn kén chồng giữa chốn ba quân.
(Ca dao)
Hay:
Nhà em cách một quả đồi,
Cách ba ngọn núi, cách đôi cánh rừng.
Nhà em xa cách quá chừng,
Em van anh đấy anh đừng thương em.
(Nguyễn Bính)
Vẫn là lối gieo vần quen thuộc nhưng đôi khi ta vẫn thấy một vài trường hợp ngoại lệ. Chẳng hạn như chữ thứ 6 ở câu lục vần với chữ thứ 4 của câu bát theo sơ đồ sau:
1 2 3 4 5 6
1 2 3 4 5 6 7 8
Ta bắt gặp trường hợp ngoại lệ này trong câu ví:
Núi cao chi lắm núi ơi,
Che khuất mặt trời chẳng thấy người thương.
(Ca dao)
Hay :
Thằng Tây mà cứ vẫn vơ,
Có hố này chờ chôn sống mày đây.
(Phá đường - Tố Hữu)
Vần trắc chỉ được xuất hiện ở một số bài ca dao nhưng không phổ biến bằng vần bằng:
Tò vò mà nuôi con nhện,
Ngày sau nó lớn, nó quện nhau đi'
(Ca dao)
Ông cho rằng, cách gieo vần ở câu 8 'tuy là thanh bằng cả nhưng không được trùng thanh mà phải là một thanh huyền, một thanh không. Nếu chữ thứ sáu là thanh huyền () thì chữ thứ tám phải là thanh không (0)'
Khi nói đến lục bát, có một yếu tố vô cùng quan trọng không thể bỏ qua, đó là cách ngắt nhịp. Nhờ vào lối ngắt nhịp mà câu thơ giàu cảm xúc, giàu tính nhạc hơn khi nó đến với người thưởng thức. Các tác giả Mã Giang Lân, Phương Lựu, Nguyễn Văn Hoàn đều cho rằng thơ lục bát theo cách ngắt nhịp sau:
1 2 / 3 4 / 5 6
1 2 / 3 4 / 5 6 / 7 8
Nhưng cũng có khi ngắt nhịp một, nhịp ba,… hoặc ngắt nhịp hỗn hợp cho thích hợp với giọng điệu bài thơ:
Cái gì như thể nhớ mong,
Nhớ nàng/ Không/ Quyết là không nhớ nàng.
(Người hàng xóm - Nguyễn Bính)
Anh đi đấy/ anh về đâu ?
Cánh buồm nâu/…cánh buồm nâu/… cánh buồm…
(Cánh buồm nâu - Nguyễn Bính)
Ở thơ lục bát còn có lối ngắt nhịp linh hoạt và rất đa dạng ở một số bài lục bát biến thể:
Một chờ hai đợi ba trông,
Bốn thương/ năm nhớ/ bảy tám chín mong/ mười tìm.
Hay:
Giàu thì thịt cá cơm canh,
Khó thì lưng rau đĩa muối/ cúng anh/ tôi đi lấy chồng
Hỡi anh chồng cũ tôi ơi !
Anh có khôn thiêng/ thì xin anh/ trở dậy/ ăn xôi nghe kèn !
Còn trong quyển 'Từ điển Thuật ngữ Văn học' thì định nghĩa về lục bát như sau: 'Lục bát là thể thơ câu trên sáu chữ, câu dưới tám chữ'. Riêng ở quyển 'Từ điển Văn học' , tác giả Phương Lựu lại khẳng định như sau: 'Đây là một thể thơ cách luật cổ điển thuần tuý Việt
Theo đó, Phương Lựu đã đề cập đến vần chân ở câu sáu và câu tám, vần lưng ở câu tám. Lối gieo vần này thường bắt gặp trong cao dao Việt
Đầu lòng hai ả tố nga,
Thuý Kiều là chị, em là Thuý Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Hay:
Rủ nhau lên núi đốt than,
Anh mang quang gánh, em mang nón Trình.
Củi than nhem nhuốc với tình,
Ghi lời vàng đá xin mình chớ quên.
(Ca dao)
Ông còn cho rằng: cách phối thanh trong thơ lục bát thường bắt buộc các tiếng thứ 4 là trắc, các tiếng thứ 2,6,8 phải là bằng. Nhưng trong câu 8 thì hai tiếng thứ 6 và thứ 8 phải khác dấu, nếu trước là dấu huyền thì sau đó phải là không dấu và ngược lại.
Thân em như củ ấu gai,
Ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen.
(Ca dao)
Hay:
Trải qua bao cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Có thể xem các ý kiến về thơ lục bát của Nguyễn Xuân Nam trong quyển 'Cơ sở lí luận văn học' như một định nghĩa ngắn gọn, dễ hiểu và đầy đủ 'Lục bát là thể thơ cứ một dòng sáu chữ tiếp đến một dòng tám chữ. Thơ dài bao nhiêu cũng được miễn là dừng lại ở dòng tám. Đó là thể thơ quen thuộc của dân tộc. Nhiều câu ca dao, nhiều truyện nôm dân gian, nhiều thơ văn yêu nước và cách mạng viết theo thể này'
Nhìn chung, những khái niệm về thơ lục bát trên đây đã phần nào giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn về thể thơ lục bát để từ đó góp phần nhận diện về lục bát một cách sâu sắc và rõ ràng hơn. (Còn tiếp)
Tăng Tấn Lộc