Thứ sáu, 26/04/2024,


Tưởng nhớ nhà thơ Đinh Nam Khương tạ thế 26-9-2018 tại Hà Nội hưởng thọ 71 tuổi. (02/10/2018) 

  Nhà thơ Đinh Nam Khương quê quán Đục Khê, Mỹ Đức Thành Phố Hà Nội. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Anh Mất ngày 26-9-2018 (17-8 âm lịch) hưởng thọ 71 tuổi

 

 

Nhà thơ Đinh Nam Khương

 


         Lời tác giả trong tập thơ "57 lá bùa mê" được tuyển chọn trong 30 năm (1980-2009) "Tôi yêu thích và đắm mình trong thơ lục bát vì lục bát có nhiều khả năng hát lên và ngân nga trong lòng người đọc. Lục bát chính là nét đẹp văn hóa tâm hồn người Việt Nam, là bản sắc độc đáo của dân tộc Việt Nam. Người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn dùng lục bát để hát ru, ru con, ru em, và ru mình!...Vì thế lục bát luôn tồn tại trong sự kỳ diệu và vĩnh cửu của nó. Tôi vẫn như xưa, và sau này chắc vẫn như thế: Cứ lặng lẽ đi và hết mình dâng hiến! Lặng lẽ vượt qua thời gian! Lặng lẽ đến với bến bờ yêu mến của bạn đọc!..."

 Nhà thơ Đinh Nam Khương đã xuất bản các tập thơ "Lặng lẽ một dòng sông, Hóa đá trước heo may, Thơ tỉnh Đinh Nam Khương, Nén hương trên mộ người đàn bà, Phía sau những hạt cát, Đợi chờ gió và trăng, Đá vàng, Trên lối đi thời gian, Những viên sỏi thơ cực ngắ n" Riêng tập thơ Đinh Nam Khương  57 lá bùa mê viết theo thể Lục bát được tuyển chọn trong 30 năm (1980 - 2009)

- Giải A cuộc thi thơ 1981-1982 do báo Văn Nghệ - Hội nhà văn Việt Nam tổ chúc

- Giải B cuộc thi thơ lục bát 2002-2003 do báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức

- Tặng thưởng bài thơ hay nhất năm 1992 Văn nghệ Quân đội

-Tặng thưởng chùm thơ hay nhất tháng 7-2001 báo Văn Nghệ.

Để tưởng nhớ anh. Lục bát Việt Nam giới thiệu bài bình của Nhà thơ Đinh Nam Khương bài thơ "VIẾT CHO CON"

Thơ Bùi Nguyệt  


Tiếng con gọi mẹ trong đêm
Vòng tay ấm áp êm đềm: Mẹ ơi
Ngây thơ trong trẻo những lời
Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu

Bao mùa lá đã thay màu
Ôm con thổn thức nhịp cầu giấc mơ
Mẹ hòa nước mắt vào thơ
Khẽ ầu ơ... thả vần mờ đêm sương

Cuộc đời của mẹ tha hương
Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người
Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi
Kết thành cánh võng ru hời bóng con.,.

Bùi Nguyệt - Chemnitz,CHLB Đức
------
HÒA THƠ VÀO NƯỚC MẮT - LỜI BÌNH CỦA NHÀ THƠ ĐINH NAM KHƯƠNG

       Từ xưa tới nay, trên thi đàn thơ ca Việt Nam và thế giới, mỗi nhà thơ thường có một số bài thơ làm rung động trái tim người đọc và tỏa sáng tới mai sau. Hầu hêt những bài thơ ấy đều là những bài thơ viết về mẹ, về con nhất là những trường hợp xa cách, thương nhớ đến mòn mỏi! Vì những bài thơ ấy không phải viết ra bằng văn chương chữ nghĩa hào nhoáng; không phải viết ra bằng sự lạnh lùng của trí thông minh; mà nó được viết ra từ trái tim ấm nóng; nhớ thương khắc khoải. Được viết ra trong sự trào dâng cảm xúc từ tấm lòng nhân ái của người viết đối với mẹ hoặc con. Nó thường được thể hiện bằng ngôn ngữ mộc mạc và chân thành nhất máu thịt nhất. Không hề pha trộn một ít giả dối hoặc vỏ bọc của những ngôn từ sáo rỗng. Đó là những bài thơ thương thật! Nhớ mong thật! Sung sướng và khổ đau thật! ... Những bài thơ như thế; ngay từ trong cốt lõi của nó đã chứa đựng sự hấp dẫn và thuyết phục. Làm cho người đọc phải ứa lệ !... Bài thơ "Viết cho con" của nhà thơ Bùi Nguyệt người Việt Nam đang sinh sống ở Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng không ngoài trường hợp đó …

      Tác giả đã chọn thể thơ lục bát- một thể thơ truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam mang đậm bản sắc độc đáo của người Việt Nam,rất gần gũi với tâm hồn và hơi thở cuộc sống thường ngày của người Việt Nam để miêu tả tình cảm dạt dào của người mẹ đối với đứa con máu thịt của mình sau 25 năm xa cách. Tình cảm đó đã được kìm nén và cô đúc lại trong 12 câu thơ lục bát ngắn gọn với ngôn ngữ giản dị, trong sáng mà ta vừa tìm thấy trên đỉnh núi cao của văn chương chữ nghĩa chứ không phải là sự nôm na, dông dài. Nó luôn được hiện lên lấp lánh qua những hình tượng kỳ diệu của thi ca với những cảm xúc thẩm mĩ rất đẹp.
      Ở phương trời xa lạ, để mưu sinh, để chắp cánh cho con bay đến chân trời mơ ước, 25 năm xa cách, 25 năm "Lá đã thay màu" Không có đêm nào nhà thơ – người mẹ Bùi Nguyệt lại không nghe thấy tiếng con gọi:

"Ngây thơ trong trẻo những lời

Cứ văng vẳng mãi xa vời canh thâu"

25 năm nghe tiếng con gọi trong những đêm xa cách ấy; Bùi Nguyệt đã "Hòa nước mắt vào thơ" bên ngọn đèn cô đơn và trước những trang giấy trắng. Để tình cảm của chị bay lên trong sự thăng hoa cùng những vì sao xa xôi nơi phương trời thương nhớ... Cứ thế cảm xúc trong thơ luôn vận động và phát triển đến đỉnh cao trào dâng của tâm hồn .Đó chính là lúc bài thơ đã khép lại và mở ra những cửa sổ lớn của tâm trạng với 4 câu thơ tài hoa hé lộ tài năng và sức sáng tạo của người viết:

Cuộc đời của mẹ tha hương

Mưu sinh vất vả vấn vương kiếp người

Tóc xanh sương tuyết nhuộm rồi

Kết thành cánh võng ru hời bóng con.

        Hai câu thơ cuối cùng đó là sự xuất thần của ngòi bút, nó tỏa sáng và mang lại ý nghia cho toàn bài, nâng nghệ thuật của bài thơ lên một tầng cao mới . Hình tượng mái tóc xanh của mẹ sau 25 năm xa cách và nhớ thương con vô hạn giờ đã trở thành một mái tóc bạc. Mái tóc bạc ấy đã bện thành một cánh võng êm ái để ru bóng con. Vì thân xác của con còn cách mẹ một khoảng trời xa lắc.Lục bát là một thể thơ cũ kĩ đến cổ xưa nhưng dưới ngòi bút của Bùi Nguyệt đã trở nên mới mẻ và độc đáo một cách kì lạ.Tôi thực sự phải nghiêng mình trước hai câu thơ này của chị.

        Rất mong chị luôn mạnh khỏe và may may mắn ở phương trời xa lạ để luôn nhớ về tổ quốc Việt Nam thân yêu của chúng ta. Nơi có mái nhà bình yên của chị, nơi có những giọt máu đào ấm nóng đang nhớ về trái tim thổn thức của chị - một trái tim đa cảm và tràn đầy vẻ đẹp của tâm hồn thi ca Việt Nam.

Nhà thơ Đinh Nam Khương
Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam
-----

Theo nguồn TÁC PHẨM MỚI - Đăng ngày 21/ 9/ 2014
http://tacphammoi.net/hoa-tho-vao-nuoc-mat_n1234.aspx

 

                                                                                                 

 

 

 
----------------------------------------------------------------------------------------------------------

TỪ NHỮNG DẤU CHÂN NGƯỜI

 

Đinh Nam Khương

(Giải A cuộc thi thơ 1981-1982 Báo Văn nghệ)

 

Tháng mười khi lúa gặt xong

Còn trơ thân rạ với đồng đồng ơi !

Lúa đi – để lại tháng mười

Và cơn gió thổi rỗng trời ở trên!

Trời cao - bỗng vút cao thêm

Bâng khuâng!... Vì hẫng chân đêm mất rồi

Gặt rồi - còn gốc rạ thôi

Và bao nhiêu vết chân người mới nguyên

Giữa đồng tôi đứng lặng yên

Chân tôi chân rạ sát liền bên nhau

Nghe trong những vũng chân trâu

Tiếng chân con nhái đạp màu đất non

Biết rằng sự sống mãi còn

Bánh chưng vuông, bánh dầy tròn là đây

Cho dù bão tốc chân mây

Cũng không tốc nổi đường cày của tôi

Ngày mai từ dấu chân người

Màu xanh lên!...Với chân trời… mở ra!

 

LỜI BÌNH CỦA HOÀNG TẤN ĐẠT

         

              Đọc bài thơ “Từ những dấu chân người” của nhà thơ Đinh Nam Khương có lẽ ai cũng thấy – Anh sinh ra và lớn lên trên miền quê nông thôn Việt Nam, quanh năm lam lũ vất vả với ruộng đồng – có những trưa hè nắng gắt, có đêm gió bấc mưa phùn, có xốn xang mùa gặt, có đau thắt lúc lụt về, có não nề khi hạn đốt, có mùi bùn màu đất và cảnh tình rất thật của thôn quê

Bài thơ có những câu rất tài hoa:

Lúa đi để lại tháng mười

Và cơn gió thổi rỗng trời ở trên

*

Giữa đồng tôi đứng lặng yên

Chân tôi chân rạ sát liền bên nhau

           

           Ôi ! hồn nhiên và bình dị quá! Có gì lạ với người nông dân đâu? Nhưng chiều sâu nằm ở trong trí tuệ uyên thâm. Nhà thơ đã hóa thân vào hình ảnh người nông dân,với tâm trạng bâng khuâng, hẫng hụt, trống trãi, tê tái và rất xót xa nếu chúng ta liên tưởng đến phạm trù còn mất ! Người nông dân có khác chi Từ Hải chết đứng giữa đồng làng sau mùa gặt, trong không gian mênh mang, trống vắng, tĩnh lặng-tĩnh lặng đến ghê người. Đúng là

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

         

             Thật bất ngờ, trong cái không gian tĩnh lặng và trống trãi ấy,ta nghe thấy duy nhất một âm thanh rất gần là tiếng chân con nhái đạp bùn non, trong một vũng chân trâu.

Nghe trong những vũng chân trâu

Tiếng chân con nhái đạp màu đất non

          Đó chính là tiếng cựa của sự sống đang bắt đầu được hồi sinh hay cảnh tình của người nông dân muốn thoát khỏi cái không gian tù túng, bế tắc là HTX ở thời điểm lúc bấy giờ, giá trị một ngày công chưa đầy năm lạng thóc, nên “gặt rồi chỉ còn gốc rạ thôi”

          Đinh Nam Khương thật tinh tế và độc đáo, anh luôn có tài phát hiện ra những chi tiết rất nhỏ bè, nhưng lại có tầm khái quát những giá trị lớn lao. Hình ảnh con nhái đang chòi đạp dưới vũng chân trâu là điều sâu thẳm nhất gợi cho người đọc suy nghĩ, liên tưỡng đến những điều to tát. Cái âm thanh bé nhỏ ấy, ở đây, được xem là tiếng gọi hồn người nông dân đang như Từ Hải chết đứng kia, trở về với thực tại, nhận ra cái quy luật sinh tồn của càn khôn, vũ trụ:

Biết rằng sự sống mãi còn

Bánh chưng vuông bánh giày tròn là đây

               Thế đấy, ở điểm này – Người nông dân khác với Từ Hải, Từ Hải thì cô đơn, không còn sự sống, còn nông dân thì bất diệt, trường tồn bởi tình nghĩa sắt son, tâm hồn trong sáng. Họ keo sơn, gắn bó với ruộng đồng, chống chọi với phong ba, bão tố, thách thức cả mưa dầm, nắng lửa. Thành quả lao động hai sương một nắng của người nông dân không gì có thể vùi dập:

Cho dù bão tốc chân mây

Cũng không tốc nổi đường cày của tôi

               Nỗi ấm ức hòa trong mạch cảm xúc của nhà thơ cứ ào ào như thác đổ. Hàng loạt điệp từ, điệp ngữ kết thành gió thổi bùng ngọn lửa quyết tâm của người nông dân, như một tuyên ngôn hùng hồn đanh thép ! Từ đây, ta có thể liên tưởng tới con đường thơ gian nan, thầm lặng và kiêu hãnh của anh cũng không ai vùi dập được. Nhà thơ ẩn sĩ đầy khí phách này luôn ngang tàng trên “đường cày” của mình, mỉm cười, nhìn thẳng vào bão tố bất chấp mọi thời tiết!

              Hai câu cuối khép lại bài thơ,nhưng lại mở ra một chân trời mới, với cánh đồng mênh mông, vô tận một màu xanh. Màu xanh sự sống lại bắt đầu mọc lên từ mạ.

Ngày mai từ dấu chân người

Màu xanh lên!... với chân trời mở ra !

             Chính cánh cửa màu xanh tương lai ấy, đã phát sáng cả bài thơ và làm cho toàn bộ bài thơ phút chốc trở nên lung linh, ý nghĩa, với tầm tư tưởng lớn và giá trị thẫm mỹ cao.

             Sự quan sát tinh tế, tư duy độc đáo và trí tưởng tượng kỳ diệu đã gây bất ngờ cho người đọc, tô đậm tâm tư của người nông dân và mang đến cho chúng ta những khát vọng sống rất mãnh liệt, vượt qua mọi gian nan thử thách để vươn lên phía trước

                   Phải chăng - văn chương là ngọn bút thần kỳ của những tâm hồn thơ sâu sắc, nhạy cảm và bay bổng?

 

Nhà giáo: HOÀNG TẤN ĐẠT

(TP Vũng Tàu)

 

 
 
Lục bát Việt Nam

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: