Thứ năm, 21/11/2024,


“Tháng bảy” cùng Nguyễn Ngọc Hưng “Nghiêng tai”… (03/08/2017) 


 

NGHIÊNG TAI THÁNG BẢY




Tôi nằm nghe tháng Bảy đi
Bước rưng rức đỏ bước rì rì xanh
Đàn ve bỏ lá xa cành
Trốn vào đâu để vắng tanh ngõ nhà.

Tôi nằm nghe tháng Bảy ca
Bãi gần cu gáy đồng xa cu gù
Chiều vương vất bóng sương mù
Sang đêm đã thấy phập phù heo may.

 

Tôi nằm nghe tháng Bảy say
Người sanh sử nọ kẻ bày đặt kia
Vàng tăm rượu trắng bọt bia
Khuất mày khuất mặt ai chia giọt nào.

 

Tôi nằm nghe tháng Bảy chao
Va đầu đụng óc nổ sao nhân tình
Tin sao nổi nước thanh bình
Biên cương hải đảo rập rình bão giông.

 

Tôi nằm nghe tháng Bảy... Không!
Tại sao có tiếng Lạc Hồng kêu thương?
Nhỡ như sai hướng lạc đường
Sử xanh còn đó, mở chương... Diên Hồng!

 

Nguyễn Ngọc Hưng.
(Trích Chùm thơ dự thi TQVĐP số 193 (05/07/2017))



“THÁNG BẢY” CÙNG NGUYỄN NGỌC HƯNG “NGHIÊNG TAI”...

 

   Không còn khả năng giao tiếp với thế giới khách quan bằng mắt, bằng tiếp xúc với đồng loại. Cứ mỗi tháng Bảy về - tháng của mưa gió sụt sùi, tháng của tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống vì tự do của đất nước, nhà thơ Nguyễn Ngọc Hưng chỉ biết nghiêng tai nằm nghe dòng đời đang cuộn chảy ở ngoài kia với bao nỗi băn khoăn suy tư và dày vò cảm xúc, dày vò thể xác.

   Đầu tiên anh nằm nghe tháng Bảy đi,cái nghe của Nguyễn Ngọc Hưng ở đây không đơn giản là cái nghe của thính giác mà còn là cái nghe của con tim, của tâm hồn và đặc biệt bằng trí tưởng tượng mà như nhà thơ Thái Thăng Long đã nói trí tưởng tượng của nhà thơ đã giống như sự vô biên của vũ trụ:

 

“Tôi nằm nghe tháng Bảy đi
Bước rưng rức đỏ bước rì rì xanh
Đàn ve bỏ lá xa cành
Trốn vào đâu để vắng tanh ngõ nhà.”

 

    Sao cái bước đi của tháng Bảy lại “rưng rức đỏ” và lại “rì rì xanh”. Màu đỏ là màu của máu. Để bảo vệ được độc lập tự do cho đất nước này biết bao nhiêu máu của ngàn đời nay đã thắm đỏ vì thế màu của đất nước theo nhà thơ đã được nhuộm bằng màu đỏ của máu. Cái màu đỏ máu cứ rưng rức trong trái tim trong tâm khảm của những người con đất Việt. Và sao lại “rì rì xanh”? Màu xanh là màu của cỏ. Dưới thảm cỏ xanh rì rì bạt ngàn biết bao nhiêu hài cốt của cha ông, của các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống, đang bị vùi lấp mà không một hàng mộ chí, không một tuổi tên được ghi dấu. Khi viết về những ngôi Mộ gió, nhà thơ cũng đã có một câu thơ rất hình tượng:


“Nhẹ bàn chân
Khẽ bàn tay
Anh linh lớp lớp dăng dày nước non”.


  Sau những liên tưởng đầy ma lực ấy là một vùng chết không còn âm thanh nữa dù đó là một tiếng ve buồn cũng đã bỏ lá xa cành và xa cả nhà thơ của chúng ta...

  Cứ thế nghe tháng Bảy đi và giờ lại Nghe tháng Bảy ca:

 

“Tôi nằm nghe tháng Bảy ca
Bãi gần cu gáy đồng xa cu gù
Chiều vương vất bóng sương mù
Sang đêm đã thấy phập phù heo may.”

 

   Nhưng không phải là những ca khúc khải hoàn, ca khúc bi tráng mà chỉ âm thanh bồi hồi thổn thức của tiếng con chim cu ở bãi gần, đồng xa nghe buồn buồn da diết. Nghe một không gian đang chuyển mùa, nghe sương mù đang giăng mắc, nghe heo may lạnh lẽo đang ùa về như Đại thi hào Nguyễn Du đã từng viết: “Buốt xương khô lạnh toát hơi may” phủ liệm những linh hồn. Ở đây Nguyễn Ngọc Hưng cũng đang nghĩ về cái rét mướt giá băng của những linh hồn như đang phập phù trong heo may lạnh lẽo.

 

“Tôi nằm nghe tháng Bảy say
Người sanh sử nọ kẻ bày đặt kia
Vàng tăm rượu trắng bọt bia
Khuất mày khuất mặt ai chia giọt nào.”

 

   Cái âm thanh mà nhà thơ nghe được cứ tăng dần theo cung bậc cảm xúc. Giờ thì nhà thơ nghe tháng Bảy đang say. Nhưng đây không phải là cái ngất ngây say của lòng người, của sông núi reo ca mà là cái say của dục vọng cái say của trụy lạc của những kẻ lắm bạc nhiều tiền cướp được của dân. Chúng rượu chè chia chác với nhau những ly, những cốc mà không hề biết san sẻ cho ai một giọt nào. Lòng tham vô độ đã vùi lấp nhân tính của chúng. Chính vì thế nhà thơ một lần nữa phải nghiêng tai để lắng nghe:

 

“Tôi nằm nghe tháng Bảy chao
Va đầu đụng óc nổ sao nhân tình
Tin sao nổi nước thanh bình
Biên cương hải đảo rập rình bão giông.”

 

    Biên độ của sự nghe cứ tăng dần. Trên một đất nước của tham nhũng và bao nhiêu điều bức xúc cứ hàng ngày diễn ra làm cho những cái đầu, những con tim của những con người, những nhà thơ tâm huyết với non sông đất nước như đang muốn vỡ ra. Đụng vào đâu cũng gặp những tang thương dâu bể. Không thể tin một đất nước đang thanh bình khi kẻ thù đang âm mưu rình rập đang gây bão giông nơi biên giới hải đảo.

   Nhà thơ đau xót vì cái âm thanh của tháng Bảy giờ chỉ là một con số 0. Có phải bình luận gì thêm nữa? Nhà thơ của chúng ta đã viết ra rồi. Hãy biết lắng nghe và hướng đến lòng dân. Dân tộc này, đất nước này theo nhà thơ cần phải có một HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG để phục hưng Tổ quốc:

 

“Tôi nằm nghe tháng Bảy... Không!
Tại sao có tiếng Lạc Hồng kêu thương?
Nhỡ như sai hướng lạc đường
Sử xanh còn đó, mở chương... Diên Hồng!”

 

    Bài thơ NGHIÊNG TAI THÁNG BẢY đã đánh thức trong tôi và tin chắc trong các bạn nữa bao nghĩ suy và trách nhiệm công dân. Phải làm gì đây khi mỗi tháng Bảy về để cho sự hy sinh của bao thế hệ anh hùng liệt sỹ trải qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước không trở nên vô nghĩa! ./.

 

Bắc Ninh 22/07/2017
Nguyễn Xuân Dương.

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Ngọc Hưng  - nguyenngochung204@gmail.com  - 0255.3861.312 - Đội 10, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi  (Ngày 04/08/2017 18:00:09)

CHÂN THÀNH CÁM ƠN ANH NGUYỄN XUÂN DƯƠNG ĐÃ ĐỒNG CẢM SÂU SẮC CÙNG BÀI THƠ "NGHIÊNG TAI THÁNG BẢY" CỦA NNH!

CHÂN THÀNH CÁM ƠN BBT LỤC BÁT VIỆT NAM ĐÃ CHO ĐĂNG BÀI BÌNH LUẬN ĐỂ MỌI NGƯỜI YÊU THƠ CÙNG ĐỌC!

TRÂN TRỌNG.

Các bài khác: