Chủ nhật, 22/12/2024,


Dấu ấn riêng trong Lục bát Huy Trụ (03/07/2008) 

 

Thơ Huy Trụ đã để lại dấu ấn riêng trong lòng bạn đọc. Không phải chỉ đến khi anh là một trong hai nhà thơ đoạt giải cao nhất trong một cuộc thi rất độc đáo - cuộc thi “tuyền” thơ lục bát của Báo Giáo dục & Thời đại (1998), bạn đọc mới biết đến anh một cây thơ lục bát có hạng. Có thể nói trên “sân Thơ” thì Nguyễn Duy, Lê Đình Cánh, Huy Trụ là ba “cầu thủ” gốc Thanh Hóa chơi được ở vị trí... lục bát, nhưng mỗi người mỗi vẻ.

Trong một bài thơ viết hơn mười năm trước đó, Huy Trụ đã tâm sự với bạn thơ, những câu thơ được nhiều người nhớ:

Thơ là rượu của thế gian

Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau

Cho đời nhớ được một câu

Bạc đầu người viết, chắc đâu đã thành

(Gửi bạn làm thơ)

Trong “nghiệp” thơ của mình, Huy Trụ sớm nhận ra cái mối lương duyên với thể lục bát. Nó là tạng của anh, là tiếng lòng anh cất lên từ một tứ thơ chợt đến:

Lục bát này, lục bát ơi!

Nợ duyên chi để cả đời buộc nhau.

 (Tự bạch)

Anh sử dụng thể thơ này như một lời nói ngọt ngào, một cử chỉ âu yếm với người mình yêu thương nhất:

Anh như câu lục bồi hồi

Em như câu bát sinh sôi, mỡ màu...

 (Tự bạch)

“Thơ lục bát dễ làm mà khó hay, bởi lục bát phải xúc tích, hàm chứa ý nghĩa sâu xa, vần điệu nghiêm ngặt...”. Có người đã ví làm thơ lục bát như người hát chèo, rằng hát hay thì thật hay, nhưng hát dở thì dở thật! Nghe có gì mâu thuẫn, bởi nó là loại hình nghệ thuật, hay là hay, còn dở là dở rồi! Có điều cái ranh giới giữa hay và dở ở đây rất mong manh. Thơ lục bát Huy Trụ là lời tự sự, là nỗi niềm của anh, những suy nghĩ, những thông điệp nhà thơ muốn gửi đến người đọc. Thơ anh rủ rỉ, nhẩn nha những chiêm nghiệm, giãi bày với cuộc đời, bộc lộ tình cảm của nhà thơ trước cái thiện, cái ác, những rung động trước tình yêu thiên nhiên, con người... Ngôn ngữ thơ anh cũng dân dã, dễ đi vào lòng người. Những triết lý như những thông điệp anh gửi tới bạn đọc cũng hồn nhiên dễ đồng cảm. Chỉ một lần thấy thơ lục bát của anh thể hiện cái dữ dội, bạo liệt khi nói tới đời sông, đời người:

Sau bao chìm lấp, nổi nênh

Sóng xô bạc mặt, thác vênh lòng thuyền.

 (Miền riêng tôi)

Có lúc “kháy khía” kiểu: Chẳng cần ghế thấp, ghế cao, hay: Thì đừng mượn gió, bẻ măng hỡi người, và cũng chỉ đến thế! Thơ lục bát Huy Trụ thể hiện tính cách lặng lẽ và cả nghĩ của anh trước những trăn trở trong cuộc sống. Thơ anh thể hiện sự gắn bó sâu đằm với mảnh đất quê hương- một vùng đồng chiêm thất bát, nơi cơ cực nghề nông. Anh là một trong số hiếm hoi các nhà thơ đã dành những trang viết của mình cho nông dân và nông nghiệp.

Huy Trụ sinh ra bên sông Mã, “Cái làng Bồng Thượng của tôi. Nổi lên như tấm bia trời bên sông”. Bao mùa lũ, sông réo sôi dọc triền đê từ làng anh tới đền Hàn, qua Hàm Rồng, xuôi về biển. Bên kia con đường là cánh đồng, một đời đa mang của ông bà, cha mẹ, và những người thân:

Bão tây rồi đến bão đông.

Lụt rừng rồi lại lụt sông kéo về.

Bát cơm lua vội chái hè.

Vai người oằn nửa gốc tre nhái già.

Cánh đồng như một thung lũng, nước từ ba phía sườn núi đổ về, hiếm lắm mới có được một vụ mùa trời cho. Sống ở đấy con người phải gồng lên đánh vật với thiên nhiên, đồng ruộng:

Mùa đông ngậm lá trầu cay.

Mùa hè cởi áo vắt vai ra đồng.

 (Chuyện cây lúa)

Để có được bát cơm ăn thật không dễ! Có một kỷ niệm buồn của Huy Trụ: anh em làm giỗ mẹ đúng vào buổi “tháng ba ngày tám”:

Giữa ngày tiền hết, gạo đong

Con lên núi, cháu ra đồng bắt cua

Góp lo cái giỗ gọi là

Bát cơm canh với quả cà mặn trơ

Khói hương ấm lại bàn thờ

Họ hàng cùng đến qua loa miếng trầu.

 (Giỗ mẹ tháng ba)

Không ai chọn cho mình ngày mất để con cháu phải khó xử! Câu thơ của Huy Trụ một lần nữa đẩy cái nỗi đau của sự túng bấn, nghèo đói đến tột cùng:

Chúng con thầm ước như nhau

Giá mà mẹ mất đừng vào tháng ba...

Cũng dễ hiểu: gần chục năm đầu lăn lộn với đời lính, cái môi trường dễ bật lên nhiều tứ thơ, bài thơ... nhưng về “phương diện” lục bát chỉ thấy anh xuất hiện đôi ba bài, trong đó có những câu thơ đáng nhớ: Trăm nghìn người lính xa quê. Yêu chung một mảnh trăng thề đầu non (Tình yêu người lính). Hình như thơ lục bát là dành cho sự chiêm nghiệm từ những nếm trải cuộc đời? Năm dạy lớn, tháng dạy khôn, những tâm sự về tình yêu, tình vợ chồng, tình cha con.

Anh tâm sự với con trai mình những lời nhỏ nhẹ mà thẳm sâu:

Đừng là gió, chẳng là mây

Không làm tầm gửi, buông dây sống nhờ.

 (Với con trai)

Tỉnh táo trước sự cám dỗ: Miếng ngon ngọt, hãy dè chừng mồi câu!

Nhưng như lời nhà thơ giãi bày: Đi cùng trời đất núi non. Câu thơ chắt tự đồng chiêm tặng người (Đồng chiêm), ngoài những bài thơ anh viết về quê hương, về cha mẹ, gia đình, thơ lục bát Huy Trụ còn một mảng lớn về đề tài mùa xuân, về tình vợ chồng, tình yêu... đẹp như ca dao.

Mùa xuân luôn hiện diện trong thơ anh, là dịp nhà thơ cảm thán, giãi bày những dăng mắc, những thổn thức về tình yêu, về cuộc đời, và ngược lại.

Nỗi buồn sinh được thi nhân

Tình yêu sinh được sắc xuân bốn mùa.

 (Nghĩa xuân)

Những cảm xúc về tình yêu với nhiều cung bậc: Ngọt ngào và cay đắng, hy vọng và mất mát, tin tưởng và nghi kỵ... Có bao nhiêu trạng thái của tình yêu mà từ đó con người trở nên hạnh phúc hay đau khổ. Nó tạo nên chất men say trong sáng tạo thi ca. Thơ lục bát với sự uyển chuyển mềm mại, chuyển tải được cái man mác, bâng khuâng, nhớ nhung, hờn giận, trách móc... là những đặc trưng của tình yêu. Mỗi mùa xuân đến trong anh lại rạo rực những nốt nhạc tình yêu, những khao khát mong chờ. Một loạt các bài thơ: Tìm xuân, Chút xuân, Tơ xuân, Nghĩa xuân, Giọt rượu đêm xuân. Khúc xuân Thị Mầu... có thể thấy Huy Trụ cảm khái, tơ vương với mùa xuân thế nào. Anh coi tình yêu như bầu rượu thiên nhiên được người yêu tặng cho mình:

Đắng cay ta uống một đời

Cay rồi thấy ngọt, ngọt rồi thấy cay

 (Bầu rượu thiên nhiên)

Có ai đó đã nói:“Tình yêu không thể không buồn bao giờ cả, nhưng như thế còn hơn buồn mà không yêu”. Tình yêu có quy luật, có khả năng “tự thân vận động”:

Em đừng sập cửa, chiều buông

Tình yêu biết tự khơi nguồn đắm say

Nhiều lúc anh cũng day dứt, tự dày vò:

Tại trời bắt phải làm thơ

Bắt yêu cả mối tình hờ trong em

nhau lửa đã lên đèn

Hoài công ngọn gió nhóm lên một mình

 (Gửi người dưng)

và cũng tự bảo vệ, tự thanh minh cho “nỗi oan” của cái vu vơ, cái “vô thưởng vô phạt”:

Em đừng trách cứ chi anh

Nhiều khi mê đắm một cành phong lan

Rồi yêu giọt nắng sắp tàn

Rồi thương ngọn gió lang thang cuối chiều

 (Gieo và gặt)

Đến thế thì ai còn nỡ nặng nhẹ với người thơ! Không thể không đọng lòng trắc ẩn trước nỗi lòng anh:

Gặp sông chẳng muốn gọi đò

Sợ con sóng vỗ, ngẩn ngơ lòng mình

hay nỗi niềm:

Tôi về gõ cái long đong

Sắm con thuyền vượt bến sông đợi người.

Một số nhà thơ gần đây có khuynh hướng đưa vào thơ lục bát cách nói tự nhiên đời thường, pha chút bỡn cợt, bông phèng... hay tế nhị đem đến người đọc cái “cười mỉm”. Huy Trụ vẫn giữ sự chừng mực với một thể thơ truyền thống. Ngay cả trong bài thơ Khúc xuân Thị Mầu - một đề tài dễ đưa ngòi bút của người viết tung tẩy, đem cái lẳng lơ của cô ra giễu cợt...  thì thơ Huy Trụ là lời sẻ chia, bênh vực:

Ối người ăn chả, ăn nem

Phận Mầu ăn quả táo mềm trời cho

Dĩ nhiên, thơ lục bát Huy Trụ cũng không tránh khỏi sự đơn điệu, dễ lặp lại mình cả ý và lời. Anh ít phá thể và cũng vì vần điệu của thể lục bát mà đôi bài tứ thơ không rõ ràng, thiếu chặt chẽ trong bố cục, đôi lúc không làm chủ được mạch thơ...

Người viết những dòng này cũng là một bạn đọc, nhưng gần và hiểu anh mà lẩy ra những điều tâm đắc. Nếu nói thơ là thú chơi tao nhã thì với tập Thơ lục bát Huy Trụ - nhà thơ đang dẫn ta vào cuộc chơi để cùng vui buồn, cảm thông, chia sẻ...

 

(Theo tác giả TRỊNH NGỌC DỰ)


 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: