Thứ sáu, 26/04/2024,


Thoáng trong bối rối (07/04/2017) 

 

TÔI YÊU


Nguyễn Thị Loan




Tôi yêu hạt lúa trĩu bông
Mồ hôi ai nhuộm cánh đồng vàng ong
Yêu đàn có trắng sang sông
Lời ru ấm cả đêm đông mẹ về


Tuổi thơ nâng cánh diều quê
Tôi yêu một thuở đi về bên sông
Yêu sao cái dáng cầu vồng
Hai đầu nỗi nhớ nối dòng thiên thanh


Tôi thầm yêu hạt mưa xanh
Khô khô mái tóc áo anh che đầu
Dịu dàng ánh mắt bồ câu
Thoáng trong bối rối mái đâu tóc mây…


Nguyễn Thị Loan
(Trích trong tập thơ “Gió lạc mùa”
Nhà xuất bản Hội nhà văn – trang 48)


----

Thoáng trong bối rối ( Lời bình: Vương Bảo)
Tặng Nàng Thơ Nguyễn Thị Loan

   Trái Đất và không khí có tự cổ xưa, tưởng như cũ càng. Thế nhưng luôn mới mẻ vì nó gắn chặt với cuộc sống của chúng ta. Tình yêu cũng vậy, luôn có những sắc màu huyền diệu. Ai cũng phải yêu. Không yêu không phải là Ai.
Có một Nàng Thơ đắm mình trong cuộc sống, da diết với miền yêu. Đó là Nguyễn Thị Loan với bài thơ “Tôi yêu”.
Những người đã yêu, đang yêu, sẽ yêu là những người có tâm hồn đẹp. Những người dám hy sinh vì “Yêu là chết ở trong lòng một ít” (Yêu – Xuân Diệu).
Yêu là một khái niệm đa chiều, nhiều bình diện. Có thể là:


Tôi yêu hạt lúa trĩu bông
Mồ hôi ai nhuộm cánh đồng vàng ong


  “Yêu hạt lúa” là tình cảm đẹp. Người ta thường nói “nhất sĩ nhì nông”. Nhưng quan niệm đã được xoay chiều “nhất nông nhì sĩ”. Người làm ra hạt lúa cũng vất vả không kém người làm ra hạt chữ. Làm ra hạt chữ phải chắt bột ngọt của trái tim ướp vào hạt chữ. Làm ra hạt lúa phải lấy mồ hôi nhuộm vào đất để ủ mầm cho hạt lúa sinh sôi. Hình ảnh đẹp “cánh đồng vàng ong” là kết quả của một quá trình vất vả.
   Vẫn hình ảnh rất thơ mộng ở đồng quê bài thơ nối tiếp: “Yêu đàn cò trắng sang sông/ Lời ru ấm cả đêm đông mẹ về”. Những hình ảnh rất đẹp mang tính truyền thống ca dao hay dùng “con cò mà đậu cành tre”, “cái cò lặn lội bờ sông”… Vẳng nghe lời ru trong ký ức ta bỗng nhận ra dòng sông dài rộng, đàn cò trắng đang sải cánh bay sang – Mẹ ta lại về, đêm đông ấm lại. Tình đối với mẹ sâu đậm chẳng gì thay thế được. Quả đất này có biết mấy kỳ quan nhưng trái tim hồng của mẹ là kỳ quan vĩ đại nhất không gì thay thế được!
   Từ yêu hạt lúa vàng đến yêu đàn cò trắng, từ yêu cánh đồng vàng ong đến yêu “lời ru… mẹ về” đã là một trải nghiệm. Cứ ngược dòng thời gian để quá khứ mở ra “Tuổi thơ nâng cánh diều quê/ Tôi yêu một thuở đi về bên sông”. Cánh diều của quê hương bay cao, bay bổng là một ký ức đẹp của hầu hết tuổi trẻ nơi quê Việt và “Tuổi thơ nâng cánh diều quê” là hình ảnh rất lãng mạn. “Tuổi thơ” đã nâng cho cánh diều bay bổng và tuổi thơ đang ở cao chót vót trên kia, tuổi thơ đang thả lòng mình qua cánh diều no gió với bao âm thanh trầm bổng của tiếng sáo diều. Những mơ mộng ấy của tuổi thơ một thời đã qua rồi! Sao mà tiếc thế! Lại còn dòng sông nơi quê mình nữa. Dòng sông gắn với đò ngang, đò dọc nối hai bờ thương nhớ, nối làng trên xóm dưới. Có những người bao năm xa quê, nhớ lắm khi được trở lại đã quá nửa đời phiêu dạt. Họ đã “úp mặt vào sông quê” đã tận hưởng dòng nước ngọt ngào thỏa lòng mong mỏi bấy lâu. Có lẽ nhân vật trữ tình trong dòng thơ cũng vậy. Chắc nàng cũng có những kỷ niệm về “cánh diều quê”, về dòng sông quê êm ả.
  Từ yêu thiên nhiên, yêu cảnh vật – trái tim hồng lại rộn rã những mê say:


Yêu sao cái dáng cầu vồng
Hai đầu nỗi nhớ nối dòng thiên thanh
Tôi thầm yêu hạt mưa xanh
Khô khô mái tóc áo anh che đầu
Dịu dàng ánh mắt bồ câu
Thoáng trong bối rối mái đâu tóc mây…



   Thiên nhiên bỗng lại ùa vào trong những dòng thơ như một nét hội họa “Yêu sao cái dáng cầu vồng/ Hai đầu nỗi nhớ nối dòng thiên thanh”. Ta chẳng thấy câu thơ có màu sắc nhưng lại đậm bảy sắc màu đó là hình ảnh của “dáng cầu vồng”. Hình ảnh đẹp, rất trang trọng và nền nã. Từ hai dòng lục bát tác giả lại mở ra cho ta nhớ đến câu chuyện tình đẫm lệ từ ngày xửa ngày xưa hiện về. (“Chuyện kể rằng có người con gái đẹp nơi núi rừng xanh, nàng có bộ quần áo đẹp nhất thêu bảy sắc màu rực rỡ. Cha mẹ nàng không cho nàng lấy người con trai thông minh tuấn tú mang lốt rắn khi ở nhà. Nàng đã quyên sinh theo người yêu với lời thề: Nếu ai thương tôi, muốn thấy tôi thì ngay sau lúc trời mưa rồi lại nắng, tôi sẽ hiện ra với dáng cầu vồng bảy sắc một đầu cầu vồng ở lưng chừng giời, một đầu hạ xuống mặt đất để tiếp nước cho đỡ khát”). Dáng cầu vồng là một dáng đẹp, đẹp như mỹ nữ. “Hai đầu nỗi nhớ” là nhớ của người yêu với người yêu mà tình yêu thì dài vô tận, đẹp vô cùng đẹp như bầu trời xanh “thiên thanh”.
     

    Nói về tình yêu thì biết bao nhiêu cung bậc, biết bao nhiêu đường nét nghệ thuật. Đây là ẩn dụ để ca ngợi vẻ đẹp của tình yêu: “Tôi thầm yêu hạt mưa xanh/ Khô khô mái tóc áo anh che đầu”. Cuối dòng thơ là một khẳng định “yêu hạt mưa xanh” – mở đầu dòng thơ là một phán đoán “Khô khô mái tóc”. Thực ra, “hạt mưa xanh” là hạt mầm của tình yêu chỉ có tình yêu mới làm cho ta thấy yếu đời và trái tim đã làm cho cái đầu lạnh đi đôi chút. “Thầm yêu” là tình yêu mãnh liệt là một sự ấp ủ đến mê say. “Hạt mưa xanh” có làm ta ướt tóc không nhỉ? Chắc là không. Biết bao người đang yêu, sẽ yêu cũng đang mơ những cơn mưa có “hạt mưa xanh” cho dù có dầm dề ướt át. “Hạt mưa xanh” là một cách nói rất tình cảm, rất thơ. Cũng là một sự tìm tòi sáng tạo của tác giả. Mái tóc anh có ướt đâu mà khô. Cái “khô khô” của mái tóc chính là cái ấm ấm của vạt áo em đấy chứ. Và mạch thơ cứ tha thướt mãi để cho hạt mưa xanh – (hạt tình yêu) ở áo của em đã trao cho anh để anh che đầu cho “khô khô mái tóc”.

 

    Và tình yêu cứ đến trong sự e ấp, ngượng ngùng! “Dịu dàng ánh mắt bồ câu/ Thoáng trong bối rối mái đầu tóc mây…”. Có những ánh mắt đẹp như ánh mắt lá răm, ánh mắt nàng Tây Thi, ánh mắt nàng Mona Lisa… Thế nhưng “ánh mắt bồ câu” là ánh mắt đẹp. Vì nó ngây thơ chưa vướng bụi trần, còn dịu dàng e ấp. “Mắt bồ câu” là cách ví von ngầm ẩn chứa nét đẹp tự nhiên của đất trời ban phát. Ánh mắt là tấm gương để soi những nét đáng yêu nhất của một con người. Tâm hồn đã được sàng lọc và sáng lên qua ánh mắt. Thật là mơ mộng khi thấy “mái đầu tóc mây…”. Dấu chấm lửng là một phép liệt kê những nét đẹp của “tóc mây”, tóc bồng bềnh như mây trời trôi nổi, “tóc mây” cũng là một phép ước lệ trong thơ cổ hay dùng (“Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da” – Kiều).

  “Tôi yêu” là bài thơ lục bát trữ tình của Nguyễn Thị Loan. Với tình yêu nồng ấm: yêu thiên nhiên, yêu cảnh đẹp làng quê. Từ đó mà tình yêu lứa đôi nảy nở. Phải nói thêm bài thơ còn thành công ở điệu thơ lục bát với những hình ảnh đẹp có sức gợi sâu sắc.
Cám ơn nhà thơ Nguyễn Thị Loan đã cho tôi được đọc một bài thơ hay.


Ngày 26/03/2017
Người bình
Vương Bảo
ĐT: 0932.297.399

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - Ngọc NX1939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 20/04/2017 5:19:45)

TÔI YÊU

Tôi yêu đất nước Việt Nam
Truyền thống đánh giặc vẻ vang anh hùng
Lí Thường Kiệt, Vua Quang Trung…
Đống Đa xác giặc chất chồng thành non

Điện Biên giặc Pháp kinh hồn
Pháo đài bay Mĩ chẳng còn huênh hoang
Võ Nguyên Giáp, Hưng Đạo Vương
Đứng trong mười tướng muôn phương tôn sùng

Thế giới phong tặng “anh hùng”
Danh nhân kiệt suất trong lòng thế nhân
Bắt được giặc ta khuyên răn
Cho lương thực, cho tiền ăn mà về

Bá quyền tiểu bá có nghe:
Lời thề “sát thát” vọng về mai sau
Biết chăng thì hãy bảo nhau
Đến đây sứt trán vùi đầu bùn đen
Xuân Ngọc

  Nguyễn Phi Diếu - phidieuvungtau@yahoo.com.vn - 064.3818.817. 09.08. - 286/17 Lê hồng Phong TP Vũng Tàu  (Ngày 18/04/2017 20:45:30)

Kính thưa ban biên tập Trước đây trong tiết mục Lục Bát Xưa và Nay Hay ra Kiều và giải thích chi lý lắm.Được mọi ngườì hâm mộ. Bản thân tôi lấy làm thích thú và quý trọng vô cùng về tài năng sưu tầm và uyên bác về truyện Kiều của bạn. Thế nhưng đến khi đăng đến câu 1225 Thương thay thân phận lạc loài. Dẫu sao cũng ở tay người biết sao! mãi cho đến nay đã mấy tháng. Tôi chờ để xem tiếp thì thấy im ắng kể cả phần giải thích. Rất nhiều người hăm mộ đến hỏi tôi và tắt lưỡi tiếc ngầm
Kính mong ban giải thích lý do sao không tiếp tục nữa. Hoặc xin ban cứ tiếp tục ra cho hết quyển Truyện Kiều Để cho người hâm mộ thỏa mãn.
Nếu cần chi phí chúng tôi xin ủng hộ.Đấy là lời mong ước tận đáy lòng tôi cũng như một số người hâm mộ.
Kính chào ban Hy vọng sẽ được ban tiếp nối
Thay mặt nhóm yêu Kiều ở Vũng Tàu Nguyễn Phi Diếu 88 tuổi

Các bài khác: