Thứ năm, 25/04/2024,


ĐỌC LỤC BÁT LÊ TIẾN VƯỢNG(Tập Lục bát phố, NXB Hội nhà văn, 2018) (18/07/2019) 

 

Tác giả: Lê Tiến Vượng


 Đọc nhanh tập thơ lục bát có trong tay, tôi nhận thấy điểm đáng chú ý/ đáng yêu nhất ở đây là chất trào lộng, nét tếu táo đậm chất dân gian rất Lê Tiến Vượng.

Chất trào lộng tếu táo thường cất cánh từ những điều mắt thấy tai nghe, từ sự thụ cảm/ chiếm lĩnh những diễn biến của cuộc sống nóng hổi thường ngày. Thơ Lê Tiến Vượng có thể nảy sinh từ một sự kiện, một bản tin thời sự nào đó. Có khi là từ một sự vật, một con/loại người, một đổi thay của thời tiết. Cũng có khi là từ một từ ngữ phản ánh một trạng thái tâm lý xã hội. Và, dù là từ/trong dạng thức gì, thì thơ Lê Tiến Vượng cũng là nét gạch nối cực nhanh từ năng lực quan sát, nắm bắt đến óc liên tưởng, xâu chuỗi vấn đề. Anh nhạy bén phát hiện những tương phản... là ưu thế của một nghệ sĩ tạo hình, và nói lên bằng lục bát. Chất thế sự nhiều khi cứ tươi rói trong thơ anh.

Trong bài “Hình như”, Lê Tiến Vượng rải ra một loạt đoán định vừa rất thực vừa rất buồn cười, vừa hiển nhiên vừa bất thường, kiểu “Cái giả giờ đã lên ngôi/ Để bao cô gái xăm môi, gọt cằm” để rồi đi đến cái kết đầy trăn trở “Bão về rồi bão sẽ tan/ Hình như đồ giả quanh làng… chửa đi”. Cái “giả” được liên tưởng như là “bão”, nhưng theo Lê Tiến Vượng thì có vẻ như “bão” này khó tan, nó cứ trơ trơ còn đó!

Nó khiến Lê Tiến Vượng nghĩ về thời thế: “Cái thời son phấn xôn xao/ Gặp em nhìn đến chỗ nào cũng nghi/ Làn môi, sống mũi, làn mi/ Nụ cười cô Tấm, dáng đi Thúy Kiều…” (Cái thời).

Chạnh suy tư vì cái giả, nhưng có lúc người thơ cũng “thể tất” cho cái giả ấy, vì nó …đẹp! Bởi cái đẹp có khi có thể mang sứ mệnh góp phần làm mờ, đẩy lùi cái ác. “Cái đẹp đâu phải đi tìm/ Zalo thì lắm, livestream cũng đầy/ Chẳng cần đi Mỹ, đi Tây/ Bao nhiêu em đẹp tung bay phố phường// Đời buồn, cái đẹp thêm hương/ Mặc cho đạo đức luân thường xót xa/ Này em! Cứ đẹp như hoa/ Cho bao nhiêu cái xấu xa thẹn thùng// Lỡ mai cái đẹp lâm chung/ Là khi cái ác xưng hùng, nghênh ngang” (Này em!).

Sống ở phố, nhìn dòng người quê lên phố ngổn ngang mưu sinh, anh suy tư “Phố phường ngày tháng thêm đông/ Làng quê hoang hoải cánh đồng gió mưa// Vầng trăng vẫn nửa đợi chờ/ Sau ô cửa hẹp giấc mơ đêm dài” (Phố phường). Cũng kiếp mưu sinh ấy, trong một góc nhìn khác: “Em tôi mê mải seo phì/ Chẳng hay để cái xuân thì trôi qua// …Bao người xác phố hồn quê/ Em tôi đắm một cơn mê… lỡ làng” (Em tôi). Với người thợ sửa xe: “Tàu xe như chiếc đèn cù/ Những khi thủng lốp ngã tư mà tìm/ Em ơi miếng vá thì chìm/ Phận nghèo thì nổi, con tim thì già” (Thợ sửa xe).

Có thể lẩy ra rất nhiều câu lục bát kiểu “lấm láp trang đời” (chữ của Nguyễn Duy) như thế trong tập sách của Lê Tiến Vượng. Tuy nhiên, cũng cần nói ngay rằng, cái tếu táo dễ làm người ta thích thú, nhưng luôn đi kèm mặt trái: dễ/mau quên. Có lẽ ai có ý thức đặt bút/bấm phím làm thơ lục bát đều hiểu lục bát dễ làm nhưng khó hay, Lê Tiến Vượng chắc cũng biết vậy. Và, anh chọn cách neo thơ lại với người đọc bằng những triết lý, chiêm nghiệm đầy bất ngờ.

Nhìn những đôi giày mới cũ của mình, sau bao nhiêu liệt kê, hồi tưởng, liên tưởng, nhà thơ suy nghiệm: “Đời như giày rởm, lắm khi/ Cho không ai lấy,/ đi thì,/ đau chân” (Vu vơ…giày). Hiểu trạng thái tâm lý mất thăng bằng của một số người về hưu, anh viết “Về hưu… tưởng”: “Về hưu giống hệt ông từ/ Lại mơ quyền trượng ông sư thuở nào// Bao năm lốt hổ… gầm… gào/ lắm đêm tỉnh giấc… thì thào… meo… meo”. Là một trong số ít bài hay nhất tập, bài “Thôi đừng trách mẹ nữa em” có cái kết thật đọng: “Thôi đừng trách mẹ em ơi/ Kẻo mai tiếng trách truyền đời sang con”. ... từ trường trong thơ Lê Tiến Vượng rất đặc biệt nó cuốn hút người đọc phải đi hết bài này sang bài khác cho đến khi gấp lại trang sách ta bỗng ngộ ra bao điều...

Thơ lục bát không là đặc quyền của riêng ai. Lục bát là thể thơ dân tộc. Và mỗi người viết lục bát, dấn thân vào lục bát chắc hẳn cũng mang theo nhiều hy vọng: hy vọng mình chạm được vào tâm trí người đọc, hy vọng lưu dấu trên dòng chảy mịt mùng của thi ca muôn thuở…

Biết đâu, khi đọc Lê Tiến Vượng, bạn sẽ vô tình lưu dấu lục bát của anh!

18.7.2019. 
Nguyễn Thanh Truyền 
Phó hiệu trưởng trường THCS Hoàng Xuân Hãn - Đức Thọ - Hà Tĩnh.




Tác phẩm của Lê Tiến Vượng


(Tôi chưa được gặp thầy giáo tài năng xứ Nghệ, Nguyễn Thanh Truyền, chỉ là vô tình thầy có được đọc tập "Lục bát phố" của tôi tặng một thầy giáo dạy vẽ bạn tôi ở huyện Đức Thọ mà thầy đã viết một lời bình ngắn gọn cô đọng những cảm xúc tươi mới ngay sau khi gấp lại trang thơ thật làm tôi xúc động lạ lùng... có lẽ thơ là tiếng lòng tri âm đi tìm tri kỷ, là cánh chim thao thiết gọi bày... những lời bình của thày vượt mọi quan hệ thông thường, nó là tiếng lòng đến với tấm lòng thi nhân... là người làm thơ không mong gì hơn thế khi được nghe tiếng chim phương xa thao thiết gọi tên mình... xin tỏ lòng ngưỡng mọi và biết ơn thầy Nguyễn Thanh Truyền rất nhiều)
Chân dung hoạ sĩ già nguyễn Minh Đạt ở Bắc Ninh vẽ tặng.



Tác giả: Lê Tiến Vượng.

 

 

                                                                                           Lục Bát Việt Nam

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Trịnh Toại - tvtoai@gmail.com - 0983325625 - 19/70/11 Đông Khê, Ngô Quyền, Hải Phòng  (Ngày 17/10/2020 13:10:15)

Khi đọc bài viết: "ĐỌC LỤC BÁT LÊ TIẾN VƯỢNG (Tập Lục bát phố, NXB Hội nhà văn, 2018) (18/07/2019) "...Chưa bàn về lời bình cảm nhận của tác giả bài viết...Trịnh Toại thấy, TBBT và các BTV cần thống nhất:

Bài viết phải có tác giả viết bài ngay ở tiêu đề (như đăng LBMN) và chỉ nên đăng khuôn khổ bài viết lời bình...còn lời cảm ơn của tác giả được viết cảm nhận chỉ chia sẻ ở phần sau bài viết (như TT tham gia đây); mặt khác ta đã thống nhất kiểu chữ Tohoma, cỡ chữ 10 (nếu thấy nhỏ tăng cỡ 11). Khi xem thực tế một số bài đăng dòng chữ nhỏ chữ to, thò ra thụt vào ko được đẹp mắt ...

Mấy lời chia sẻ mong BBT và ngay cả độc giả cũng cần tham gia để trang thơ Lục bát, đẹp cả về hình thức và nội dung; đồng thời, ai giới thiệu (đăng bài ở mục này) cũng cần ghi rõ Họ tên, chức danh BT để độc giả biết và tự chịu trách nhiệm với trang và Người sáng lập.

Xin trân trọng cám ơn !

Các bài khác: