Thứ bảy, 20/04/2024,


Đến với bài thơ hay "Người quê" của Phương Thảo (15/11/2016) 



NGƯỜI QUÊ



 

Tôi là người của làng quê
Chân đi lạc lối rơi về phố đông
Bao năm cũng tía, cũng hồng
Ngỡ ngàng dáng phố, mà lòng vẫn quê

Đêm đêm tôi vẫn nằm mê
Cái làng tôi đó, bốn bề tre xanh
Đường làng mấy khúc uốn quanh
Cây đa, bến nước, mái đình rêu phong

Mò cua bắt ốc trên đồng
Chăn trâu, cắt cỏ, lượn vòng sông kênh
Đồng làng xanh đến là xanh
Con đê uốn khúc, tường thành mới xây

Phù sa đỏ sậm đường cày
Nao nao luống đất vui bầy sáo đen
Cánh diều no gió bay lên
Vi vu tiếng sáo cho mềm lòng nhau

Quê tôi dù chửa nên giàu
Người quê nghĩa nặng tình sâu ruột rà
Gặp nhau chào hỏi từ xa
Buồn vui cả xóm vào ra chật đường

Người quê đi đến trăm phương
Lòng riêng vẫn chỉ một phương quê nhà
Dù bất hạnh, dù vinh hoa
Bạc đầu mãi cứ vẫn là người quê! ...

PHƯƠNG THẢO
* Bài thơ rút trong tập thơ "THAO THỨC ĐỒNG QUÊ"
* - Bài thơ đã được truyền hình dàn dựng "ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY"

 

LỜI BÌNH


    Vốn xuất thân là người con của một miền quê nghèo Xứ Nghệ nên nhà thơ Phương thảo mới hiểu sâu sắc NGƯỜI QUÊ đến vậy. Cả bài thơ như một lời trần tình chân thành mà tha thiết của người con tha hương.
    Con người làng quê Việt Nam là vậy, khi đi khỏi lũy tre xanh là li hương , là tha phương cầu thực. Xa quê ai cũng đau đáu một nỗi niềm về quê hương vì nơi ấy là chôn nhau cắt rốn của ta.
Một sắc nắng, một ánh trăng, một làn khói mơ quyện hòa trong hoàng hôn bãng lãng tất cả đều mang nét đặc trưng mà đó là của quê mình...
Bởi thế, cái tình của người đi xa luôn đau đáu hướng về quê nhà, nơi ấy có mẹ cha, có bà con thân thích, nơi ấy là cội nguồn gốc rễ yêu thương.


"Anh đi anh nhớ quê nhà
nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
Nhớ ai giải nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao"
( Ca dao)

  Cái nỗi nhớ ấy không chỉ gói gọn trong con người cụ thể mà được mở rộng ra trong tầm thức: Đó là người làng mình, là người đồng mình.
mà như nhà thơ Giang Nam có viết
" ...Tôi nhớ cả những người không quen biết..." Cứ ngỡ như là một phi lí nhưng đó là cái tâm cái tình và nỗi nhớ quê da diết đến thế.
Một sắc nắng một hương trời, có khi nỗi nhớ ấy trở thành khao khát ngỡ như chạm vỡ vào từng thớ vỏ:
Tôi nhớ lắm cái mùi nồng mặn ấy
( Tế Hanh)
    Với Tác giả Tế Hanh cái nỗi nhớ miền quê xứ biển ấy như tan hòa vào máu thịt trở thành một nét đặc trưng trong tâm tưởng nhà thơ.
Với anh Phương Thảo cũng vậy, không chút màu mè và hoa mĩ, ngay từ lời đầu bài thơ anh đã giới thiệu mình một cách chân thành:


"Tôi là người của làng quê
Chân đi lạc lối rơi về phố đông
Bao năm cũng tía, cũng hồng
Ngỡ ngàng dáng phố, mà lòng vẫn quê
Đêm đêm tôi vẫn nằm mê
Cái làng tôi đó, bốn bề tre xanh
Đường làng mấy khúc uốn quanh
Cây đa, bến nước, mái đình rêu phong"
Một lời khẳng định chắc chắn mà hồn hậu:
:"Tôi là người của làng quê
Chân đi lạc lối rơi về phố đông"


    Một chút trách mình chăng? không phải, anh đang nói rất thật về lòng mình. Những đổi thay của mỗi con người khi đi xa là điều có thật"


"Bao năm cũng tía, cũng hồng
Ngỡ ngàng dáng phố, mà lòng vẫn quê"


    Nhà thơ đang tự trần tình với mình. Một chút đổi thay trong cách sống và dáng vẻ của con NGƯỜI QUÊ nhưng không hề đánh mất mình.Thẳm sâu vẫn cái hồn cốt "Người quê" không hề phai nhạt:
    Những nghịch lí ấy chính là sự chiêm nghiệm, cảm nhận từ chính tâm hồn của NGƯỜI QUÊ mà tác giả đã nói lên bằng cả tâm tình dung dị và tình cảm chân thành nhất.
    Với anh Phương Thảo, chỉ có một tình yêu tha thiết quê hương thì anh mới có những nỗi niềm đằm sâu đến vậy. Bởi hơn ai hết , tác giả đã hiểu chân thật giá trị của cuộc sống nơi mãnh đất quê mình. Để có bát cơm cho con qua ngày ba tháng tám cha mẹ một đời phải vất vả "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời." Hạt gạo ba trăng mẹ xay giã dần sàng thấm đẫm mồ hôi áo nâu sồng bạc thếch.
    Những mùa mưa lũ, những ngày đồng khô nứt nẻ gương mặt mẹ thắc thỏm lo âu.


" Con lớn lên vô tư ngày ấy
Hiểu gì đâu mắt mẹ rạn chân chim"
( Trần văn Lợi)


    Cái tuổi thơ ăn chưa no, lo chưa xa đâu hiểu hết đâu những nhọc nhằn khó khăn cay cực của mẹ cha.
Chính vì thế khi xa hương mỗi con người càng thấy thấm thía. Từ láy " Đêm đêm " như một sự khảng định nỗi nhớ ấy đã trở nên thường trực thành niềm day dứt khôn nguôi.


.
"Đêm đêm tôi vẫn nằm mê
Cái làng tôi đó, bốn bề tre xanh
Đường làng mấy khúc uốn quanh
Cây đa, bến nước, mái đình rêu phong"


    Một làng quê thanh bình như bao làng quê Việt Nam khác. Bóng tre xanh mát rượi , con đường làng uốn lượn quanh quanh và bóng cây đa, bến nước con đò nơi chứng nhân cho những mối tình quê đẹp đẽ. Tất cả như lung linh và trở thành niềm thương trong cõi nhớ.
Cùng với ký ức cứ xô đẩy nhau sống dậy cả đoạn thơ như thước phim quay chậm, tác giả tả thật chân thành cuộc sống mưu sinh của người làng quê nói chung hay chính tác giả đã đi qua tuổi thơ của mình với những lấm láp nhọc nhằn cùng cha mẹ trên ruộng đồng.


"Mò cua bắt ốc trên đồng
Chăn trâu, cắt cỏ, lượn vòng sông kênh"


    Đoạn thơ vừa bức trang tả thực nhưng cũng là khúc tâm tình của nhà thơ gửi gắm. Con người quê anh là vậy, cần cù chịu thương, chịu khó để rồi mang về những thành quả cho cuộc sống đi lên. Cái nghèo, cái khó rồi cũng đi qua bởi con người biết yêu tha thiết với công việc đồng mình.
Những câu thơ vừa chân thật những cũng giàu chất thi vị, đẹp trong niềm vui cuộc sống và lạc quan. Khổ thơ vút lên như tình yêu chất ngất:


"Đồng làng xanh đến là xanh
Con đê uốn khúc, tường thành mới xây
Phù sa đỏ sậm đường cày
Nao nao luống đất vui bầy sáo đen
Cánh diều no gió bay lên
Vi vu tiếng sáo cho mềm lòng nhau"


    Có một quê hương đẹp, con người quê cần cù nhẫn nại, không chỉ thế với anh con người quê anh đẹp hồn hậu trong cả tâm tình.
củ khoai bát nước mà ấm tình làng nghĩa xóm.
     Tác giả giới thiệu về cái tình của NGƯỜI QUÊ bằng cả một niềm say mê và đầy tự hào đến lạ. Cái giàu có nhất ấy là cái tình cái nghĩa, là sự vồn vã , ân tình thủy chung là sự sẻ chia cùng nhau qua gian khổ hoạn nạn. Đó chính là cái lõi để làm nên hồn cốt của NGƯỜI QUÊ. Nên dãu đi đâu về đâu , làm gì " cái Chất, cái Hồn " NGƯỠI QUÊ không hề trộn lẫn.


"Quê tôi dù chửa nên giàu
Người quê nghĩa nặng tình sâu ruột rà
Gặp nhau chào hỏi từ xa
Buồn vui cả xóm vào ra chật đường"


    Từ niềm tự hào và khổ cuối bài thơ như là một sự khẳng định dẫu đi đâu về đâu, cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả nhưng con NGƯỜI QUÊ vẫn không đánh mất mình, vẫn nặng nghĩa tình với quê hương.


"Người quê đi đến trăm phương
Lòng riêng vẫn chỉ một phương quê nhà
Dù bất hạnh, dù vinh hoa
Bạc đầu mãi cứ vẫn là người quê! ."..


    Cảm ơn nhà thơ Phương Thảo anh đã thay mặt những người con đi xa nói hộ lòng mọi người


"       Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mà thôi
      Quê hương nếu ai không nhớ
     Sẽ không lớn nổi thành người"


     Bài thơ mang một giá trị vĩnh hằng bởi đó là tiếng lòng đầy trách nhiệm và lương tâm của người con với quê hương có sức mạnh cỗ vũ con người sống cần có trách nhiệm với quê hương.
    Chúc nhà thơ chân cứng đá mềm, tiếp tục con đường hành trình để có nhiều tác phẩm hay cống hiến cho quê hương đất nước, những tác phẩm sống và mang hơi thở thời đại. Cảm ơn anh thật nhiều đã đưa đến cho mọi người một bài thơ về tình quê tha thiết


Trương Lan Anh

 

 

Chia sẻ:                   Gửi cho bạn bè
Mỗi độc giả cũng là một tác giả
(Mời bạn cho ý kiến, cảm nhận và lời bình sau khi đọc bài viết trên)
Họ và tên  *
Địa chỉ  *
Email  *
Điện thoại  *
Nội dung (bạn cần sử dụng font chữ Unicode, có dấu; ghi đầy đủ họ tên, địa chỉ, email, điện thoại,... Nếu thiếu các thông tin đó, có thể chúng tôi sẽ từ chối cho hiển thị
 
Các bài khác: