Chủ nhật, 24/11/2024,


Em còn nhớ đến thu xưa (Vương Bảo) (12/09/2017) 

 VÀO THU


Đường đi lá úa rụng đầy
Tiếng ve đọng dưới hàng cây tan rối
Thẫn thờ nhìn lá vàng rơi
Lơ thơ cúc nở đón trời vào thu


Buồn trông sen nở trong hồ
Héo hoa gương lép xác xơ lá tàn
Trời thăm thẳm nước mênh mang
Chơi vơi nỗi nhớ mơ màng bóng ai


Gió lan theo tiếng thở dài
Bâng khuâng nuối tiếc một thời xa xăm
Tình ta như ánh trăng rằm
Xốn xang Thỏ Ngọc tung tăng Cuội già


Nụ cười tia chớp loé qua
Nửa phần thế kỷ ngỡ là chiêm bao
Có gì giữ lại mà trao
Lời thề son sắt thuở nào gió đưa


Em còn nhớ đến thu xưa
Hây hây gió thổi lững lờ mây bay
Nồng nàn tay nắm bàn tay
Mặc cho thảo mộc đang thay lá vàng


Nỗi buồn từng sợi ai đan
Để cho tấm áo thời gian bạc màu
Có gì giữ được trong nhau
Chút hương vị mối tình đầu vào thu.


Hoàng Tấn Đạt

 


 

Mùa thu đến, mỗi người một tâm tưởng. Với Thái Can: “Ta về nhặt lấy hoa thu rụng/ Đặng giữ bên lòng nỗi nhớ thương” (Chiều thu). Còn Chế Lan Viên: “Chao ôi! Thu đã tới rồi sao/ Thu trước vừa qua mới độ nào” (Thu).
Nhưng “Vào thu” của Hoàng Tấn Đạt thì diễn tiến ra sao? Ta hãy cùng thưởng lãm.
Mở đầu của thi phẩm là hai cặp lục bát:


Đường đi lá úa rụng đầy
Tiếng ve đọng dưới hàng cây tan rối
Thẫn thờ nhìn lá vàng rơi
Lơ thơ cúc nở đón trời vào thu


Mùa hạ vừa qua, mùa thu chợt đến. Hình ảnh “lá úa rụng đầy” “Tiếng ve đọng... tan rồi”, Tiếng ve “đọng” để “tan”.Đó là nghệ thuật chuyển dịch từ trừu tương từ thành cụ thể từ. Tiếng ve chỉ là âm thanh nhưng tác giả lại cô đặc thành viên thành khối. Chất thơ là ở chỗ này đây! Mùa thu đến nhưng Nàng Thơ lại “Thẫn thờ” như vừa bị mất đi một nỗi niềm lưu luyến. Đó là nhớ nhung cái thuở lá xanh. Cảnh cũng lây buồn.Hoa cúc là bạn của mùa thu mà còn lơ thơ không rộ nở.Bởi lẽ hoa cúc vẫn đầy ham muốn cho nên từ bỏ mùa xuân về với mùa thu “Vì chưng tham chút nhuỵ vàng/ Cho nên cúc mới muộn màng sang thu”.
Hờ hững với mùa thu, mạch thơ lại dâng tràn:


Buồn trông sen nở trong hồ
Héo hoa gương lép xác xơ lá tàn
Trời thăm thẳm nước mênh mang
Chơi vơi nỗi nhớ mơ màng bóng ai


Đâu còn tiếng cuốc gọi hè, đâu còn tiếng ve chào hạ.Sen nở trong hồ tàn tạ mất đi sự sống chỉ còn “gương lép”, chẳng còn phổng phao. Cái còn lại khi thu đến lại là”Trời thăm thẳm” sâu chót vót chẳng thấy tận cùng, “Nước mênh mang” rộng rãi đến hoang sơ. Mới vào thu mà cảnh đã đơn côi khiến lòng ta “Chơi vơi nỗi nhớ”. Nỗi nhớ cứ thăng trầm khó mà định lập.Nhớ ai? Ai mà biết được nỗi lòng sâu thẳm! Cuộc giao mùa của đất trời đã có sức đổi thay kì diệu, đã gõ cửa trái tim để ta bừng tỉnh.
Thời gian qua đi còn bao điều ở lại:


Gió lan theo tiếng thở dài
Bâng khuâng nuối tiếc một thời xa xăm
Tình ta như ánh trăng rằm
Xốn xang Thỏ Ngọc tung tăng Cuội già
Nụ cười tia chớp loé qua
Nửa phần thế kỷ ngỡ là chiêm bao


“Tiếng thở dài” lan theo gió. Đó là tiếng lòng ta tự hỏi mình: buồn hay vui? Chắc rằng không vui. Nếu vui thì không còn tiếng thở dài. Vui thì lòng ta phải rộn ràng như mở hội, lòng ta phải hồi hộp ngóng chờ.”Tiếng thở dài” toả vào không gian , chảy theo thời gian,Trái tim hồng rộn lên nỗi nhớ.Nhớ xa xăm về một thời đã qua, thời đó lâu lắm. Có thể đó là thời cắp sách đến trường ngày đầu khai giảng” Tuổi mười lăm gấp sách lại, đứng nghe/ Lòng mới nở giữa tay đời ấm áp” (Tựu trường- Huy Cận). Có thể đó là thời thả diều, câu cá chạy dọc theo con đê bên dòng sông lộng gió... và rõ nhất một mình với một bóng hồng trong sáng như ánh trăng rằm. Niềm vui “thời xa xăm” tác giả đã khéo ví von so sánh như “Thỏ Ngọc”, “Cuội già” ở mái cung trăng. Thỏ Ngọc đã một thời nguy cấp ở cõi trần được Tiên cứu giúp mang về ở với chị Hằng.Còn Cuội già vì tiếc cây quý hiếm đã bay về mặt trăng nơi gần đất mẹ để những hôm trăng sáng tự tình với người thương nơi hạ giới. Nghĩ đến quá khứ niềm vui chợt đén chỉ như “tia chớp loé qua”. Tia chớp vụt tắt để thời gian trôi nhanh như “vó câu qua cửa sổ”. Thấm thoát đã “Nửa phần thế kỷ ngỡ là chiêm bao”.Chỉ một “nụ cười” đã thắp sáng cả khổ thơ,nhưng lại vụt tắt đi vì thực tại chỉ là “ nuối tiếc”.
Nàng Thơ ơi! Anh đã nuối tiếc những gì?


Có gì giữ lại mà trao
Lời thề son sắt thuở nào gió đưa
Em còn nhớ đến thu xưa
Hây hây gió thổi lững lờ mây bay
Nồng nàn tay nắm bàn tay
Mặc cho thảo mộc đang thay lá vàng


“Lời thề son sắt” ngày nào không còn nữa . Anh đã gửi tất cả lòng tin vào đó. Tưởng rằng lời thề là máu thịt là một phần của trái tim hồng, lời thề là mũi tên vàng khi đã buông đi thì găm vào lòng”người ấy” sao mà gỡ ra được. Nó thiêng liêng như đạo bùa “Úm-Ma –Ni –Bát- Mê –Hồng” dán trên Ngũ Hành Sơn để giam Tề Thiên Đại Thánh.Nào ngờ lời thề chỉ là một áng phù vân qua vùng trời để gieo hy vọng hão huyền. Chỉ mới “Vào thu” với nhau mà chẳng còn gì để nhớ (Mặc dù với nhau có bao điều để nhớ). Thu xưa thì “Hây hây gió thổi lững lờ mây bay” Ấy là cảnh đẹp, cảnh sẽ sinh tình.Tình ta đẹp thì cảnh cũng theo chiều mà dìu dặt theo ta.Gió không mạnh chỉ thoảng qua một chút.Mây không hối hả chỉ nhè nhẹ chuyển dời.
Thế rồi “Nồng nàn tay nắm bàn tay/ Mặc cho thảo mộc đang thay lá vàng”. Hình ảnh “tay nắm bàn tay” là hình ảnh đẹp của cuộc tình đang kì say đắm, đang cùng nhịp bước đễn chân trời rực rỡ bình minh. Cuộc tình đó vượt qua tất cả cho dù cảnh vật có thay hình đổi dạng.Từ “thảo mộc” trong câu thơ “Mặc cho thảo mộc đang thay lá vàng” làm cho ý thơ trang trọng hẳn lên vì tác giả dùng từ Việt gốc Hán”thảo mộc” mà không dùng “cỏ cây”.Đó cũng là cách làm cho Tiếng Việt phong phú và trong sáng lên.
Thời gian lại sẻ chia:


Nỗi buồn từng sợi ai đan
Để cho tấm áo thời gian bạc màu
Có gì giữ được trong nhau
Chút hương vị mối tình đầu vào thu


Vẫn bằng nghệ thuật chuyển dịch để suy tưởng “nỗi buồn” là trạng thái của con tim. Nhưng “nỗi buồn” không còn là hư ảo mà đã cụ thể thành cuộn , thành khối để trái tim đa cảm kéo thành sợi , chuốt thành dây. Đó là sợi tơ lòng của con người yêu mến con người.Từng sợi buồn cứ rút ra mãi, cứ đan hoài không phải vài tháng như Nàng Bân đan áo cho chồng gửi ra ngoài biên ải.Mà đan mãi đan hoài đến độ màu tím của thời gia phải bạc màu “Tấm áo thời gian” đã mặc nửa phần thế kỉ . Thế mà trong nhau có gì giữ được.Cũng như mùa thu đến chẳng giữ những gì của mùa hè. Hoa sen chẳng ở lại với mùa thu.Tiếng ve đã tan vào cây cỏ.Tất cả chỉ là một chút hương vị để vào thu. Biết rằng có ở được với thu ?


“Vào thu” của tác giả Hoàng Tấn Đạt là bài thơ chứa chan tình cảm.Chỉ một chút thu mà cõi lòng đã mở. Chỉ một phép suy tưởng mà mạch thơ cuồn cuộn. Phép chuyển dịch nghĩa của từ đã làm cho tình tưởng thoảng thoảng Hoa Lan, nhưng lại đậm đà Hoa Sữa.Những cặp lục bát chảy trôi luôn níu vịn vào nhau để dòng sông chẳng bao giờ còn uốn khúc.Dẫu biết rằng cõi đời này niềm vui là tràn ngập. Song vẫn có những nỗi buồn se sắt. “Vào thu” đã nêu được mặt trái của niềm vui để lòng ta hồi tưởng.Xuyên suốt bài thơ chỉ có hai lần nhắc đến “buồn”.Nhưng ta vẫn thấy lòng mình trống trải vì cảnh vật vì nỗi nhớ đã trào dâng.



Vương Bảo (Hải Phòng)
ĐT: 0932.297.399

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Tran Can - tranvietcan@gmal.com - 0936509345 - 5/339 Trần Đại Nghĩa Trương Định HBT  (Ngày 30/07/2018 18:56:52)

Bài thơ đã rất hay lại được lời bình của Vương Bao rất ý nhi,sâu sắc. Bài thơ là nỗi lòng tâm sự của rất nhiều người Cảm ơn hai ông đã cho tôi nhớ lại hai câu thơ của ai đó : Những lúc buồn lại thấy vui vui. những lúc vui sa lại thấy ngùi ngùi...

  Hồ Đình Bắc - hodinhbac@gmail.com - 0912280375 - 2B/23 phố Lê Chân, phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương  (Ngày 14/09/2017 9:13:06)

Đọc bài thơ "Vào Thu" của tác giả Hoàng Tấn Đạt Thành phố Vũng Tàu, một nỗi buồn man mát lại về với tôi trong suốt 5 năm tôi ở trong đó. Không một giọt nắng thu sắc vàng trên ngõ, không ngọn gió heo may se lạnh cuối chiều. "Em còn nhớ đến thu xưa/Hây hây gió thổi lững lờ mây bay" Chỉ có ở miền Bắc mới có cái cảm giác hây hây gió thổi lững lờ mây bay dưới chiều thu mới chớm về.
Đường đi lá úa rụng đầy
Tiếng ve đọng dưới hàng cây tan rồi
Thẫn thờ nhìn lá vàng rơi
Lơ thơ cúc nở đón trời vào thu
Thu Hải Dương cũng ngọt ngào với hàng cây trên phố Bạch Đằng thu về cũng đầy vàng lá úa, tiếng ve râm ran không còn, để lại cho mùa thu hàng cúc vàng trên dải phân cách rực rỡ đón thu về.
Bài thơ được Nhà giáo Vương Bảo Hải Phòng chắp cánh cho bay xa bay cao, bạn bè của anh Hoàng Tấn Đạt tận trời Tây khi đọc cũng ngập tràn tình yêu với mùa thu Việt Nam khi tha phương đằng đẵng nhớ về quê cũ. Thu về cảm giác nối tiếc một điều gì đấy mà không nói lên lời. Bởi cái mùa thu là mùa cận kề để tháng ngày qua đi rất nhanh kết thúc một năm, cũng là thời gian cận kề của một đời người sắp trở về viên mãn. Hoàng Tấn Đạt đã hiểu và cảm nhận điều đó nên anh trăn trở: "Gió lan theo tiếng thở dài
Bâng khuâng nuối tiếc một thời xa xăm" anh ví như Thỏ Ngọc tung tăng với cuội già, nhưng rồi chỉ: Nụ cười tia chớp loé qua/
Nửa phần thế kỷ ngỡ là chiêm bao" thế đấy là thoáng một thời thu qua cũng thoáng thời gian đã mất như tia chớp lóe qua rồi vụt mất.
Nỗi buồn từng sợi ai đan
Để cho tấm áo thời gian bạc màu
Có gì giữ được trong nhau
Chút hương vị mối tình đầu vào thu
Bốn câu kết thật mượt mà ai đọc cũng cảm giác như tác giả viết về mình, viết cho mình một mùa thu buồn man mát nó cứ đan vào nhau, nối với nhau bao nhiêu nỗi buồn mà ngồi liên tưởng những gì đã cho nhau, giữ được trong nhau chỉ một chút thôi, chút hương vị tình đầu.

Cảm ơn nhà thơ Hoàng Tấn Đạt và Nhà giáo Vương Bảo đã cho tôi đọc và cảm nhận một bài thơ rất hay về mùa thu.

Các bài khác: