Thứ sáu, 29/03/2024,


Hứng thu (Nguyễn Thị Ngọc Mai) (05/02/2017) 



HỨNG THU


Nguyễn Thị Ngọc Mai

 

Ta ngồi hứng giọt thu rơi

Giọt thương, giọt nhớ, giọt vơi, giọt đầy


Giọt sầu, giọt đắng, giọt cay

Chen rơi cùng giọt men say nồng nàn


Con tim bỗng ngập chứa chan

Hứng thu ta hứng… giọt tràn bờ mi!

Hà Nội 29/10/2015


------------------

Lời bình: Xuân Hiến

   Trong bốn mùa: Xuân- Hạ- Thu- Đông, mùa thu thường tác động mạnh mẽ đến tâm trạng con người và nâng các cung bậc cảm xúc lên thành thơ, thành nhạc. Trong tác phẩm “Duyên quê” nồng nàn của Nguyễn Thị Ngọc Mai, tôi bắt gặp tám bài thơ lục bát viết về mùa thu, dù vô tình hay hữu ý ở đây có sự trùng hợp đến lạ lùng giữa chị và “Thánh thi” Đỗ Phủ đời nhà Đường Trung Quốc với tám bài “Thu hứng”. Nếu như chất Đường thi trang nghiêm cổ kính làm nên đỉnh cao vời vợi Đỗ Phủ thì chất thơ lục bát truyền thống mượt mà, ngọt ngào lại đem đến sự thành công của nhà thơ trẻ bởi nó tạo nên hồn cốt của người Việt Nam và bảng lảng sương khói của vùng đồng bằng Bắc bộ. Khi tiết trời vào thu, lòng người cũng trở nên nhẹ nhõm theo bước chiều trầm mặc trôi nhanh vì cơn gió nhẹ êm như gót chân son thiếu nữ, ngày chưa kịp buông mà đêm đã vội tìm tới, bởi vậy trách sao được nhớ, thương cứ ùa về ngập tràn tâm hồn. Sau bài thơ “Hình như thu đã về” khá dài ta bắt gặp bài “Hứng thu” cô đọng đến bất ngờ chỉ ba cặp sáu câu thơ lục bát. Mở đầu là câu lục thể hiện tâm thế của tác giả “Ta ngồi hứng giọt thu rơi”. Từ tư thế “Ta ngồi” tạo nên sự đỉnh đạc, chủ động sẵn sàng đón đợi mọi sự vật, sự việc đem đến, dù đó là điều gì! Tư thế đó cũng khẳng định con người giàu nghị lực, giàu niềm tin vào cuộc sống. Tác giả ngồi đó để “hứng giọt thu rơi” ta bắt gặp “giọt thu” hay giọt đời rơi xuống nhưng đó lại là giọt khác – giọt tâm trạng. Lẽ thông thường người đọc sẽ suy nghĩ sẽ là đặc trưng tinh túy của thu như: Trời cao, mây trắng, lá vàng rơi hay không khí heo may se lạnh. Có người bảo rằng: Ai thích mùa thu thường là người lãng mạn. Nhưng thiết nghĩ, cuộc sống thiếu đi chất lãng mạn, thiếu đi sự quan tâm nhẹ nhàng, thiếu đi những lúc ta sống chậm lại để cảm nhận cuộc sống, cảm nhận nét đẹp của thiên nhiên, con người thì có còn đáng sống không? Bởi vậy cố nhà thơ Xuân Diệu trong bài “Đây mùa thu tới” có viết:

          Thỉnh thoảng nàng trăng tự ngẩn ngơ

Non xa khởi sự nhạt sương mờ

Đã nghe rét mướt luồn trong gió

       Đã vắng người sang những chuyến đò.

     Ta lắng nghe sắc thái, cung bậc tình cảm của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Mai:

  Giọt thương, giọt nhớ, giọt vơi, giọt đầy

       Giọt sầu, giọt đắng, giọt cay

Chen rơi cùng giọt men say nồng nàn

   Điệp từ “Giọt” được nhắc tới 8 lần giống như: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi”. Trừ hai giọt chỉ mức độ “vơi”, “đầy” còn lại là các khía cạnh cảm xúc, có thương, nhớ, sầu, đắng, cay tạo nên vị đời ngòn ngọt hòa mặn chát. Tôi ấn tượng với “giọt men say nồng nàn”. Phải chăng đây là giọt rượu đưa người ta vào cảm giác thăng hoa mà quên đi thực tại? Hay giọt tình đem đến sự ngất ngây. Xin được đồng tình với lời nhận định của một thi sĩ: “Trong nỗi nhớ mênh mang cô quạnh có những giọt buồn rơi rớt xuống thành thơ”. Cách ngắt nhịp câu bát 2/2/2/2 và câu lục thứ 3 2/2/2  tạo nên âm hưởng đều đều như giọt mưa rơi. Với cách liệt kê, tác giả tạo cảm giác cung bậc cảm xúc chảy tràn không bao giờ hết đây cũng là nét sáng tạo dựa trên nền hai câu ca dao dân tộc:

    

Còn trời, còn nước, còn non

Còn cô bán rượu anh còn say sưa.

 

   “Giọt men say” của Nguyễn Thị Ngọc Mai lại “nồng nàn” đem đến sự ấm áp đến nao lòng và dường như ngọn lửa nhiệt huyết trong tim đã bùng lên, điều đó cân bằng được “Giọt sầu, giọt đắng, giọt cay”khiến ta vững tin vào con đường phía trước. Động từ “Chen” ở đầu câu thơ ngoài sắc thái đông đúc, còn tạo ra sự đan xen các sự vật và trung hòa như một chất xúc tác. Trong trạng thái đón đợi “giọt thu rơi” dường như tác giả muốn thời gian ngừng trôi để tận hưởng cảm xúc trào dâng, điều này khác với cách nhìn mùa thu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

 

       Nhìn những mùa thu đi qua

         Em nghe sầu lên trong nắng

Và lá rụng ngoài song

          Nghe tên mình vào quên lãng

                         Nghe tháng ngày chết trong thu vàng.

Nhìn mùa thu đi qua

 

   Mùa thu Hà Nội như cô gái đẹp dịu dàng nhưng cũng có lúc đỏng đảnh để ai nhìn vào cũng thấy đắm chìm trong cảm xúc vừa mơ hồ vừa rất thật. Mùa thu nơi đây hình như đưa nhịp sống chậm lại để ta đón đợi và biểu hiện rung cảm rất thật để có sự trải lòng, Nguyễn Thị Ngọc Mai cũng vậy:

 

          Con tim bỗng ngập chứa chan

Hứng thu ta hứng… giọt tràn bờ mi!

 

    Từ tư thế “ngồi hứng” đến cung bậc “ngập chứa chan” là sự phát triển tất yếu của một tâm hồn nhạy cảm được xem là sống hết mình trong từng khoảnh khắc rất riêng của mùa thu yêu thương xao xuyến. Câu kết bằng sự nhấn mạnh “Hứng thu ta hứng…” tạo nên âm hưởng ngân vang mở ra trong không gian và thời gian cùng với ba dấu chấm gợi lên âm thanh của tiếng chuông chiều êm ả rền vang để rồi cảm xúc được nâng lên đến đỉnh điểm “giọt tràn bờ mi”. Tiếng nói nội tâm cất lên chân thực khi nước mắt lăn trên má. Đỗ Phủ “Thánh thi” đời nhà Đường Trung Quốc trong bài “Thu hứng 1” ở hai câu luận có viết:

 

     Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ

Cô chu nhất hệ cố viên tâm

 

    Được Nguyễn Công Trứ dịch thơ: “Khóm cúc tuôn thêm dòng lệ cũ/Con thuyền buộc chặt mối tình nhà”. Ta bắt gặp sự đồng điệu của hai thi nhân, từ nỗi buồn ngập tràn đến lệ dâng lên khóe mắt. Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Mai biến cung bậc cảm xúc thành “giọt” trìu tượng để rồi thành giọt nước mắt cụ thể, âu cũng là cách sáng tạo của người cầm bút. Điều này khiến tôi nhớ tới bài thơ “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải ông cảm nhận tiếng hót của chim Chiền Chiện vang trời thành: “Từng giọt long lanh rơi/ Tôi đưa tay tôi hứng”. Có thể nói: Những tâm hồn lớn thường gặp nhau.

 

   Bài thơ “Hứng thu” của tác giả Nguyễn Thị Ngọc Mai viết vào tháng 10 tháng của nắng vàng, trời xanh, của những cơn gió heo may xào xạc. Hà Nội ở tháng này xôn xao mùa cốm, nồng nàn hoa sữa đọng mãi trong lòng người. Dù có cố tình phớt lờ nhưng tránh sao khỏi cảm xúc mảnh liệt len vào trong từng nhịp thở, nhịp suy tư và trong từng chiều sâu cảm nhận. Tác phẩm có chút trầm tư, chút thương nhớ, chút đắng cay đã tạo nên “Giọt sầu” đầy vơi và kết thúc bằng lệ “tràn bờ mi” nhưng người đọc không thấy sự bi lụy mà còn thấy được một nghị lực phi thường, một tâm hồn cứng rắn, sẵn sàng đón nhận tất cả để hóa giải, để đi lên bằng niềm lạc quan. Điệp từ “giọt” được nhắc tới 10 lần bên cạnh là những điệp từ “Hứng”, “thu”, “rơi”. Tuy tần số xuất hiện nhiều nhưng không nhàm chán mà còn tạo sự liệt kê, nhấn mạnh thực hiện được ý đồ nghệ thuật của tác giả. Bài thơ ngắn gọn xúc tích nhưng bộc lộ được tâm trạng của chủ thể và Nguyễn Thị Ngọc Mai đã góp một tiếng nói riêng vào mùa thu vùng đất kinh kỳ Thăng Long, Hà Nội.

                            

Nguyễn Xuân Hiến
Hà Nội tháng 12/2016

 

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
  Nguyễn Xuân Ngọc - Ngọc NX1939@gmail.com - 01677225720 - Hiệp Sơn Kinh Môn Hải Dương  (Ngày 25/06/2017 1:25:46)

BUỒN VUI

Ngồi buồn “hứng giọt thu rơi”
Giọt thương giọt nhớ chơi vơi tình buồn

Giọt sầu cay đắng chẳng còn
Đậm đà duyên mới sắt son tình nồng

Niềm vui rạo rực trong lòng
Giọt thu dẫu muộn ước mong vẹn tròn
Xuân Ngọc

Các bài khác: