Thứ tư, 24/04/2024,


Họa thơ Lục Bát (Phạm Văn Dương) (29/05/2019) 

HỌA THƠ LỤC BÁT

 

 

 

PHẠM VĂN DƯƠNG

 

Mọi người thường quen với họa thơ Đường luật, đó cũng là một nét độc đáo của thể thơ Đường luật. Có thể nói việc xướng họa thơ Đường luật là một thú chơi trí tuệ, tao nhã, nhất là khi có một nhóm nhà thơ tâm đầu ý hợp tập hợp cùng nhau xướng họa. Điển hình nhất là Hội Tao Đàn của vua Lê Thánh tông có “nhị thập bát tú” là 28 vị đại khoa tài giỏi đã họa các bài thơ do nhà vua xướng. Các bài họa nhất thiết phải cùng chủ đề, nội dung với bài xướng, thể hiện sự đồng cảm, có thể biểu lộ thái độ, suy nghĩ…theo các khía cạnh, mức độ… khác với tác giả bài xướng, hoặc phản bác lại thông điệp của bài xướng khi cùng bàn về vấn đề đó, và phải sử dụng đúng các từ vần của bài xướng. Nếu chỉ sử dụng vần mà khác nội dung thì không thể gọi là bài họa mà chỉ là bài mượn vần của bài ban đầu. Nếu bài họa có ít nhất 1 từ vần nào đó không đúng với từ vần của bài xướng gọi là “lỗi xuất vận”. Cùng chủ đề, cùng bàn về một vấn để nào đó, có thể dùng đầu đề khác nhau, cững có nhiều người lấy luôn đầu đề của bài xướng, gọi là “họa y đề”. Có một yêu cầu khắt khe là tuy bắt buộc bài họa sử dụng từ vần (từ thứ 7 trong các câu vần) đúng với bài xướng, nhưng từ thứ 6 trong câu đó lại phải khác nhau, nếu để trùng nhau gọi là phạm “lỗi khắc lục”. 
Các thể thơ khác cũng có việc xướng họa. Có những người viết những bài thơ đủ thể loại, kể cả thơ tự do, và nói rằng bài đó là họa một bài thơ khác, nhưng không làm rõ theo thể loại ấy thì những tiêu chí nào một “bài họa” phải có, những điểm chung gì phải có giữa “bài xướng” và “bài họa” v.v... Ở đây tôi bàn về việc họa thể thơ lục bát.
Cũng tương tự như họa thơ Đường luật, bài họa thơ lục bát nhất thiết phải cùng chủ đề, nội dung với bài xướng, thể hiện sự đồng cảm, có thể biểu lộ thái độ, suy nghĩ…theo các khía cạnh, mức độ… khác với tác giả bài xướng, hoặc phản bác lại thông điệp của bài xướng khi cùng bàn về vấn đề đó, và phải sử dụng đúng các từ vần của bài xướng. Không phải là mượn vần và cũng không được “xuất vận”, cũng phải tránh lỗi “khắc lục”. Đặc biệt trường hợp từ thứ 6 và thứ 7 trong câu vần của bài xướng là một từ kép thì đòi hỏi người họa phải rất sáng tạo, tìm ra các từ đơn hoặc các từ kép khác để chỉ đồng âm từ thứ 7. Trong thực tế có những từ kép làm từ vần rất khó tìm được từ nào khác để tránh lỗi khắc lục, gọi là “tử vận”, ví dụ từ “mênh mông”, “xạc xào”, “khẳng khiu”…. thì người họa hoặc là đành chịu lỗi khắc lục, hoặc phải dùng các từ đơn đồng âm, phải sáng tạo các từ mới hợp lý, có ý nghĩa, tránh gò ép…
Bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú thường có 5 từ vần (từ cuối các câu 1,2,4,6,8) hoặc có 4 từ vần (từ cuối các câu 2,4,6,8) nên người họa cũng chỉ phải sử dụng 4,5 từ vần của bài xướng và tránh từng ấy từ đê khỏi bị khắc lục. Còn thơ lục bát, từ vần là tất cả các từ thứ 6 và từ thứ 8 trong tất cả các câu. Cụ thể là cứ mỗi cặp “lục, bát” có 3 từ vần. Như vậy số lượng từ vần trong bài lục bát rất nhiều so với bài Đường luật, do đo việc tránh lỗi khắc lục (tức là không được dùng lại các từ thứ 5 và từ thứ 7 trong tất cả các câu của bài xướng) cũng đòi hỏi nhiều hơn. Tuy nhiên, vì thơ lục bát không khắt khe về thanh bằng trắc, về đối.... nên việc tráng lỗi khăc lục cũng thuận lợi hơn so với thơ Đường luật.
Vì bài thơ lục bát không ấn định số lượng câu (như thơ thất ngôn bát cú chỉ cố định có 8 câu) nên nói chung thường khá dài. Có nhiều người tưởng rằng làm thơ lục bát dễ vì nó là hơi thở của dân tộc, có khi nói đã thành thơ, nhưng họ không biết rằng làm thơ lục bát cho hay rất khó. Ngoài việc phải lập ý, cấu tứ, chọn từ... sao cho biểu đạt có nghệ thuật vấn đề cần nêu thì độ dài cũng là một vấn đề. Do đặc điểm thơ lục bát dùng nhiều thanh bằng nên bài lục bát dài rất dễ sinh nhàm chán, vòng vo. Tất nhiên tùy khối lượng nội dung cẩn chuyển tải, nhứng nhà thơ lớn làm thơ lục bát rất dài vẫn hay như Truyện Kiều của Nguyễn Du có đến 3254 câu, hoặc như Tố Hữu, Nguyễn Bính... có những bài thơ lục bát hàng trăm câu (Việt Bắc 150 câu, Lỡ bước sang ngang 106 câu...). Thông thường, người biết tiết chế làm 1 bài thơ lục bát khoảng dưới chục cặp 6,8 là vừa (đươi 29 câu). Ngay cả khi ấy, người họa cũng phải dùng đúng mấy chục từ vần và tránh từng ấy từ để khỏi bị “khắc lục”. Vì vậy, việc họa thơ lục bát không hề dễ dàng.

Dưới đây là một vài ví dụ họa thơ lục bát:
Ví dụ 1:

Bài xướng:

MỘT THOÁNG TÌNH


Tôi cùng người ấy xuống đò
Tự nhiên thôi có hẹn hò gì đâu
Mà sao cứ liếc trộm nhau
Mắt gập mắt vội ngoắt đầu nhìn sông
Người như ran cặp má hồng
Kẻ dửng dưng để giấu lòng ngần ngơ
Thoắt thôi đò đã cập bờ
Vớt nhìn nhau để thẫn thờ tiếc duyên .
10.5.2019.

PHẠM HẢI.

 

 

 

 

Bài họa:
CHUYẾN ĐÒ NGANG


Ngẫu nhiên cùng một con đò
Nào ai có hẹn có hò ai đâu.
Bất ngờ ánh mắt gặp nhau
Tự nhiên thèn thẹn cúi đầu ngó sông
Một người gò má ửng hồng
Người kia cố gắng nén lòng làm ngơ.
Đò sao lại sớm sang bờ
Đi rồi liệu có tôn thờ nhân duyên?

PHAM VĂN DƯƠNG.

Bài xướng này khá ngắn, chỉ có 4 cặp lục bát nhưng người họa cũng phải dùng đến 12 từ vần của bài xướng và tránh từng ấy từ để khỏi khắc lục, trong đó có những từ “tử vận” như “hẹn hò”, “ngẩn ngơ”, “thẫn thờ”, việc tìm từ không trùng không dễ dàng gì.

Ví dụ 2:


Bài xướng:
LỤC BÁT CAY CAY


Đời người nhấm nhẳng mà cay
Có yêu say đắm mới hay bão lòng...
Vừa qua một đoạn tang bồng
Giờ ngoảnh lại đã... lưu vong nụ cười
Nào chua, nào chát, ơi hời
Thôi thì nhào nặn thành người ta mơ
Dung nhan in dấu ngác ngơ
Đặt vào đâu cũng giống mờ mịt trôi
Tạ từ nhé, hỡi tơ trời
Ta ngồi gỡ hết đem phơi trên ngàn
Tơ này cũ, buộc mơ màng
Tơ này mới, trói lỡ làng, mong manh...
Tháng Ba ơi, Tháng Ba xanh
Bao lời âu yếm ru mình ta thôi....
Thương nhau nói ở vành môi
Ru tình khờ dại, ru đời cay cay...

 

THỦY HƯỚNG DƯƠNG


Bài họa:
VỊ TÌNH


Vị tình khi ngọt khi cay
Ngày mong đêm nhớ ai hay sóng lòng
Nếu như mây cũng phiêu bồng
Tiêu tan mộng ảo tiêu vong tiếng cười
Thèm nghe những tiếng ru hời
Khát khao nhip võng của người trong mơ
Nhớ nhau ra ngẩn vào ngơ
Bâng khuâng dõi bóng trăng mờ đang trôi
Tình bay theo ngọn gió trời
Khi đùa sóng biển khi phơi núi ngàn
Rượu chưa say đã mơ màng
Dáng hình thôn nữ trong làng mỏng manh
Bông hoa đỏ giữa vườn xanh
Ta dành để tặng riêng mình em thôi!
Bờ môi quyện chặt bờ môi
Nụ hôn ngọt lịm cho đời hết cay !

 

HOÀNG TẤN ĐẠT

 

Bài xướng này khá dài (8 cặp lục bát), như vậy người họa phải dùng đúng 24 từ vần của bài xướng và cũng phải tránh từng ấy từ đê khỏi mắc lỗi khác lục. Bài xướng cũng dùng nhiều “tử vận” như “tang bồng”, “lưu vong”, “ru hời”, người họa đã cố tìm các từ khác rất áng tạo, nhưng vẫn còn 1 từ “tử vận” là “mơ màng”, người họa cố tránh cũng được nhưng chấp nhận lỗi khắc lục để đỡ gò bó.



PHẠM VĂN DƯƠNG.

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - nguyenngochs20@gmail.com - 0377225720 - Hiệp Sơn,Kinh Môn, Hải Dương  (Ngày 01/06/2019 7:44:23)

BÀI HỌA
GIÁ MÀ NÊN DUYÊN

Gặp em trên một chuyến đò
Tình cờ nào có hẹn hò gì đâu
Hồn nhiên ánh mắt trao nhau
Rồi em e thẹn cúi đầu dòm sông

Thẹn thùng chi ửng má hồng
Anh như khờ dại trong lòng ngác ngơ
Mải mê đò đã tới bờ
Chim trời cá nước giá mà nên duyên

Xuân Ngọc

BỂ TÌNH
(BÀI HỌA)

Bể tình lắm ngọt nhiều cay
Có yêu thì nói cho đây bằng lòng
Kẻo mai hồn lạc phiêu bồng
Đừng như lữ khách diêu bông vọng cười

Tình đâu hờ hững, hợt hời
Mặn mà son sắt tình đời trong mơ
Nhớ nhau ra ngẩn vào ngơ
Đừng như gió thoảng trăng mờ mây trôi

Nhìn em “sắc nước gương trời”
Tình dào dạt sóng biển khơi gió ngàn
Tỉnh say trong lúc mơ màng
Em giăng tơ nhện tình càng mỏng manh

Má hồng ửng, mái tóc xanh
Hồn tôi mơ mộng dáng hình em thôi
Hút hồn má lúm nàn môi
Thương nhau đâu dám nói lời chua cay
Xuân Ngọc

Các bài khác: